logo-maybe-vn
Mở app

Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta? - Một góc nhìn về mặt tối của thế giới mạng

Nicholas Carr là nhà văn người Mỹ nổi tiếng với nhiều cuốn sách và bài báo về công nghệ, kinh doanh và văn hóa. Cuốn sách Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta? của Nicholas Carr đã được đề cử Giải thưởng Pulitzer năm 2011 về Sách phi hư cấu nói chung.

Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta? nói về cách Internet làm phân tán tư duy của con người. Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta từng cảm thấy khó tập trung để đọc từng dòng chữ một trên màn hình điện thoại hoặc thấy bồn chồn sau khi lật giở hai trang sách và vội nhìn quanh tìm việc gì khác để làm. Nicholas Carr cũng không phải là ngoại lệ đối với những cảm giác ấy. Ông thấy rằng Internet đóng một vai trò lớn trong hiện tượng này.

Carr kinh hoàng trước cách máy tính phá hủy khả năng tập trung. Màn hình điện tử giống như một hệ sinh thái công nghệ, khuyến khích chúng ta học tập, xem phim, mua sắm, chat chit cùng một lúc. Chúng ta lảo đảo từ trang này sang trang khác, chỉ vì chúng ta liên tục khao khát niềm vui thoáng qua của thông tin mới. Thế giới trực tuyến phơi bày khả năng chú ý yếu ớt của con người, yếu ớt đến mức không thể cưỡng lại được những cám dỗ dù nhỏ nhặt nhất. Carr lập luận rằng bộ não của con người có tính mềm dẻo, vì thế não chúng ta đôi khi thay đổi theo yêu cầu của công cụ.

Công nghệ giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Carr khảo sát lịch sử công nghệ để xem liệu con người có thay đổi để đáp ứng với công nghệ hay không. Câu trả lời là có. Ví dụ, Friedrich Nietzsche, một triết gia người Đức ở thế kỷ 19, vì sức khỏe không tốt nên phải hạn chế việc viết tay trên giấy. Nietzsche đặt mua một chiếc máy đánh chữ - một tiến bộ công nghệ trong thời đại của ông. Nietzsche tiếp tục viết, nhưng độc giả phát hiện ra sự thay đổi trong văn phong của ông. "Văn của Nietzsche trở nên kín kẽ hơn, có vẻ giống điện báo hơn." Nietzsche cũng thừa nhận là "Dụng cụ viết lách tham dự vào việc hình thành ý nghĩ của chúng ta."

Bảng chữ cái cũng là một loại công nghệ. Trước khi phát minh ra bảng chữ cái, con người dùng hình thức truyền miệng để truyền lại kiến thức. Bảng chữ cái cùng với kỹ thuật đọc và viết giúp bộ não con người đỡ phải tốn công ghi nhớ. Sự ra đời của Internet càng củng cố thêm điều đó. Khi công nghệ mới xuất hiện, bộ não của chúng ta sẽ định hướng lại để phù hợp với công nghệ mới.

Internet khiến cho việc viết và đọc trở nên dễ dàng, tự do và tiện lợi. Mỗi cú nhấn chuột vào đường liên kết lại dẫn tới hàng chục đường liên kết khác. Thông tin ào ạt kéo đến như cơn sóng thủy triều. Các văn bản giờ đây không chỉ có chữ mà còn kèm theo hình ảnh và âm thanh sống động, làm chúng ta mất đi sự tập trung và chỉ đọc một cách ngắt quãng. Chúng ta cũng ít khi nhớ lấy thông tin, lúc cần xem lại thì cứ việc lên Internet là xong. Sử dụng Internet biến việc đọc lướt thành phương thức đọc chủ đạo. Carr cho rằng chúng ta đang đánh mất khả năng đọc sâu.

Bằng một loạt các dẫn chứng là các nghiên cứu và thí nghiệm trong khoa học thần kinh, tác giả nhận định rằng siêu văn bản làm suy yếu khả năng đọc sâu. Trong khi sách giấy khuyến khích con người tập trung đọc sâu, giúp con người có suy nghĩ sâu sắc và kích thích tư duy, thì các siêu văn bản trên màn hình máy tính làm tăng tải trọng nhận thức của độc giả và làm giảm khả năng hiểu cũng như nhớ những gì chúng ta đang đọc. Khi đọc siêu văn bản, chúng ta phải xử lý hình ảnh nhiều hơn, dễ bị xao lãng và mất khả năng đọc sâu. Thế nhưng, vì sự tiện lợi của Internet, chúng ta ngày càng ít tiêu thụ sách giấy. Cứ tưởng rằng lượng thông tin chúng ta tiếp thu trở nên nhiều hơn, nhưng hóa ra lại là ít hơn.

Cách viết của Carr khá dài dòng, có nhiều chi tiết không cần thiết, ví dụ như ông viết quá dài về lịch sử ra đời của sách và lịch sử ra đời của Google, khiến mình khó nắm bắt được ý của ông. Mình đã mong đợi rằng cuốn sách sẽ nói đến nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, thế nhưng tác giả lại đề cập quá nhiều về ảnh hưởng của Internet đối với văn hóa đọc sách, trái với ấn tượng ban đầu mà nhan đề của sách mang lại. 

Nếu xem cuốn sách này là một sự so sánh giữa việc đọc văn bản trên giấy và đọc văn bản trên mạng, mình cảm thấy rằng tác giả quá đề cao sách giấy và có cái nhìn quá tiêu cực về Internet. Theo mình, đọc sâu không phải là kỹ năng mà chỉ có sách giấy mới mang lại được. Trên thực tế, khi người ta có nhu cầu tìm hiểu sâu về một chủ đề nào đó, họ vẫn sẽ đọc sâu dù là đọc trên giấy hay đọc trên mạng, và nếu thông tin trên mạng không đủ để đáp ứng thì người ta tìm đến sách giấy. Thậm chí, nếu chúng ta có thể truy cập đến mọi quyển sách thông qua Internet thì chúng ta cũng có thể đọc sâu mà không cần đến sách giấy. 

Đúng là Internet có thể gây mất tập trung, nhưng ý thức con người mới là nhân tố quyết định ở đây. Nhu cầu được xã hội công nhận của con người chưa biến mất, nên con người mới cần tiếp tục rèn luyện khả năng tư duy để học hỏi và nâng cao kỹ năng, nhất là trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay. Thế thì con người lại càng phải cố gắng để không bị xao lãng. Chỉ có những người không có nhu cầu đọc sâu mới để cho Internet làm xao lãng mà thôi. Không có Internet thì cũng có cả tấn thứ khác làm chúng ta mất tập trung, ví dụ như dòng suy nghĩ miên man về bộ phim tối qua khiến chúng ta không thể chú tâm vào bài giảng trên lớp. Internet chẳng qua chỉ thay đổi cách con người tiếp cận thông tin, chứ không làm suy giảm trầm trọng khả năng tư duy của con người như tác giả nói.

Mặc dù Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta? viết về một vấn đề rất thú vị là mặt xấu của Internet, nhưng cách viết của tác giả lại dài dòng và thiếu thuyết phục nên mình không đánh giá cao cuốn sách này lắm.

Chấm điểm: 6/10.

  • 2311
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1788

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)