logo-maybe-vn
Mở app

Những "quy tắc vàng" trong một chiến dịch Influencer Marketing

Influencer Marketing là một phương thức marketing khá phổ biến thời gian gần đây, khi mà trong các chiến dịch truyền thông lớn hay nhỏ các nhãn hàng thường sẽ không bỏ qua phương thức này. Sức tác động của Influencer Marketing có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng theo nhiều cấp độ như: Awareness (mức độ nhận biết), Consideration (mức độ cân nhắc) và cuối cùng là Decision (quyết định mua hàng). Hiệu quả là thế nhưng nếu không biết cách sử dụng đúng, Influencer Marketing có thể mang đến một hệ quả không mong muốn cho chiến dịch của bạn. 

Những lý do mà nhãn hàng nên sử dụng Influencer Marketing

Không ngoa khi nói Influencer Marketing chính là phương thức marketing của thời đại mới bởi những hiệu quả mà cách thức này mang lại cho một chiến dịch truyền thông của nhãn hàng với chi phí tối ưu nhất. Các hiệu quả mà Influencer Marketing mang lại cho một chiến dịch có thể kể đến như: 

  • Xây dựng độ nhận diện rộng rãi cho thương hiệu: Quảng bá bằng Influencer sẽ tiếp cận đến những người đang theo dõi họ, nếu sử dụng các Macro Influencer độ nhận biết sản phẩm của bạn cũng sẽ tăng cao hơn so với chạy Display Ads (Quảng cáo hiển thị) với chi phí thấp hơn.
  • Khả năng thu hút người tiêu dùng cao: Nội dung từ Influencer sẽ mang tính chất gần gũi, không quá sặc mùi quảng cáo dẫn dến việc người xem sẽ dành nhiều thời gian ở lại trên bài đăng đó cao hơn so với một quảng cáo thông thường.
  • Tạo lòng tin và độ tin cậy cao: Các Influencer thường là những người có sức ảnh hưởng với cộng đồng của họ, những người theo dõi sẽ có xu hướng tin tưởng và nghe theo những nhận định của Influencer họ yêu thích.
  • Tiếp cận được gần hơn với đối tượng mục tiêu: Mỗi Influencer sẽ luôn nổi bật trong 1 đến 2  lĩnh vực cố định, vì thế những người theo dõi họ sẽ có chung một sở thích, quan điểm thậm chí là thói quen mua hàng. Điều này sẽ giúp các nhãn hàng tiếp cận được gần hơi với các đối tượng tiềm năng, đối tượng mục tiêu.

Hiệu quả là thế nhưng nếu không biết tận dụng đúng cách, nhãn hàng cũng có khả năng nhận lại những hệ quả xấu như: Scandal của Influencer ảnh hưởng đến gương mặt của thương hiệu, booking không hiệu quả vì không phù hợp với nhãn hàng thậm chí là influencer chạy tương tác ảo ảnh hưởng đến chỉ số thực tế khi thực thi, Influencer đã từng hợp tác với đối thủ trong ngành,... . Influencer Marketing chủ yếu là làm việc giữa người với người, không có hoặc hiếm khi can thiệp bằng công cụ để đo lường được hiệu vì vậy những điều trên là hoàn toàn có thể bị mắc phải. 

Những “quy tắc vàng" đảm bảo cho một chiến dịch Influencer Marketing thành công:

Để tránh những trường hợp xấu xảy ra, các nhãn hàng cần nắm chắc trong tay các bí kíp sau. 

  1. Đặt mục tiêu của chiến dịch lên hàng đầu:

Trước khi lên danh sách các Influencer sẽ hợp tác cho dự án của mình, bạn nên nắm rõ mục tiêu ban đầu của chiến dịch là gì để đưa ra được những lựa chọn đúng đắn nhất. Đừng vội vàng “chốt deal" bởi vì Influencer này hoặc Influencer kia đang hot trên thị trường, nếu chọn sai bạn phải đối mặt với bài toán chi phí và lợi nhuận khá là rắc rối. Khi đã xác định được mục tiêu cụ thể điều cần nhất chính là chọn lọc những metrics (chỉ số) quan trọng để đo lường hiệu quả của dự án. 

Phễu mục tiêu trong một chiến dịch Marketing
Phễu mục tiêu trong một chiến dịch Marketing

Ví dụ: Nếu chiến dịch của bạn thiên về độ nhận biết của thương hiệu (Awareness) thì việc lựa chọn các Hot, Macro Influencer hay thậm chí là các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ là một lựa chọn phù hợp. Đây là những người đã sở hữu độ phủ lớn trên thị trường, việc kết hợp cùng tệp này sẽ lan truyền thông điệp cũng như hình ảnh của thương hiệu được biết đến rộng rãi hơn. Với tệp này, metrics cần xem xét sẽ là độ tương tác như like, comment và share trên Facebook để đánh giá hiệu quả của bài đăng. Tuy tương tác cao tuy nhiên đây lại là tệp đối tượng khó kêu gọi người tiêu dùng thực hiện một hành động, đồng nghĩa với việc hành vi mua hàng của những người theo dõi nhóm này sẽ thấp hơn nhiều so với lượt tương tác thu về. 

