logo-maybe-vn
Mở app

Đại Dương Đen: Bạn đã hiểu đúng về tâm bệnh hay chưa?

Mỗi con người luôn tồn tại hai thực thể là cơ thể và tâm trí. Tương ứng sẽ có thân bệnh phản ánh sức khỏe cơ thể, còn tâm bệnh thể hiện sức khỏe tâm trí. Nhưng ở xã hội hiện đại, mình nhận thấy thân bệnh được biết đến rộng rãi, phổ biến hơn. Các căn bệnh này được đặt tên cụ thể: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch… và có phác đồ điều trị rõ ràng, cụ thể. Ngược lại, tâm bệnh hầu như ít nhận được sự quan tâm và nhận định đúng đắn. Từ đó, dần dần hình thành vô vàn những nhận thức sai lầm về người mang tâm bệnh.

Đại Dương Đen - cuốn sách mới xuất bản năm 2021 của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã định nghĩa, phân loại, chẩn đoán và đưa ra phương hướng chữa trị đầy đủ cho trầm cảm cùng các tâm bệnh khác. Thông qua đó, mình đã có được cái nhìn toàn cảnh về tâm bệnh ở Việt Nam và trên thế giới.

Căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện nay được viết trong cuốn sách Đại Dương Đen là trầm cảm. Bởi ngoài những trường hợp tự tử thì rất nhiều vụ án thương tâm có hung thủ là người mang bệnh này. Mình thầm nghĩ, nếu xã hội quan tâm, hiểu đúng về trầm cảm cũng như có giải pháp điều trị kịp thời cho người bệnh thì có lẽ những bi kịch như mẹ giết con, con giết cha hoặc tự kết liễu đời mình… sẽ không bao giờ xảy ra.

Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, trầm cảm không phải là nỗi buồn như mọi người vẫn nghĩ, chính xác hơn, đây là tâm bệnh. Buồn là cảm xúc bình thường của con người khi đối diện với những sự kiện tiêu cực. Nỗi buồn sẽ mất đi nếu chúng ta vượt qua nó và tìm được niềm vui thay thế. Còn nếu sự u buồn kéo dài hơn hai tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cuộc sống, không thể ăn uống, tắm rửa, đi học, đi làm… thì rất có thể đây là những dấu hiệu của trầm cảm. 

“Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên. Người trầm cảm không muốn tỏ ra như thế, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị.”

Theo đó, tác phẩm Đại Dương Đen đưa ra những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về trầm cảm. Cẩm Nang Chẩn Đoán và Thống Kê Rối Loạn Tinh Thần của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ và Hệ thống phân loại bệnh quốc tế do WHO ban hành đã định nghĩa rằng “trầm cảm không phải là một, mà là một nhóm bệnh, mang tên Những rối loạn trầm cảm (Depressive disorders)”, thường gặp nhất là trầm cảm chủ yếu (major depressive). Ngoài ra, trầm cảm còn có một loạt các bệnh khác như: trầm cảm dai dẳng, trầm cảm do thuốc hay chất kích thích gây ra, rối loạn mất điều hoà tâm trạng… Mỗi loại bệnh trầm cảm sẽ có triệu chứng và biểu hiện khác nhau, khá phức tạp. Chỉ mới thống kê sơ lược thôi, mình đã thấy kiến thức của bản thân về bệnh trầm cảm quá hạn hẹp rồi, huống chi những tâm bệnh khác như rối loạn lo âu hay rối loạn lưỡng cực… 

Cảm nhận của mình là ở Việt Nam, khi nói đến tâm thần hoặc tâm bệnh, mọi người thường mặc định đó là… những người điên. Đây là kỳ thị dễ bắt gặp nhất và làm cho người mắc các hội chứng/bệnh lý tâm thần có xu hướng giấu tình trạng bệnh. Họ thậm chí không muốn điều trị. Do họ sợ gia đình, bạn bè sẽ chỉ trỏ, xầm xì cho rằng mình “không phải người bình thường”, “người vô dụng”... Chính điều này càng làm trầm trọng thêm tâm bệnh sẵn có, thay vì phải được trị liệu càng sớm càng tốt. 

Mặt khác, phần đông các bậc ông bà, cha mẹ chỉ quan tâm đến thân bệnh của con cháu. Họ cho rằng những bệnh “hữu hình”, nhìn thấy được bằng mắt thường trên cơ thể mới là bệnh thật. Còn đối với bệnh “vô hình” như tâm bệnh chỉ là do tưởng tượng, buồn phiền, suy nghĩ quá nhiều… nên không cần thiết điều trị. Dần dà, có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm là bệnh nhân mất mục đích sống và có xu hướng tự hủy hoại bản thân, thậm chí cả những người xung quanh.

