logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Và Khi Tro Bụi - Sự sống và cái chết liên can gì đến nhau, nếu chẳng có gì ràng buộc ta giữa cả hai cõi?

“Cuộc đời tôi bị cắt thành nhiều đoạn, và cứ ở mỗi khúc quanh, tôi lại xoá đi các đoạn trước đó. Có khi tôi ra sông, nhìn dòng nước chảy êm xuôi, trăm năm vẫn một dòng liền lạc, tôi nghĩ dòng sông có trí nhớ còn tôi thì không.”

Làm sao con người có thể sống mà không có trí nhớ, trừ phi họ mất trí? Ấy thế mà bằng giọng văn sắc lạnh, Đoàn Minh Phượng đã thực hiện một hành trình xoá sổ kí ức li kì với mục đích rất đỗi giản đơn: Để tiếp tục sống.

Câu chuyện bắt đầu bằng tai nạn xe hơi của chồng An Mi. Anh ra đi đột ngột và mãi mãi, để lại cô một mình, xa lạ, mất phương hướng trong chính cuộc đời của mình. Điều lạ lùng đầu tiên xuất hiện ngay những trang đầu cuốn sách và khiến mình không ngừng băn khoăn. Nỗi buồn của An Mi về sự mất mát dường như chỉ có hai cấp độ: Cực kì buồn đau hoặc không gì cả. Cô mất ba tháng để sắp xếp lại di vật của chồng, sau đó bắt đầu cuộc sống trên những chuyến tàu với những cung bậc cảm xúc rất nông, hay đúng hơn, hầu như không có cảm xúc lẫn ý niệm về thời gian. Cô quyết định sống trên tàu bởi mặt đất là chốn rất khó để chia li. Hành trình phiêu bạt của cô bắt đầu từ ấy, nhưng là đi về đâu? Để hiểu về cái chết trước khi đến gần nó? Hay để tìm lại cảm giác sống?

Đoàn Minh Phượng đã phác ra một nét tư tưởng rất hay, ấy là dù sống hay chết cũng cần có cảm giác, một sự hiểu. Nếu không, phải chăng cái chết cũng chỉ là một trạng thái tồn tại vô nghĩa khác? “Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.” Đó là cách tác giả dẫn dắt người đọc vào một hành trình dài hơn, rộng hơn, chứ không chỉ gói gọn với một cuộc sống trên tàu cùng những suy tư rơi rớt từng ngày.  

Có lẽ An Mi sẽ mãi sống trên những chuyến tàu nếu như không có được một cuốn sổ da. Cuốn sổ da cô được tặng lúc nửa đêm, khi đang lang thang tìm cuốn sổ cho riêng mình. Với nó, cô chệch bước lạc sang một hành trình của người khác trước khi kịp hiểu, viết lại hay kết thúc hành trình mịt mùng của mình. Hành trình của người khác, nhưng đã khiến cô sống trong vòng hai năm hơn, trên mặt đất. 

Cuốn sổ được tặng không phải một thứ đồ mới tinh. Trong đó có vài trang giấy đã được viết. Nó chứa câu chuyện của một người khác trước khi An Mi viết câu chuyện của cô. Đó là câu chuyện về một cậu bé tên Michael nhìn thấy cha mình giết mẹ. Một cậu bé đã mất đi em trai sau đêm mẹ bị giết. Một cậu bé mang nỗi buồn thơ ngây khi thấy con chó Shalma bị chết cóng ngoài tuyết. Một cậu bé mất em trai Marcus tận ba lần. Một lần vào cái đêm kinh hoàng ấy. Một lần nữa, khi cậu đã tìm được việc làm trên tỉnh và định đón em trai về, nhưng em đã biến mất. Và lần cuối cùng, là khi cậu đưa cho An Mi quyển sổ của mình. Ngôn từ trong cuốn sổ ấy vừa có tình yêu, vừa có nỗi đau và cả sự thơ ngây. Nó đẹp và… tinh khiết đến độ mình thấy lòng phát đau khi đọc những dòng chữ hoang mang, lạc lối của người anh Michael. 

Và đó là cách An Mi có được một câu chuyện. Một câu chuyện không thuộc về cô, nằm trong cuốn sổ cô đang sở hữu. Vậy rồi, cô bắt đầu đi tìm những người trong câu chuyện, kể cả người em Marcus đã mất tích từ lâu.  

