logo-maybe-vn
Mở app

Vừa trang điểm vừa kể chuyện án mạng: Lôi cuốn hay phản cảm?

Khoản vài năm trước, tôi vô tình bắt gặp một clip Tik Tok không nhớ tên, ban đầu tôi bấm vào xem vì nghĩ đó là clip trang điểm, nhưng rồi phát hiện ra: TikToker này đang vừa trang điểm vừa kể lại câu chuyện về gã hề sát nhân John Wayne Gacy. Một cách sáng tạo nội dung lạ lùng.

Phải công nhận rằng, cô ấy kể chuyện cũng khá lôi cuốn, khéo léo kết hợp vừa kể về vụ án khét tiếng “Cái gã này chuyên lừa bắt trai trẻ…” vừa tán chuyện “Ồ, tôi sẽ thêm chút phấn mắt ở đây…”. Sau khi tìm hiểu thêm, tôi nhận ra loại hình “trang điểm và kể chuyện án mạng” (true-crime makeup) rất phổ biến trên YouTube lẫn Tik Tok, thu hút đông đảo người xem và ủng hộ.

Bailey và video án mạng đầu tiên

Người đầu tiên khai sinh ra nội dung này là Youtuber chuyên về làm đẹp, Bailey Sarian. Cô vốn đã hay vừa trang điểm vừa tán chuyện rồi, tiêu biểu là các clip quan ngại về ngôi nhà bị ám của mình hay hàng xóm đột nhập. Cho đến khoảng năm 2019, lúc đó vụ án Chris Watts hạ sát cả gia đình gây ầm ĩ dư luận, Sarian đăng tải một video chia sẻ những gì cô biết được về vụ án thông qua 2000 trang tài liệu được đăng công khai trên mạng. Công bằng mà nói, Bailey thật sự hứng thú với vụ việc và dường như chỉ muốn chia sẻ với cộng đồng như hồi kể chuyện ma thôi. Thế nên cô hết sức thận trọng và bối rối, “Tôi không biết làm sao để nói về vụ này một cách tinh tế…”. Video True-crime Makeup đầu tiên đó đạt hơn 10 triệu lượt xem, Sarian không biết rằng mình đã khởi phát một trào lưu gây tranh cãi trong cộng đồng sáng tạo nội dung.

Bailey Sarian tiếp tục làm nội dung về án mạng, nhưng không còn là người duy nhất nữa. Bắt đầu xuất hiện nhiều kênh sáng tạo “học hỏi” theo Bailey hình thức trang điểm song song với kể những câu chuyện tàn bạo và họ không hề ngại bất kỳ nội dung nào, từ kẻ giết người hàng loạt đến những vụ lạm dụng, nạn nhân nhỏ tuổi… Cho đến khoảng năm 2021 khi nội dung true-crime bắt đầu thịnh hành hơn thông qua các nền tảng như Netflix, thì càng có nhiều các beauty guru đột nhiên quan tâm tới trinh thám và làm nội dung về nó. Dễ hiểu vì sao hình thức này được yêu thích. Ai cũng thích một người kể chuyện hay, tuy nhiên nếu chỉ ngồi nhìn camera mà nói thôi thì hơi nhàm, người xem cần thứ gì đó để giải trí cho vui mắt và trang điểm là lựa chọn hết ý. Ngoài trang điểm, chúng ta còn có làm bánh, rửa mộ,... Tuy nhiên, những người sáng tạo nội dung quên cân nhắc đến một số vấn đề.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tiên, true-crime là đề tài nhạy cảm và mỗi khi nhắc đến nó trên bất kỳ phương tiện nào, người làm nội dung cũng cần hết sức tôn trọng. Đó không chỉ là một vụ án thú vị mà còn liên quan đến con người, đến mất mát to lớn mà gia đình nạn nhân phải chịu. Khi làm nội dung về true-crime, những đơn vị từ to tát như các hãng phim hay nhỏ lẻ như dăm ba video trên mạng luôn trong trạng thái lơ lửng trên lằn ranh “Liệu chúng ta có đang kiếm chác trên mất mát của người khác?”. Làm thế nào để trông không phản cảm?

Ảnh: Có ai thấy mấy cái video makeup/true crime hơi phản cảm không?
Ảnh: Có ai thấy mấy cái video makeup/true crime hơi phản cảm không?

Say mê true-crime không có gì sai bởi thể loại này thể hiện những điều kiện cơ bản làm nên con người. Nỗi sợ, căm ghét, khao khát gây thương tổn… nằm sâu trong mỗi con người, chúng ta có xu hướng tìm hiểu điều này ở những tên tội phạm và tự nhủ bản thân sẽ không đi cùng một con đường. Ngoài ra, bản chất tò mò của con người không ngừng đặt câu hỏi tại sao đối tượng lại làm thế, điều gì đang diễn ra trong đầu khiến chúng gây ra những chuyện như vậy cũng là yếu tố khiến true-crime trở thành thể loại ăn khách. 

Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, trừ phi bạn là một đặc vụ, vì lý do công việc mà phải dấn thân, còn lại lý do khiến ta đọc true-crime là vì giải trí. Nếu true-crime là hàng ngàn trang tài liệu dài dằng dặc với toàn thuật ngữ chuyên môn và cách trình bày khô khan của các chuyên gia, bạn có thức cả đêm để xem không? Để thu hút khán giả, các hãng phim, nhà phát hành sách không có cách nào khác là vận dụng một số hiệu ứng gây chú ý. Các YouTuber và TikToker cũng không là ngoại lệ. Quan trọng là mức độ bao nhiêu để không vượt quá lằn ranh?

Các beauty guru tạo dáng thần thái trên nền ảnh nạn nhân và kẻ sát nhân, lời nhắc “nhớ đăng ký theo dõi kênh tôi nhé”, chèn dăm ba câu đùa, PR cho nhãn hàng...v.v. tất cả những điều đó ít nhiều dấy lên quan ngại cho người xem, thậm chí tổn thương cho người trong cuộc.

Như ảnh trên, một người dùng Reddit bày tỏ bức xúc khi người quen của cô có cha là nạn nhân trong một vụ án lớn. Vụ án này bị một YouTuber lấy làm nội dung có quảng cáo mà lại không đàng hoàng, kể về nạn nhân theo cách cợt nhả. YouTuber này không chịu gỡ bỏ video vì là deal quảng cáo. Sự kém tinh tế và hời hợt còn tệ hơn ở nền tảng Tik Tok với tính chất nhanh và ngắn. Reddit vốn nổi tiếng với nhiều cộng đồng kinh dị, true crime lớn, thế nên đã có nhiều bài thảo luận về tính phù hợp của trang điểm và kể chuyện án mạng. Hai thứ này có phù hợp với nhau hay không vẫn còn là đề tài tranh luận với nhiều người ủng hộ lẫn phản đối.

Năm 2021, Hulu sản xuất series Only Murders in the Building như một cách châm biếm văn hóa true-crimes. Tại đó, nhân vật của Selena là tiếng nói lương tri, khi không đồng ý việc nói về nạn nhân trên podcast một cách hời hợt. Thông thường người ta chỉ chú ý đến thủ phạm mà quên rằng nạn nhân cũng là những con người với cuộc đời đầy ý nghĩa. Thế nên, một điều mà các hãng lớn như Netflix hay Blumhouse đã làm được rất tốt đó là liên hệ gia đình nạn nhân tham gia phim, để họ được kể về cuộc đời người thân yêu mình trọn vẹn nhất.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Án mạng và trang điểm có nên là nội dung kết hợp với nhau? 

  • 2434
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
431

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)