logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Nhân ngày 30/4 đọc lại chuyện đời một chàng lính trẻ - Mãi Mãi Tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc

1.CHẠM NGÕ MIỀN KÝ ỨC 

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

(Phương ấy - Hoàng Nhuận Cầm)

Bất chợt nghe lại bài thơ quen thuộc cất lên từ lời ca trong trẻo của người cựu binh đạp xe trên phố, trống ngực mình chợt xốn xang đến lạ thường. 

Xốn xang, vì cả một bầu trời kí ức đang ùa về như thác đổ.

Xốn xang, vì trong cõi lòng mình đang dấy lên nỗi bồi hồi nhớ nhung cái tuổi 20 thuở nào. 

Tuổi 20, mình lần đầu bước vào thế giới ảm đạm của cuộc đời người lớn, đơn độc và lẻ loi, bất thình lình và không phòng bị. Tuổi 20, năm đại học thứ hai, nhưng là năm đầu tập làm người lớn. Không có bố mẹ ở bên, không còn những bạn bè cũ, lí tưởng sống cũng không, chỉ có nỗi cô đơn đeo bám mình như hình với bóng, thường trực như căn bệnh điên của Hamlet. 

Lúc đó, mình biết bản thân chỉ đang tự dối gạt, nụ cười càng tươi, ánh mắt càng trống rỗng, biết rõ lắm, nhưng rồi lại toe toét, cố chấp tiếp tục chơi trò chơi nói dối: mình ổn mà. Vào chính lúc mình tưởng chừng mình sắp bị cái hố nhấn chìm thì anh - Nguyễn Văn Thạc - cũng là tác giả của tập sách này xuất hiện, níu lấy tay mình. Cái níu tay vô hình nhưng thật chắc năm ấy, mình sẽ chẳng thể nào quên được. 

Giờ đây nhìn lại, mình chợt nhận ra tuổi 20 của mình sao mà trôi qua nhanh như chong chóng, thoắt cái đã tạm biệt đời sinh viên rồi, ấy thế mà anh Thạc mà mình từng biết thì không. Anh mãi mãi là Nguyễn Văn Thạc của tuổi 20 năm đó, vẫn đẹp, vẫn lưu dấu thanh xuân, vẫn như cái ngày anh nắm tay mình bước khỏi chốn hoang hoải cô đơn của tuổi trẻ lạc lối. 

Hôm nay, trùng hợp thay, cũng là ngày kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước. Vẫn như mọi năm, báo đài lại nườm nượp tin tức, những băng phim tài liệu cũng rũ đi lớp bụi tháng năm để chiếu lại kí ức lên những màn ảnh rộng. Và đối với mình, một người trót yêu bóng hình người bộ đội Cụ Hồ năm ấy, cũng không khỏi sướng vui và hạnh phúc. Và chính bởi vậy, mình đã quyết định viết nên bài này. 

Bài viết này chỉ nói về một cuốn nhật ký thời chiến của một người liệt sĩ. Một cuốn nhật ký bình thường, nhưng thuộc về một thế hệ vĩ đại.

Nó nói về tuổi trẻ của một lớp người đã từng sống và chiến đấu, đã mơ ước và đặt niềm tin vào một thời đại mới, hạnh phúc hơn, yên bình hơn thời họ từng sống. Và đó chính là thời đại của chúng ta ngày nay. 

Bài viết cũng là một lời cảm ơn muộn màng của mình dành tặng cho anh, Nguyễn Văn Thạc. Cảm ơn, vì một thanh xuân rạng rỡ. Cảm ơn, vì một tuổi trẻ tuyệt vời. 

2. MỘT CUỘC ĐỜI DỞ DANG, MỘT THANH XUÂN NỬA CHỪNG

Người liệt sĩ ấy tên là Nguyễn Văn Thạc (1952 - 1972), là người đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền Bắc những năm 1969 -1970. Anh nhập ngũ cuối năm 1971 và hi sinh 10 tháng sau đó trong trận đánh lịch sử tại thành cổ Quảng Trị.

Chuyện Đời là tên cuốn nhật ký còn dang dở của anh, sau này được đổi tên thành Mãi Mãi Tuổi 20. Anh viết từ những ngày đầu khoác lên mình màu xanh áo lính. Viết lúc hành quân khắp những nẻo đường xứ sở. Viết trên chiến trường đỏ lửa. Viết lúc nghỉ hành quân giữa đường. Anh cứ viết không thôi, ở mọi lúc, ở mọi nơi, dù vui hay buồn, dẫu ngày đẹp hay ngày xấu. Dường như, đâu đâu cũng có những kỉ niệm đẹp để tâm trí anh neo đậu. Chữ của anh cũng đẹp. Đẹp như thanh xuân của anh. Chỉ tiếc rằng, đó là nửa chừng xuân.

