logo-maybe-vn
Mở app

PISTANTHROPHOBIA - NỖI SỢ PHẢI TIN TƯỞNG MỘT AI ĐÓ? VÀ LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ BỊ TỔN THƯƠNG?

Mỗi người trong chúng ta đều mang theo các giá trị khác nhau vào tình yêu, có người tiếp cận cảm xúc gần gũi với tốc độ rất nhanh, có người lại mất rất lâu mới chịu tháo dở bức tường thành trong tim mình để đón nhận tình cảm của người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ lãng mạn.

PISTANTHROPHOBIA là gì?

Pistanthrophobia là nỗi ám ảnh ngập tràn và lo lắng tột độ khi phải tin tưởng người khác - thường là do những trải nghiệm đau lòng trong quá khứ với các mối quan hệ trước đó. Theo Tiến sĩ Julian Hersknowitz diễn giải với The Mighty: "Pistanthrophobia là một nỗi sợ phi lý khi ai đó thân mật hay mở lòng với người khác, họ sợ hãi rằng bản thân sẽ lại bị tổn thương hoặc thất vọng một lần nữa nếu như họ tiếp nhận và tin tưởng một người mới."

Tranh: Nono Astro Irareza
Tranh: Nono Astro Irareza

Có rất nhiều nỗi sợ khác nhau gây ảnh hưởng đến cuộc sống của một người, nhưng để phân biệt 1 nỗi sợ hãi thông thường và sợ hãi ở mức độ cao, thì phải xem cách một người cố gắng né tránh một điều đó như thế nào. Với những nỗi sợ khác như sợ độ cao, sợ rắn, sợ gián hay sợ bị bỏ rơi,.. người ta thường cố né tránh những tình huống nào đó có khả năng gợi cho họ cảm giác sẽ “gặp phải” nỗi sợ của bản thân mình. Và đối với một người mang nỗi sợ tổn thương nếu tin tưởng người khác - họ thường tránh né sự thân mật tình cảm và gần gũi trong các mối quan hệ.

Những người mang “Pistanthrophobia” trong tâm sợ rằng nếu họ tin một người mới, người đó sẽ làm họ đau khổ hoặc cả hai sẽ chỉ kết thúc cuộc tình bằng một cái kết buồn.Vì những điều này khiến họ cảm thấy không an toàn, khiến họ cảm nhận được mùi vị nỗi đau cũ dường như đến rất gần.

NHỮNG BIỂU HIỆN THƯỜNG XUẤT HIỆN Ở NGƯỜI MANG NỖI SỢ NÀY

Theo nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Dana McNeil trả lời trên tạp chí healthyline, những người mang Pistanthrophobia thường có những dấu hiệu như:

- Họ tránh né các cuộc trò chuyện sâu sắc và tương tác gần gũi với một người có tiềm năng trở thành người đem đến cảm giác hứng thú và yêu thích - một mối bận tâm của họ. Họ né tránh việc phải đặt sự tin tưởng vào một người khác, như một cách phòng vệ để tránh trái tim phải rỉ máu trước một nỗi đau tương tự như họ từng trải qua. Có những người dường như gặp phải sang chấn khi trái tim từng bị chà đạp, tâm hồn bị phản bội hoặc bị phủ nhận tình yêu của chính mình.

- Họ đề phòng, tỏ vẻ rất phòng vệ và tỏ vẻ lãnh đạm, thu mình lại. Họ luôn cố né tránh việc người khác tán tỉnh mình, hay những dấu hiệu bắt đầu của một tình yêu. Trong tim mỗi người đều có một bức tường thành, và người mang Pistanthrophobia tự xây một bức tường thành kiên cố trong tim và giấu những cảm xúc cố thủ ở đó.

Tranh: LENA MAČKA
Tranh: LENA MAČKA

- Họ “né thính” hoặc không nhạy cảm (hoặc cố không để ý), không rung động trước những nỗ lực mà người khác làm để tán tỉnh và mong muốn hẹn hò với họ.

- Họ có thể trở nên lo lắng hoặc có vẻ như muốn tránh xa khỏi các cuộc trò chuyện khiến họ thấy không thoải mái - đặc biệt là về chủ đề liên quan đến sự gần gũi thân mật, nhất là những câu chuyện sâu sắc và thu ngắn khoảng cách giữa họ và người có tình cảm với họ. Những hành vi này được người mang Pistanthrophobia xem xét là không an toàn. Họ cảnh giác cao độ khi bản thân lấn sâu vào một tình huống hay một người có khả năng khiến họ đối diện với những tổn thương được “dự đoán trước” trong tương lai. Họ sợ hãi rằng mối quan hệ giữa họ với một người sẽ trở nên sâu sắc hơn, vì vậy họ né tránh sớm để khỏi phải chịu đựng nỗi đau khổ lớn hơn về sau.

