Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - Định kiến xã hội liệu có chiến thắng tình yêu?
Tác giả: Chetan Bhagat
Dịch giả: Nguyễn Thị Hương Thảo
Chắc hẳn ai cũng phải đồng ý rằng, tình yêu đôi lứa là một loại tình cảm nhiều cung bậc nhất, nhiều điều để nói đến nhất, và cũng mang đến cảm xúc mạnh mẽ nhất cho cuộc đời. Chúng ta không thể đếm xuể đã có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật ra đời lấy cảm hứng từ tình yêu. Mỗi tác phẩm là một vệt màu trên bức tranh ấy, tuy vậy, cũng có rất nhiều vệt màu trùng lặp với nhau. Tôi đã đọc truyện cũng như xem không ít bộ phim tình cảm với những motip cũ mèm, lặp lại đến chán ngán. Có lẽ vì thế mà tâm lý tôi đã vô tình trở nên phòng thủ và khắt khe với thể loại này.
Nhưng mà, ngày hôm nay tôi đã quyết định thử thách lại bản thân với một cuốn tiểu thuyết tình cảm, để xem có gì mới lạ và gây ấn tượng hơn cho tôi hay không…
Cái tên Chetan Bhagat có lẽ khá quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam. Anh là tác giả của cuốn sách Ba Chàng Ngốc đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, một thời gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Nhà văn sinh năm 1974 này đã nghỉ công việc tại ngân hàng để theo đuổi đam mê viết lách. Tâm huyết và tài năng của anh đã được công nhận xứng đáng khi nhiều cuốn sách anh viết ra đều đạt vị trí best seller ngay từ khi mới phát hành. Chetan Bhagat đã lấy chất liệu từ những điều đời thường nhất để viết nên những câu chuyện bình dị, chân thực, ai cũng thấy một phần bản thân mình ở đó trong những câu chuyện của anh.
Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm bắt đầu từ một khoảnh khắc thú vị khi đôi trai tài gái sắc Krish và Ananya gặp gỡ nhau lần đầu tiên. Cá tính thẳng thắn cứng cỏi cùng vẻ ngoài xinh đẹp mỹ miều của Ananya đã khiến anh chàng Krish xiêu lòng. Và như một lẽ tự nhiên, họ đến với nhau bằng tất cả những tình cảm chân thành và thuần khiết nhất, dù đôi lúc không thể tránh khỏi vài tranh cãi vụn vặt.
Và nếu tình yêu là chuyện của hai người, thì cưới nhau sẽ là vấn đề của cả cha mẹ, và thậm chí là họ hàng của hai bên. Với gia đình bình thường đã thế, ở đây còn là tình yêu giữa hai miền Bắc Ấn và Nam Ấn, không chỉ với khoảng cách địa lý xa xôi, còn là những nếp sống, phong tục tập quán hoàn toàn khác biệt. Một nơi ăn chay, nơi kia lại ăn mặn, Nam Ấn dùng lá chuối để đồ ăn và ăn bằng tay, thì miền Bắc Ấn lại có vẻ “sang trọng” hơn khi dùng đĩa đựng. Và đương nhiên rồi, những ông bố bà mẹ, thậm chí là họ hàng luôn mang tâm lý phòng thủ, từ chối những điều khác biệt, thì chuyện tình yêu của Krish và Ananya chắc chắn sẽ khiến họ không vừa mắt. Và hai người trẻ ấy sẽ phải làm thế nào để có thể thuyết phục đôi bên, khi mà những định kiến đã ăn quá sâu vào hai dòng tộc xa xôi cách biệt đến thế?
Một điều tôi thấy thích ở cuốn sách này, đó là những hành động và tư tưởng của cả Ananya và Krish đều rất chín chắn và trưởng thành. Khi biết hai gia đình không chấp nhận cho mối quan hệ này, thay vì gay gắt đấu tranh, cố gắng phân tích, thậm chí bỏ trốn thì họ chọn con đường khó khăn hơn rất nhiều, đó là cùng nhau đối mặt. Và cùng nhau thuyết phục không chỉ bố mẹ, mà còn là cả những người họ hàng đông đúc của cả hai bên.
Họ chấp nhận đi đến những vùng đất xa xôi, làm quen với sự khác biệt văn hóa, những từ ngữ lạ lùng, những món ăn không hợp vị. Chỉ để giữ vững và nuôi lớn tình yêu này. Nếu Krish là một hình ảnh ôn hòa, khiêm nhường nhưng còn thiếu tự chủ bản thân, thì cô nàng Ananya lại là một sắc thái mạnh mẽ, cá tính, thậm chí có phần gai góc. Cô không vì để có được sự ủng hộ của gia đình hai bên mà chấp nhận mất đi một phần con người và lòng tự trọng của mình. Tôi thật sự rất thích cách mà cô dũng cảm đứng lên tranh luận với mẹ Krish, bất chấp việc đó có thể khiến chuyện tình cảm của cô trở nên khó khăn hơn bội phần.
