logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Olalla - Duyên kỳ ngộ giữa cõi u minh

Olalla - Robert Louis Stevenson

Duyên kỳ ngộ giữa cõi u minh 

Năm 1885, trong khi đang rà soát lại bản thảo của cuốn tiểu thuyết mà sau này sẽ đi vào lịch sử - Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde (Strange Case Of Doctor Jekyll & Mr Hyde), nhà văn Robert Louis Stevenson, trong một khắc như bị hồn Mary Shelley (1) nhập vào, đã gặp một giấc mộng quái đản về một cô đảo huyền bí cùng những chuyện sởn gai ốc về dòng họ quỷ ám phải chịu án lưu đày vĩnh cửu. Những trải nghiệm đó, sau này đã trở thành tiền đề cho một trong những tác phẩm Gothic thời kì sơ khai trong lịch sử do chính ông sáng tác - Olalla (1885)

Olalla dõi theo hành trình phiêu dạt của anh lính trẻ vào một cô đảo xứ Tây Ban Nha trong cuộc Chiến Tranh Bán Đảo (Peninsular War (1807 - 1814)). Bị ruồng bỏ trên hòn đảo xa lạ, anh chấp nhận việc mình phải lưu lạc trên hòn đảo này như một chuyến tịnh dưỡng sau những năm dài chinh chiến. Chính tại đây, anh vô tình bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu tình ái với Olalla, con gái của một dòng họ lâu đời cổ quái. Nhưng điều anh không ngờ đến, là chính cuộc kỳ ngộ đó đang từ từ dẫn anh đến với những trải nghiệm kinh hoàng mà cả đời anh mãi mãi không thể quên. 

Olalla đối với mình vừa là một trải nghiệm quen thuộc, vừa là một thể nghiệm mới lạ về dòng văn học Gothic, một thể loại mình rất ưa thích nhưng chưa thực sự hiểu rõ. Nàng Olalla của Stevenson sở hữu nhiều nét giống nàng Lan Hương trong Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ hay Kỳ Nữ của Đinh Hùng đến lạ kỳ: Họ đều xuất hiện một cách mờ mờ ảo ảo, ẩn hiện giữa hư và thực, vừa đượm vẻ ma mị nhưng cũng đầy sức hút với bất cứ nam nhân nào dù chỉ chạm mặt một lần. Và nếu nàng thơ của Thế Lữ và Đinh Hùng mang một vẻ đẹp hoang dã, khỏe khoắn, sống một cuộc đời tự do tự tại, thì Olalla lại đượm nét kín đáo, nhu mì tựa một thánh nữ đồng trinh, một biểu tượng cao quý nhưng đầy ép buộc của gia đình tôn sùng tà giáo. 

Nhưng trên hết, giống như mọi người con gái khác, Olalla cũng ấp ủ trong lòng một cuộc đời độc lập, bay nhảy, tách khỏi vòng kiềm tỏa của lề thói. Nàng sa vào lưới tình với chàng trai xa lạ, chỉ để được sống những giây phút "người" nhất, hạnh phúc nhất mà tuổi trẻ luôn khao khát. 

Ôi, càng bị ràng buộc bao nhiêu, trái tim nàng càng nôn nóng yêu thương bấy nhiêu! Và càng nôn nóng bao nhiêu, khuôn mặt đương xuân sắc đó càng đẹp rạng ngời biết bao. Nó đẹp, đẹp một cách thần thánh, đẹp như một vì sao chói lóa soi sáng giữa đêm trường trung cổ của chốn quạnh hiu này. Nhưng rốt cuộc, truyền thống gia đình dường như vẫn là thứ xiềng xích vô hình nặng trịch kiềm chặt cuộc đời nàng mãi mãi. Quyết định cuối cùng của nàng, dù khiến chàng không khỏi cảm thán cho đức cao thượng vì nghĩa chung, nhưng lại khiến độc giả phải một phen rùng mình khi phải nghĩ đến một mớ những câu hỏi bòng bong: 

Liệu rằng lời nguyền của gia tộc quỷ ám có còn tiếp diễn không? 

Bí mật thực sự về lời nguyền đang giày vò họ là gì? 

Và, nguyên cớ cho lời nguyền kinh khủng này là từ đâu? Có phải do chiến tranh không? Hay, nhờ có chiến tranh thì bức màn của chốn biệt lập này mới được hé lộ?

Thực ra, câu trả lời vốn dĩ đã nằm trọn trong các biểu tượng mơ hồ trong truyện. Mình tin, đáp án cuối cùng khiến mỗi độc giả yêu Stevenson càng thêm thích thú phong cách dẫn truyện của ông, cũng như thông cảm hơn với lựa chọn của nàng Olalla.

