logo-maybe-vn
Mở app
Nickname
Nickname3 năm trước
Reading

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ - Chuyến hành trình ngắn ngủi tìm về những kỉ niệm trẻ con

Nếu có cơ hội quay ngược thời gian, mình nghĩ khoảnh khắc bản thân muốn trở về nhất chính là khi vẫn còn là một đứa trẻ vô lo, vô nghĩ. Dường như chính vì điều này mà trong rất nhiều cuốn sách chưa đọc vẫn còn nằm yên trên kệ tủ, mình đã chọn Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Và bằng một cách nào đó mình không hề hay biết, cuốn sách này đã tiếp cho mình một thứ sức mạnh vô hình, đúng lúc bản thân cảm thấy chông chênh nhất.

Như chính bác Ánh đã nói về Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ:

“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em.

Tôi viết cho những ai từng là trẻ em.”

Mình không còn quá nhỏ để gọi là một đứa trẻ, nhưng vẫn chưa thật sự trưởng thành để xem như một người lớn. Có lẽ vì vậy mà mình cứ mãi tiếc nuối tuổi thơ, tiếc những chiều hè rong chơi cùng đám bạn và những niềm vui nhỏ bé đến không ngờ. Câu chuyện mà bác Ánh viết nên bắt đầu theo một cách rất “trẻ con”. Đó là khi thằng bé cu Mùi tám tuổi, chợt cảm thấy “cuộc sống thật là tẻ nhạt và buồn chán”.

Định nghĩa về sự buồn chán và tẻ nhạt của người lớn khác hẳn với bọn trẻ con. Bởi người lớn nặng gánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, sự buồn chán của họ bắt nguồn từ việc “thi trượt ở tuổi mười lăm, thất tình ở tuổi hăm bốn, thất nghiệp ở tuổi ba mươi ba”. Nhưng một đứa trẻ tám tuổi, buồn chán với chúng chỉ đơn giản là khi không còn điều gì mới mẻ để khám phá.

Mình vẫn luôn nói rằng bản thân ít khi đọc sách của bác Ánh. Thế nhưng như một thứ ma thuật nào đó, chỉ cần đã quyết định chọn đọc, thì mình sẽ dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện mà bác Ánh đã tạo nên. Thế giới của những đứa trẻ được miêu tả vô cùng tài tình. Câu chuyện có được sự ngây thơ của trẻ con, có được sự tự nhiên trong cách kể, cách tả. Và quan trọng hơn cả chính là khiến cho những kỉ niệm vốn đã trôi xa được sống lại, dù chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua.

Từng chương nhỏ trong cuốn sách này là một câu chuyện tuổi thơ của cu Mùi, thằng Hải Cò, con Tủn và Tí Sún. Dòng hồi tưởng của cu Mùi đã đưa người đọc trở về những ngày tháng đẹp nhất của tuổi thơ. Đó là khi những đứa trẻ con bày đủ mọi trò nghịch ngợm. Chúng không muốn cứ phải tuân theo quy luật vận hành ngày này sang ngày khác của thế giới, cho nên cả bốn đứa trẻ đã quyết tâm định nghĩa lại mọi thứ. Chúng làm một cuộc “cách mạng”, gọi tên đồ vật theo cái cách mà chúng muốn. Dường như đó là một suy nghĩ vô cùng ngây thơ khi tin rằng chỉ cần làm thế sẽ có thể thay đổi được thế giới.

Ngày ấy, chúng ta gọi đó là những trò trẻ con. Nhưng rồi cũng đến một ngày nọ, khi ta quay đầu, tuổi thơ đã lùi xa vào dĩ vãng. Đứa trẻ nào cũng phải trở thành người lớn dù muốn hay không. Lúc ấy, những ngày ta cho là nhàm chán đến tột cùng, hóa ra lại là những ngày vui nhất cuộc đời, có cầu cũng chẳng thể trở lại.

Mình chỉ đơn giản là một vị khách tò mò đi ngang qua thế giới của bốn đứa trẻ hồn nhiên ấy. Mình hứng thú nhìn theo cách mà chúng trưởng thành, cười vui vẻ trước những trò chơi mà cu Mùi tạo ra để thằng Hải Cò, con Tủn và Tí Sún hưởng ứng theo. Và rồi cũng có những khoảnh khắc, lòng mình chợt xao động khi tìm thấy hình bóng tuổi thơ của mình thoáng qua trong trang sách.

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ là câu chuyện kể bằng lời của một đứa trẻ con. Là ký ức về vương quốc huy hoàng một thời mà cuối cùng nó buộc phải giã từ để dấn bước vào thế giới đầy cạm bẫy và toan tính của người lớn.

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1735
Nickname
Nickname3 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)