Chiếc Thang Cao Màu Xanh – Vì tình yêu là thứ không biết đến sự ra đi
Cảnh báo: Review có tiết lộ nội dung sách.
__
Gong Ji-Young là một cái tên quen thuộc với độc giả yêu thích văn học Hàn Quốc ở Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm của cô đã được dịch sang tiếng Việt như: Dù Con Sống Thế Nào Mẹ Cũng Luôn Ủng Hộ, Công Thức Nấu Ăn Dành Tặng Con Gái, Cá Thu, Yêu Người Tử Tù… Các tác phẩm của Gong Ji-Young được giới chuyên môn đánh giá cao và đã đem lại cho cô nhiều giải thưởng danh giá: Giải văn học Hàn Quốc thế kỉ 21 lần thứ 7 (2001), giải văn học Tiểu thuyết lần thứ 27 của Hiệp hội Nhà văn Hàn Quốc (2001), giải văn học Oh Young Soo lần thứ 12 (2004), giải văn học Yi Sang (2011)...
Gong Ji-Young được coi là “một trong bốn nữ nhà văn đương đại có sức ảnh hưởng lớn trên văn đàn Hàn Quốc”. Với Chiếc Thang Cao Màu Xanh, ngòi bút của cô tiếp tục đi sâu vào việc tìm hiểu bản chất của cuộc sống và tình yêu, qua đó bộc lộ những chiêm nghiệm mang màu sắc tôn giáo.
Tóm tắt nội dung:
Tiểu thuyết bắt đầu bằng tình yêu đầy đau khổ của tu sĩ Yo Han với một cô gái tên là So Hee. Mối tình này khiến Yo Han cảm nhận được niềm hạnh phúc chưa từng có, song đồng thời cũng khiến anh dằn vặt và nếm trải nhiều khổ đau: Yo Han là người của Chúa Trời và So Hee đã có vị hôn thê rất yêu thương mình. Có lúc, anh cảm thấy mình là người bất hạnh nhất trên đời. Thế nhưng sau khi được nghe kể tâm sự của những người khác, rốt cuộc Yo Han đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống và đi gần hơn tới sự cứu rỗi. Anh nghiệm ra ý nghĩa thật sự của tình yêu.
Đi hết từ câu chuyện này tới câu chuyện khác, Chiếc Thang Cao Màu Xanh mở ra muôn vàn suy nghĩ cho người đọc từ các sự kiện xảy ra ở những khoảng không – thời gian khác nhau. Và khi đọc đến trang cuối của tác phẩm, ta sẽ thấy các ý nghĩa ấy đều đồng quy tại một điểm: Vẻ đẹp con người khi đấu tranh vì chân lí và sự cứu rỗi của tình yêu.
Cảm nhận cá nhân:
Chiếc Thang Cao Màu Xanh là câu chuyện về niềm tin tôn giáo, sức mạnh của tình yêu, chiến tranh và những nỗ lực phi thường của con người trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Có nhiều triết lý được gửi gắm, nhưng sâu sắc và bao quát nhất vẫn là triết lý: Cuộc đời này không thiếu những đau khổ, thử thách, và việc con người khuất phục và gục ngã chính là điều cái ác muốn. Chúa để ta đối đầu với những điều ấy chẳng phải vì ngài ghét chúng ta, mà ngài muốn ta không sống một cách vô nghĩa. Khi tranh đấu, chúng ta sống với tất cả sức mạnh và niềm khao khát của mình.
Có một câu hỏi xuyên suốt Chiếc Thang Cao Màu Xanh, mà mình nghĩ đó cũng là câu hỏi mà nhân loại đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong hàng ngàn năm nay: “Tại sao? Tại sao lại như thế?”. Khi những khó khăn và thử thách vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người, khiến người ta phải hoài nghi những niềm tin, những điều tưởng như chẳng thể suy chuyển, thì cái câu hỏi ấy lại bật ra, để ta đi tìm những ngã rẽ, kiến tạo những con đường mới và đến gần hơn với bản chất của cuộc sống.
Trong Chiếc Thang Cao Màu Xanh, có rất nhiều những tình huống oái oăm, tàn nhẫn đến chừng như phi lý xảy ra với các nhân vật, khiến họ phải thốt lên “Trời ơi, tại sao?”.
