logo-maybe-vn
Mở app

Nghệ thuật Hồi giáo đã ảnh hưởng đến một trong những cái tên nổi tiếng nhất giới trang sức như thế nào?

Trong 175 năm, từ “Cartier” đã trở thành biểu tượng cho sự quyến rũ và vẻ đẹp tinh tế đến từ nước Pháp, từ những viên kim cương khổng lồ cho đến những chiếc đồng hồ được thiết kế chi tiết. Nhưng một phần trong phong cách đặc trưng của nhà kim hoàn này không phải là cây nhà lá vườn, mà được lấy cảm hứng từ nghệ thuật phức tạp và đa dạng của thế giới Hồi giáo.

Vương miện làm từ bạch kim, kim cương và ngọc lam. Cartier London, đơn đặt hàng đặc biệt, 1936. ...
Vương miện làm từ bạch kim, kim cương và ngọc lam. Cartier London, đơn đặt hàng đặc biệt, 1936. ...

Một cuộc triển lãm mới tại Bảo tàng Nghệ thuật Dallas (DMA) đưa người xem khám phá cách nghệ thuật Hồi giáo đã ảnh hưởng đến nhà trang sức xa xỉ của Pháp và giúp Cartier trở thành một cái tên quen thuộc trên toàn thế giới như thế nào. 

Hơn 400 đồ vật — từ những chiếc vương miện lấp lánh đến những bức ảnh lịch sử và các tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo từ bộ sưu tập của DMA sẽ kể cho chúng ta câu chuyện về sự phát triển phong cách của Cartier vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Người phụ nữ nhào lộn, Iran, đầu thế kỷ 19. Bộ sưu tập Hossein Afshar tại Bảo tàng Mỹ thuật, ...
Người phụ nữ nhào lộn, Iran, đầu thế kỷ 19. Bộ sưu tập Hossein Afshar tại Bảo tàng Mỹ thuật, ...

 Mối tình của Cartier với nghệ thuật Hồi giáo bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, khi các nghệ sĩ và thương gia Trung Đông bắt đầu mang nghệ thuật và đồ cổ của họ đến triển lãm ở các thành phố lớn ở châu Âu. 

Louis J. Cartier, cháu trai của người sáng lập Cartier, Louis-François Cartier, đã tham dự những buổi trình diễn đó và trở nên say mê với các hoa văn, hình dạng, màu sắc và cấu trúc của nghệ thuật Hồi giáo. Em trai của ông, Jacques Cartier đã phát triển mối liên hệ tương tự như anh trai mình, nhưng với phong cách nghệ thuật riêng biệt, sau khi đi du lịch đến Ấn Độ vào mùa đông năm 1911-12.

Khi họ mở rộng công việc kinh doanh của gia đình trên khắp thế giới, hai anh em bắt đầu kết hợp các hình thức nghệ thuật Hồi giáo vào các sản phẩm cao cấp của họ như vòng tay, đồng hồ, trâm cài, vòng cổ, nhẫn...

Bình nước, cuối thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11, được làm từ thạch anh, trang trí bằng vàng tráng men ...
Bình nước, cuối thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11, được làm từ thạch anh, trang trí bằng vàng tráng men ...

Anh em nhà Cartier, Louis, Jacques và Pierre, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa Ấn Độ, Iran, Bắc Phi, Bán đảo Ả Rập và nhiều vùng đất Hồi giáo khác, để phát triển phong cách đặc trưng của thương hiệu Cartier, kết hợp với các phong cách thịnh hành đương thời, từ Neoclassicism (Tân cổ điển) đến Art Nouveau (Tân nghệ thuật) và Art Deco (Trang trí nghệ thuật). 

Ví dụ, dòng Tutti Frutti đầy màu sắc của Cartier trong những năm 1920 và 30, là sự kết hợp hồng ngọc, ngọc lục bảo và ngọc bích trong hình dạng của hoa, quả mọng và lá, vốn là kiểu trang trí thường thấy trong các món đồ trang sức truyền thống thời Đế chế Mughal, Ấn Độ.

Trang sức thuộc dòng Tutti Frutti
Trang sức thuộc dòng Tutti Frutti

 Một trong những món đồ trang sức nổi tiếng nhất của Cartier là viên kim cương Hope màu xanh lam nặng 45,52 carat, được khai thác vào cuối thế kỷ 17 tại Vương quốc Hồi giáo Golconda, Ấn Độ. Jean-Baptiste Tavernier, người đã mang viên kim cương về Pháp, đã đi qua Ba Tư và Ấn Độ nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình. Những câu chuyện của ông về thế giới Hồi giáo khiến người Pháp mê mẩn và là một trong những lý do được sử dụng để biện minh cho việc Pháp mở rộng thuộc địa sang Bắc Phi và Ấn Độ.  

Viên kim cương bị nguyền rủa Hope
Viên kim cương bị nguyền rủa Hope

Mặc dù cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Dallas tập trung vào những món đồ trang sức siêu sang mà ít người có thể mua được, không có khả năng thay đổi thế giới hoặc xoa dịu căng thẳng địa chính trị giữa Đông và Tây, nhưng có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nền văn hóa khác nhau, như chuyên gia nghệ thuật Hồi giáo Sabiha Al Khemir nói với Amy Crawford của Smithsonian vào năm 2010.

Hộp đựng thuốc lá, Cartier Paris, 1930, làm từ vàng, ngọc lưu ly, ngọc lam, kim cương.
Hộp đựng thuốc lá, Cartier Paris, 1930, làm từ vàng, ngọc lưu ly, ngọc lam, kim cương.

(theo tạp chí Smithsonian)

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)