logo-maybe-vn
Mở app

“Chân Đi Không Mỏi” - Hành trình Đông Nam Á hay hành trình tìm kiếm hạnh phúc?

Dù không phải người theo chủ nghĩa xê dịch, “cuồng” đi đó đi đây, nhưng du ký vẫn là thể loại mình sở hữu kha khá sách. Một trong những tác giả du ký Việt Nam mình yêu thích là chị Đinh Hằng. Chân Đi Không Mỏi: Hành Trình Đông Nam Á là cuốn sách thứ hai mình đọc của chị, sau Hành Trình Nước Mỹ: Quá Trẻ Để Chết.

Ắt hẳn nhiều người sẽ nhầm tưởng hành trình khám phá Đông Nam Á của chị Đinh Hằng là dạng du lịch nghỉ dưỡng sang chảnh, chứ không phải du lịch bụi. Do là Chân Đi Không Mỏi: Hành Trình Đông Nam Á mang đến cho người đọc một cảm giác thi vị, lãng mạn thông qua từng câu chữ mượt mà, trau chuốt, chỉn chu như đang đọc tản văn vậy. 

Trong 10 nước Đông Nam Á mà chị Hằng đã đặt chân đến, mình mong muốn khám phá nhất chính là Myanmar và Lào. Qua cách gọi trìu mến bằng cái tên Burma (tên gọi cũ của Myanmar), đất nước này chỉ mới mở cửa gần đây sau thời gian rất dài đóng mác bí ẩn không kém gì Triều Tiên. Do vậy, Burma vẫn giữ được dáng vẻ nguyên bản chân chất vốn có, chưa trải qua đô thị hoá nhiều. Đổi lại, điều đáng buồn là, ở khu vực hồ Inle tại thị trấn Nyaung Shwe, những thành phần tham gia vào ngành công nghiệp du lịch ở đây chỉ sống hơn mức một đô la mỗi ngày, khi ngành nghề chủ yếu ở đây là dệt vải (dành cho phụ nữ) và thợ vàng, thợ bạc (dành cho đàn ông). 

"Xung quanh tôi, những chiếc thuyền cũng im lặng tắt máy để khách ngắm nhìn những người đánh cá kéo lưới trên bức nền tuyệt đẹp của buổi hoàng hôn đang buông xuống. Thứ ảo ảnh hiện lên trên làn nước không rõ mặt người, chỉ có cái dáng thô kệch của người chân quê trong chiếc longyi dài như váy, đã trở thành một thứ “đặc sản” phải đến Inle thì mới thấy."

Còn với cố đô Luang Prabang của Lào, mình nghĩ vùng đất này phải yểu điệu, thanh tao lắm nên chị Hằng mới ví von như một bài thơ trữ tình. Nơi này vừa sở hữu bản sắc “hiền lành” của riêng mình nhưng cũng có chút Pháp cổ kính, thanh lịch, khá đặc biệt phải không nào? 

“Có lẽ không ở đâu trên đất Lào này mà mọi thứ lại quyện tròn với nhau một cách diễm tình và thanh nhã như ở Luang Prabang. Nơi chốn này rất Lào mà cũng rất Pháp.”

“Không rõ thị trấn diễm tình bên dòng Mê Kông này có thứ bùa để “rù quến” người khác không, nhưng ngày qua ngày, tôi thấy mình như đang hít thở chung thứ không khí hoài cổ len giữa những mùi vintage này.”

Đồng thời, tác giả bày tỏ thái độ bức xúc với một số bộ phận du khách chưa có ý thức văn minh, lịch sự tại Lào. Họ xem buổi lễ khất thực của các nhà sư là một trình diễn “giải trí” và làm đủ điều phản cảm. Đọc đến đây, mình cũng ngỡ ngàng và bất bình giùm cho người dân bản địa. Tuy ngành du lịch mang lại nguồn thu kinh tế cho địa phương, nhưng bù lại, họ phải chấp nhận một số hành động thô lỗ và kém văn hoá của một bộ phận khách nước ngoài.

“Nếu chúng ta đi du lịch với tinh thần “nhập gia tùy tục”, tôn trọng văn hoá, tín ngưỡng địa phương, nếu ta nhận thức về du lịch bền vững, du lịch có ý thức trách nhiệm, thì ta không phải quay lại bất cứ một vùng đất nào ta yêu thích với một tiếng thở dài: “Ngày xưa nơi này đã từng đẹp lắm!”

Mình bất ngờ khi biết được Đông Timor là đất nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà khách du lịch phải bỏ tiền ra mua Visa, nhưng bù lại thủ tục nhập cảnh tương đối dễ dàng. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Thái Lan – thiên đường du lịch hay đất nước của nụ cười, của tín đồ ẩm thực hay mua sắm.  Hay Singapore và Philippines, những đất nước hiện đại và phát triển hơn hẳn những nước còn lại trong khu vực.

Tuy nhiên, mình lại ấn tượng với trải nghiệm đáng nhớ của chị Đinh Hằng ở Brunei khi chị đến đây đúng vào tháng lễ Ramadan (hay còn biết đến là tháng nhịn ăn uống) rất quan trọng với người Hồi giáo. Do vậy, chị Hằng phải ăn trong… nhà vệ sinh nếu không muốn bị cảnh sát bắt. Ở Indonesia và Malaysia, chỉ có người Hồi giáo mới nhịn ăn từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn. Riêng ở Brunei, việc ăn uống trước mặt những người đang thực hiện chế độ nhịn ăn trong tháng liêng thiêng Ramadan sẽ bị xem là việc xúc phạm và bị phạt, kể cả đối với khách du lịch. 

