logo-maybe-vn
Mở app

Nét đẹp của "tha thu" trong đôi mắt các nhà thiết kế thời trang

Dù cùng đóng vai trò thẩm mỹ và khẳng định cá tính, nghệ thuật xăm và thời trang từng như “hai đường thẳng song song” trong thời gian dài. Xuyên suốt nhiều thập kỷ, hình xăm không tìm được chỗ đứng trong trái tim của thời trang, cho đến khi nhà thiết kế Issey Miyake cho ra mắt bộ sưu tập Thu - Đông 1971 tại New York.

Kể từ đó, ngành thời trang dần “xiêu lòng” trước sức hút của nghệ thuật xăm. Sau Miyake, nhiều nhà thiết kế cũng bắt đầu lấy cảm hứng và làm mới nét đẹp của “tha thu” để tạo ra những bộ sưu tập ấn tượng.

Issey Miyake FW71 Tattoo

Tattoo được nhận xét là bộ sưu tập có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của nhà thiết kế Issey Miyake. Bộ sưu tập cho thấy sự giao thoa giữa văn hóa irezumi lâu đời của Nhật Bản với nghệ thuật đương đại và trào lưu hippie của giới trẻ lúc bấy giờ.

Cho đến thời điểm Tattoo ra mắt, hình xăm ở Nhật Bản vẫn bị gắn liền với những băng nhóm tội phạm yakuza. Với Tattoo, Issey Miyake đã mang những biểu tượng thường bị giấu sau lớp vải đó in lên bề mặt trang phục, thể hiện ý tưởng phá vỡ hoặc lật đổ định kiến.

Jean-Paul Gaultier SS94 Les Tatouges

Les Tatouages là một trong những bộ sưu tập “huyền thoại” của Jean-Paul Gaultier, trong đó pha trộn di sản từ nhiều nền văn hóa, từ Pháp đến châu Phi, đi qua Ấn Độ tới Đông Nam Á. Theo Vogue, bộ sưu tập này thể hiện “tầm nhìn đáng kinh ngạc về sự hài hòa giữa các nền văn hóa”.

Jean-Paul Gaultier cho in các mẫu hình xăm lên vải xuyên thấu và da người mẫu, tạo ra một ma trận “tầng lớp” đầy thẩm mỹ và sang trọng. Cho đến hôm nay, những thiết kế nằm trong bộ sưu tập Les Tatouages vẫn thuộc hàng top những tác phẩm được “săn lùng” nhất của Gaultier.

Comme des Garçons Homme Plus FW15

Homme Plus FW15 ra mắt sau sự kiện Charlie Hebdo, khi mà Paris còn chìm trong không khí tang thương và u ám. Hợp tác cùng nghệ sĩ xăm Joseph Ari Aloi (hay JK5), nhà thiết kế Rei Kawakubo đã tái hiện lại tâm trạng nặng nề đó của thành phố trong bộ sưu tập.

Ở quê hương Nhật Bản của Kawakubo, màu trắng tượng trưng cho cả hai cực của đời người: chào đời và ra đi. Giữa những đường nét lộn xộn phủ kín nền vải trắng, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ “Born to Die” và những biểu tượng tôn giáo. Tất cả hình ảnh đó được sử dụng để tưởng nhớ những người đã mất trong vụ tấn công, đồng thời gợi nhắc người xem về sức nặng của ký ức, của mối liên hệ cảm xúc và của những hậu quả để lại. 

Louis Vuitton Menswear SS11

Louis Vuitton Menswear SS11 ra đời dưới sự chỉ đạo của giám đốc sáng tạo Paul Helbers. Bộ sưu tập này tôn vinh vẻ đẹp phóng khoáng của những vị du khách thích khám phá thế giới.

Trong Louis Vuitton Menswear SS11, các hình xăm được in xen kẽ với hoa văn cổ điển của thương hiệu, trên khăn choàng, sơ mi ngắn tay và cả cơ thể người mẫu. Theo tạp chí nss, những thiết kế của Paul Helbers gợi nhớ về chủ nghĩa exoticism* - không còn phù hợp với quan điểm hiện nay nhưng được đánh giá khá cao tại thời điểm đó.

*Exoticism bắt nguồn từ tính từ exotic (đẹp vì lạ), được dùng để chỉ sự yêu thích đối với những sự vật/con người khác biệt, đến từ những đất nước xa xôi (so với phương Tây).

Vetements SS19

Nhà thiết kế Demna Gvasalia đã giới thiệu bộ sưu tập Xuân - Hè 2019 của Vetements trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang cao cấp Paris, lấy cảm hứng từ gia đình và chiến tranh. Thông qua bộ sưu tập, Gvasalia đối mặt với nỗi tức giận, sợ hãi và đau đớn của bản thân, bắt nguồn từ thời thơ ấu bị giày xéo bởi cuộc chiến xảy ra ở Georgia những năm 90.

Hình xăm in trên những chiếc áo màu nude và vẽ trên làn da người mẫu được Demna mô phỏng từ những hình xăm mà tội phạm trong các nhà tù ở Georgia sử dụng như biểu tượng quyền lực. Tạp chí nss cho rằng đây là bộ sưu tập “iconic” nhất của Vetements, cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp của Demna.

– Tham khảo: nss magazine, Vogue, Dazed

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
395

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)