logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Xóm Cầu Mới - Khúc vĩ thanh dang dở của người chủ soái Tự Lực Văn Đoàn

ẢNH: PHANBOOKS
ẢNH: PHANBOOKS

Xóm Cầu Mới là một tiểu thuyết đầy hoài bão của nhà văn Nhất Linh. Ban đầu, Nhất Linh muốn viết một bộ trường giang tiểu thuyết dài gần một vạn trang gồm một loạt truyện dài đặt dưới một cái tên chung. Với một dòng thời gian chảy chậm và dàn trải, tuyến nhân vật đồ sộ, phức tạp dàn trải suốt mỗi truyện, và có sự liên kết nhất định liên quan đến Xóm Cầu Mới. Tuy vậy, giấc mơ đó đã không thể hoàn thiện được, Xóm Cầu Mới đã khép lại nửa chừng với cái c.h.ế.t của ông vào năm 1963.

“Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.” - Nhất Linh.

1. MỘT TÁC PHẨM NHƯ CUỘC ĐỜI 

Có một nhà văn từng nói rằng “Xóm Cầu Mới là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Nhất Linh”. Nhưng tại sao một tác phẩm phải viết tận 17 năm, một tác phẩm mà đến nay vẫn còn bỏ ngỏ chỉ với 1/10 toàn bộ cốt truyện được xuất bản, lại được đánh giá cao đến vậy? Có lẽ, sự quan trọng của tác phẩm này nằm ở mối tương quan kì lạ với cuộc đời của chính Nhất Linh.

Đầu tiên, Xóm Cầu Mới dang dở, vì cuộc đời Nhất Linh dang dở.

Ban đầu, Nhất Linh dự tính Xóm Cầu Mới là một phiên bản Đông Chu Liệt Quốc của người Việt. Tuy nhiên, trải qua hàng loạt các biến cố chính trị, Nhất Linh không có nhiều cơ hội để soạn thảo toàn bộ tiểu thuyết và đến nay nó vẫn còn là một giấc mộng bỏ ngỏ. Hiện thời, chúng ta chỉ được đọc bản Xóm Cầu Mới bao gồm 4 cuốn bản thảo viết dở, tức là chưa đến 1/10 dự định ban đầu của ông.  

Ngoài ra, số phận của Xóm Cầu Mới cũng truân chuyên, phản ánh chính cuộc đời "chút phận lênh đênh" của Nhất Linh. 

Ở trang đầu cuốn sách, ông ghi: “Trên Núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949, 1 giờ 30 trưa”. “Trên Núi” ý chỉ Hương Cảng, nơi tạm trú của Nhất Linh trong thời gian hoạt động cách mạng.

Ở trang phác hoạ bìa ấn bản Vui Buồn (tựa đầu của Xóm Cầu Mới) bản thảo viết lại lần thứ ba, có lời ghi: “Hàng Bè.1951”. 

Rồi ở trang đầu tiên của bản thảo cuối cùng, lúc đó đã mang tên Xóm Cầu Mới, có lời ghi: “Saigon – 1951. Viết lại lần thứ 4”.

Như vậy, trong cùng một năm tác giả đã viết lại cuốn này bốn lần, ở ba nơi. Tên sách theo đó cũng luân chuyển từ Vui Buồn, đến Bèo Giạt, và cuối cùng là Xóm Cầu Mới. Nhưng sự tâm huyết của ông sau rốt cũng không địch lại nổi những biến cố lịch sử đầy bão táp, để rồi ông đã phải đưa ra một quyết định đau đớn: thiêu hủy bản thảo còn dang dở. 

Tuy nhiên. Bà Nguyễn Thị Vinh - một trong những người có dịp chứng kiến cả hành trình sáng tác của Nhất Linh - đã không làm theo lời ông. Bà đã âm thầm cất giấu nó, nhưng rốt cuộc vẫn không tránh cho nó khỏi số phận trôi nổi qua năm tháng. 

