Lược Sử Tôn Giáo: Cuốn sách tóm lược nguồn gốc của các tôn giáo từ Đông sang Tây
Từ những ngày rất đỗi xa xưa, tôn giáo đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân loại. Mỗi khi con người cảm thấy vô định và yếu đuối trước cuộc sống, họ lại tìm đến tôn giáo như một điểm tựa, họ mong mỏi sự chở che từ những Đấng Tối Cao ở đâu đó ngoài kia. Tôn giáo là thứ thay đổi liên tục theo sự phát triển của xã hội, nên chẳng ai biết được liệu có bao nhiêu sự thay đổi đã diễn ra từ xưa đến nay. Chẳng còn cách nào khác ngoài việc mò mẫm từng bước về quá khứ để đi tìm bản chất vốn có của tôn giáo.
Vậy tôn giáo bắt đầu từ đâu? Các tôn giáo trên thế giới có liên quan gì đến nhau không? Những vị thần sống trong tín ngưỡng của nhân loại từ đâu xuất hiện? Đây đều là những câu hỏi quen thuộc khi bắt đầu tiếp cận về chủ đề tôn giáo, và ở mỗi cách tiếp cận khác nhau bạn sẽ có được một câu trả lời khác nhau. Lược Sử Tôn Giáo là cuốn sách sẽ cho bạn câu trả lời bao quát, phong phú về tôn giáo dưới góc nhìn và cách lý giải của riêng Richard Holloway.
“Những giống loài khác trên Trái đất dường như chẳng cần đến tôn giáo. Và theo những gì ta biết thì chúng cũng chưa từng tạo ra tôn giáo nào cả. Đó là vì chúng hòa hợp với đời sống của chính mình hơn chúng ta. Chúng hành động theo bản năng. Chúng thả mình theo dòng chảy sinh tồn mà chẳng hề băn khoăn về sự sống. Loài người đã mất khả năng làm được điều ấy. Bộ não của chúng ta phát triển theo hướng khiến chúng ta biết tự ý thức. Chúng ta quan tâm đến chính mình. Chúng ta không thể không thắc mắc về mọi thứ. Chúng ta không thể không suy nghĩ.”
Richard Holloway không phải là nhà nghiên cứu khoa học, ông là một nhà văn và từng là Giám mục nên cách viết về tôn giáo không quá khô khan, gò bó. Ông không dẫn độc giả đi tìm hiểu về tôn giáo theo thứ tự thời gian cụ thể nào, mà sẽ đi theo lối chữ chi từ Đông sang Tây và vòng ngược lại. Bắt đầu từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Do Thái giáo đến Hồi giáo, Hỏa giáo và Ki-tô giáo, vòng về với Khổng giáo, Đạo giáo, thần giáo Nhật Bản, sau đó lại tìm đến với tín ngưỡng Châu Mĩ.
Bạn sẽ bắt gặp những khái niệm rất thường thấy trong tôn giáo như nghiệp (karma), vòng luân hồi (samsara), sự giải thoát (moksha), những thế giới tồn tại sau cái chết như thiên đường và địa ngục. Tất nhiên không thể thiếu những ngài Moses, Abraham, Zoroaster, Muhammad,... trong các câu truyện được truyền tụng, những con người nhận được sứ mệnh từ Đấng Tối Cao. Richard phân tích từng tôn giáo theo truyền thuyết và các nhân vật có sức ảnh hưởng trong việc tạo ra tôn giáo mới như các nhà tiên tri, nhà hiền triết nên bạn sẽ có cảm giác giống với đọc một quyển tiểu thuyết hơn là đọc một quyển sách khoa học.
“Lịch sử tôn giáo chính là câu chuyện về các vị tiên tri và hiền triết như thế, về các phong trào họ khởi tạo và những kinh thư viết về họ. Đây cũng là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi và bất đồng. Những người hoài nghi thắc mắc không biết liệu các vị tiên tri đó có thật sự tồn tại không. Và họ hoài nghi cả những tuyên bố dựa trên khải tượng và lời phán các vị này đã tiếp nhận. Cũng có lý thôi, nhưng họ lại bỏ qua điểm mấu chốt. Thứ không thể tranh cãi là việc các vị tiên tri và hiền triết ấy tồn tại trong những câu chuyện kể về họ, những câu chuyện vẫn đang truyền tải ý nghĩa cho hàng tỷ con người ngày nay.”
Quyển này chỉ vỏn vẹn 40 chương trong khoảng gần 300 trang, rất dễ thấy là lượng thông tin của nó chỉ nằm ở mức bao quát thôi chứ không phải nghiên cứu sâu. Sơ lược bố cục là: 2 chương đầu sẽ giới thiệu chung về sự xuất hiện và phát triển chung của tôn giáo; hơn 30 chương tiếp theo là câu chuyện về các tôn giáo như mình có nói ở trên; các chương gần cuối viết về những cuộc Thánh chiến và tình trạng xung đột tôn giáo ở hiện tại, dự đoán về số phận của tôn giáo trong thời đại mới khi con người càng ngày càng nghi ngờ sự tồn tại của các Đấng siêu nhiên.
Vì mình đã từng đọc một số sách nghiên cứu cơ bản về tôn giáo nên thấy quyển này thuộc dạng sách đọc để bổ sung thông tin hơn là sách để tham khảo chuyên ngành. Mình bắt đầu với tâm thế đọc thử không quá khắt khe nên thấy nội dung tổng quát như này cũng khá ổn. Sách được viết dưới quan điểm cá nhân của tác giả nên sẽ có những phần thông tin không quá khách quan, đặc biệt là phần dự đoán ở cuối. Với mình thì không có vấn đề gì vì thái độ của tác giả cũng cho thấy đây là cuốn sách chứa quan điểm của riêng ông, còn lựa chọn tin hay không là quyền của độc giả.
Nhìn chung thì đây là quyển sách mình thấy hợp với những người mới bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo, vì lượng thông tin phong phú và cách viết cũng khá dễ đọc. Còn với những bạn đã có sẵn nền tảng kiến thức thì có thể thử nó như một hướng tiếp cận mới, biết đâu sẽ có được cách nhìn đầy đủ hơn về lĩnh vực chưa bao giờ bớt được quan tâm này.
Đánh giá cá nhân: 4/5
Hoàng Linh
- 2764
- 0Bình luận