
Thăm Dò Tiềm Thức - Một góc nhìn phức tạp về giấc mơ
Carl Gustav Jung (1875 - 1961) là một bác sĩ tâm thần học và nhà tâm lý học người Thụy Sĩ. Ông là người lập ra trường phái tâm lý học phân tích nhằm phân biệt với trường phái phân tâm học của Sigmund Freud, nhà tâm lý học nổi tiếng cùng thời. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà tâm lý học hiện đại.
Thăm Dò Tiềm Thức được viết vào năm 1961, là văn bản cuối cùng của Jung trước khi ông mất. Cuốn sách này tập trung vào những giấc mơ và thế giới biểu tượng của nó, xác định những “gen tinh thần” của con người chứa đựng trong siêu tượng (archétype).
Trong Thăm Dò Tiềm Thức, Jung không đồng ý với cách giải mộng bằng phương pháp “hội ý tự do” của Freud, tức là khuyến khích người nằm mơ giải thích giấc mơ của họ để làm lộ ra những ý tưởng hay điều khó chịu mà họ muốn loại bỏ. Jung cho rằng ý nghĩa của giấc mơ nằm trong chính nó, vì vậy không nên để phương pháp “hội ý tự do” làm ta đi xa khỏi nội dung giấc mơ.
Theo Jung, giấc mơ có chức năng đền bù cho những yếu nhược của cá tính đồng thời cảnh cáo những nguy hiểm có thể xảy đến với người mơ. Những biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ mang tính ngẫu nhiên và vô thức, vì giấc mơ là một thứ xảy đến với ta chứ không phải do ta tự tạo ra.
Tuy nhiên, có những biểu tượng trong mơ mang tính cách đoàn thể chứ không phải mang tính cách cá nhân, có nghĩa là những biểu tượng giống nhau xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người, cho dù những người đó có liên quan đến nhau hay không. Những biểu tượng ấy xuất hiện vào bất cứ thời nào, bất cứ đâu trên khắp thế giới.
Hóa ra con người được thừa hưởng “gen tinh thần” từ tổ tiên. Tinh thần của ta cũng giống như mỗi bộ phận trên người ta, đều là kết quả của một quá trình tiến hóa từ thời tiền sử và ẩn chứa một phần bản năng của con người. Bản năng ấy bộc lộ bằng siêu tượng (archétype), một khái niệm do Jung đề xuất dùng để chỉ những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại. Vô thức tập thể này là một yếu tố đặc trưng cho tất cả các vô thức cá nhân.
Cuốn sách này dày chưa tới 200 trang nhưng lại khiến mình tốn khá nhiều thời gian để đọc hết. Mặc dù Jung đã lựa chọn cách giải thích dễ hiểu nhất có thể và cung cấp khá nhiều ví dụ, nhưng càng về cuối cuốn sách càng khó đọc vì có quá nhiều thuật ngữ mới xuất hiện. Giọng văn của Jung khiêm tốn, ngắn gọn nhưng cũng không kém phần hàn lâm.
Tuy không thể hiểu hết mọi điều Jung muốn truyền tải, mình vẫn có thể cảm nhận được sự tận tụy với tư cách là một bác sĩ tâm thần học của ông. Jung tôn trọng sự khách quan cũng như tôn trọng các bệnh nhân khi ông thẳng thắn chỉ ra rằng vai trò của bác sĩ không nên lấn át vai trò của người mơ trong khi giải mộng. Ấy là vì giải mộng gắn liền với ý thức về cá tính riêng của bác sĩ lẫn sự hiểu biết về cá tính của người mơ. Không thể biến kinh nghiệm giải mộng thành một hệ thống kỹ thuật máy móc được.
Mình cũng thấy được rằng Jung là người có chính kiến mạnh mẽ và đủ tài giỏi để tạo ra dấu ấn riêng trong giới tâm lý học. Trong tác phẩm, Jung nhiều lần nhấn mạnh ông không đồng tình với một số ý kiến của Sigmund Freud. Cũng phải nói thêm rằng Freud vô cùng nổi tiếng trong giới tâm lý học, có ít nhiều ảnh hưởng đến Jung, từng có mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết với Jung và từng muốn chọn Jung làm người kế nhiệm. Sự bất đồng ý kiến khiến Jung mất đi tình bạn với Freud - một mối quan hệ có lợi ích đối với Jung về mặt học thuật. Đổi lại, Jung đã có thể tách khỏi cái bóng lớn lao của Freud và tạo dựng nên tên tuổi của riêng mình.
Tác phẩm Thăm Dò Tiềm Thức của Carl Gustav Jung đã cho mình một góc nhìn hàn lâm hơn về giấc mơ của con người. Tuy còn nhiều điều chưa hiểu nhưng mình đã bắt đầu quan tâm hơn đến khía cạnh nhỏ này của tâm lý học. Hy vọng trong tương lai mình sẽ có nhiều kiến thức hơn để hiểu được các ý kiến của Jung.
Chấm điểm: 8/10.
- 2187
- 0Bình luận