Những người mang Pistanthrophobia thực sự không phải là không có trực giác, họ chỉ đơn giản là không tin tưởng người khác. Mặc dù những người không mang nỗi sợ này cũng không thường tin tưởng trực giác của mình, nhưng họ sẽ không hoảng sợ khi họ không chắc chắn 1 điều gì đó. Sự thiếu tự tin vào trực giác thường giảm luôn sự tự tin của người đó về những mặt khác, chẳng hạn như khả năng tự vệ khi bị tổn thương. Họ dường như nghĩ rằng bản thân không thể chịu đựng hoặc không đủ khả năng tự vệ nếu như gặp đau khổ.

AI MÀ CHẲNG MUỐN MỞ LÒNG ĐỂ ĐÓN NHẬN YÊU THƯƠNG - NHƯNG TẠI SAO NGƯỜI MANG PISTANTHROPHOBIA LẠI SỢ HÃI NÓ?

Từ rất lâu về trước, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã đưa ra một giả thuyết rằng: con người dường như luôn có sẵn 1 kịch bản nhất định cho các trải nghiệm nào đó trong đời. Một ví dụ đơn giản có thể như khi bạn đến một nhà hàng, bạn sẽ xem thực đơn, gọi món, tiếp nhận món ăn và thworng thức, trả tiền và ra về. Đây là một loạt thứ tự thường thấy khi chúng ta làm 1 việc gì đó - ta biết rằng nó sẽ diễn ra như thế.

Đối với những đứa trẻ, chúng sẽ học được kịch bản về cuộc sống như sau: bị tổn thương hoặc buồn bã => được ai đó an ủi và quan tâm => cảm thấy tốt hơn. Thế nhưng, nhiều người lại không đủ may mắn để học được một kịch bản với cái kết đẹp như vậy. Từ đó, bên trong họ sống với một kịch bản hoàn toàn khác biệt: tôi bị tổn thương hoặc khó chịu trong lòng => không ai để ý đến tôi => tôi chỉ có một mình; hoặc là: tôi cảm thấy xót xa đau khổ và không hiểu tại sao => ai đó đổ lỗi cho tôi và trở nên càng bực bội với tôi hơn => tôi cảm thấy thật tồi tệ.

Tranh: Brooke Smart
Tranh: Brooke Smart

Hoặc như, một đứa trẻ được yêu thương nhưng khi lớn lên, niềm tin của nó về “kịch bản có sẵn đó” dường như bị rung chuyển bởi một sự kiện nào đó - nơi mà cảm xúc của họ bị đẩy đến trước những lừa lọc, dối trá hay thất vọng tột cùng bởi người mà họ tin tưởng. Rằng những kịch bản đó dường như khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn, và đó là lúc mà một ý nghĩ khác hiện lên: họ sẽ tự viết lại “kịch bản” của mình - để giúp bản thân tránh khỏi việc bị che mặt bởi sự thất vọng và phản bội như cái cách mà họ từng trải qua.

Những “kịch bản” như thế này khi được lập trình sẵn bên trong những đứa trẻ từng trải qua những kí ức đau thương, nó dường như mang theo “công thức có sẵn” đó để đánh giá những tình huống trong cuộc sống hiện tại và từ đó cảm thấy bản thana dường như không có khả năng tin tưởng hoặc gần gũi với người khác. Từ một nỗi sợ hãi phải tin tưởng người khác, nó dần trở nên phổ biến hơn với nhiều người để rồi có một cái tên riêng như một chứng ám ảnh - một cái tên để chứng minh rằng vấn đề này không hề đơn giản. Vì việc không tin tưởng bất cứ ai để bảo vệ bản thân khỏi việc bị tổn thương - cũng có nghĩa rằng người đó đang khiến bản thân trở nên mập mờ, khó hiểu và thậm chí là đối diện với sự cô lập.

