logo-maybe-vn
Mở app

6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại - Những vật dụng thường ngày liệu có đơn giản như ta nghĩ?

Steven Johnson là tác giả viết sách khoa học đại chúng và nhà lý luận truyền thông người Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, ông là tác giả của mười hai cuốn sách, phần lớn viết về khoa học và công nghệ. Ông là biên tập viên của tạp chí công nghệ Wired và cũng là cây bút đóng góp cho The New York Times, The Wall Street Journal, The Financial Times và nhiều tạp chí định kỳ khác.

6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại là tác phẩm thứ tám của Steven Johnson, xuất bản vào năm 2014, kể về quá trình ra đời của một số phát minh vĩ đại và cách chúng tạo ra một loạt thay đổi cho xã hội theo hướng không ai ngờ tới. Cuốn sách gồm 6 chương tương ứng với 6 lĩnh vực khác nhau: thủy tinh, làm lạnh, âm thanh, làm sạch, thời gian, ánh sáng.

Với cách kể chuyện dễ hiểu mà không kém phần hấp dẫn, Steven Johnson đã thuật lại tiến trình làm nên thủy tinh, tủ lạnh, máy ký âm, chất tẩy rửa, vân vân và vân vân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc kể chuyện đơn giản như thế thì cuốn sách này khó có thể lấy lòng người đọc bởi nó quá sơ sài so với cái tên 6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại. Điều đặc biệt của cuốn sách nằm ở phần “hiệu ứng chim ruồi”. Sự tiến hóa trong hành vi thụ phấn của côn trùng theo các loài hoa đã kéo theo biến đổi về mặt hình thái cơ thể của loài chim ruồi, tương tự như thế, các phát minh kể trên đã gây ra biến đổi ở các địa hạt không phải khoa học.

Chẳng hạn như, sau khi chứng kiến sự nguy hiểm của nguồn nước ô nhiễm đối với sức khỏe cộng đồng, John Leal, một bác sĩ người Mỹ, đã tìm ra cách diệt khuẩn cho nguồn nước công cộng bằng canxi hypoclorit, hay còn gọi là clorua vôi. Nhờ thế, bệnh tật lây qua nguồn nước được giảm đáng kể. Sau Thế chiến thứ nhất, vô số bể bơi công cộng được khử trùng bằng clo mọc lên khắp nước Mỹ. Đồ bơi “ít vải” dành cho phụ nữ trở thành trào lưu ngay sau đó. Đồ bơi hở lưng, kế đến là đồ bơi hai mảnh nhanh chóng xuất hiện vào thập niên 1930. Nước Mỹ ngày càng cởi mở đối với việc khoe da thịt của phụ nữ. Tất nhiên là còn rất nhiều yếu tố xã hội khác đã hình thành nên bộ đồ bơi, nhưng cũng phải thừa nhận rằng chất khử trùng nước đã góp phần thúc đẩy thời trang nữ. Trên đây chỉ là một trong số các chuỗi hiệu ứng chim ruồi mà tác giả liệt kê trong sách, và mình phải thú nhận rằng mỗi mắt xích trong chuỗi hiệu ứng đều khiến mình kinh ngạc.

Cuốn sách cũng giúp mình có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới xung quanh, đặt mọi vật vào vai trò to lớn hơn so với trước đây mình từng nhìn nhận chúng. Ví dụ, lúc trước khi nhắc đến thủy tinh, mình chỉ nghĩ tới cốc tách hay ô cửa kính. Sau khi đọc cuốn sách này, mình mới biết rằng thủy tinh ở khắp mọi nơi: quần áo, mũ bảo hiểm, bảng mạch điện tử, cáp truyền tín hiệu, máy bay,... và góp phần tạo ra thay đổi về mặt nhận thức và hành vi của con người. Ví dụ, kể từ khi gương thủy tinh bắt đầu thịnh hành ở châu Âu vào những năm 1400, người dân có được những hình ảnh phản chiếu rõ ràng thay cho những bóng hình mờ nhòe trên mặt nước. Khi nhìn được rõ khuôn mặt của mình cũng là lúc con người nhận thức sâu hơn về bản thân. Việc tự soi xét nội tâm, trò chuyện với chính mình trở nên dễ dàng hơn nhờ có chiếc gương, vì thế, các bức chân dung tự họa và các tác phẩm văn học về thế giới nội tâm xuất hiện ngày càng nhiều. Các quy phạm xã hội ở châu Âu cũng bắt đầu xoay quanh cá nhân nhiều hơn.

Mình đồng ý với ý kiến của tác giả rằng tầm ảnh hưởng của những phát minh lớn rất khó đoán định, nhưng việc nó đưa tới kết quả tốt hay xấu thì hoàn toàn do con người dẫn dắt. Ví dụ như trong khi ở thế giới dưới nước, công nghệ siêu âm giúp các nhà khoa học tìm thấy những cảnh quan khuất lấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên và cả đứt gãy địa chất, thì ở những đất nước trọng nam khinh nữ, công nghệ siêu âm lại tiếp tay cho sự gia tăng các ca nạo phá thai để lựa chọn giới tính.

“Cuộc hành quân của công nghệ có logic nội tại của nó nhưng việc ứng dụng công nghệ hợp đạo đức lại phụ thuộc vào chúng ta.”

Đã có nhiều cuốn sách khiến cho độc giả cảm thấy thích thú khi thuật lại khoảnh khắc “Eureka!” của một nhà phát minh đơn độc, nhưng 6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại thì không như thế. Tác giả luôn nhấn mạnh rằng phần lớn các khám phá mang tính cải cách là do một nhóm người thực hiện, nhưng ai thành công trong việc nắm bắt lấy “điểm hội tụ” của các lĩnh vực trí tuệ khác nhau và quản lý một nhóm người có kỹ năng đa dạng mới là người được hậu thế nhắc đến nhiều nhất. Thomas Edison chính là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Edison là một thiên tài thực thụ, nhưng việc sáng chế ra bóng đèn không phải là công lao của một mình ông ấy như hồi bé mình vẫn nghĩ. Trước Edison, đã có nhiều phát minh rời rạc về bóng đèn sợi đốt, và các mảnh rời rạc ấy được Edison tổng hợp lại và bổ sung để tạo nên bóng đèn mang thương hiệu của ông. Tài năng marketing của Edison đã giúp tên tuổi của ông lan rộng. Ông có mối quan hệ khăng khít với giới truyền thông, hơn nữa, ông còn quản lý một nhóm những nhân viên sở hữu nhiều kỹ năng khác nhau mà không đòi hỏi được xuất hiện trên báo chí, gồm các thợ cơ khí, thợ máy, nhà vật lý, nhà hóa học, họa sĩ thiết kế,... Ông cũng là người khởi đầu truyền thống trả lương cho nhân viên bằng cổ phần. Tác giả cho rằng thành tựu lớn nhất của Edison chính là mô hình làm việc nhóm do ông khởi phát: vận dụng dựa trên ý tưởng của người khác, tổng hợp các kỹ năng liên ngành, khuyến khích nhân viên bằng cổ phần tương ứng với thành công chung của tổ chức.

Với cách dẫn dắt khéo léo, không cần đến nhiều số liệu khô khan hay thuật ngữ lạ lẫm, 6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại là một cuốn sách khoa học dễ tiếp cận mà không kém phần thú vị khi nó mở ra cách nhìn mới mẻ cho những điều vốn dĩ thân quen.

Chấm điểm: 8/10.

  • 2104
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
790

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)