Nếu mục tiêu chiến dịch của bạn là doanh số của sản phẩm thì các Influencer vừa và nhỏ sẽ là những gương mặt để bạn gửi vàng. Tệp Influencer này tuy không có độ phủ cao nhưng họ lại có mức độ tin cậy cao trong cộng đồng của mình. Với kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể, họ có thể đưa ra những lời khuyên, nhận xét có sức ảnh hưởng cao đến với nhóm người theo dõi mình. Và điều này thường dẫn người tiêu dùng nghĩ đến việc cân nhắc thậm chí là thực hiện hành vi mua sắm mà không tốn quá nhiều thời gian để suy nghĩ. Ngoài ra thì việc kết hợp Influencer Marketing cùng Affiliate Marketing sẽ giúp nhãn hàng tối ưu hiệu quả về doanh số cho chiến dịch của mình. Tuy nhiên điều khó ở tệp này chính là lựa chọn metrics để đo lường hiệu quả,bạn sẽ không thể áp doanh số lên các Influencer cũng như không thể đặt KPI hay mong chờ một lượng tương tác cao với nhóm này. Bạn cần có những ràng buộc hay sự theo dõi sát sao với các nội dung được đăng tải để đảm bảo hiệu quả cho dự án của mình. 

2. Tạo không gian cho Influencer tự do sáng tạo:

Mỗi Influencer đều có một cá tính và điểm thu hút riêng biệt, việc cho Influencer tự do sáng tạo trên bài đăng của mình sẽ khiến những người theo dõi của họ dễ tiếp cận bài viết hơn, không bị dội bởi một bài quảng cáo quá khác biệt với phong cách thường ngày họ yêu thích. Và hơn ai hết, Influencers sẽ là người hiểu rõ insight của cộng đồng người theo dõi họ nhất, họ hiểu fan của họ muốn và thích xem gì, sẽ tương tác với các nội dung nào nhiều nhất. Vì vậy khi hợp tác với Influencer, nhãn hàng nên chỉ đưa ra các định hướng về hình ảnh thương hiệu của mình, những điều nào nên tránh để Influencer có thể tự sáng tạo cho mình một nội dung độc đáo, mang đậm bản sắc của họ nhưng vẫn nổi bật sản phẩm. Đôi khi sẽ có một số Influencer “bay" hơi xa so với định hướng ban đầu nên bạn cũng sẽ cần kéo họ về gần với yêu cầu của thương hiệu nhất.

Việc cho Influencer có không gian sáng tạo giúp cho nhãn hàng có được nhiều nội dung đa dạng và ...
Việc cho Influencer có không gian sáng tạo giúp cho nhãn hàng có được nhiều nội dung đa dạng và ...

3. Cân nhắc quảng bá trên các nền tảng khác nhau:

Thời nay khi các nền tảng mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh thì không còn một nền tảng nào gọi là chiếm vị trí độc tôn. Xu hướng của giới trẻ hiện tại là đa dạng, đa nền tảng khi có thể thấy một người dùng sẽ có ít nhất một nick Facebook, Instagram, TikTok và Youtube. Việc tối ưu hoá được các kênh truyền thông sẽ giúp các nhãn hàng có thêm không gian để tiếp cận đến đối tượng mục tiêu của mình hơn. Ngoài ra việc luôn cập nhật xu hướng, định dạng content mới cũng là cách nhãn hàng có thể “nói cùng giọng” với người tiêu dùng của mình.

Đa dạng nền tảng truyền thông cũng là điểm nên lưu ý khi lựa chọn Influencer (Nguồn ảnh: ...
Đa dạng nền tảng truyền thông cũng là điểm nên lưu ý khi lựa chọn Influencer (Nguồn ảnh: ...

4. Làm việc với Influencer thông qua một bên thứ ba:

Việc chọn cho mình một Agency booking phù hợp cũng quan trọng như việc chọn đúng Influencer cho chiến dịch của bạn. Các bên Agency booking sẽ là người hiểu rõ nhất tệp Influencer nào sẽ phù hợp với dự án và thực thi chiến dịch một cách gọn gàng và nhanh chóng. Bởi vì họ sẽ là người hiểu rõ nhất về thị trường Influencer, có đủ nguồn lực và kiến thức để kết nối và quản lý các Influencer mà nhãn hàng mong muốn. Thay vì phải tự tay tìm kiếm và lựa chọn từng Influencer để phù hợp với dự án tại sao không quy về một đầu để dễ dàng quản lý và theo dõi hiệu quả một cách đơn giản và dễ dàng hơn.  

Trên đây là những điều mà các nhãn hàng nên cân nhắc và áp dụng cho một chiến dịch Influencer Marketing để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Theo dõi các bài viết tiếp theo về kiến thức Influencer Marketing cùng mình nhé!

  • 3136
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1859

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)