Nghe kể “Câu chuyện phương Đông” qua các tác phẩm sơn mài của nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến
Câu chuyện phương Đông - khi mới nghe tên triển lãm, mình chợt nghĩ là, vậy sẽ là câu chuyện xứ sở mình đúng không? Mà xứ này biết bao nhiêu là chuyện, không biết triển lãm này sẽ kể cho mình nghe điều gì đây? Nhưng mình quên bẵng mất rằng mỗi câu chuyện, qua cách kể của mỗi người đều sẽ có sức hút khác nhau, và với Triệu Khắc Tiến, anh chọn cách kể qua những bức sơn mài lộng lẫy sắc màu.
Nằm trong khuôn viên yên tĩnh của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Câu chuyện Phương Đông là một triển lãm có không gian nhỏ xinh và sạch sẽ. Đó là một gian phòng nhỏ với ánh đèn vàng dìu dịu, khi bước vào trong, bạn có thể dễ dàng bao quát được toàn bộ các tác phẩm được trưng bày trong này. Thế nhưng để nhìn ngắm và thưởng thức tất cả thì không nhanh như vậy đâu (đối với mình thì còn khá là lâu nữa).
Trước đây mình có tìm hiểu một chút về sơn mài (vào hồi tháng 2 khi đi xem triển lãm Mải của hoạ sĩ Hiền Nguyễn) và được biết, đây là cách vẽ mà phải “mài đi mới thấy hình”, có tính ngẫu nhiên cao. Thế nhưng khi đến với Câu chuyện phương Đông, mình rất bất ngờ vì các đường nét, mảng màu trong tranh Triệu Khắc Tiến rất hoà hợp và trơn tru, như thể chẳng có sự “ngẫu nhiên” nào ở đây theo lý thuyết mà mình đã đọc được cả. Nguyên liệu mà Triệu Khắc Tiến sử dụng cũng rất đa dạng, đó là sơn ta, vụn vỏ trai biển, vỏ trứng giã nhỏ, bạc xay, bạc dầm ken, sơn cánh gián… Triệu Khắc Tiến từng du học tại Nhật Bản, vậy nên phong cách của anh là sự giao hoà tinh tế giữa hai đất nước phương Đông - quê hương Việt Nam và xứ Phù Tang. Mình nhìn thấy những nét gợi nhớ về Nhật Bản trong tranh của Triệu Khắc Tiến, song cũng cảm nhận được văn hoá Việt Nam qua những đường nét và màu sắc ấy.
Chủ đề tranh của Triệu Khắc Tiến xoay quanh thiên nhiên và con người - đôi khi là thiên nhiên đứng một mình, đôi khi là sự hoà hợp của con người giữa đất trời. Qua những bức tranh của mình, anh kể câu chuyện Giao mùa, chuyện nàng Geisha, chiêm nghiệm về Quy luật tự nhiên, hay những chuyện cổ tích kỳ ảo… Đó là những mèo, chuột, ngựa, cá, những hình ảnh thật đỗi thân quen trong tranh dân gian Đông Hồ; đó là hình ảnh thiền sư đối mặt với vũ trụ bao la để làm nổi bật lên triết lý đạo Phật - “Sắc tức thị không, không tức thị sắc - muôn vật do sự biến đổi mà sinh ra”, đó là hình ảnh quê hương, có mẹ già, cánh diều, rặng tre, là nơi những người con xa xứ gửi gắm niềm thương nỗi nhớ…
Mình cực kì ấn tượng với Câu chuyện phương Đông, không chỉ vì các ý tưởng của hoạ sĩ thật thú vị, mà cách anh tìm tòi và sử dụng các kỹ thuật sơn mài cũng khiến mình trầm trồ. Qua những tác phẩm này, mình cảm thấy đây là một nghệ sĩ rất chuyên chú trong công việc sáng tạo nghệ thuật. Người bạn đi cùng mình có bảo, Câu chuyện phương Đông thực sự là một “bữa tiệc mãn nhãn”, mình thấy quả là vậy.
Chia sẻ cùng bạn một số hình ảnh mình đã chụp được trong triển lãm hôm ấy dưới đây.
Thông tin triển lãm:
Thời gian: 25/3/2022 (thứ Sáu) – 24/4/2022 (Chủ nhật) 09:00 – 18:00
Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
(27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Vào cửa tự do
Một góc triển lãm.
Giao mùa.
Đây là tác phẩm được Triệu Khắc Tiến sử dụng sơn ta kết hợp với các nguyên liệu khác phối hợp cùng phương pháp sơn mài Nhật Bản để diễn tả những bước đi nhẹ nhàng của đất trời và thiên nhiên vào khoảnh khắc giao mùa. Khi ngắm bức tranh này, mình cảm tưởng như có gió nhẹ thổi qua vậy.
Mây núi.
Đây là tác phẩm có chủ đề thiên nhiên mà mình thích nhất trong Câu chuyện phương Đông. Tác phẩm mô tả vẻ hùng vĩ của phong cảnh miền Tây Bắc, mà Tây Bắc cũng chính là quê hương của mình.
Quê nhà.
Tác phẩm này có sự hình tượng hoá khá thú vị, khi kết hợp hai hình ảnh cánh diều và người mẹ - hai yếu tố quan trọng và quen thuộc trong thuở ấu thơ của một đứa trẻ lớn lên ở làng quê Việt, với nhau.
Cá nhân mình thì khi nhìn tranh này, điều đầu tiên mình liên tưởng tới lại là vũ trụ.
Một số dụng cụ được sử dụng để vẽ sơn mài.
Đêm cổ tích.
Đây là tác phẩm có sự xuất hiện của nhiều nhân vật quen thuộc trong tranh dân gian Đông Hồ. Màu sắc và hình dáng huyền ảo của chúng khiến mình như chìm vào một không gian cổ tích kỳ ảo mà mộng mơ.
Câu chuyện phương Đông (1 và 2)
Nhân vật chính trong hai bức tranh này là một Geisha. bức tranh thứ nhất với màu sắc tươi sáng (chất liệu dùng đến vàng quỳ, cửu khẩu, bạc quỳ…) nhằm diễn tả thiên nhiên tươi đẹp trong thời đại mà nghệ thuật truyền thống phát triển cực thịnh và được tôn vinh. Bức thứ hai thì ngược lại, với những mảng màu tối tăm ám chỉ sự suy tàn, đang dần bị mai một của các giá trị ấy trong thời hiện đại.
Nhất Tâm.
Một tác phẩm được sinh ra với mong muốn thể hiện triết lý nhà Phật - “Sắc tức thị không, không tức thị sắc - muôn vật do sự biến đổi mà sinh ra”.
Hệ thống vóc kỹ thuật sơn mài.
Đây là những thực hành và thể nghiệm kỹ thuật của hoạ sĩ, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn học tập và thực hành các kỹ thuật sơn mài Nhật Bản và giai đoạn thực nghiệm, kết hợp các kỹ thuật sơn mài Nhật Bản bằng nguyên, vật liệu sơn mài truyền thống Việt Nam.
- 2434
- 0Bình luận