logo-maybe-vn
Mở app
Ms Dory
Ms Dory2 năm trước
Movie

[Phân tích phim] Despicable me I – Những thương tổn tâm lý thời thơ ấu có thể ảnh hưởng tới chúng ta sâu đậm đến mức nào?

– Mẹ ơi, một ngày nào đó con sẽ lên mặt trăng.– Mẹ e là quá trễ rồi, con ạ. NASA không cho khỉ lên đó nữa đâu

Bạn có tin được đoạn hội thoại trên xuất phát từ hai nhân vật mẹ và con. Mà lại từ một bộ phim hoạt hình không? Một người mẹ có thể tàn nhẫn và lạnh lùng đến mức nào. Để có thể tạt thẳng gáo nước lạnh vào con trai mình – một đứa trẻ đang háo hức và khao khát một ngày nào đó cũng được mặc bộ đồ phi hành gia để đặt chân lên mặt trăng như trên TV như thế?

Liệu rằng, sau những lần tổn thương đó, đứa trẻ sẽ dần hình thành một con người như thế nào? Hôm nay, mình xin phép nói về bộ phim mình vô cùng ưa thích: Kẻ Cắp Mặt Trăng – cũng là bộ phim có cảnh hội thoại mình vừa kể trên.

Lưu ý: Bài viết dài, mang quan điểm cá nhân và không tránh khỏi tiết lộ toàn bộ nội dung phim. Các bạn cân nhắc trước khi đọc

Despicable me hay có tựa đề tiếng Việt: Kẻ Cắp Mặt Trăng là bộ phim hoạt hình 3D được phát hành năm 2010. Được sản xuất từ hãng Univesal và Illumination, Despicable me kể về một kẻ ác nhân có tên là Gru. Luôn mang trong mình mong muốn chứng minh bản thân là kẻ ác nhân vĩ đại nhất, Gru đã lên kế hoạch về việc đánh cắp Mặt trăng. Để làm được điều này, Gru buộc phải nhận nuôi ba đứa trẻ tại trại trẻ mồ côi nhằm lợi dụng chúng để lấy lại cỗ máy phu nhỏ. Nhưng rồi trong thời gian chung sống, Gru dần thay đổi bản thân và trở thành một con người hoàn toàn khác – một người cha thực sự.

Ban đầu, Gru xuất hiện với tạo hình và cách hành xử y như một kẻ hắc ám thiệt sự. Hắn có một vẻ ngoài kì dị với thân trên to quá khổ nhưng thân dưới lại là đôi chân dài tong teo. Kết hợp với đó là một nét mặt khó ưa với cái đầu láng nhẵn, một chiếc mũi khoằm nhọn hoắt và đôi mắt của kẻ ác nhân. Như chưa đủ bộ dạng hắc ám, gã luôn mang đồ đen với khóa kéo kín đến tận cổ.

Cộng thêm cách hành xử của một kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội điển hình: chen ngang khi mua hàng, dùng súng đông lạnh để đóng băng những người xếp hàng trên hắn. Dỗ ngọt đứa trẻ đang khóc bằng chiếc bong bóng tạo hình chú ngựa nhưng ngay sau đó lại chọc thủng nó cho em bé khóc to hơn… Và đặc biệt là hắn làm những điều trên một cách vui thú mà không lấy gì làm ân hận hay cảm thấy có lỗi. Tất cả những điều trên càng làm cho mình không có mấy ấn tượng tốt về hắn.

Nhưng rồi, sự thật về quá khứ của tuổi thơ trong hắn dần dần được hé lộ như cách ta lột một củ hành tây. Từng cảnh flash back ngắn nhưng đầy giá trị đã khiến ta hiểu thêm về động lực đằng sau quyết tâm ăn cắp mặt trăng. Và nhất là điều gì đã tạo nên tính cách và hành vi của hắn hiện tại.

Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người cần được thõa mãn 5 nhu cầu tự nhiên bao gồm: Nhu cầu sinh lý; Nhu cầu an toàn; Nhu cầu yêu và được yêu; Nhu cầu được tôn trọng; và cuối cùng là Nhu cầu thể hiện bản thân.

Theo những gì diễn ra trong suốt phần đầu của bộ phim, Có lẽ, trong suốt quãng thời gian tuổi thơ của mình, Gru chỉ được thõa mãn một nhu cầu duy nhất là về mặt sinh lý. Gã có thể có một ngôi nhà để sống, có thể có những bữa ăn no. Nhưng chỉ thế mà thôi. Làm sao một đứa trẻ có thể cảm thấy an toàn, có thể cảm thấy được yêu thương khi mà ngay đến người mẹ của mình cũng thờ ơ lạnh nhạt với mọi nỗ lực và cố gắng của nó?

