logo-maybe-vn
Mở app

Làm sao để tránh tổn thương khi người khác sử dụng "vũ khí im lặng" trong "chiến tranh lạnh" ?

Liệu bạn có bao giờ tự hỏi mình đã làm gì sai khi bỗng dưng người mình yêu, người thân thiết bỗng dưng im lặng không nói một lời hoặc từ chối giải thích cho bạn nguyên do?

Liệu bạn có nhận ra rằng có ai đó xung quanh mình thường hờn dỗi khi không hài lòng với cách cư xử của người khác - thay vì nói rõ suy nghĩ? Khi ai đó đột ngột dừng nói chuyện với người khác khi họ đang giận dữ mà không đưa ra thêm bất cứ một lời nào? Liệu ai đó có nói chuyện với những người khác nhưng lại tỏ ra như bạn không tồn tại? Họ dừng hoặc trì hoãn làm một việc gì đó như một cách trừng phạt người khác? Liệu bạn có thấy ai đó thay vì tham gia vào những cuộc nói chuyện có ý nghĩa, họ lại tìm cách nói móc, xỉa xói hoặc châm biếm để không phải tham gia bàn về nó?

Tranh: Paul Blow
Tranh: Paul Blow

Im lặng - silent treatment - là một "vũ khí tối thượng" gây tổn thương cảm xúc và chà đạp lòng tự trọng của người khác nghiêm trọng, đôi khi nó cũng là một cách được sử dụng với mục đích thao túng tinh thần.

ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ LÊN CÁC MỐI QUAN HỆ

Thực sự nếu ai đó đang sử dụng “công cụ im lặng” như 1 cách kiểm soát tình huống hay cố tình gây áp lực cho người khác, thì nó cũng không phải là một cách hữu hiệu để giải quyết bất đồng, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược.

Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng cả 2 giới đều có mức độ sử dụng “quyền im lặng đáng sợ này” ngang nhau trong một mối quan hệ.

Khi xung đột hay tranh cãi xảy ra, một bên muốn ngồi xuống và giải quyết vấn đề, muốn lắng nghe và mong muốn cả 2 người theo cùng 1 phe - để cùng nhau đẩy lui vấn đề khó khăn; thì người kia lại chọn cách rút lui và thậm chí là coi người còn lại như không tồn tại (well, đôi khi im lặng là cần thiết để bình tĩnh lại nhưng nên nói rõ rằng sẽ im lặng trong bao lâu, và tỏ mong muốn giải quyết xung đột sau khi bình tĩnh). Nếu sự im lặng đó không phải với mục đích giải quyết và thoả thuận chia sẻ suy nghĩ, mà chỉ mang tính chất ép buộc hay cố tình gây sức ép lên người khác - nó sẽ gây ra sự tổn thương sâu sắc lên cả 2 bên.

Như đã nhắc đến bên trên, vũ khí im lặng là một hình thức của bạ.o hành cảm xúc. Trong đó, những cách thao túng tâm lý có chủ ý bằng cách sử dụng một loạt các hành vi phi thể chất hoặc ngôn từ có thể làm suy yếu tinh thần và cảm xúc của một người. Trong một vài trường hợp, nó như một thứ vũ kh.í huỷ diệt thầm lặng, nó âm thần len lỏi vào cách nạ.n nhân định dạng giá trị của chính mình, hoặc thậm chí khiến họ có các ý nghĩ tiêu cực từ đó phát triển các rối loạn tâm lý. Có thể kể đến hậu quả như: nạ.n nhân phát triển các nỗi sợ hãi, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm; họ cảm thấy vô vọng, khó ăn uống và ảnh hưởng đến giấc ngủ,…

Theo một nghiên cứu vào năm 2012, những người thường xuyên bị ngó lơ cho thấy họ có lòng tự trọng thấp hơn, có cảm giác rằng cuộc sống dường như ít ý nghĩa hơn. Việc bỗng dưng bị cô lập được xem như một cách gây tổn thương lên người khác mà không để lại vết thâm tím, tuy nhiên, cảm giác này khiến nạ.n nhân cảm thấy mình như bị chối bỏ.Khi ai đó thấy mình như bị cô lập - não của họ dường như kích hoạt cùng một vùng não giống với khi họ cảm nhận một cơn đau thể xác.

