logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Cách mạng văn hoá Trung Quốc: Còn lại gì qua những trang văn?

Đại Cách mạng Văn hoá Trung Quốc, hay còn gọi là Văn cách (1966-1976) là một sự kiện lịch sử kinh hoàng kéo dài mười năm, khiến rất nhiều người, đặc biệt là văn nghệ sĩ, phải khốn đốn. Đây được coi là hành động ngăn chặn mầm mống phục hồi của chủ nghĩa tư bản của Mao Trạch Đông, nhưng thực chất lại là một bước đi lùi của Trung Quốc. Trong thời gian diễn ra Cách mạng, có rất nhiều văn nghệ sĩ bị đấu tố, bị xét lại, phải đi cải tạo lao động. Danh nhân văn hoá Trung Quốc, Ba Kim, đã viết về mười năm đại hoạ như sau: “Đại lục Trung Quốc bị ‘lũ bốn tên’ giày xéo 10 năm, hàng ngàn hàng vạn người bị bức hại, kinh tế quốc dân đến chỗ sụp đổ, trên mình của ba lớp người đều mang dấu ấn bạo ngược của “lũ bốn tên”.”

Và khi Văn cách đã sụp đổ, nỗi đau nó mang lại có thể mờ nhoà đi hay không? Câu trả lời hẳn nhiên là không. Thời gian không bao giờ là một liều thuốc chữa lành hữu hiệu với những nỗi đau không thuộc về xác thịt, mà những nỗi đau mà Văn cách mang đến, lại là sự đổ vỡ đạo đức, tinh thần và đức tin - thứ mà chúng ta cần dùng cả một cuộc đời để sống, để xây dựng. Vậy văn chương đã ghi dấu giai đoạn lịch sử này như thế nào? Xin chia sẻ với mọi người ba cuốn sách về sự kiện Đại cách mạng Văn hoá Trung Quốc dưới đây. 

1. Tứ Thư - Diêm Liên Khoa

Mình đã mất ba tháng để đọc cuốn sách chưa đầy 400 trang này, và những ngày sau đó cho tới tận bây giờ, mình vẫn nhớ mãi tiếng kêu gào của nhà văn. Ông đứng trước mặt bao nhiêu trí thức đang bị cái đói làm mờ mắt, đang dần đánh mất đạo đức của mình mà kêu rằng: “Tri thức của mọi người đâu hết cả rồi?”.

Đúng vậy, tri thức. 

Đó là thứ mà Cách mạng văn hoá đã tước đoạt của rất nhiều người.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh Đại Cách mạng văn hoá, khi các trí thức bị đấu tố, xét lại đều phải bỏ giảng đường, bỏ phòng nghiên cứu, bỏ sân khấu, bỏ hết thảy hoài bão và tương lai mà đi cải tạo lao động, đến nơi vùi lấp tri thức và ước mơ của họ: Khu Dục Tân. Không khí truyện luôn mang cảm giác nặng nề, đặc quánh, như thể những trí thức ấy đã mất đi ngôn ngữ của mình, không thể cất lên một giọng nói nào nữa. 

Mình nhớ có một người từng là viện trưởng của viện ngôn ngữ học, cả nước đều dùng từ điển do ông biên soạn, nhưng đến khi bị đày vào khu cải tạo ấy, ông thậm chí không còn một thứ ngôn ngữ nào cho riêng mình.  Ông lặng thinh khi được hỏi có thể kí tên vào biên bản tố cáo một hành vi đồi truỵ đang manh nha trong khu hay không. Đau đớn làm sao. Lòng mình thắt lại khi đọc những gì Diêm Liên Khoa viết: “... nhưng lúc này ông ta không có một thứ ngôn ngữ nào cả.”   

Chuyện trong Tứ Thư xảy ra ở khu 99 Dục Tân. 99, dĩ nhiên không phải con số đầu tiên, nhưng cũng không phải con số cuối cùng. Không rõ có bao nhiêu khu lao động trên mảnh đất Dục Tân ấy, chỉ biết là nhiều, rất nhiều. Không biết có bao nhiêu trí thức đã bị đày đến đây, làm những việc hoang đường, phản khoa học, phản đạo đức. Họ phải lao động trồng trọt với yêu cầu sản lượng cao như núi, cao đến mức không thực, rồi theo lệnh chính phủ, họ lại đại luyện gang thép hòng rèn được những khối sắt tốt nhất. Bao nhiêu nồi gang, cốc sắt, đinh gỉ… đều bị ngọn lửa ở khu Dục Tân nuốt chửng cả. Nhưng làm sao những vật dụng ấy lại có thể cho ra khối thép tốt nhất được? Không ai thấy có gì đó sai sao? Những kỹ sư, giáo sư đã nghĩ gì thế? 