Với Yo Han, đó là tình yêu cháy bỏng khiến anh thao thức, trằn trọc với cô gái So Hee. Dù cảm xúc đến từ hai phía nhưng giữa họ vẫn có muôn vàn trở ngại mà chẳng thể vượt qua, cuối cùng họ đã nếm trải nỗi đau đớn còn nhiều hơn là niềm hạnh phúc khi ở bên nhau. Với tu sĩ Michael, đó là sự thất vọng với hệ thống nhà thờ, buộc anh phải đặt ra câu hỏi chất vấn và trở nên “nổi loạn” để đi theo con đường mà mình cho là đúng. Anh không hiểu tại sao nhà thờ có thể làm ngơ trước những người khốn cùng, mà bản thân anh lại chỉ muốn trở thành một tu sĩ nghèo để chia sẻ nỗi khốn khó ấy cùng họ.
Với bà của Yo Han, đó là cảnh chiến tranh thảm khốc khiến con người ta không thể tưởng tượng được vì đâu mà nó lại xuất hiện, để rồi những người thân yêu phải lìa xa nhau một cách đau đớn, gây ra chấn thương tinh thần mãi mãi không thể lành được. Với linh mục Marinus, đó là cảnh những khuôn mặt tuyệt vọng cố leo lên tàu trên bến cảng Heungnam, nhưng ông lại không thể cứu hết được những con người khốn khổ đó. Với cha Thomas, đó là những ngày bị tra tấn, đánh đập như địa ngục khi ông và những người cùng chí hướng đi truyền đạo tới Hàn Quốc, và ông không hiểu vì sao Chúa lại để những điều họ làm trở thành lí do cho cái ác hoành hành…
Tại sao, tại sao tất cả những chuyện này lại xảy ra? Tại sao hai người yêu nhau nhưng những gì họ có được lại toàn dằn vặt và khổ đau? Tại sao nhà thờ lại đi ngược lại với ý nghĩa cốt lõi ban đầu của nó? Tại sao con người có thể tàn nhẫn với nhau đến thế, trong khi cũng có thể yêu thương lẫn nhau đến thế? Khi khủng hoảng niềm tin, ta phải đi tìm đáp án ở nơi nào?
Không gian trong Chiếc Thang Cao Màu Xanh không phải không gian xã hội (đường phố, siêu thị…) như phần lớn văn học Hàn Quốc đương đại đề cập đến, mà chủ yếu là không gian tôn giáo (nhà thờ, tu viện), không gian của ký ức (bến cảng nơi những người tị nạn Hàn Quốc đổ xô đến, hay nơi mà những tu sĩ truyền đạo bị tra tấn).Và cũng bởi không gian tôn giáo được lấy làm không gian chủ đạo, nên việc chất vấn niềm tin của con người chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ này.
Trong Chiếc Thang Cao Màu Xanh, tôn giáo đã thực hiện một cách khiêm tốn mà trọn vẹn chức năng của nó: vừa là nơi để con người ký thác, gửi gắm niềm tin và hi vọng, vừa là đòn bẩy để thôi thúc con người quay lại hoài nghi và chất vấn các giá trị quan, từ đó tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình. Những nhân vật trong câu chuyện này, họ có thể sùng bái Chúa, tuy nhiên cũng có thể nghi ngờ và khước từ những lời răn của Chúa. Họ có thể được tôn giáo cứu rỗi, song cũng có thể là người không thể đạt được sự cứu rỗi ấy như kỳ vọng.
“Bọn ta là những người từ tu viện Đức được phái đến nơi này theo ý của Chúa Trời […] Bọn ta đã xây trường học, dạy dỗ lũ trẻ và lập phòng in ấn, làm sách. Thế mà bây giờ lại bị ngồi trong phòng giam vừa chật hẹp lại không thông khí, không chịu đựng nổi nhiệt độ cơ thể nhau và bị ám ảnh trong nỗi tuyệt vọng trong khi không biết được chính xác tội trạng của mình là gì. Khi nhìn thấy bộ dạng của bản thân dùng tay nhận nắm cơm với nước canh muối, nổi lềnh phềnh những cọng bắp cải bẩn rồi trệu trạo nhai, vì mấy gáo nước của lũ quản ngục đùa cợt rưới cho mà tranh đứng lên chỗ này, đứng lên chỗ kia, thậm chí còn giẫm đạp lên chính các anh em yếu đuối của mình, khi ấy ta đã lần đầu hỏi Chúa, tại sao? Rốt cục tại sao? Tại sao cơ chứ!”
Đối với mình, câu chuyện của tu sĩ Thomas về quãng đời hành hương truyền đạo của ông là một câu chuyện đầy ám ảnh. Ông kể chuyện này cho Yo Han vào những năm cuối đời, khi đang nằm trên giường bệnh, với một thái độ thành kính và từ tốn, bởi rằng ông chính là một trong những người đã chiến thắng thử thách ấy. Và bởi, ông đã yêu. Tu sĩ Thomas kể rằng, có một tu sĩ đã đồng hành cùng ông trong những ngày tháng ấy, nhưng tiếc thay, đã nằm lại. Tuy nhiên người ấy không hề đầu hàng số phận dù họ đã bị tra tấn và sống đời cực khổ đến đâu, bởi người ấy đã không ngừng đấu tranh và yêu thương, người ấy đã tránh được mục đích của cái ác.
