
Cùng nhâm nhi một tách cà phê nóng và nghe Guy de Maupassant kể chuyện ở “Nơi Nhà Người Bạn”
Guy de Maupassant (1850-1893) là một cái tên khá quen thuộc khi nói về những tác giả truyện ngắn hàng đầu của thế kỉ 19. Chỉ trong khoảng thời gian từ 1880 đến 1889, ông đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ với khoảng 300 truyện ngắn, 200 bài đăng báo, 6 tiểu thuyết và 3 bút kí du hành. Nơi Nhà Người Bạn là tập gồm 18 truyện ngắn được viết trong giai đoạn mười năm ông tập trung sáng tác và đây cũng là truyện ngắn đầu tiên trong cuốn sách này.
Đọc tập truyện này làm mình có cảm giác giống như đang ngồi trong một khu vườn nhỏ, nhâm nhi một tách cà phê và nghe Maupassant thủ thỉ về những câu chuyện ở xứ Normandie hẻo lánh. Ông sẽ kể về một gia đình tằn tiện, một ông lão cô đơn, một bà thợ may số khổ, một cô gái điếm hết thời,... như một người hàng xóm kể cho bạn nghe về những chuyện đã diễn ra ở quanh khu bạn sống. Có những truyện khi đang đọc tưởng như rất đỗi bình thường nhưng cuối cùng sẽ làm bạn phải bật thốt lên trong sự ngỡ ngàng.
18 truyện ngắn trong Nơi Nhà Người Bạn là 18 lần Maupassant làm mình bất ngờ với những nhân vật của ông. Có thể sau này mình sẽ không nhớ rõ tên chính xác của từng truyện nhưng chắc chắn mình sẽ nhớ rõ từng nhân vật trong các truyện ngắn ấy: một cô gái điếm phải giấu đứa con trai vào tủ để tiếp khách kiếm sống, một ông nông dân chỉ vì cúi xuống nhặt một sợi nhợ mà rơi vào lời đồn thành kẻ tham lam, một bà mẹ tự tay thiêu sống bốn người lính để trả thù cho đứa con chết trên chiến trường... Mỗi một nhân vật đều được xây dựng rất chân thực nhằm phô bày sự bất lực và nhỏ bé của con người trước xã hội và định mệnh.
“Suốt đời nàng, với cái thân thể thiếu duyên dáng, với cái hình hài tủi hổ kia, nàng đã âm thầm chịu sự đau đớn và sự tuyệt vọng như thế nào? Cái vỏ bề ngoài kỳ cục ấy đã làm cho mọi tình cảm, mọi tình yêu không thể đến với nàng được. Thật có nhiều kẻ bất hạnh! Tôi cảm thấy sự bất công muôn đời của tạo hóa, như một cơn giận không nguôi, đè nặng lên người đàn bà kia. Đối với nàng, thế là hết; có lẽ chưa bao giờ nàng được hưởng sự an ủi cho những kẻ vô phúc, tức là niềm hy vọng được yêu một lần!”
Mặc dù được mệnh danh là người kể chuyện xuất sắc của văn học Pháp thế kỉ 19 nhưng Maupassant có một giọng văn rất khác với lối bóng bẩy, lãng mạn đặc trưng của người Pháp. Giọng văn của ông vừa bình dị, gần gũi, vừa linh hoạt một cách sắc sảo làm nên một dấu ấn rất riêng của ông trong mảng truyện ngắn lúc bấy giờ. Sự gọn nhẹ và tinh tế trong bút pháp miêu tả chi tiết sự việc của ông là cái mà mình cảm nhận được rõ ràng nhưng không biết phải diễn đạt làm sao. Phải đọc thì mới thấy được khả năng nắm bắt và thể hiện thực tại qua con chữ của Maupassant tuyệt vời đến nhường nào.
Maupassant không gói gọn những câu chuyện vào một khuôn mẫu hay một khoảng giới hạn nào cả, bất cứ ai cũng có thể trở thành người kể chuyện của ông. Ông mỉa mai sự tham lam và hèn nhát ẩn trong bản tính của con người nhưng cũng đồng cảm với những điều đau khổ mà con người phải chịu. Một điều đặc biệt mà mình thấy chỉ có ở riêng Maupassant là: nếu không đọc đến cuối truyện thì bạn sẽ chẳng biết nên cười hay nên khóc. Ông có những truyện mà mình chắc là khi đọc các bạn sẽ bật cười như Nơi Nhà Người Bạn, Những Món Đồ Nữ Trang hay Hối Tiếc, và cả những truyện khiến độc giả phải ngậm ngùi chua chát như Mụ Sauvage, Cô Harriet và Thằng Nhỏ.
Khi đọc các tập truyện ngắn mình thường chỉ thấy ấn tượng với đôi ba truyện trong đó, nhưng trong Nơi Nhà Người Bạn thì gần như truyện nào cũng là điểm nhấn với mình. Có lúc là do hình tượng nhân vật, có lúc là do cách truyện kết thúc nên dù đọc một mạch hết cả cuốn thì mình vẫn không bị lờn với lối kể của tác giả. Đôi lúc mình bị xoay như chong chóng vì những pha bẻ lái bất ngờ của ông, kiểu như phần trước đang rất cảm động thì ngay cuối truyện bạn sẽ nhận ra đó mới chỉ là lớp vỏ ngoài cùng. Và dẫu cho kể về khá nhiều nhân vật đau khổ thì không khí trong truyện cũng không bị nặng nề hay u ám, vì Maupassant luôn có cách làm cho bi kịch trở thành bi hài kịch.
Nhìn chung thì mình thấy đây là một tập truyện ngắn dễ đọc và rất thú vị, nhất là những khi bạn đã hơi “oải” với những quyển tiểu thuyết cầm nặng tay như mình. Chỉ trong 250 trang là bạn sẽ có một chuyến du hành với đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui đến buồn hay thậm chí là ngơ ngác vì chả hiểu gì cả. Một quyển sách mà mình thấy khá hợp để đọc đổi gió trong những ngày rỗi rãi. Suy cho cùng thì ngại gì mà không thử nghe nhà kể chuyện tài ba của nước Pháp kể một lần chứ?
Đánh giá cá nhân: 5/5
Hoàng Linh
- 2311
- 0Bình luận