Do không nhận biết được tâm bệnh hình hài nó thế nào, nó từ đâu đến, nó phá hủy sức khỏe thế nào, nên khi nhận chẩn đoán từ bác sĩ chuyên môn, đa số phụ huynh thường khuyên nhủ con cháu rằng hãy gác chuyện buồn sang một bên, vui vẻ lên mà sống. Chính điều này đã tạo thêm áp lực tâm lý cho người bệnh. Họ nghĩ rằng mình là người có lỗi, làm trầm trọng hóa vấn đề, thậm chí là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

“Nhiều hôm tôi ở nhà hoàn toàn. Ông hay vặn vì sao tôi không đi học. Tôi bảo có những vấn đề mà chắc ông không hiểu được. Ông bảo,“Chả có cái gì mà tao không hiểu được, tao lớn hơn mày bao nhiêu tuổi, còn cái gì mà tao không biết?” Nhưng tôi biết ông không chấp nhận bệnh tâm lý là bệnh.”

“Mẹ nó bảo bệnh này là bệnh tư tưởng, tất cả là do mình, người bị ung thư mà suy nghĩ tích cực thì còn khỏi được mà. Uyên bảo đây là bệnh thật, không phải tưởng tượng, không phải do suy nghĩ tiêu cực.”

Nguồn ảnh: Nhã Nam
Nguồn ảnh: Nhã Nam

Trước giờ mình chỉ biết những cảm xúc tiêu cực (cô đơn, sợ hãi, tức giận…) khiến cơ thể chúng ta gia tăng sản xuất các hormone như cortisol, adrenaline, epinephrine và nhiều chất độc hại khác. Từ đó, đẩy cơ thể vào trạng thái bị đầu độc, làm tổn hại đến hoạt động của cơ quan nội tạng, lâu ngày phát sinh thành bệnh. 

Tuy nhiên, qua câu chuyện của bạn Thuỳ Dương trong cuốn sách này, mình bất ngờ khi biết những tâm bệnh như trầm cảm có mức độ khá nghiêm trọng, không thua kém những chấn thương nghiêm trọng hay bệnh nan y. Do là sinh viên ngành Tâm lý, nên Thuỳ Dương được trang bị kiến thức chuyên sâu hơn về tâm bệnh. Trong nhật ký chiến đấu với căn bệnh trầm cảm của mình, bạn đã dẫn chứng bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và các bệnh khác. Đây là nghiên cứu của trường Đại học Erasmus Rotterdam ở Hà Lan.

“Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối.

Rối loạn lo âu nhẹ nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống, HIV.

Trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống).

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi.

Trầm cảm nặng - tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.”

Thuỳ Dương cũng là trường hợp khiến mình ấn tượng nhất. Mỗi ngày trôi qua, bạn luôn trong tình trạng đấu tranh nội tâm, đốc thúc mình phải đi ra ngoài, vận động, đi tới đi lui… thay vì nằm lì trên giường. Do vậy, hành trình chung sống cùng trầm cảm và học cách chữa lành của bạn có đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ đau đớn, vật vã, tự trách móc đến tập trung yêu thương chính mình. Đồng thời, câu chuyện của bạn gợi lại nguyên nhân rối loạn lo âu của mình khi xưa. Nếu Thuỳ Dương phải chịu áp lực cao độ từ gia đình để thành tích học tập tốt thì mình cũng tương tự. Chỉ khác là, mình tự tạo stress đè nặng lên bản thân vì suy nghĩ quá mức cần thiết, chứ không có nhân tố bên ngoài tác động.

Điều mình khâm phục ở Thuỳ Dương là sự kiên cường để vượt qua các ý nghĩ độc hại, tiêu cực như muốn tra tấn cơ thể, tự sát, dằn vặt, sỉ vả bản thân vô dụng… Sau tất cả, bạn đã chấp nhận trầm cảm là một phần của cuộc sống mà không cần phải chối bỏ hay lẩn trốn nó. Không phải ai mắc bệnh trầm cảm cũng làm được như Thuỳ Dương, thường họ sẽ rơi vào hố sâu cảm xúc tiêu cực mà lạc lối, không thoát ra được. Một điều đáng trân trọng nữa là bạn chọn học ngành Tâm lý với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ những người đang mang tâm bệnh có cùng hoàn cảnh. Mình hy vọng trong tương lai không xa, Thuỳ Dương sẽ đạt được ước mơ này.

“Trầm cảm không định nghĩa con người mình, nhưng mình chấp nhận nó như một phần của hành trình, của trải nghiệm sống của mình. Trầm cảm đã thay đổi mình. Nó dạy mình tôn trọng bản thân, nhận biết, gọi tên các cảm xúc của mình. Nó cũng khiến mình trở nên trắc ẩn hơn, nhạy cảm hơn với những nỗi đau, những cuộc vật lộn âm thầm của người khác thay vì chăm chắm vào thành tích của họ.”