Đối với những người này, việc được ai đó bất ngờ quan tâm và trao cho họ một trải nghiệm không có sẵn trong “kịch bản” - sẽ thật khó để họ tin tưởng rằng sự quan tâm ấy là thật. Làm sao để họ tin rằng sẽ có ngoại lệ - rằng kịch bản có thể thay đổi từ khoảnh khoắc một người mới bước vào?

Dù là những người đã lập trình sẵn cơ chế phòng vệ để tránh bản thân bị tổn thương, hay người đó phải thay đổi cách đối diện với cuộc sống vì một biến cố. Niềm tin của họ với phần còn lại của thế giới này dường như bị ngăn cách bởi một vật cản khổng lồ mang tên “sự nghi ngờ”.

Niềm tin mà họ dựng lên có thể về bản thân họ, như rằng: “Nếu tôi tin tưởng một ai đó, họ sẽ nhìn thấy con người thực sự của tôi và từ đó sẽ lại chối bỏ tôi.” Hoặc cách mà họ nghĩ về người khác: “Nếu tôi yêu một ai đó, họ sẽ lại rời đi” “họ sẽ lại phản bội”. Và từ đó, họ dường như chỉ có thể thực sự tin một điều rằng: “tôi không thể tin tưởng bất cứ ai trừ chính bản thân mình.”

Như trong lời bài hát “I want to know what love is” bởi Foreigner:

“In my life, there's been heartache and painI don't know if I can face it againCan't stop now, I've traveled so farTo change this lonely lifeI wanna know what love isI want you to show meI wanna feel what love is”

“Anh cần vượt qua những đám mây để thấy được những tia sáng thân thươngNhững tia sáng giúp anh được ấm áp khi mà cuộc đời anh lại lớn lên trong lạnh lẽo”….Cả cuộc đời dài anh đã ở đây với những nỗi đau thấu tận sâuNếu phải đối mặt với nó một lần nữa anh không biết mình phải làm sao”

LIỆU BẠN CÓ THỂ MỞ LÒNG VÀ TIN TƯỞNG NGƯỜI KHÁC MỘT LẦN NỮA?

1. Một số người chọn một cách sống tự do rong rủi cho một lý tưởng và đam mê của bản thân, nhưng một số khác dường như yêu thích tự do vì nỗi sợ phải quá thân thiẾt với một ai đó. Nếu một người muốn gây dựng lại cảm giác tin tưởng vào thế giới này, họ nên thử một lần ngừng lại, tìm kiếm một trạm dừng tại một chỗ ở nhất định, trong một thời gian dài, để có thể tìm hiểu và tin tưởng những người xung quanh.

2. Thử mở lòng để yêu cầu một điều nhỏ nào đó từ những người xung quanh, để xem thử bạn nhận được điều gì. Với những người mang nỗi sợ phải tin tưởng người khác, họ thường tự mình làm tất cả mọi thứ và không muốn mở lời để tìm kiếm sự giúp đỡ dù là nhỏ nhất. Nếu muốn vượt qua cảm giác này, hãy thử nhờ những người xung quanh từng chút một, hoặc đơn giản là thử hỏi xin họ vài phút để trải lòng. Khi nhu cầu của ta được đáp ứng sẽ giúp ta nhận lại được niềm tin vào thế giới này từng tí một. Có thể lúc đầu sẽ không thể tin tưởng người khsac ngay được, nhưng chỉ cần thử từng chút một, có lẽ ta sẽ nhận ra rằng hầu hết mọi người đều sẵn sàng giang tay giúp đỡ khi ta cần. Các chuyên gia về sang chấn tâm lý thường gọi đây là cách tái gắn kết với người khác - như một bước đi đầu tiên để có thể lấy lại niềm tin với con người và cuộc đời.

Tranh: LENA MAČKA
Tranh: LENA MAČKA

3. Lập ra kế hoạch nào đó mà bạn muốn cho tương lai

Trải nghiệm đau khổ và tổn thương tinh thần không những lung lay niềm tin của ta về người khác, mà nó còn khiến ta mất đi sự tin tưởng vào tương lai của chính mình. Trải qua những sang chấn tâm lý như một trò lừa mà não bộ ta tiếp nhận, nó tạo ra cái nhìn vô vọng và cảm giác rằng tương lai dường như sẽ không có hạnh phúc và sự kiện liên quan đến tổn thương cũ dường như chẳng còn ý nghĩa. Từ đó khiến một người cảm thấy rằng tương lai thật mịt mù - như việc một ai đó nghĩ rằng mình sẽ độc thân cả đời hoặc sẽ không kết hôn.

