logo-maybe-vn
Mở app

Những ngôi nhà búp bê tuyệt đẹp và rùng rợn của Frances Glessner Lee - mẹ đẻ ngành khoa học pháp y

Tại văn phòng giám định y khoa tại Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ có phòng triển lãm 20 mô hình nhà búp bê cực kỳ chi tiết và mang tính nghệ thuật. Thế nhưng, đó không phải những ngôi nhà búp bê cho trẻ em thông thường, chúng là Nutshell Studies of Unexplained Death của Frances Glessner Lee, tái hiện lại các vụ án mạng, nhằm đào tạo thám tử, chuyên gia pháp y đời đầu.

Frances Glessner Lee là con gái út trong gia đình Glessner giàu có, phất lên nhờ công ty sản xuất máy cày và các phương tiện nông nghiệp khác. Bà được dạy học tại nhà, bảo bọc trong dinh thự Glessner, pháo đài khép kín thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Henry Hobson Richardson. Thế nhưng, Frances lại sớm bén duyên với khoa học pháp y. Bà vốn mê truyện trinh thám như Sherlock Holmes, nhưng chính nhờ cuộc gặp gỡ với bạn anh trai mình là George Magrath, sinh viên y khoa đại học Harvard, bà mới xác định được điều mình muốn trong đời.

Dù xuất thân trong giới tinh hoa trí thức, Frances vẫn không được đi học đại học mà bị lùa đi lấy chồng khi đủ tuổi. Bà khao khát được đi học như anh mình, đóng góp gì đó cho xã hội chứ không đơn thuần là cô tiểu thư sống giữa 4 bức tường thành.

Phải nói thêm, đầu thế kỷ 19, ngành khoa học pháp y chưa phát triển, không ai có ý niệm về việc giữ nguyên hiện trường vụ án. Cảnh sát đến và dẫm lên mọi thứ, di dời xác chết, thậm chí nạn nhân còn bị dân thường “dọn dẹp” trước khi cảnh sát tới kịp. Điều này gây bức xúc cho chàng sinh viên y khoa Magrath và từ đó truyền lửa cho Frances muốn làm gì đó để thay đổi thực trạng.

Phải đến hơn 50 tuổi, khi cha mẹ và anh trai đã qua đời, được thừa kế khối tài sản khổng lồ của gia đình, Frances mới có thể tự do được làm những gì mình thích. Đầu tiên, bà quyên góp một quỹ lớn để Harvard thành lập Khoa Y Học Pháp Lý - khoa pháp lý đầu tiên của Mỹ. Từ quỹ của bà, họ mới có thể thiết kế chương trình giảng dạy cũng như lập một thư viện chuyên ngành đồ sộ, trong đó có rất nhiều tài liệu khảo cứu do Frances đóng góp. Bà đưa bạn mình là George Magrath làm trưởng khoa, bản thân Frances cũng tranh thủ đi học thêm. Niềm say mê cộng với năng khiếu bẩm sinh, Frances sớm trở thành chuyên gia. Bà đứng ra đào tạo cảnh sát, thám tử cách tiếp cận, cách quan sát và phân tích một hiện trường vụ án. Hiểu biết thực tế đáng nể của Frances đã thuyết phục hoàn toàn cảnh sát, những người đàn ông cứng nhắc vốn nghi ngại chỉ vì bà là phụ nữ.

Cơ bản mà nói, Frances Glessner chính là bà tổ ngành khoa học pháp y. Di sản đặc biệt nhất bà để lại là 20 mô hình Nutshell Studies of Unexplained Death, thứ bà dùng để huấn luyện cảnh sát. Thời đó, mô hình nhà búp bê là thứ đặc quyền của dân thượng lưu, vốn được dùng để dạy trẻ em gái về việc nội trợ. Frances biến thứ dùng để dạy dỗ mình như một người phụ nữ thành công cụ nghiên cứu pháp y có một không hai. Sử dụng các tài liệu báo cáo của cảnh sát, Frances tái hiện lại chuẩn xác, chi tiết nhất có thể hiện trường vụ án. Không phải chỉ vì nó là nhà búp bê mà có thể bỏ qua tiểu tiết đâu, từ củ khoai gọt dở, mớ giấy tờ nhăn nhúm đều nói lên điều gì đó và tất cả được tái hiện đầy đủ trong mô hình.

Ban đầu các cảnh sát rất dị ứng với cách học này. Gì chứ? Sao lại lôi ba cái đồ phụ nữ ra bắt mình học? Thế nhưng tác dụng kỳ diệu nó mang lại lần nữa đánh gục định kiến. Tới ngày nay, 18/20 mô hình nhà này vẫn được dùng trong việc đào tạo và được cập nhật thêm để phù hợp xã hội.

Điều đặc biệt trong những ngôi nhà này, đó là Frances chọn những nạn nhân là người lao động bình thường, thậm chí bị cho là mạt hạng như gái bán hoa, nghiện rượu, những người mà cái chết của họ không được điều tra nghiêm túc. Frances đã làm được những điều phi thường trong xã hội thời đó, phá bỏ định kiến giới tính lẫn đấu tranh cho tầng lớp kém may mắn trong xã hội.

Thế nhưng, nỗ lực hàng thập kỷ của bà suýt tí nữa tan thành mây khói. Sau khi Frances qua đời ở tuổi 83, Harvard đóng cửa khoa y học pháp lý, ném mô hình của bà ra bãi rác. May mắn thay một giáo sư đã nhặt lại hết và dùng những mô hình ấy để huấn luyện cảnh sát Maryland.

Đến ngày hôm nay, mỗi mô hình của Frances có giá khoảng $40,000-$80,000, số tiền $250,000 ngày xưa đóng góp cho Harvard theo thời giá hiện này là khoảng 4,6 triệu đô la Mỹ. Frances Glessner Lee là người phụ nữ đóng góp nhiều nhất cho ngành pháp y từ trước đến nay. Là người thường xuyên theo dõi câu chuyện án mạng, các bạn cũng hiểu tầm quan trọng của pháp y, điều tra hiện trường đúng không. Đó là công đoạn đóng góp phần lớn trong việc đi tìm công lý cho nạn nhân và điều đó khó có thể làm được nếu thiếu sự thúc đẩy của Frances Glessner Lee.

Cùng chiêm ngưỡng thêm một số hình ảnh mô hình của Frances Glessner. Mục tiêu của mỗi bối cảnh không phải là phá được án, mà là nhìn ra được càng nhiều chi tiết càng tốt.

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
590

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)