“… chỉ cần có tình yêu thì chúng ta sẽ không phải là sự tồn tại vô nghĩa.”
“Giờ đây cái ác tiếp cận tới chúng ta qua rất nhiều diện mạo khác nhau. Chúng như thứ vũ khí không tiếng động, đến để đánh ngã từng người trong chúng ta. Thứ mà bọn chúng muốn ở chúng ta chỉ có một. Đó là sự vô nghĩa.”
Đọc Chiếc Thang Cao Màu Xanh, mình hiểu thêm được sự hiện diện của Kitô giáo trong đời sống người Hàn Quốc, cũng như những phẩm chất của người dân xứ sở này, những người dù bị đẩy đến tột cùng sợ hãi nhưng vẫn lặng lẽ ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ leo khỏi con tàu cứu nạn trước tiên. Mình cũng thấy được cách con người tranh đấu vì tự do, lẽ phải và vùng dậy khỏi những áp bức, bùn nhơ. Mình sẽ không bao giờ quên được tình cảm của những người ngoại quốc như tu sĩ Marinus, khi đưa những người tị nạn Hàn Quốc khỏi bến cảng Heungnam ấy, ông đã nói mình sẽ cầu nguyện cho hơn mười bốn nghìn con người mỗi ngày, cho đến tận lúc ông chết.
Mình cũng sẽ không bao giờ quên được sự biết ơn, tình cảm đẹp đến vô cùng của người phụ nữ được Yo Han cứu giúp khi đang tuyệt vọng và định kết liễu đời mình. Cô gái ấy đã đặt tên con mình theo tên Yo Han và nói sẽ cầu nguyện cho anh suốt đời. Hay hình ảnh ông nội Yo Han ở lại bến cảnh Heungnam vì nhường đường lên thang cho một cặp mẹ con và mãi mãi không thể đón chính đứa con của mình chào đời… Những sự hi sinh và yêu thương đã giúp con người cứu rỗi lẫn nhau, giúp họ có sức mạnh đấu tranh, và không sống một cách vô nghĩa.
Mình đã đọc rất nhiều cuốn sách viết về tình yêu và sự tranh đấu, nhưng Chiếc Thang Cao Màu Xanh là một tiểu thuyết đặc biệt mà mình không thể đánh đồng với bất cứ tác phẩm nào khác. Gong Ji-Young viết với một sự yêu mến và trân trọng con người một cách cực kỳ đáng quý. Tác phẩm này khiến mình muốn yêu, yêu, và yêu nhiều hơn, yêu cuộc sống, yêu con người và chấp nhận những thử thách mà cuộc đời đặt ra.
Chắc chắn rồi sẽ có lúc mà chúng ta phải bật thốt “Trời ơi, tại sao?”, và rất nhiều lần “Trời ơi, tại sao?” như thế xảy ra. Nhưng con đường đi tới chân lý và sự tự do bao giờ cũng lắm chông gai và cái ác, và vì vậy, chỉ cần ta kiên trì tranh đấu thì chắc chắn rồi sẽ vượt qua tất cả. Ngay nhan đề tác phẩm – Chiếc Thang Cao Màu Xanh, cũng là một ẩn dụ rất thú vị. Chiếc thang ấy là cầu nối từ hiện tại tới tương lai, từ cái chết đến sự sống, mặt đất tới thiên đường, từ sự cầm tù đến ngưỡng tự do chân chính… Khi leo thang, sẽ có lúc ta cảm thấy mỏi mệt, muộn phiền, thậm chí tuyệt vọng (Màu xanh – The Blue, cũng có nghĩa là nỗi buồn, niềm u sầu), nhưng khi đến được đích, ta sẽ đạt được sự cứu rỗi vẫn hằng khao khát.
“Tình yêu là thứ không thể mất đi được. Vì tình yêu là thứ không biết đến sự ra đi.”
Hôm nay khi viết những chia sẻ này cùng bạn, mình lại càng tin vào tình yêu và cuộc sống hơn nữa. Tuy rằng thế gian là một nơi ngập tràn khổ đau, nhưng nó cũng tràn ngập ánh sáng. Đây là một thế giới đáng sống biết bao, đáng để đấu tranh biết bao.
Đánh giá: 5/5
- 2063
- 0Bình luận