Các chuyên gia nhận định rằng đây dường như là cảm giác về một tương lai được dự đoán trước, một đánh giá tiêu cực về việc tương lai có thể sẽ mang lại điều tổn thương gì, thay vì muốn nhìn nhận để thay đổi nó. Điều này cực kì dễ xảy ra nếu như một người từng trải qua cảm giác bị ai đó cố tình đối xử với họ: như Theo dõi, bắt na.t, lạ.m dụng, đeo bám, hay bạ.o hành,.. Hãy đặt mục tiêu về một tương lai sáng sủa hơn, để bạn có mục tiêu bước về phía trước và thực hiện từng cột mốc của của sống, hãy cứ hành động, rồi cảm xúc sẽ đi theo sau đó.

4. Học cách phát hiện các red flags - những điểm xấu mà bạn đã từng bỏ qua

Nhiều người gặp vấn đề với niềm tin dường như luôn gặp phải những người cũng giống như họ - những trái tim lạc lõng vỡ nát - cuối cùng họ thất vọng vì cảm giác tổn thương vì những người đó, để rồi vòng lặp đau khổ lại tiếp tục diễn ra như thế. Vì thế, hãy học cách nhìn những đặc điểm độc hại hay không tốt cho bản thân từ người khác: những điều nhỏ nhất như đặc điểm tính cách một người tự cao hoặc ích kỷ, những người không biết hối hận và không biết mình sai ở đâu; cho đến những điều lớn hơn như nhận biết khi ai đó có tiềm năng gây ra bạ.o lực, lạ.m dụng hoặc phản bội (các hành vi không đáng tin và không tôn trọng bạn). Ngừng hợp lý hoá những điều tiêu cực và bỏ qua nó, cho rằng những điều đó là bình thường.

5. Học cách nuôi dưỡng niềm tin rằng bản thân ta xứng đáng được ở bên cạnh những người đáng tin cậy.

Sự hoài nghi, ngờ vực thường đến “trọn gói” cả đôi như việc tin rằng “thế giới này thật sự là một nơi nguy hiểm” và “không ai đáng tin cậy cả”; cho đến những suy nghĩ rằng “ tôi có một trái tim không lành lặn” và “tôi xứng đáng với những điều tồi tệ”,.. Nếu như có thể thay đổi những nhận thức này, hãy nuôi dưỡng niềm tin rằng bản thân bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp. Hãy thách thức những niềm tin mâu thuẫn và tự ti bên trong bằng cách tự thay đổi những hành vi của mình trước, sau đó tâm trí bạn sẽ tự tuân theo. Kiểu như, “fake it until you make it” - cứ vờ rằng bạn như vậy cho đến khi nó thực sự trở nên như thế.

Hãy tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như: “một người tin rằng họ là người tốt thường làm gì?; “một người xứng đáng với những điều tốt đẹp sẽ làm gì? .. sau đó hãy thử làm theo những điều đó. Và khi bạn thấy mình làm được điều đó, bạn sẽ dần tin rằng bạn có thể làm được.

Tóm lại, khi bạn bắt đầu kết nối bản thân với những người đáng tin cậy, bạn sẽ thấy mình có các hành vi giống với người tin tưởng vào thế giới này, và dần bạn sẽ học được cách tin vào người khác.

Nếu như việc tìm kiếm sự tin tưởng quá khó khăn, hoặc bạn liên tục bị sự sợ hãi tổn thương khiến bản thân mất đi những thứ mà bạn muốn có. Hãy tìm đến các nhà trị liệu, như các ám ảnh sợ hãi khác, luôn có những cách riêng để chữa lành những nỗi sợ. Qua đó, một nhà trị liệu có thể sẽ giúp một người mang nỗi sợ tin tưởng người khác thử tưởng tượng nếu họ đang ở trong một mối quan hệ - và nhà trị liệu sẽ khuyến khích cũng như lí giải những trải nghiệm khiến họ sợ hãi.

Nguồn tham khảo:(Witthauer, C., Ajdacic-Gross, V., Meyer, A.H. et al. Associations of specific phobia and its subtypes with physical diseases: an adult community study. BMC Psychiatry 16, 155 (2016). https://doi.org/10.1186/s12888-016-0863-0)Ellen Hendriksen, Ph.D. (2021). How to Trust People Again. Psychologytoday https://www.healthline.com/health/aquaphobiaNguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam

  • 2434
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)