logo-maybe-vn
Mở app

Thiên địch kiến vàng, người bạn vàng của nhà nông

Trong khi nhiều nhà nông đang phải loay hoay với hàng loạt sâu bệnh có hại cho cây trồng thì ngược lại, trong tự nhiên cũng có rất nhiều thiên địch có lợi, trong số đó có kiến vàng. Từ rất lâu, nông dân vùng ĐBSCL có thói quen đem tổ kiến vàng về treo trong vườn cam, vườn bưởi và chăm sóc chúng như “thú cưng”, làm giàn cho kiến leo từ cành này sang cành kia, từ cây này sang cây nọ… 

Kiến vàng - người bạn vàng của nhà nông
Kiến vàng - người bạn vàng của nhà nông

Đến đầu mùa mưa, khi những đàn kiến vàng trong vườn đạt số lượng đông nhất, cũng là lúc vườn cam ra hoa. Lúc này, kiến vàng sẽ ăn các loại trứng của rệp sáp, sâu vẽ bùa, nhện … trong vườn cam, giúp cam không bị gây hại nên đậu quả và phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng, phát triển, kiến vàng cắn một phần cuống của trái cam, do đó, cây cam phải hút nhiều dinh dưỡng từ đất hơn để chữa lành vết thương cũng như nuôi dưỡng trái. Vô tình hay hữu ý, kiến vàng giúp trái cam trở nên ngọt đậm đà hơn. Cam kiến vàng nhờ đó rất được thị trường ưa chuộng.

Năm 2005, việc trồng cam bằng nuôi kiến vàng trong vườn cam được các giáo sư của Trường Đại học Cần Thơ đưa vào đề tài nghiên cứu và phổ biến rộng rãi đến nông dân. Đến nay, phương pháp này trở nên rất phổ biến trong nông nghiệp vùng ĐBSCL, đặc biệt các nhà cam kiến vàng sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch bệnh, không lạm dụng thuốc BVTV hay phân hóa học, giúp nuôi dưỡng cả cây và đất theo cách tự nhiên nhất. Vì kiến vàng chỉ có thể làm tổ và sinh sôi, phát triển khi không bị khuấy động, không phun thuốc trừ sâu…

Vườn cam trồng bằng thiên địch kiến vàng có chất lượng ra sao?

Vườn cam trồng bằng thiên địch Kiến vàng
Vườn cam trồng bằng thiên địch Kiến vàng

Thông thường, các vườn cam mật tại vùng Đông Nam bộ hay đồng bằng Sông Cửu Long rất hay bị kiến đen (kiến hôi) phá hại. Khi bị kiến đen cắn, trái cam sẽ bị sượng, mất nước, da sần sùi, vỏ dày, chậm lớn... Trái cam khi đó gần như phải bỏ đi.

Ngược lại, trong tự nhiên, kiến vàng là “địch thủ” của kiến đen. Vườn cam có kiến vàng sinh sống sẽ không còn kiến đen, trái cam không bị chích vỏ mà sẽ mọng nước hơn, ít hạt hoặc không có hạt (tùy giống). Khi được đàn kiến bảo vệ, cam kiến vàng lớn nhanh hơn trong khi nông dân cũng không phải dùng nhiều thuốc kích thích tăng trưởng. Nhờ đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của cam kiến vàng rất được đảm bảo.

Theo một nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc (Trường Đại học Cần Thơ), so với cách canh tác thông thường, trái quýt trên cây quýt có kiến vàng sẽ bóng hơn, độ ngọt cao hơn. Trong khi đó, sự khác nhau của cam kiến vàng, bưởi kiến vàng với những loại cam, bưởi thông thường khác là độ mọng nước.

Cam Kiến vàng mọng nước, vị ngọt hơn so với những vườn cam không có kiến vàng
Cam Kiến vàng mọng nước, vị ngọt hơn so với những vườn cam không có kiến vàng

Cụ thể, cam kiến vàng có độ mọng nước cao hơn. Đặc biệt về dáng vẻ bên ngoài, cam kiến vàng hay quýt, bưởi... khi vườn trồng có nuôi kiến vàng cũng sẽ bóng mịn, đẹp hơn, bắt mắt hơn. Ngoài ra, các múi cam kiến vàng cũng dễ dàng tách rời để ăn tươi, giúp khách hàng đổi vị nếu không muốn chỉ dùng để vắt nước như các loại cam thông thường khác.

Cam kiến vàng là xu hướng nông nghiệp thuận tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững đã và đang được nhiều địa phương ứng dụng, khuyến khích phát hiện nay. Sản phẩm cam kiến vàng chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên tốt cho người tiêu dùng.

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
648

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)