Nguồn ảnh: sach86
Nguồn ảnh: sach86

Chia sẻ cá nhân một chút, mình đọc du ký với mong muốn được đặt dấu chân khám phá ở những vùng đất mới lạ mà không phải tốn kém chi phí hay mất thời gian di chuyển. Một điều quan trọng nữa, mình học hỏi từ các tác giả du ký, đó là chính là càng đi nhiều, càng cảm thấy bản thân mình bé nhỏ. Mình cảm thấy yêu sự tự do và trân quý từng khoảnh khắc của cuộc sống này hơn.

Sự mở mang về lịch sử, văn hoá, tôn giáo… của chị Đinh Hằng chắc hẳn sẽ còn nhiều lắm chứ không chỉ dừng lại ở 282 trang sách Chân Đi Không Mỏi: Hành Trình Đông Nam Á. Vì thế, mình cảm thấy lý thú và đồng cảm với những tư duy, quan niệm của chị Hằng về khái niệm ổn định và hạnh phúc được đề cập trong tác phẩm.

“Ở cái tuổi gần ba mươi, người ta khuyên nhau nên chọn cách sống ổn định. Nhưng tôi nghĩ khác. Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ? Bao giờ chúng ta sẽ thôi sống cuộc sống người khác mong đợi? Bao giờ chúng ta sẽ sống như chúng ta muốn, theo đuổi thứ chúng ta đam mê?”

Người ta thường mặc định hạnh phúc luôn gắn liền với sự ổn định. Nhưng không hiểu sao mình rất “dị ứng” với từ ổn định, nào là công việc ổn định, cuộc sống ổn định, nhà cửa ổn định… Cuộc sống vô thường, thiên biến vạn hoá, không có gì chắc chắn, làm sao có cái gọi là ổn định nhỉ? Nhất là khoảng thời gian dịch bệnh đã làm thay đổi những điều được cho là ổn định. Mất mát người thân, công ty phá sản, bị thất nghiệp, kinh tế khó khăn, biết bao kế hoạch phải hoãn vô thời hạn… là câu chuyện phổ biến trên các phương tiện truyền thông.

Hiện tại, công việc mình lựa chọn tất nhiên cũng chẳng ổn định dưới con mắt của số đông xã hội. Đơn giản là mình thích thế! Với một người thích tự do bay nhảy như mình thì ổn định đồng nghĩa với nhàm chán, giậm chân tại chỗ, ì ạch, và lặp đi lặp lại. Do vậy, mình hoàn toàn đồng ý với chị Hằng về việc không đợi ổn định rồi mới khởi hành du lịch. Bởi bạn sẽ không bao giờ định nghĩa được khái niệm ổn định một khi bạn bị cuốn vào vòng xoáy của một cái xe, một cái nhà, hoặc thậm chí một ông chồng, một bà vợ, một đứa con. Mà lúc bạn nghĩ mình ổn định, chắc gì chân bạn còn khoẻ, mắt bạn còn tinh, trái tim bạn còn liều lĩnh cơ chứ?

Suy cho cùng, mình nghĩ điều ổn định duy nhất chúng ta cần có là tâm lý ổn định. Nhờ vậy, tinh thần mới vững vàng, mạnh mẽ đối diện và giải quyết biến cố xảy ra trong cuộc sống. Tương tự, cuối tác phẩm Chân Đi Không Mỏi: Hành Trình Đông Nam Á, chị Đinh Hằng bật mí một số bí kíp cơ bản cho người dự định đi du lịch bụi một mình. Khi chúng ta tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng và dự trù những tình huống có thể xảy ra thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được khá nhiều rủi ro trong hành trình sắp tới của mình.

Vậy hạnh phúc không nằm ở ổn định thì rốt cuộc phải tìm kiếm ở nơi đâu? Câu trả lời này tuỳ thuộc vào định nghĩa của mỗi người. Và chúng ta phải tự kiến tạo, xây dựng nên hạnh phúc của mình. Song, có một điều mình suy ngẫm và nhận thấy khá đúng với bản thân. Đó là “Hạnh phúc là một hành trình. Hạnh phúc chỉ cần mình biết là đủ, không cần giải thích, không cần chứng tỏ, không cần thanh minh với bất cứ ai.”

Sau khi đọc xong Chân Đi Không Mỏi: Hành Trình Đông Nam Á, mình không dám khẳng định rằng bản thân sẽ can đảm vác ba lô lên đường du lịch bụi như chị Đinh Hằng. Tuy nhiên, mình tự nhủ phải kiên định hơn trên con đường đã lựa chọn phía trước, dù cho trái ngược với bạn bè đồng lứa, để có được hạnh phúc đích thực của cuộc đời.

“Tôi biết ngoài kia, có những người miết mải tìm kiếm hạnh phúc, không biết rằng hạnh phúc đôi khi lại giản đơn như thể trải qua những va vấp, sóng gió trong cuộc đời, ở cuối hành trình có người đứng đợi để bạn ngả vai vào người mình yêu, biết rằng mọi việc đều sẽ ổn cả. Hạnh phúc với tôi, rốt cuộc, cũng chỉ là những thứ nhỏ noi như một cái nắm tay thật chặt, một ánh mắt trao nhau trong yên lặng, hay một nụ hôn thật sâu. Tôi biết mình hạnh phúc, vậy là đủ.”

Đôi nét về tác giả

Đinh Hằng sinh năm 1987 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tốt nghiệp khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM. Chị có khoảng thời gian làm nhiều nghề khác nhau như phóng viên truyền hình, công việc viết về du lịch, cộng tác viên du lịch của các báo/tạp chí, travel blogger, stock photographer, tác giả sách và công tác trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR).

Năm 2021, Đinh Hằng có mặt trong danh sách 25 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Các sách đã phát hành: Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ (2015), Người Tình Havana (2020).

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 3177
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1221

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)