logo-maybe-vn
Mở app
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Hành trình “đặt chân” lên đất Mỹ của cây hoa anh đào Nhật Bản

Nếu như Nhật Bản có lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami truyền thống, diễn ra hằng năm vào đầu mùa xuân, thì người dân ở Washington, D.C cũng chào đón mùa xuân về bằng một lễ hội tương tự.

Khi những bông hoa anh đào trắng hồng thuần khiết bắt đầu nở bung dọc bờ hồ Tidal Basin thuộc công viên Quốc gia National Mall, hàng trăm nghìn người lại đua nhau đổ về đây để bắt kịp khoảnh khắc đáng nhớ này.

Cách đây hơn một thế kỷ trước, khu vực này cũng chỉ là một khu vui chơi bình thường với cảnh quan sông nước mênh mông. Tuy nhiên, nhờ những chuyến thám hiểm của các nhà khoa học mà loài hoa này đã có cơ hội khoe sắc trên mảnh đất Washington, D.C.

Câu chuyện bắt đầu vào thời kỳ sơ khai của ngành nông nghiệp Mỹ. David Grandison Fairchild - khi ấy đang là một “thợ săn thực phẩm” của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) – đã được giao nhiệm vụ lên đường tìm kiếm những giống cây trồng mới lạ ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ nỗ lực cố gắng và sự lạc quan, David Fairchild đã thành công mang về nhiều loại thực vật, trái cây đặc sắc như xoài từ Ấn Độ, đào từ Trung Quốc và bơ từ Chile.

Năm 1902, trong hành trình khám phá Nhật Bản, vì bị mê hoặc bởi dáng vẻ mỏng manh và xinh đẹp của những cánh hoa Sakura, Fairchild đã quyết định đặt mua 125 cây hoa anh đào dành riêng cho ngôi nhà của mình ở Chevy Chase, Maryland.

Chủ vườn ươm hoa anh đào Yokohama vì quá phấn khích khi lần đầu tiên bắt gặp một vị khách người Mỹ, nên đã quyết định tính giá chỉ 10 xu mỗi cây cho Fairchild. Đến mùa xuân năm 1906, những cây hoa anh đào này lần đầu tiên nở rộ trước sân nhà Fairchild và đã thu hút rất nhiều người đến xem. Vì thế, ông quyết định đặt mua thêm 300 cây nữa dành tặng cho quê hương Chevy Chase của mình.

Ngoài Fairchild, Eliza Scidmore - nữ nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia, cũng là một trong những thành viên cốt cán đầu tiên của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ - cũng đóng góp một phần lớn công sức vào việc mang hoa anh đào phổ biến khắp Washington, D.C. Sau thời gian sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Eliza Scidmore quay trở lại Washington với số tài sản giá trị là những bức ảnh về “loài hoa xinh đẹp nhất thế giới”. Ngay sau đó, bà đã thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Grover Cleveland trồng hoa anh đào dọc theo bờ hồ Tidal Basin.

Mùa thu năm 1909, thị trưởng Tokyo đã gửi 2,000 cây hoa anh đào non đến Washington D.C. Tuy nhiên, chúng không thể sống sót được lâu do bộ rễ quá ngắn và chứa đầy côn trùng. Lo ngại về sự lây lan của côn trùng ngoại lai, các nhà côn trùng học tại USDA đã ngay lập tức đốt hết số cây này trong một đống lửa lớn giữa công viên Quốc gia National Mall.

Sau đó, Nhật Bản gửi thêm chuyến hàng thứ hai với 3,020 cây khác, lớn hơn và trưởng thành hơn. Lần này, phu nhân của đại sứ Nhật Bản được mời đến và Fairchild cũng có mặt, trực tiếp tham gia trồng cây. May mắn thay, loạt cây thứ hai này đã sống sót, bén rễ và phát triển khỏe mạnh.

Chỉ mất hai mùa xuân để những cây hoa anh đào khiến mọi người dân Mỹ phải mê mẩn. Chính phủ Hoa Kỳ sau đó đã quyết định gửi tặng lại Nhật Bản một lô cây Dogwood – loài cây đặc trưng của Bắc Mỹ - làm quà cảm ơn.  

Ngày nay, trong số 3,020 cây ban đầu, chỉ còn lại duy nhất hai cây nằm gần tấm bảng kỷ niệm còn sống sót. Mặc dù vậy, những hậu duệ sau này của chúng vẫn đang tiếp tục sinh sôi và nở hoa rực rỡ, biến bờ hồ Tidal Basin trở thành thiên đường ngắm hoa của người dân và khách du lịch khắp nơi trên thế giới mỗi dịp đầu xuân.

  • 2929
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
877
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)