Có nghĩa rằng: cảm giác bị cô lập dù không để lại vết thương nhưng lại gây ra đau đớn tương đồng như vết thương lên da thịt.

LÀM SAO ĐỂ TRÁNH TỔN THƯƠNG BỞI VŨ KHÍ IM LẶNG?

Đôi khi, trong một mối quan hệ, khi một người có xu hướng gây mâu thuẫn với mục đích khiến người khác phải đáp ứng nhu cầu của mình. Và khi người kia thực sự xin lỗi và chạy theo họ, năn nỉ để họ kết thúc sự im lặng đáng sợ ấy, kết quả dường như cũng không hề khả quan. Đối với một số người, những mâu thuẫn bên trong khiến họ không có cùng cách suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống giống người khác.

Ở tình huống này, nếu người sử dụng silent treatment được xin lỗi, họ sẽ nghĩ rằng họ đúng và người kia xin lỗi vì người đó sai và tự thấy tội lỗi chứ không hề nhận thấy rằng người kia chỉ muốn xuống nước để giữ gìn mối quan hệ.

Thậm chí đôi lúc, những người có xu hướng ích kỷ còn cảm thấy thoả mãn và nhìn thấy bản thân “có giá” khi nhìn thấy đối phương vì mình mà đau khổ hay níu kéo.

Hãy nhớ rằng, bạn không thể thay đổi người khác, duy chỉ có thể thay đổi bản thân mình.

Bạn không cần sự thừa nhận từ người khác để có được hạnh phúc. Bạn không cần bất cứ ai phê chuẩn rằng bản thân bạn đáng được yêu, bản thân bạn có giá trị, bạn không cần sự công nhận từ người khác. Giá trị của bạn không hề đến từ bên ngoài. Cách người khác nhìn nhận bạn, không có nghĩa nó đúng với bạn. Hãy bắt đầu nhìn nhận và yêu thương bản thân cũng như bảo vệ bạn từ sự công kích hay cảm giác bất từ người khác.

Nếu bạn là nạn nhân của "vũ khí im lặng"

1. Bạn không cần phải đoán xem người đó đang làm gì, bạn cũng không cần phải yêu cầu họ phải làm như thế nào, cũng như không thể mong muốn họ làm gì đó cho mình. Ta không có quyền yêu cầu người khác làm gì cả, và họ cũng có quyền được chọn sự im lặng cho chính họ. Nhưng bạn có quyền phản hồi lại sự tiêu cực đó bằng cách xem nó như một việc của riêng người kia, một vấn đề không liên quan gì đến bạn nếu như họ không muốn chia sẻ và giải quyết với bạn. Hãy cố gắng kết nối với người thân, bạn bè,..để tránh bản thân rơi vào tình huống bị cô lập, từ đó khiến mình như không nơi nương tựa khi bị người khác dùng v.ũ kh.í im lặng.

2. Nếu bạn thực sự trân trọng người đó và muốn giải quyết vấn đề, hãy học cách hiểu con người và suy nghĩ thực sự của họ. Đôi khi, một người sử dụng vũ khí thinh lặng này có lẽ vì họ quá giận dữ, quá đau khổ bên trong hoặc cảm xúc quá lớn đang lấn át suy nghĩ của họ. Vì vậy, họ giữ im lặng để không huỷ hoại mối quan hệ hoặc tàn phá sợi dây liên kết của 2 người. Trong trường hợp này, hãy cho họ thời gian để bình tĩnh.

Hãy nói với họ rằng cảm xúc của họ cũng quan trọng và đáng được công nhận, cho dù đó không phải là những cảm xúc tích cực. Hãy ở bên cạnh họ và nói rằng hành động của họ khiến bạn bị tổn thương, và bày tỏ mong muốn rằng bạn thực sự luôn ở cạnh họ và lắng nghe bằng tất cả tình yêu và sự thấu hiểu của mình.