Theo tìm hiểu của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, y học hiện nay có nhiều phương pháp trị liệu trầm cảm và các tâm bệnh khác, có thể kể đến như liệu pháp âm nhạc, vẽ, thiền, múa, yoga… Trong đó, hai phương pháp được áp dụng nhiều nhất là liệu pháp dược (dùng thuốc) và trị liệu tâm lý. Cá nhân mình không thích nạp vào cơ thể các loại thuốc để điều chỉnh cảm xúc cho lắm vì có khá nhiều tác dụng phụ. Còn mức độ hiệu quả của trị liệu tâm lý thì phụ thuộc vào trình độ của chuyên gia. Nhưng tiếc là, chưa xét tới khả năng chuyên môn thì hiện tại số lượng nhà trị liệu trong thực tế ở Việt Nam khá ít ỏi và hiếm hoi rồi.

“Bản thân nguồn lực trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần ở Việt Nam, giống như ở nhiều nước đang phát triển khác, đang “yếu và thiếu” trầm trọng.” 

“Hãy lấy một ví dụ bất kỳ ở Việt Nam: tỉnh Long An có hơn hai triệu dân, ghi nhận chính thức hơn sáu ngàn bệnh nhân tâm thần (chắc chắn con số nằm trong bóng tối lớn gấp nhiều lần), nhưng chỉ có ba bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác tại tỉnh. Nhiều bệnh viện tâm thần, đặc biệt ở tuyến tỉnh, phải để y sĩ hoặc bác sĩ đa khoa không có hiểu biết sâu về tâm bệnh đứng ra khám, chữa bệnh.”

Mình cho rằng, để tìm ra phương pháp chữa lành tâm bệnh phù hợp cho mỗi người, điều quan trọng chúng ta cần biết nguyên nhân. Theo như những phân tích của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, các yếu tố sinh học như gene, đặc điểm tính cách, trải nghiệm tuổi thơ bất lợi, giáo dục hà khắc từ cha mẹ hay những chấn thương tâm lý, stress vượt ngưỡng chịu đựng của cá nhân… chính là nguồn cơn của tâm bệnh. Vậy làm sao để phòng tránh được những điều này?

Mình rất đồng quan điểm của với tác giả về “vaccine” ngừa trầm cảm nói riêng và tâm bệnh nói chung của một cá nhân. Đó là “sức khoẻ tinh thần của cha mẹ họ, là một tuổi thơ được yêu thương, và khi họ lớn lên, là một cuộc sống điều độ, an toàn về vật chất, thư thái về tinh thần, trong một mạng lưới hỗ trợ và thương yêu của người thân và bạn bè xung quanh.”

Do bản thân cũng có tâm bệnh là rối loạn lo âu nên mình đã tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp để tự trị liệu. Trong số đó có “liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm” cũng được tác giả giới thiệu cụ thể trong Đại Dương Đen. Chánh niệm hiểu đơn giản là có mặt trong hiện tại để cảm nhận mọi thứ xung quanh. Từ đó, chúng ta sẽ có được sự tự do, thảnh thơi thật sự thông qua thiền quán chiếu hơi thở hay đi bộ, tránh suy nghĩ lung tung và không còn bị bấu víu bởi những cuốn phim đến từ quá khứ. Bởi thực sự, “suy nghĩ không phải là thực tại, chúng chỉ là những diễn giải của chúng ta mà thôi, và chúng có thể méo mó.”

Ngoài ra, mình còn dành thời gian để hít thở sâu, ngồi thiền, chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật tươi sống… để giúp cơ thể nhẹ nhàng, tâm trí cân bằng và ổn định hơn. Quan trọng hơn, mình luôn cố gắng giữ tinh thần thoải mái hết sức có thể, nhìn sự việc ở góc nhìn đa chiều để hạn chế những áp lực không đáng có trong cuộc sống. 

Sau cùng, mình rất biết ơn sự kiên trì và dày công của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang để biên soạn thành công tác phẩm Đại Dương Đen. Bằng sự thấu cảm và tình yêu thương, ông dành tặng cho những người mang tâm bệnh một tiếng nói công bằng nhằm xóa bỏ định kiến xã hội áp đặt bấy lâu nay. 

Đôi nét về tác giả

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói người dân. 

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách của anh có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.

Các tác phẩm đã phát hành: Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can (2015), Thiện, Ác và Smartphone (2017), Điểm Đến Của Cuộc Đời (2018), Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ (2019).

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 2311
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
312

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)