logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Một Ngày Rồi Thôi: Khi những khát khao tình yêu đều dẫn lối đến bi kịch đổ vỡ

Năm 2021 có một sự kiện khá đặc biệt trong giới văn học, ấy là chuyện hàng loạt sáng tác của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản lại sau hàng chục năm vắng bóng trên văn đàn. Bà là một nhà văn từng gây rất nhiều tranh cãi tại miền Nam trước những năm 1975. Sau khi tác phẩm đầu tay Vòng Tay Học Trò ra mắt năm 1966, Nguyễn Thị Hoàng nhận được nhiều sự chú ý, yêu thích có, phê bình và chỉ trích cũng có, bởi nội dung tình cảm có xu hướng phản lại những giá trị và quan niệm truyền thống. Ở giai đoạn sau 1970, các nhà phê bình hải ngoại xếp sáng tác Nguyễn Thị Hoàng vào dòng “văn chương đen”. Dường như, những từ “đồi truỵ”, “đen tối” gần như đã thành thương hiệu khi nhắc đến văn chương của bà. 

Khi đọc văn Nguyễn Thị Hoàng, mình tưởng như bản thân đang chiêm ngưỡng một màn trình diễn ngôn từ. Câu văn của bà rất đẹp, mềm mượt, bóng bẩy, như một thiếu nữ mộng mơ kiêu kì. Nhưng cũng chính vì vậy mà nếu không hợp thì đọc sẽ thấy mệt. Một Ngày Rồi Thôi mang sự mềm mại của một tiểu thuyết diễm tình, với những mộng mơ man mác buồn của xứ Huế và những tình cảm, mâu thuẫn giữa người với người khi người ta đã quá đắm say vào tình yêu. 

Các mối tình trong Một Ngày Rồi Thôi mở đầu bằng những bế tắc vô vọng: Một người vợ bỏ đi, để lại chồng mình cùng hai đứa con thơ. Hai chị em Diễm và Nguyện đã lớn lên trong căn nhà vắng bóng mẹ và sự u sầu cô độc của cha. Ông Vĩnh Hoài có nhiều thời gian gần gũi con cái hơn sau cuộc hôn nhân đổ vỡ đột ngột, nhưng đồng thời, ông cũng thấy cô đơn, yếu đuối hơn. Không chỉ riêng ông, hai người con Diễm và Nguyện cũng bị ảnh hưởng và loay hoay trưởng thành trong những ám ảnh quá khứ. Mối tình của Diễm và chàng trai tên Hiệp tan vỡ là vì sao, có phải vì sự ra đi của người mẹ đã khiến cô đánh mất niềm tin vào hôn nhân? Và sự ngông nghênh, bất cần đời trái hẳn với chị gái của Nguyện, có phải được hình thành bằng thái độ phản kháng những gì đã xảy ra hay không?

Cả tiểu thuyết xoay quanh sự đổ vỡ, chờ đợi và đánh mất tình yêu. Nguyễn Thị Hoàng tạo ra những gặp gỡ tình cờ mà lại “hữu duyên” vô cùng, tất cả các nhân vật đều ít nhiều có dính líu đến nhau, tạo nên một vòng tròn mà bên trong đó, sự chằng chéo của các mối quan hệ đều dẫn đến bi kịch. Trong đó, Nguyện là ngọn lửa nhỏ nhất, nhưng cũng dai dẳng nhất, nóng bỏng nhất. Thành thực mà nói, đây là một trong những nhân vật mình ghét trong truyện, bởi cô quá ương bướng, bất cần và đôi khi, cả hỗn hào. Nhưng trớ trêu thay, chính cô lại là người có những chiêm nghiệm mà mình thích nhất, “Mãi rồi Nguyện nhận ra và giải thích được thứ tình cảm giăng tơ mờ mịt đó. Bởi điều đẹp nhất chỉ nhìn thấy trong tuổi non, và khi trải qua tuổi non để tận hưởng điều đẹp nhất thì điều đẹp nhất đã nhạt phai rồi không tìm đâu thấy nữa.”

Nguyễn Thị Hoàng viết rất nhiều về tình yêu, nhưng mình lại cảm giác bà chỉ dùng tình yêu để đào sâu tâm thức của con người, vạch ra những băn khoăn, khát vọng rất cá nhân và thử mọi cách tìm hiểu khả năng dấn thân của họ. Cuộc đời còn gì thú vị khi ta không dám sống bằng tất cả những gì mình muốn, dù chỉ trong một ngày? 

Và có thể những gì Nguyễn Thị Hoàng từng viết bị coi là phản xã hội, trái đạo đức ở thời đại ấy, nhưng hiện giờ khi cầm sách trên tay, mình không thấy có gì là “đồi truỵ” ghê gớm như cái danh đã luôn gắn vào tên tuổi của bà. Như vậy cũng không có nghĩa mình thấy thích thú với những gì bà viết. Tình yêu và các mối quan hệ trong Một Ngày Rồi Thôi mang một vẻ hơi kịch, hơi bi đát và thậm chí vì vậy, mình thấy nó… không thực, đó là lí do mình không thể đồng cảm với nhân vật. Càng về sau, tình cảm của Nguyễn Thị Hoàng cài mắc cho nhân vật lại càng kịch và rắc rối, mà theo mình thì sự kiện đỉnh điểm về mối quan hệ cuối cùng của Nguyện đã khiến cả cuốn sách trở thành một cuốn tiểu thuyết tình cảm drama rất bình thường. Cốt truyện quá kịch và thiếu chiều sâu trong các mối quan hệ, trừ một số quan hệ đã có ràng buộc từ trước như tình cảm gia đình Diễm và Nguyện, hay tình cảm của Diễm và Hiệp.

Suốt cả câu chuyện, điều khiến mình ấn tượng nhất là văn phong của tác giả - nó mang một vẻ mềm mại, yểu điệu và mượt mà. Có thể coi cách kể chuyện là một trong những yếu tố “cứu cánh” cho cả tác phẩm. Bà là một nhà văn có bút lực: Cách kể chuyện hay và uyển chuyển, miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế. Vì vậy mà khi đã không còn đọng lại gì nhiều sau khi đọc truyện, mình vẫn nhớ mãi giọng văn của Nguyễn Thị Hoàng.

Suy cho cùng, vì đây là một tác phẩm thuộc dòng văn học cũ, nên mình nghĩ chỉ nên đánh giá là hợp hay không hợp, bởi sự đánh giá quy chiếu lại từ bất cứ một khoảng thời gian nào cũng là một điều khó khăn. Khoảng cách văn hoá, tư tưởng thời đại là điều cần cân nhắc để không làm mất ý nghĩa của một tác phẩm vốn thuộc về giai đoạn nó sinh ra. Và nếu đặt vào thời gian cuốn sách ra đời, tình cảm gái trai vẫn còn chưa cởi mở và e dè, thì quả thực các nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng mang một sự táo bạo cuốn hút khác hẳn. Chính sự khác biệt này đã tạo nên một hiện tượng.

Đánh giá cá nhân: 2/5.

  • 2104
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1259
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)