logo-maybe-vn
Mở app

Tại sao những con búp bê lại đáng sợ đến thế?

Những người lớn sợ búp bê

Ở London có Pollock’s Toy Museum, một bảo tàng nhỏ chuyên trưng bày đồ chơi cổ. Từ những chiếc board game từ những năm 1920, gấu bông đầu thế kỷ 20, cho đến nhà đồ chơi, ngựa gỗ… Nhưng đặc biệt nhất là gian phòng cuối trưng bày những con búp bê đủ loại, từ búp bê phương Tây TK19 cho đến búp bê Nhật Bản, Trung Quốc… Chúng được trưng bày trên những chiếc nôi, ghế gỗ, xe đẩy, giương đôi mắt vô hồn chăm chăm vào khách tham quan.

Theo lời bác bảo vệ đã làm việc tại đây 7 năm, đa phần khách vào bảo tàng rất sợ căn phòng búp bê. Họ thường quay đầu ra về bằng cửa trước thay vì lối ra ở gian phòng búp bê. Người lớn đa phần sợ căn phòng đó, chứ không phải trẻ em. Bạn có công nhận rằng? Bản thân mình đôi khi cũng cảm thấy bất an khi nhìn vào những con búp bê như thế này không?

Pediophobia - Chứng sợ búp bê

Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Kate Wolitzky-Taylor giải thích, “Chúng ta không ai sinh ra là sợ búp bê cả. Thực tế cho thấy đa phần trẻ em thích búp bê”. Nỗi sợ búp bê thật ra được bồi đắp sau nhiều năm chúng ta tiếp xúc với văn hóa đại chúng. Chắc bạn đã biết những bộ phim kinh dị nổi tiếng, nơi ác nhân mang hình dạng búp bê? Child’s Play, Dead Silence, Puppet Master, Annabelle, Talky Tina trong một tập Twilight Zone…v.v. Tôi vẫn còn nhớ, khi bé mình rất thích chơi búp bê, cho đến khi xem Child’s Play và bị hủy hoại niềm vui ấy. Nỗi sợ búp bê chỉ bắt đầu phổ biến vào TK19, khi những con búp bê có thể nhắm mắt mở mắt được sản xuất, tạo độ chân thật cao hơn mà cũng đáng sợ hơn.

Child's Play (1988)
Child's Play (1988)

Mặc dù chúng ta có từ Pediophobia để chỉ nỗi sợ búp bê, trong nhiều năm hành nghề, tiến sĩ Wolitzky-Taylor chưa gặp bệnh nhân nào thật sự sợ búp bê đến mức được xem là bệnh lý. Quay lại câu chuyện về bảo tàng đồ chơi ở London, theo lời nhân viên tại đây, cũng không có người lớn nào sợ căn phòng búp bê đến mức nghiêm trọng. Họ chỉ đơn giản cười xòa, “Chỗ này thấy ghê quá”, hoặc “Tôi ghét mấy con búp bê này lắm”. Để Pediophobia thật sự là bệnh lý, nó phải ảnh hưởng đến đời sống người bệnh ví dụ như gây căng thẳng, sợ hãi vô lý, nhịp tim nhanh… Nếu bạn chỉ đơn thuần xem Annabelle và thấy hơi ghê ghê, quyết định từ bỏ ý muốn mua một con búp bê xinh đẹp về trưng tủ thì có thể đó chỉ là hiệu ứng “Uncanny Valley”.

Uncanny Valley - ‘Thung lũng kỳ quái’ của những gương mặt giả tạo

Ảnh: UNIVERSITY OF CALIFORNIA, SAN FRANCISCO
Ảnh: UNIVERSITY OF CALIFORNIA, SAN FRANCISCO

Uncanny Valley là thuật ngữ mà chuyên gia robot Masahiro Mori đặt ra năm 1970, chỉ trạng thái tâm lý nơi con người thấy ổn với những thứ mang hình dáng người, như robot chẳng hạn, cho đến khi nó quá “người”, gây cảm giác bất an. Chính xác hơn là, tuy giống người, những con robot siêu thực ấy vẫn thiếu gì đó để thật sự mang tính người. Các bạn hãy xem chuỗi hình dưới đây. 

Từ trái qua: 3CPO, Kodomoroid, Ava trong phim Ex Machina (2015)
Từ trái qua: 3CPO, Kodomoroid, Ava trong phim Ex Machina (2015)

Nói thật, nếu bị kẹt lại một đêm trong viện bảo tàng với 3CPO hay Eva, tôi vẫn thấy ổn. Nhưng Kodomoroid ư? Chắc tôi sẽ thức trắng cả đêm để tránh bị thủ tiêu trong giấc ngủ. Hoặc bạn có thể cảm thấy ghét cả Eva, ghét cả 3 gương mặt robot trên tùy trải nghiệm cá nhân. Còn đối với tôi, nếu ngoài đời có một con robot như Eva trong phim thì vẫn dễ chịu chán bởi nó đạt được độ chân thật của con người, với biểu cảm cơ mặt tinh tế. Sau khi Eva đắp da, mặt quần áo con người vào, chẳng thể nhận ra đó là một con robot nữa.

Ex Machina (2015)
Ex Machina (2015)

Lý do là vì con người chúng ta nhìn vào những khuôn mặt và thu nhận thông tin từ đó, về cảm xúc, ý định, đo lường hiểm họa…v.v. Thế nên một gương mặt robot gây bất an là khi nó còn vô cảm, chỉ là mớ nhựa vụng về được đắp lên cỗ máy. Cách những con robot ấy nhúc nhích cơ mặt còn xa mới đạt được độ linh hoạt như người. Khi nhìn vào những con robot ấy, chúng ta không diễn giải được gì từ nó, khiến nó trở thành thực thể khó đoán, dẫn đến cảm giác thiếu an toàn.

Tương tự, một gương mặt người vô cảm cũng sẽ tạo cảm giác như vậy. Các bạn có thể tham khảo phim Eyes Without a Face (1960). Gương mặt của nữ chính bị tổn hại sau vụ tai nạn xe và phải đeo mặt nạ. Chiếc mặt nạ trắng trơn tuột cứng đơ khiến mỗi khung hình có sự xuất hiện của nữ chính đều là cơn ác mộng.

Eyes Without a Face (1960)
Eyes Without a Face (1960)

Nếu bạn không muốn ở một mình trong căn phòng có con búp bê, hay hoảng vía khi ai đó tặng bạn một nàng búp bê váy trắng bồng bềnh, tóc dài cùng hàng mi cong, thì bạn không cô đơn. Nỗi sợ của bạn có nguyên cớ và ngoài kia là cả một thế hệ sợ hãi những con búp bê.

  • 2682
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
709

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)