Và rồi một khi đã không cảm thấy an toàn và đc yêu thương thì lấy gì đứa trẻ đó cảm thấy được kính trọng và được thể hiện bản thân? Nỗi uất ức và tủi nhục hết lần này đến lần khác, năm nay qua năm khác biến Gru trở thành một kẻ không có lòng thương xót, ích kỷ và không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Tất cả những gì Gru làm, chỉ để đạt được mục đích duy nhất:

– Ta đang thực hiện một kế hoạch rất lớn! Một kế hoạch còn khủng hơn cả vụ trộm kim tự tháp này!..Ta đã tìm ra một khẩu súng thu nhỏ. Một khi có được nó, ta hoàn toàn có thể tạo ra một tội ác thế kỷ đích thực. Chúng ta sẽ trộm mặt trăng! Một khi mặt trăng là của ta, thế giới sẽ cho ta bất cứ thứ gì ta muốn để lấy lại nó! Và ta sẽ trở thành kẻ ác vĩ đại nhất mọi thời!

Khát khao của gã, khát khao trở thành ác nhân vĩ đại nhất cũng chính là nhu cầu cao nhất của tháp Maslow: Nhu cầu thể hiện bản thân. Suy cho cùng, ẩn sau đó là khao khát được chú ý, được chứng tỏ bản thân mình với mẹ và muốn mẹ mình tự hào.

– Nói cho mẹ biết, con sắp làm một việc rất, rất lớn, rất quan trọng. Khi mẹ nghe nói về nó, me sẽ rất tự hào.

Chấp niệm của gã với mặt trăng của hiện tại bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của gã với mặt trăng trong quá khứ. Hay cũng chính là những gì mà mẹ gã từng đối xử với gã. Khi mà bất kỳ điều gì gã làm đều không được mẹ chú ý, trân trọng.

– Nhìn nè, mẹ! con vẽ mình bay lên mặt trăng này!– Ờ

– Nhìn nè mẹ, con làm mô hình tên lửa bằng mỳ ống này!– Ờ!

– Nhìn nè mẹ, con làm tên lửa thật dựa trên mô hình mỳ ống này!– Ờ!

Có lẽ, Gru sẽ luôn là một kẻ xấu xa vị kỷ như thế, cho đến suốt cuộc đời nếu không có sự xuất hiện của ba cô bé đến từ trại trẻ mồ côi: Margo, Edith và Agnes.

Bạn đầu, mục đích của Gru khi nhận nuôi chúng chỉ là để phục vụ cho mục đích lẻn vào nhà Vector và lấy lại cỗ máy thu nhỏ. Rồi ngay khi đạt được mục đich này, gã lập tức nghĩ cách để tống cổ ba đứa đi bằng cách đồng ý cho tụi nhỏ vào công viên giải trí rồi tính chuồn êm. Nhưng đời thì chưa bao giờ là mơ cả.

Chi tiết Gru không biết rằng trẻ em muốn ngồi tàu lượn thì phải đi kèm người lớn là một chi tiết vô cùng đắt giá. Nó thể hiện cho chúng ta một cách tinh tế rằng Gru chưa bao giờ được đi công viên giải trí cả. Vậy là với sự xuất hiện của ba đứa nhỏ, tháp nhu cầu của Gru dần được thực hiện mà trước hết là nhu cầu sinh lý: được vui chơi, giải trí. Lần đầu tiên, gã nở nụ cười sau lời khen của tụi nhỏ:– Ngầu lắm chú ơiiiThế rồi, càng ở bên ba đứa nhỏ, những nhu cầu của Gru càng được thõa mãn. Đó có thể là cảm giác ấm lòng khi nhận những đồng tiền ít ỏi mà tụi nhỏ dành dụm được cho gã. Là cảm giác vui vẻ khi được nấu ăn cho chúng. Là cảm giác trao đi yêu thương khi đọc sách cho chúng nghe trước khi ngủ.

Hay cao hơn là cảm giác được kính trọng và yêu thương. Và nhất khi gã nỗ lực hết mình để cứu lũ nhỏ. Để rồi nhận ra, niềm hạnh phúc đích thực là khi cùng người mình thương yêu quây quần ngắm trăng chứ không phải là sở hữu mặt trăng một mình.

Kết lại, khi xem Kẻ Cắp Mặt Trăng, mình thực sự đồng cảm và thấy được bản thân mình trong đó. Thấy được những điều xảy ra trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến tính cách và lối sống hiện tại của mình bây giờ như thế nào. Để rồi mình nhận ra điều gì có thể khiến bản thân mình thay đổi. Bởi đến Gru còn có thể thay đổi v ì yêu thương và được yêu thương thì mình tại sao lại không nhỉ?

Các bạn đã xem phim này chưa? Nếu chưa xem thì tìm xem ngay đi nhé. Còn bạn nào xem rồi có đồng ý với suy nghĩ của mình không? Bạn nghĩ gì về quan điểm trên? Cmt bên dưới cho mình xem với nhé. Cảm ơn bạn vì đã đọc đến những dòng này.

  • 2641
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1879
Ms Dory
Ms Dory2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)