logo-maybe-vn
Mở app

Tèo Phạm và sự “bài tiết tinh thần” không thể thiếu vắng ở mỗi con người

Quá trình quan sát sự vật, sự việc trong cuộc sống rồi cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật liệu có được xem là một “sự bài tiết?” Đối với mình, đó là một sự so sánh thú vị mà mình lần đầu biết đến qua những bức tranh trong triển lãm Còn lại gì phía sau trực tràng - Chương 1: Bữa tiệc của hệ tiêu hoá -  triển lãm cá nhân đầu tiên của Tèo Phạm.

Tèo Phạm sinh năm 1996 ở Lâm Đồng, tốt nghiệp trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM năm 2020. Anh hướng tới phong cách thể hiện tự nhiên, ít gò bó về mặt kỹ thuật.

Đối với Tèo Phạm, sự dồn nén của cảm xúc cần có cách để giải tỏa, và anh gọi đó là “bài tiết tinh thần”. Những điều chúng ta nhìn thấy từ cuộc sống cũng giống như thức ăn đi qua khoang miệng, để lại cho ta một dư vị, một suy nghĩ. Rồi trong quá trình tiêu hóa và bài tiết, những ý tưởng về mặt nghệ thuật được thai nghén và hình thành. Cuối cùng, tác phẩm nghệ thuật ra đời, ấy là sản phẩm của “bài tiết tinh thần”. Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu “bài tiết tinh thần” cả, không nhất thiết phải tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta có thể vẽ vời, hát ca, viết lách,... để bày tỏ những dồn nén của cảm xúc.

Nhắc tới bài tiết, người ta không ngừng nghĩ tới tiếng ọc ọc phát ra từ bụng hay là những chất thải bẩn thỉu hôi hám. Dường như chúng ta không thể rút ra điều gì đẹp đẽ liên quan đến bài tiết. Thế nhưng Tèo Phạm đã biến nó thành một điều gì đó có chiều sâu và đầy tính nghệ thuật. Mình rất khâm phục sự khai thác nghệ thuật của Tèo Phạm từ một chủ đề không ai muốn nghĩ đến. Trong mắt của người nghệ sĩ thì cái đẹp không có giới hạn. 

Với một tinh thần tươi tắn và hài hước, các bức tranh của Tèo Phạm biểu hiện mối quan hệ giữa quá trình “bài tiết tinh thần” và các sản phẩm của chính nó. Đó là sự pha trộn giữa các bộ phận bên trong và bên ngoài của cơ thể con người, như một phép nhân hóa đặc biệt:  Khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn trở thành những kẻ đang hoạt động hết năng suất. 

“Từng tế bào sáng tạo của Tèo Phạm đang tự họa chính bản thân chúng bằng màu acrylic trên vải bố”, đó là suy nghĩ của mình khi xem triển lãm. Màu sắc sặc sỡ, vô số chi tiết nhỏ, những thông điệp “tưởng ẩn mà hiện” là đặc điểm chung trong các bức tranh của Tèo Phạm. Tuy vậy, tổng thể tranh không hề bị rườm rà, ngược lại còn gãy gọn, dứt khoát.

Sau đây mình xin chia sẻ với các bạn một số bức tranh mà mình thích.

Bên trên - Bên trong

Mới nhìn vào thì mình thấy hình đầu sọ, nhưng nhìn kỹ hơn thì chiếc đầu sọ này có mắt của loài ruồi, và nhìn theo một khía cạnh khác thì đây chính là… hậu môn. Hậu môn và ruồi chính là những hình ảnh gắn với “bài tiết”, nhưng chúng lại được khéo léo kết hợp với hình đầu sọ, khiến mình cảm thấy rất thú vị, phải nán lại trước bức tranh để nhìn rõ từng chi tiết. Phần background được lấp đầy bởi những dòng chữ trắng đen, bị chìm trước màu sắc nổi bật của foreground. Tuy nhiên, nếu đọc được những dòng chữ ấy thì chắc là các bạn sẽ bật cười.

Thông điệp hòa bình

Giữa tông đen-vàng dịu mắt, “ánh sáng hòa bình” màu trắng trong tranh như hòa với màu trắng của bức tường, tạo ra cảm giác giống như ánh sáng từ bên ngoài hắt vào bức tranh. Phần background có dòng chữ “SEND NUDE NOT ROCKET”, một “thông điệp hòa bình” hài hước và hợp mốt trong thời đại 4.0.

Món ăn ngon thứ hai thế giới

Bức tranh này tuy có vẻ rối mắt nhưng vẫn dễ dàng nhận ra được hai người đang hôn nhau. Mũi, lưỡi và đường màu cam ngoằn ngoèo đều tạo thành hình trái tim. Có lẽ tác giả thích mang lại sự hứng thú cho người xem bằng cách lồng những “hình ảnh ẩn” vào trong tranh.

Bắt chước Basquiat không thành

Nổi bật trên background đen trắng là những đường nét màu cam tạo thành hình người đang giơ hai tay. Dựa vào tên của bức tranh, mình đoán rằng Tèo Phạm đang họa lại chân dung của Jean-Michel Basquiat - một họa sĩ người Mỹ gốc Phi có mái tóc xoăn đen được tạo kiểu rất đặc biệt. Có lẽ Tèo Phạm quá ấn tượng trước kiểu tóc của Basquiat nên bức tranh này mới tràn ngập màu đen của tóc.

Trò chơi cút bắt

Mình đoán rằng đây là một loại vi sinh vật trong hệ tiêu hóa. Khi nói về vi sinh vật, người ta thường nghĩ chúng có hình dạng gai góc, gớm ghiếc, và Tèo Phạm đã vẽ ra đúng như thế. “Trò chơi cút bắt” ở đây có lẽ là việc vi sinh vật bắt lấy và nghiền nát thức ăn. Phần background là bàn cờ ca-rô, cũng là một dạng “cút bắt” khi hai bên không ngừng truy đuổi nhau để ngăn đối thủ thắng cuộc.

Quái zật - Không gian - Zối

Trong bức tranh là một chiếc dạ dày đang làm việc cật lực. Tác giả thể hiện những thứ hầm bà lằng bên trong con người bằng nhiều hình dạng và màu sắc sặc sỡ. Màu nóng chiếm thế chủ đạo, tạo ra cảm giác nóng nực, ngột ngạt. Sự hỗn độn này làm mình liên tưởng đến hỗn hợp thức ăn đang được tiêu hóa, cũng lộn xộn và có phần “bốc mùi”.

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1323

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)