Rồi mình nhận ra, khi bị tước bỏ trí thức của mình, họ đã bước đến bờ vực cam chịu. Họ lao động nhưng không có đam mê. Không có những tiếng hát vang trên cánh đồng, càng không có sự háo hức chờ mong ngày gặt hái thành quả. Họ cứ làm, cứ làm, cốt để cho xong việc, và cũng để không bị phạt mà thôi. Vả chăng nếu họ lên tiếng, ai sẽ nghe họ chứ? 

Cách mạng Văn hoá làm rất nhiều người khốn đốn, nhưng khốn nạn hơn nữa, nó đã mài mòn tri thức của những nhà văn, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ… để họ trở thành những con người nhu nhược, thậm chí báng bổ cả Chúa - người từng là đức tin soi sáng họ, chỉ để lấy được cái lợi trước mắt. Họ không được đọc những cuốn sách mình yêu, tất cả đều bị tịch thu hết vì bị nghi ngờ là phản động. Họ mất đi tương lai, lại mất đi ngọn nguồn tri thức, bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, làm ra những chuyện trái đạo đức khiến mình phải bàng hoàng, thậm chí buồn nôn. Nhưng ở đây còn đạo đức nào cho họ nữa ư? Mình cứ nghĩ hoài, và rồi lại nhớ đến tiếng kêu của Nhà văn: “Tri thức của mọi người đâu hết rồi?”.

Khi ấy, mình đã vỡ oà. Văn cách không chỉ ngăn cấm họ đến với tri thức, mà bằng việc vùi dập tri thức, đã tàn nhẫn đạp đổ cả phần “người” của họ, chỉ còn lại “con”.

Tứ Thư là một tiểu thuyết khó vào guồng, bởi cách kể như gần như xa của Diêm Liên Khoa. Song, khi gấp lại cuốn sách khiến mình mệt mỏi nhiều vì những đảo điên bên trong nó, mình vẫn thấy thời gian và tâm trí bỏ ra đều đáng giá vô cùng. Khác với cách kể chuyện khá dễ đọc như Đinh Trang Mộng, Tứ Thư đan xen nhiều điểm nhìn, nhiều câu chuyện và lồng ghép liên văn bản nên đôi chỗ khá khó hiểu, nhưng mình chắc chắn rằng cuốn sách sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm sâu sắc khó quên, cũng như sự kiện này chưa bao giờ bị quá khứ vùi lấp vậy.

Đánh giá cá nhân: 5/5

2. Những Người Đàn Bà Tắm - Thiết Ngưng

  Thiết Ngưng là một trong những tên tuổi nổi bật của văn học nữ Trung Quốc và Những Người Đàn Bà Tắm được coi là sự thoát xác nữ tính trong sáng tác của bà.

Cuốn sách này không chỉ viết lại về một giai đoạn khủng hoảng của những trí thức phải đi cải tạo, với những dồn ép dục vọng và nhu cầu sống, mà còn mở ra một tương lai mà ở đó, lớp con trẻ chính là những người mang ảnh hưởng từ quá khứ để lớn lên. Truyện chia làm hai tuyến thời gian: Tuổi thơ chị em Doãn Tiểu Khiêu và Doãn Tiểu Phàm, và khi cả hai đã trưởng thành, nhưng lại chẳng hề mang trong mình thứ nhựa sống tràn trề nhiệt huyết như ta thường hay nghĩ đến tuổi trẻ. Thú thực, mình không thích bất kì nhân vật nào trong tiểu thuyết này. Cuộc sống, suy nghĩ và hành động của họ khiến mình bức bối, nhưng có một điều mình rất thích về các nhân vật nữ, là họ gần như hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình  một cách rất đường hoàng. Đó là những đau khổ không cần đến xót thương. 

Mỗi khi nghĩ đến Những Người Đàn Bà Tắm, mình đều tự hỏi có nên gán hai từ bi kịch vào cuộc đời Doãn Tiểu Khiêu hay không.  Cô quá mạnh mẽ và lí trí để người khác có thể nhìn cô với ánh mắt thương hại. Kể cả khi bố mẹ cô phải đi cải tạo lao động  như rất nhiều người khác thời Cách mạng Văn hoá, thì Khiêu vẫn vững vàng chăm lo nhà cửa và dạy dỗ em gái Doãn Tiểu Phàm đâu vào đó. Kể cả khi mẹ cô xin về nhà chữa bệnh ngắn ngày, rồi bí mật qua lại với một tay bác sĩ, không quan tâm đến hai đứa con, Khiêu vẫn một mực mạnh mẽ và gan góc đối diện với mẹ. Hay kể cả khi đã lớn, mang theo vết thương chưa khép miệng từ quá khứ, Khiêu vẫn là một người lí trí, và đôi khi, lạnh lùng với quá khứ của mình. 

Với Những Người Đàn Bà Tắm, Thiết Ngưng nhìn nhận lịch sử bằng con mắt của một người phụ nữ: Thấu hiểu, sâu sắc, đồng thời cũng không ngừng tìm tòi và vươn tới mọi giới hạn có thể về khả năng chịu đựng của con người. Viết về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn nữ này, mình thấy có gì đó mềm mại, kín đáo và cũng bao dung hơn. Đặc biệt, Thiết Ngưng tập trung đào sâu vào đời sống hàng ngày, mà ở đó mình đã thấy tình cảm gia đình, tình yêu, có thể trở thành điều gì đó thật méo mó. 

Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được căn nhà lạc lõng trên quả đồi nơi bố mẹ Khiêu và Phàm phải đi cải tạo lao động. Đó là nơi duy nhất để những cặp vợ chồng như họ giải toả nhu cầu tình dục của mình, nhưng đó cũng chính là nơi họ phải cắn răng bỏ qua sự tế nhị, lịch sự vốn có, để tranh nhau thời gian sử dụng căn nhà ấy. Văn cách không chỉ tước đi cuộc sống của các trí thức, mà còn đẩy họ đến bờ vực phải tranh giành để thoả mãn những khát vọng thầm kín của mình.

Đánh giá cá nhân: 4/5.

3. Tuỳ Tưởng Lục - Ba Kim

Khác với hai cuốn sách bên trên, Tuỳ Tưởng Lục là những ghi chép lại của chính Ba Kim - người đã sống qua tám cuộc đấu tranh liên tiếp trong lịch sử Trung Quốc, trong đó có Đại Cách mạng Văn hoá. Vậy nên, những gì được viết trong tập Tuỳ Tưởng đều có vẻ sáng rõ và tỏ rõ thái độ phê phán. Nhưng hơn cả phê phán, đây còn là một tác phẩm để Ba Kim bày tỏ sự sám hối của mình về những gì đã qua. Ông chỉ ra không chỉ Văn cách có lỗi, mà chính ông cũng có lỗi khi để bản thân mình trở nên yếu nhược, lú lẫn, thậm chí nhất nhất tuân theo những gì được sai sử với hi vọng sớm được tha. Cái hi vọng yếu hèn ấy thực sự biến ông trở thành nô lệ, trở thành cái dằm trong lòng ông cho đến mãi về sau.

Có thể coi Tuỳ Tưởng Lục là một bảo tàng Cách mạng văn hoá của Ba Kim. Một bảo tàng lưu giữ sự thật, như ông đã khẳng định: “Những bài “Tuỳ tưởng” của tôi không có gì là “cao minh”, hơn thế, quyết không phải những tác phẩm truyền đời. Có điều bản thân tôi rất thích chúng, vì chúng đã nói thật, tôi nghĩ thế nào, thì viết ra như thế, nói sai cũng không trốn nợ.” Đây là hồi kí về quãng thời gian nhiều văn nhân nghệ sĩ, trong đó có cả ông, bị biến từ người thành bò - họ phải đi cải tạo lao động và sống trong chuồng bò. Họ bị tước đoạt quyền sáng tác, quyền được viết, chỉ được viết theo yêu cầu và viết để phục vụ. Nỗi đau của văn nhân nghệ sĩ trong Tuỳ Tưởng Lục của Ba Kim được khắc hoạ sâu sắc và rõ nét, bởi đó từng là ông, từng là bạn bè ông. 

Bản thân Ba Kim bước qua mười năm ác mộng rồi vẫn thường nằm mộng liên miên, tinh thần sa sút. Bạn văn của ông cũng không ai ngoại lệ, thậm chí sụp đổ hoàn toàn, không thể sáng tác được nữa. Mình đặc biệt nhớ mãi phần Ba Kim viết về Hồ Phong bằng tất cả những tiếc nuối, ân hận, bởi trong thời gian Hồ Phong bị tra xét, chính ông cũng trở nên yếu nhược và lặng im, rồi những bài viết của ông đã vô tình (hay hữu ý?) khiến bạn bè trong giới văn chương khốn đốn.  

“Cho đến khi “Văn cách” kết thúc, nhào qua nhào lại một hồi, người bị chôn sống được trở lại nhân gian, nhưng không còn là Hồ Phong trước kia nữa. Một nhà thơ vui tính, sinh lực dồi dào, biến thành con người đờ đẫn, một bệnh nhân không chút sinh khí. Ông đã bị người ta giày vò, bức hại quá đáng, không thể tiếp tục làm việc được nữa.”

Một tác phẩm dễ đọc, bởi những tản mạn bên trong nó có thể đọc ngắt quãng được và từ ngữ cũng không có gì cao siêu, song sẽ khó mà đọc hết một lèo, bởi sự thật bao giờ cũng thật nặng nề và khó tiếp thu. Đọc Tuỳ Tưởng Lục, mình tưởng như đang đọc một lời sám hối sâu sắc - tư tưởng sám hối là dòng chảy chính trong tác phẩm này. Không chỉ đào lại vết thương từ Văn cách, Ba Kim viết về sự thức tỉnh của một trí thức, thẳng thắn bóc trần sự bạc nhược của mình, đánh giá lại con người cá nhân một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Đánh giá cá nhân: 3.5/5

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1239
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)