Thế nhưng làm sao ta có thể sống mãi, sống mãi bằng câu chuyện của một người khác được? Ban đầu, mình thấy rất lạ lùng khi Đoàn Minh Phượng lại xây dựng một nhân vật lí trí, vô cảm đến mức phi lí như vậy. An Mi không hay đem nỗi buồn nhồi vào câu chuyện của mình, nhưng cô lại có thể sống dậy nhiều cảm xúc trước câu chuyện của người khác. Cô không bao giờ nghiêm túc nghĩ về quá khứ. Không phải cô không thể nghiêm túc, mà vì cô không thể nhớ. Những kí ức như mảnh vỡ chìm xuống đáy sông, mỗi lần quờ tay, An Mi chỉ may mắn lấy được một, hai mảnh. Cô đã sống trong vòng lãng quên của chính mình như thế. Bao buồn vui đều bị bỏ lại phía sau và không bao giờ ngoảnh mặt nhìn lại. Đó là cách để cô tiếp tục bước đi.

Những suy tư Đoàn Minh Phương viết trong sách rất đẹp, dù lạnh lùng. Cắt bất cứ một đoạn, một câu nào trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ có được một trích dẫn đáng nhớ. Nhưng đây không phải một cuốn sách cố nhồi nhét những câu đoạn suy tư để làm dáng như vậy. Càng về sau, những mảnh cắt ấy lại được lật lại và khiến mình sáng rõ nhiều điều hơn, dù đôi chỗ vẫn chưa đủ làm mình thoả mãn. Có rất nhiều câu chuyện được lồng ghép trong dòng thời gian của Và Khi Tro Bụi. Câu chuyện về một cô gái không quê hương, không có sự lặp lại đáng nhớ nào trong cuộc đời. Câu chuyện về người cha chết bởi sự kéo đến của nỗi buồn. Câu chuyện về người mẹ có sự thật của riêng bà - đây cũng là một cách phân tách khá hay mà mình chú ý. Ai cũng có một sự thật của riêng mình. Vậy sự thật là gì và nó có thật hay không? Những câu hỏi tự vấn kiểu vậy được viết dày đặc trong Và Khi Tro Bụi, càng khiến An Mi trở nên lạ lùng vô cùng với cuộc sống vốn đã hiện hữu quanh cô từ thuở nào… Tất cả hoá thành một màn sương dày đặc, như sự mong manh vô định của kiếp người. 

Và Khi Tro Bụi không phải một cuốn tiểu thuyết trinh thám, cố nhiên là vậy. Nó thậm chí từng khiến mình cảm thấy buồn ngủ và “lạc dòng” mấy lần bởi những suy nghĩ của An Mi cứ chen chúc nhau dày đặc trong các trang giấy. Nhưng càng về sau, những bí ẩn xoay quanh câu chuyện trong cuốn sổ lại càng khiến mình tò mò và bị thu hút hơn. Mình đã đặt ra rất nhiều giả thiết cho các nhân vật có mặt trong đó, cảm thấy kì lạ với những chi tiết mà An Mi đột nhiên trở nên mù mờ, đánh mất sự móc nối logic của các sự kiện, rồi sau cùng, Đoàn Minh Phượng lại khiến mình ngạc nhiên với cách diễn giải rất tâm-linh của bà. An Mi không phản bác lại những gì cô được nghe kể từ các đối tượng khác nhau  dù cùng chung về một câu chuyện, bởi cô biết mỗi người có một sự thật cho riêng mình và cô cũng vậy. Cô cũng chọn và làm theo sự thật mà mình tin. Cách diễn giải của Đoàn Minh Phượng rất đẹp và khiến mình thực sự xúc động, dù nó có vẻ phi logic và rất duy tâm.   

Và Khi Tro Bụi là một cuốn tiểu thuyết đẹp, đặc biệt nếu bạn thích phong cách lai ghép điện ảnh như cuốn Người Tình của M. Duras, mình chắc bạn cũng sẽ thích cách viết của Và Khi Tro Bụi. Thủ pháp dòng ý thức và lai ghép điện ảnh tạo hiệu quả trong xây dựng cuộc sống lạ lùng của An Mi. Một cuộc sống không có bờ này bờ kia, không có giới hạn giữa quá khứ và hiện tại. Một cuộc sống vụn vỡ và chắp vá. Các đoạn văn liên quan hoặc không liên quan nối liền không đường biên, như một cơn lũ có thể khiến người đọc đắm chìm say sưa, hoặc đắm chìm và… ngủ quên bởi những câu từ so sánh, tự hỏi liên tiếp nhau. 

Và sự sống liên can gì đến cái chết? Chẳng phải chết đi là hết hay sao? Nhưng cuộc đời vốn là những hàng chữ dài liên tiếp nhau. Cũng giống như những khát khao ta nuôi dưỡng, bất cứ chữ cái, khoảng trống nào trong những hàng chữ ấy cũng muốn có ý nghĩa của nó, kể cả dấu chấm câu.

Đánh giá cá nhân: 4/5.

  • 2558
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
649
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)