Là học sinh được giải nhất môn văn năm lớp 10, lẽ dĩ nhiên anh cảm nhận một cuộc đời quân ngũ cũng rất trẻ, rất nên thơ. Bên lề những trang viết về cuộc sống nơi chiến trường, về những sự khốc liệt đang cận kề, anh còn gửi vào đó, cả những dòng tâm sự giàu tình cảm dành cho gia đình, cho Như Anh - người anh yêu. Anh còn viết về từng thắng cảnh quê hương đã lưu dấu chân anh, cho cả giấc mơ hạnh phúc còn lỡ dở về một ngày hòa bình lập lại. Tất cả những điều đó, đều gói gọn trong cuốn nhật ký này, thấm đượm thứ tình cảm sâu nặng chất chứa của tác giả giữa mây mù khói bụi của chiến tranh.

Chiến tranh khốc liệt là vậy, nhưng đọc những dòng tâm sự giàu tình cảm đó, người ta vẫn cảm nhận sức sống dồi dào đang nở rộ giữa cảnh tang thương tàn khốc. Nó nảy nở những đêm trăng tĩnh lặng, trên những vùng núi đồi và thảo nguyên tươi đẹp. Nó bừng cháy trong trong những vần thơ, bài hát đầy tình yêu và lạc quan được chép tay trong những trang giấy, cẩn thận và tỉ mỉ, tựa một niềm lo sợ rồi tất cả sẽ mất, sẽ bị cuốn phăng đi giữa cảnh điêu tàn chiến trận mà chưa kịp để cho một ai khác thưởng thức.

3. ĐÊM MƠ DÁNG KIỀU THƠM… 

Tuy được viết trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử, nhưng những trang viết của Thạc không chỉ thuần túy là những lời kêu gọi nhiệt huyết khô khan, hay những lý tưởng cao cả như người ta vẫn thường mường tượng khi nói về văn học thời chiến.

Mãi mãi tuổi 20, nhưng không chỉ có nỗi bi thương là còn mãi, mà vẫn còn đó, một tình yêu chân thành mà bất diệt dưới những làn bom đạn, một tình yêu hòa lẫn cả ngọt ngào và đắng cay giữa cảnh bần cùng của số phận. 

Trong cuốn sách, Thạc đã gửi gắm rất nhiều, rất nhiều tình yêu và nỗi nhớ tình yêu rất lớn dành cho Như Anh. Một tình yêu đơn giản và thuần khiết và nhưng không hiểu sao, càng đọc mình càng cảm thấy một nỗi bứt rứt đến xót xa trong tim. Cuộc tình của Thạc và Như Anh, cũng như bao mối tình bảy nở trong thời hoa lửa, được dựng nên bằng những niềm thương nhớ cách xa nghìn trùng, trên nỗi khắc khoải chờ mong da diết mà không biết đến khi nào mới được đáp lại. Anh đã từng viết: 

“Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì….N.Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu… Thương N.Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả.” 

Chao ôi! Đời lính có mấy khi được hiểu được chuyện nam nữ thường tình? Khi khoác lên người bộ quân phục, Thạc là người chiến sĩ can trường với nhiệt huyết dâng trào. Nhưng khi trở về với đêm tối, về với bản ngã chân thật của mình, con người ta lại trở về tuổi thanh niên hừng hực tình yêu cuồng nhiệt, tình đời cháy bỏng. Người chiến sĩ đó, cũng như bao người thanh niên khác, cũng có cho mình một tình yêu lãng mạn và chung thủy. 

Và có lẽ, sâu xa trong nỗi nhớ Như Anh nồng nhiệt còn là nỗi hoài hương âm ỉ của một người thanh niên Hà Thành. Thạc cũng nhớ Hà Nội lắm chứ! Nhớ bao nhiêu điều hứa hẹn chưa hoàn thiện, nhớ những trang sách bỏ lửng một thời áo trắng, nhớ những trưa hè bên người yêu, tay lồng trong tay, mắt chạm mắt, và đôi môi ta … suýt nữa thì được như ý nguyện. Phải đợi, đúng rồi, chỉ phải đợi chờ thêm một chút nữa thôi, đợi một ngày hòa bình sắp sửa đến, và hạnh phúc đôi ta chắc chắn sẽ thành!

“N.Anh đem lại cho Thạc một điều gì thật ngọt ngào như mùi hương cỏ đắng... Ngoài vòng tay ôm ấp của mẹ, Thạc chưa bao giờ được những vòng tay vỗ về, an ủi của một người con gái... Biết bao nhiêu người con gái mình đã quen biết nhưng tâm hồn họ chưa có được những sợi tơ tâm hồn thật mảnh khiến Thạc quý trọng. Thư của Như Anh đã bù lại sự trống trải trong tâm hồn mình...".

Nhưng tiếc thay, chúng ta đã biết hòa bình không thể đến vội vã như vậy, nó bước từng bước chậm rãi và lê thê, vụt qua tất cả các cuộc đời đã từng khốn khó vì nó, từng giành giật vì nó. Nó đến muộn đến nỗi, cô gái Hà Thành năm đó đã không kịp đáp lời chàng trai trẻ “Hạnh phúc là gì?”