Trong hành trình dài, hết từ Delhi, lại đến Chennai của cặp đôi hoàn cảnh này, hiện lên không chỉ là tình cảm đôi lứa sâu sắc mãnh liệt, mà còn là những lát cắt về tình thân gia đình. Đã bao giờ bạn cảm thấy thất vọng, trách móc cha mẹ không thấu hiểu mình, lên án họ vì những suy nghĩ quá cố chấp và cổ hủ chưa? Nhưng liệu, bạn đã đủ dũng cảm để nhìn lại chính bản thân mình, và hành động để thay đổi điều đó? Thay vì cứ đau khổ ôm lấy rồi lại thất vọng vì người khác không như mình mong muốn…
Có một câu nói như thế này: Không làm gì mà muốn người khác thấu hiểu, đó là ích kỷ! Krish cũng đã từng như thế, những mâu thuẫn giữa anh và người cha khiến anh luôn có một mặc cảm nặng nề không thể xóa đi. Những tưởng cả cuộc đời này hai người đàn ông đó sẽ không thể nhìn mặt nhau nữa. Nhưng dường như tình yêu từ Ananya đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và sự dũng cảm để trước hết nhìn vào bản thân mình, sau đó là tha thứ và mở lòng, chỉ có như thế mới khiến mối quan hệ này tiến lên một bước mới, đủ để họ có thể ôm chầm lấy nhau và khóc.
Những ông bố, bà mẹ trên đời này cũng chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái họ. Nhưng đôi khi, sự thiếu giao tiếp giữa hai thế hệ dẫn đến những suy nghĩ và đánh giá sai lệch của họ dành cho con mình. Thực ra, con mình tốt đẹp và giỏi giang hơn mình nghĩ rất nhiều ấy chứ! Chỉ cần họ chịu mở lòng và lắng nghe, biết đâu thay vì đau đầu bất lực với những đứa con “bất trị” này, họ sẽ thấy tự hào thì sao?
Hành trình tìm kiếm sự ủng hộ từ hai bên gia đình của Krish và Ananya còn là một bài học quý giá mà mỗi bước đi họ đều nhận được. Đó là thấu hiểu và trân trọng đối phương, không vì chút thỏa hiệp mà đánh mất con người mình. Và còn là tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa những cộng đồng đa dạng. Nam Ấn, Bắc Ấn cái gì chứ? Chẳng phải đây đều là người Ấn Độ hết sao? Vậy thì cớ gì mình lại có quyền bài xích sự khác biệt của họ chứ!
Tôi nghĩ rằng, chuyện tình yêu là của hai người, và chuyện kết hôn, “dường như” chính là chuyện của cả hai dòng họ đông đúc. Nhưng thật ra, cốt lõi của việc kết hôn, cũng chỉ là ở hai người đang yêu thương nhau đó mà thôi. Đủ yêu thương, đủ trưởng thành và chín chắn với tình yêu này, thì những vấn đề kia sẽ chẳng còn là điều gì quá nghiêm trọng. Krish Và Ananya đã khiến tôi hiểu ra điều này, như một câu chuyện cổ tích đầy chân thực, không cần bà tiên cũng chẳng có phép màu. Tình yêu mãnh liệt và sự bền bỉ của họ đủ để cảm hóa những con tim sắt đá nhất.
Một câu chuyện vô cùng nhẹ nhàng, không bi kịch hóa, không gượng gạo, khiến người đọc cảm thấy thoải mái khi thưởng thức. Nhưng có lẽ chính vì nó nhẹ nhàng và các tình tiết đều hơi “ngắn gọn” có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy chưa đủ thỏa mãn, nếu họ mong cầu một câu chuyện sâu sắc và nhiều kịch tính hơn. Đây là một cuốn sách dành cho những buổi trà chiều, đọc để thư giãn và hưởng thụ, không cần chiêm nghiệm quá nhiều triết lý sâu xa.
Nếu Ba Chàng Ngốc là một ly kem trái cây đủ các tầng hương vị thì Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm chính là món kem chanh nhẹ nhàng, một chút chua thanh dịu đến từ những cung bậc của tình yêu, hòa quyện một tẹo vị đắng thơm từ vỏ chanh, bằng những câu văn dí dỏm hài hước nhưng đầy tình cảm. Không phải là cuốn sách khiến người ta phải ấn tượng đến mức sững sờ, chỉ đơn giản là một chút thanh mát cho tâm hồn. Đôi khi chúng ta chỉ cần vậy là đủ, để tối ngủ thật ngon, ngày hôm sau lại có thêm dũng khí đối mặt với cuộc đời, và đủ dũng cảm để Yêu!
Đánh giá cá nhân: 8.5/10
- 2682
- 0Bình luận