Sau này, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai Nhất Linh, may mắn tìm lại được bản thảo từ tay bà và mang theo nó trên đường tị nạn đến Mỹ. Tuy rằng trên đường đi ông gặp không ít trở ngại, nhưng đó lại là cửa ải cuối cùng trước khi đưa Xóm Cầu Mới đến tay công chúng. Để rồi hôm nay, thế hệ chúng ta vẫn còn cơ may thưởng thức danh tác của một văn nhân đã vãn thời.

2. NỘI DUNG XÓM CẦU MỚI 

“Cả xóm không có một căn nhà gạch hay nhà gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũng cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới”.

Nổi bật xuyên suốt tiểu thuyết là mối tình thầm lặng giữa Siêu với Mùi. Mùi, cô gái mạnh mẽ, đảm đang, giàu tình yêu và tình thương. Còn Siêu là cậu ấm con quan luôn ôm mộng văn chương. Dẫu cả hai biết mình không thể đến với nhau bởi có quan hệ họ hàng, nhưng trong vô thức họ đã âm thầm bén duyên, bằng những lần gặp mặt tình cờ, bằng những lần dạo chơi quanh khu chợ quê, và đã có lúc họ suýt nữa chạm môi nhau. 

Bên cạnh chuyện tình Siêu - Mùi, thì mối lương duyên của Đỗi và Bé cũng rất thú vị. Nếu Kim Lân từng “se duyên” cho Tràng và cô vợ nhặt bằng mấy bát bánh đúc thì cặp Đỗi - Bé cũng bắt đầu qua đường dạ dày như vậy, rất chi là chân quê và cũng pha chút tinh nghịch nữa.  

Xóm Cầu Mới còn là những lát cắt về cuộc sống của những thân phận bé mọn như gia đình bác Lê cơ cực, nghèo khốn, đông con nhưng đầm ấm. Là gia đình cụ Án sa sút trong buổi giao thời của đất nước  nhưng vẫn luôn ôm mộng thuở hoàng kim. Là gia đình kép Bút tuy hết thời nhưng vẫn dạt dào tình yêu nghề, yêu cuộc sống. 

3. DẤU ẤN NHÀ VĂN NHẤT LINH 

Vẫn giữ phong độ từ thời còn làm cây bút chính của Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh tiếp tục bộc lộ sự tinh tế và tỉ mẩn trong con mắt quan sát sự đời. Nhiều đoạn Nhất Linh viết khiến mình cứ khắc khoải với vô vàn cảm xúc lẫn lộn: vui, buồn, giận, thương đan xen. Nhất Linh không khỏi làm mình liên tưởng tới Thạch Lam - em trai ông, người cũng có thể lột tả thế giới nội tâm đa cảm đa sầu chỉ qua vài chi tiết gợi mở không quá cầu kì. 

 “Cả cái đau khổ của nàng như hiện ra trên bàn tay run run; nàng đã bắt đầu thấy xót ở những vết thương. Thế là nước mắt nàng trào ra được; Mùi khóc, khóc nức nở trước cái tình yêu đầu tiên trong đời bị tan vỡ và quả tim non nớt mới biết yêu của nàng, ở trong ngực, nàng thấy nó cũng đương chẩy máu ròng ròng như bàn tay mềm trắng đầy máu"

Thêm vào đó, không khí trong Xóm Cầu Mới cũng được Nhất Linh đan cài nhiều sự vui vẻ, tươi mới, vốn là một điều hiếm thấy ở các tác phẩm trước của ông như Đoạn Tuyệt hay Lạnh Lùng. Cả tác phẩm, theo như Nguyễn Tường Thiết - con trai ông nói, trong tác phẩm có đến 306 chữ “mỉm cười”. 

