logo-maybe-vn
Mở app

Sự trung thực của xác chết - Cuốn sách pháp y chân thật, đầy thông tin cho người mới bắt đầu

Sự Trung Thực Của Xác Chết là tập sách nhỏ của Nishio Hajime, bác sĩ pháp y hành nghề đã 20 năm, tại đây ông giới thiệu, giải mã ngành pháp y, phân tích cụ thể các trường hợp tử vong, từ đó rút ra những dữ kiện về bối cảnh xã hội Nhật Bản. Sách có 9 chương, trừ phần Mở Đầu và Lời Kết thì 7 chương còn lại chia ra theo mục: Chết vì nghèo đói, Chết trong cô độc, Thi thể trong vụ án mạng… Sách được viết dễ hiểu để tiếp cận độc giả ngoài ngành, tuy nhiên cũng có một số chỗ cung cấp kiến thức chuyên môn, tác giả cố gắng viết đơn giản, súc tích nhất những chỗ này cho độc giả nắm tư liệu để đọc tiếp.

Điều mình cảm thấy thú vị ở quyển này đó là vừa mở đầu, tác giả chọn viết về “Chết vì nghèo đói”. Thông thường khi nhắc tới pháp y, thông qua phim ảnh mà ta thường nghĩ tới hình ảnh thật “cool” của những bác sĩ mổ tử thi cho các cuộc điều tra án mạng, phân tích nhoay nhoáy những gì họ phát hiện được cho các thám tử. Tuy nhiên, trong Sự Trung Thực Của Xác Chết, Nishio chọn những cái chết bình thường, không có gì li kỳ để phân tích. Đây có thể là lựa chọn mạo hiểm vì độc giả có thể chán mà bỏ qua. Thế nhưng không, tác giả phải làm như thế để trình bày rõ tính chất nghề pháp y: không phải lúc nào cũng là thi thể trong một vụ án mạng rình rang. Một thi thể chỉ được đưa tới phòng pháp y khi nguyên nhân cái chết không rõ ràng và không rõ ràng ở đây vẫn có thể là chết vì lạnh, vì đói, vì tai nạn… chỉ là trong tình cảnh bất thường mà phía gia đình và cảnh sát chưa hiểu được, phải khám nghiệm thêm.

Pháp y không phải lúc nào cũng ''cool'' thế này
Pháp y không phải lúc nào cũng ''cool'' thế này

Ví dụ như ở chương đầu, Nishio dẫn trường hợp một người phụ nữ tử vong trong nhà, bị va đập mạnh gãy xương hông. Vết thương này không thể nào do ngã thông thường, nhưng căn hộ không có dấu hiệu bị đột nhập. Khả năng cao nhất là nạn nhân bị tai nạn giao thông. Thế nhưng, tại sao cô ta lại tử vong trong căn hộ ở tầng 2? Sau khi được các bác sĩ trình bày kết quả khám nghiệm, cảnh sát mới vạch ra hướng điều tra mới và phát hiện người phụ nữ bị xe tông thật. Nhưng cô ta còn tỉnh táo nên nhờ người tài xế chở về nhà thôi. Về đến nhà nạn nhân mớ tử vong vì xuất huyết nội. 

Thông qua những cái chết “thông thường” đó, tác giả có cơ hội nhìn lại xã hội Nhật Bản đương đại với những vấn đề của nó hiển hiện rõ ràng trên tử thi. Người chết vì cô độc, đói nghèo, mổ ra bao tử sạch trơn. Hiện trạng dân số già dẫn đến “người già chăm sóc người già” gây nên những cái chết đau thương, lạnh lùng. Những đứa trẻ tử vong vì bị bắt nạt…

Tuy nhiên, pháp y không chỉ đối diện với cái chết, họ cũng làm các xét nghiệm cho người sống như xác định thương tật, nhất là những trường hợp ngược đãi, hành hung. Thế nên, Nishio rút ra rằng, họ làm công việc liên quan đến sinh mệnh nói chung.

Cùng là ngành y, nhưng bác sĩ pháp y không làm công việc trực tiếp cứu người, cũng không phải đối tượng để các gia đình đến cảm ơn và trao lời yêu thương. Nishio cho rằng, bác sĩ pháp y giống những chiếc bóng hơn, nhưng đứng trong bóng tối, họ mới nhìn ra được những thứ người khác không thấy được.

Nishio Hajime viết Sự Trung Thực Của Xác Chết nghiêm cẩn như cách các bác sĩ pháp y hành nghề. Tập sách trình bày sự thật, phân tích vấn đề, không có quá nhiều cảm xúc ủy mị mà là những chiêm nghiệm lặng lẽ. Đây là cuốn sách thích hợp cho bạn đọc muốn đi theo con đường pháp y, hoặc chỉ đơn thuần hứng thú tìm hiểu.

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
93

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)