Không gian kiến trúc đậm chất Moor của câu chuyện cũng là một điều đáng chú ý. Phải nhớ rằng, khi nhắc đến nghệ thuật Gothic là phải nhắc đến những lâu đài, thành quách, những kiến trúc phương Tây thời kì trung cổ, trong khi đó phông nền của Olalla lại lấy cảm hứng từ những phế tích của người Moor, một tộc người Ả Rập theo đạo Hồi từng thống trị Tây Ban Nha trước đây. 

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh không hoàn toàn ủng hộ như vậy, bằng tài biến hóa khôn lường, Stevenson vẫn thành công dựng nên một câu chuyện Gothic rất độc đáo, tương tự như cách mà ông đã sáng tạo nên thế giới Đảo Giấu Vàng (Treasure Island) kinh điển trước đó. Bước vào thế giới Olalla, là bước vào cõi kí ức mờ đục của những kiến trúc mái vòm đồ sộ kiểu Moor, của những cánh cửa khảm đinh sắt bụi bặm lạnh như băng. Không gian nơi đây bị bế phong tỏa cảng đến nghẹt thở, nội bất xuất ngoại bất nhập. Bên cạnh đó, con người xứ này cũng là một nhân tố quỷ dị không kém. Đó là một cộng đồng khép kín bị bao vây bởi bốn bề là biển, tách biệt với thế giới và nghi kỵ với khách phương xa, là một dòng họ quỷ ám bị rơi vào vòng lặp vô hạn của các cuộc hôn phối cận huyết và những di chứng đáng ghê sợ. Ở đó còn có một bà mẹ với thú tính say máu một cách rợn người, và một cậu con trai với tính cách như kẻ tâm thần phân liệt - lúc thì hiền lành nhút nhát, lúc thì máu lạnh điên cuồng. 

Tựu trung lại, những yếu tố gợi hình đó, dù còn mơ hồ, bảng lảng, nhưng vẫn đủ khiến bất cứ độc giả nào dù chỉ nghĩ thoáng qua thôi, cũng không thôi bàng hoàng. Bởi rằng hình tượng những cộng đồng “đại gia đình” bí ẩn và ghê rợn và như vậy vẫn luôn hiện diện trong đời sống hằng ngày, trong quá khứ, và cả tương lai. Những hội kín như Hellfire, Solar Temple, Ku Klux Klan,… hay Aum Shinrikyo chẳng phải là những ví dụ thực tiễn nhất hay sao? 

Mang dáng dấp một chuyện tình kiểu Gothic cổ điển, tuy không dữ dội như Đồi Gió Hú (Wuthering Heights) của Emily Bronte, hay đẹp huyền ảo tựa Chị Họ Rachel (My Cousin Rachel) của Daphne du Maurier, song Olalla vẫn xứng đáng là một kiệt tác xứng đáng được xếp ngang hàng với Đảo Giấu Vàng hay Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde của Stevenson bởi cốt truyện giản dị, không cầu kì nhưng vẫn giữ sự tinh tế của một tác phẩm Gothic kiểu mẫu. 

Song, tác phẩm của Stevenson cũng chưa phải là hoàn hảo tuyệt đối. Cách kể chuyện của ông có đôi phần rườm rà và khệ nệ câu chữ, nhất là trong những đoạn tự sự nội tâm của Olalla. Thêm nữa, cách ông mở đầu cuộc tình của hai nhân vật có phần hơi vồ vập và thiếu tự nhiên: “Tôi đã thấy nàng. Olalla!, là lời đá nhọn đáp. Olalla!, là tiếng trời xanh thẳm hững hờ”. Đọc những dòng tự tình thống thiết này, hẳn Puskin cũng phải nổi cơn ghen mất! - Mình đã nghĩ vui như vậy. Dẫu sao, những lỗi nho nhỏ này cũng không thể xóa nhòa lòng yêu thích của mình với một truyện tình lôi cuốn và ma mị như Olalla.

CHÚ THÍCH

1.Mary Shelley (1797 - 1851): tác giả tiểu thuyết Frankenstein (1820), The Last Man (1826),...

Giống Stevenson, ý tưởng sáng tác tác phẩm Frankenstein của bà cũng xuất phát từ một giấc mơ về một người đàn ông với thân hình dị dạng thô kệch như bị ghép từ nhiều thân thể khác nhau. 

ĐÁNH GIÁ: 3/5*

22/3/2022

  • 2187
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1062
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)