"Giá bây giờ được đổi nửa cuộc đời để quay trở lại quê hương, để cùng Thạc đi vào trận chiến đấu ấy/và thực sự hiểu "thế nào là hạnh phúc?" của hôm nay"

(Hạnh Phúc Là Gì? - Phạm Như Anh & Nguyễn Văn Thạc)

Trong một lá thư gửi Như Anh ngày 18/9/1971, Thạc đã có một dự cảm kì lạ: “…30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”. Ngày nay, chúng ta đã biết được ngày 30/4/1975 hạnh phúc thế nào rồi, người yêu anh cũng biết rồi, chỉ có anh là không còn cảm nhận được nữa thôi. Không biết câu trả lời của anh là gì, liệu có phải đó là ngày độc lập trên quê hương chúng ta không hỡi anh?

4. AI SẼ TIẾP BƯỚC ANH?

Nghiền ngẫm từng dòng nắn nót của anh giúp mình hiểu ra sự thật hiện hữu rằng, chỉ khi bước ra khỏi giảng đường quen thuộc và dấn thân vào quá trình trưởng thành  đích thực, con người ta mới ý thức được tầm vóc của con người mình to lớn đến nhường nào. 

Trong cuốn nhật ký, ở mỗi chặng đường hành quân, dù là ở trạm dừng chân, trên xe hay ngoài mặt trận, Thạc đều ghi chép một cách tỉ mỉ cột mốc đánh dấu cuộc đời mình, rằng mình đã làm được những gì cho tổ quốc, cho con người. Để rồi, anh kết luận một điều rằng: Anh phải hoàn thành sứ mệnh của một người lính, phải coi như mình đã cống hiến một phần rất nhỏ vào hòa bình của tổ quốc.

“Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao xanh. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá”.

Dẫu tuổi 20 còn chút bỡ ngỡ vì “vào đời” sớm quá, nhưng anh cũng phải tự ý thức được rằng “mười mấy năm được sống dưới bầu trời thanh bình, mình chưa biết rằng, mình đã sống một đời cách mạng”. 

Bởi anh hiểu rằng, những điều hạnh phúc đó đều phải trả giá bằng cả mồ hôi và cả máu nữa, thậm chí là một cái giá khá đắt. Nhưng có hề gì khi mà “Không dám hy sinh làm gì có hạnh phúc, niềm vui?”

Phải chăng, chính cái trân quý của tuổi trẻ đó đã thổi bùng lên trong anh tình yêu nước nồng nàn và ước mơ được xả thân mình vì tổ quốc? Để rồi chẳng mảy may do dự, anh quyết đem những tháng năm đẹp đẽ ấy góp một phần vào chiến thắng rực rỡ mai sau. 

5. MẤY LỜI TẠM KẾT 

Đọc quyển sách này ở tuổi đôi mươi, đã có biết bao khao khát đã trỗi dậy, đã có ngọn lửa nào đã nhóm lên trong tim để chuẩn bị cho những ngày sóng gió cận kề, để rồi khi nhìn lại, mình lại thấy nhung nhớ biết bao, hạnh phúc biết bao trong những ngày xanh của đời mình.

Đã có lúc, mình nổi cơn ghen tỵ với tuổi 20 của Thạc, một tuổi 20 có đủ mọi thứ: một tình yêu lãng mạn, một lý tưởng để phấn đấu, một tâm hồn yêu đời nhiệt huyết. Tuổi 20 của con người đó, với mình thật đáng ngưỡng mộ làm sao: có tự hào, có thất vọng, có quyết tâm, có dao động, lại có yêu, có nhớ, có buồn. Mọi mảnh ghép đều thật hoàn hảo, chỉ trừ thời gian san sẻ cho tất cả. Nó trôi nhanh quá, và cũng ngắn ngủi quá. Thực tình, nó không đủ, mãi mãi không thể đủ. 

Không cần đòi hỏi ở cuốn sách và cả tác giả của nó, những tư tưởng tầm vĩ mô của một nhà văn bậc thầy, hay những câu từ mỹ miều và tráng lệ cần thiết để trở thành một tác phẩm lớn. Trên tất cả, trong cuốn sách này đã có sẵn chiếc chìa khóa để chinh phục mọi trái tim độc giả: sự chân thành. Sự chân thành, hay chính là những cảm xúc chồng chéo không thể diễn tả bằng lời. Xúc động. Luyến lưu. Bồi hồi. Nhưng dư vị còn đọng lại nỗi nhớ trên đầu lưỡi của tháng năm, vẫn là một nỗi đau buồn vô tận.

Buồn vì ta biết đoạn kết của cuốn nhật ký đã không thể trống trải và vắng lặng hơn. Buồn vì có những con người đã mãi mãi nằm xuống mà không thể thấy được ngày mai. 

Phải cảm ơn, đúng, phải cảm ơn vì ngày hôm nay ta được đọc trong yên bình, cảm ơn vì một bầu trời xanh thanh nhàn lặng tiếng súng. Cảm ơn vì những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại, vì những sự dâng hiến cao cả, chỉ đến một lần và mãi mãi. 

ĐÁNH GIÁ: 5/5 

30/4/2022 

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1679
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)