Ở những người mang các vấn đề về tâm lý hoặc từng có tuổi thơ đau đớn, họ thực sự không tin và không hiểu được rằng tình yêu, sự quan tâm và niềm tin là thứ có tồn tại. Vì thế, họ luôn phải chống chọi với 2 luồng suy nghĩ trái ngược nhau bên trong. Một phần trong họ mong muốn được yêu thương, trân trọng, cảm thông và thấu hiểu; nhưng một phần khác - một cơ chế phòng vệ họ học được từ đau thương - rằng họ phải tự tìm cách bảo vệ bản thân mình và tránh né không cho nỗi đau quá khứ lặp lại một lần nữa. Điều họ cần thực sự có lẽ không phải là sự chỉ trích hay thúc ép, mà là sự kiên nhẫn, kiên trì và chân thành. Họ thực sự cần thời gian để nhìn thấy điều tốt đẹp ở đối phương, họ cần chứng kiến những hành động thực lòng quan tâm để có thể mở lòng và cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề.

3. Không nên cho rằng sự im lặng đáng sợ của họ là lỗi của bạn. Mà hãy hỏi bản thân “mình cần gì vào lúc này để có được cảm giác vui vẻ?” mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực từ người kia. Thay vì tập trung lo lắng và tìm cách khiến họ chú ý đến bạn, nghĩ xem bạn sẽ thích làm gì để lấp đầy khoảng thời gian đó nhưng vẫn thấy hạnh phúc? Bạn thích đọc sách, chơi đàn, chơi game, xem phim, thể dục thể thao, đi cà phê cùng bạn bè, dắt người thân đi siêu thị,… bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ!

Nếu bạn là người thường xuyên sử dụng sự im lặng để đối phó với các cuộc tranh cãi:

1. Hãy cải thiện nhận thức về bản thân mình

Các hành vi gây hấn thụ động đôi khi xuất phát từ việc ai đó không hiểu rõ về bản thân mình. Họ không biết lí do tại sao họ lại khó chịu, họ không biết họ đang thực sự nghĩ gì. Vì thế, việc tìm hiểu và biết được nguyên nhân đằng sau sự hỗn loạn của bản thân có thể htay đổi được cách bạn phản hồi với người khác trong cac tình huống khác nhau.

2. Hãy cho bản thân thời gian để dần dần thay đổi thói quen im lặng để tìm kiếm bình yên - một bình yên không hề thực tế cho lắm.

3. Học cách thể hiện bản thân: việc nhận thức được xúc cảm dâng trào bên trong, đọc tên được nó và có khả năng bày tỏ suy nghĩ có thể giúp bạn chia sẻ được sự khó khăn mà bạn đang gặp phải. Từ đó có thể cùng đối phương chống lại vấn đề gây ra mâu thuẫn giữa 2 người.

Ngoài ra, các hành vi im lặng hay gây hấn thụ động trong một mối quan hệ cũng là một tác nhân lớn gây chia tách những cuộc tình hoặc thậm chí là cuộc hôn nhân từng rất gắn kết. Rất nhiều cặp đôi đến với trị liệu hôn nhân gia đình và ở đó, điều làm họ đau đớn không phải vì những tình huống lớn đột ngột xuất hiện, mà là những tình huống bất đồng nhỏ không được giải quyết 1 cách đúng đắn đã khiến giọt nước phải tràn ly. Nếu ai đó nhận ra chính sự im lặng của bản thân luôn khiến họ mất đi một mối quan hệ mà họ muốn giữ, nhưng không biết cách đối diện nào khác ngoài phương thức im lặng trốn tránh, hãy tìm đến các nhà trị liệu chuyên nghiệp để được giúp đỡ nhé.

Paul, M. (2009, October 14). The silent treatment. Mental Health Matters.

Hopwood CJ, Morey LC, Markowitz JC, et al. The construct validity of passive-aggressive personality disorder. Psychiatry. 2009;72(3):256–267. doi:10.1521/psyc.2009.72.3.256

Nezlek, J. B., Wesselmann, E. D., Wheeler, L., & Williams, K. D. (2012). Ostracism in everyday life. Group Dynamics: Theory, Research, and Practice, 16(2), 91–104.

THEO: NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG, PSYCHOLOGICAL FACTS - TÂM LÝ HỌC VÀ XÃ HỘI HỌC VIỆT NAM

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1478

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)