Thật vậy, dẫu cho sự nghèo đói vẫn còn hằn lên những khuôn mặt xứ sở này, thì dường như trên khuôn mặt họ vẫn luôn thường trực một nụ cười lạc quan. Cũng không khó để nhận ra Nhất Linh đã gửi gắm bao nhiêu tình cảm giữa người với người trong từng ánh lửa mỗi nếp nhà. Đó có thể là mấy lời trao duyên tình tứ gửi nhau trong những ngày nắng đẹp, đến niềm chung vui khi thấy đứa con được cắp sách đến trường, đôi khi chỉ đơn giản là một vụ mùa tốt, hay một mẻ cá bự, …

Dĩ nhiên, mình tin Nhất Linh tả hiện thực không phải chỉ để nói về mỗi hiện thực, mà hẳn nó phải có một sứ mệnh cho mai sau. Thông qua bức tranh đa màu sắc của Xóm Cầu Mới, dường như ông còn muốn truyền tải một thông điệp ý nghĩa rằng: Dẫu bão dông, dẫu khổ ải, thì sau tất cả, vẫn còn đó một tia hy vọng nhỏ nhoi. 

Gió vẫn cứ thổi, và lòng người vẫn sẽ luôn hướng về nhau, cho nhau và vì nhau. Xóm Cầu Mới, hay bất kì một chốn tạm thương nào cho những kiếp đời bé mọn, sẽ luôn rực lên một ánh lửa ấm áp tình người như vậy, dù bất luận ở hoàn cảnh nào, ở thời đại nào. 

4. MẤY ĐIỂM CHƯA ƯNG Ý 

Tuy nhiên, mình phải công nhận rằng vẫn có những điểm trừ đáng phải nói ở tác phẩm này. Cái dở thứ nhất, ấy là Nhất Linh tham quá, tham kể lể những tình tiết lẻ tẻ, rời rạc nhiều quá. Mấy đoạn tình cảm cũng bị cái sự dề dà đó mà bị loãng đi dần về cuối truyện. Suốt 24 chương, tình cảm của Mùi và Siêu, của Đỗi với Bé vẫn chỉ dừng lại ở mức bình bình, chẳng tiến thêm bước nào. Mông lung. Nửa chừng. Thật dễ khiến độc giả nản lòng!

Cái rất dở nữa là cả tác phẩm dài như vậy lại thiếu hẳn một điểm nhấn để người đọc phải nhớ mãi. So sánh với một tác phẩm cùng đề tài khác cũng của Nhất Linh là Nắng Thu (1934) - một câu chuyện có đủ không khí làng quê, có xung đột nội tâm và nút thắt mở, thì Xóm Cầu Mới giống một Nắng Thu dài hơi hơn nhưng lại kém đầu tư hơn hẳn. Từng câu chuyện nhỏ không có chút điểm xuyết nào đã đành, nhưng suốt cả 24 chương truyện lại không có chi tiết thắt mở nào, cứ bình bình không rõ đi đến đâu. Điều đó cũng làm cho cái kết dở chừng của tác phẩm gây hoang mang độc giả nhiều lắm. Không ai biết chuyện tình Siêu và Mùi sẽ đi đến đâu? Và còn Đỗi cùng Bé nữa? 

Cũng có thể, như Nhất Linh dự tính, tác phẩm sẽ như một Đông Chu Liệt Quốc mới, vậy thì 24 chương đầu này có lẽ mới chỉ là khúc dạo đầu mà thôi! 

5. KẾT

Còn điều gì nữa để nói về một tác phẩm chưa hoàn tất, về một cuộc đời còn dang dở? Nếu không có cái ngày định mệnh năm 1963 đó, có lẽ Xóm Cầu Mới sẽ thực sự trở thành kiệt tác của Nhất Linh, và có lẽ là cả giới văn chương Việt Nam. Nhưng cuối cùng những gì nó gửi lại hậu thế, chỉ là những nỗi buồn vô tận. Chỉ hy vọng rằng, một mai đây, sẽ không còn những trang viết buồn, những cuộc đời buồn như Nhất Linh hay những người anh em Tự Lực Văn Đoàn của ông nữa.

ĐÁNH GIÁ: 3/5 

16/5/2022

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1170
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)