logo-maybe-vn
Mở app

Đọc "Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu" và "Hành Trình Sáng Tạo Của CJ" để hiểu Hallyu đã chinh phục thế giới như thế nào và những mặt trái của nó

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta hẳn không còn xa lạ với sự đổ bộ của làn sóng văn hoá Hàn Quốc hay còn gọi là Hallyu. Âm nhạc, phim ảnh, công nghiệp làm đẹp… của xứ sở kim chi không chỉ ảnh hưởng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Các bạn có thắc mắc vì sao Hàn Quốc lại trở thành quốc gia xuất khẩu popular culture (viết tắt: pop culture, tạm dịch: văn hoá đại chúng) hàng đầu thế giới hay không?

Không thể phủ nhận một điều, những năm 14-18 tuổi, mình cũng là một tín đồ hâm mộ cuồng nhiệt phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc. Do vậy, mình rất hứng thú đi tìm câu trả lời trên. Mình gợi ý bạn nên tìm đọc hai cuốn sách: Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu Hành Trình Sáng Tạo Của CJ. Đây là combo lý tưởng để tìm hiểu một cách toàn diện, thấu đáo về quá trình bành trướng của làn sóng văn hoá Hàn Quốc đã vươn ra ngoài thế giới thế nào.

Nội dung của Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu được nhà văn, nhà báo Euny Hong phân tích, đánh giá toàn diện về ngành công nghiệp giải trí của Hàn. Ngược lại, cách thức tiếp cận của tác giả Ko Seong Yeon trong Hành Trình Sáng Tạo Của CJ lại tập trung về con đường phát triển riêng biệt của tập đoàn đa ngành CJ hơn 20 năm qua. Vậy cú hích và công thức nào làm nên sự chinh phục thế giới thành công vượt trội của Hàn Quốc hay cụ thể là tập đoàn CJ (Cheil Jedang)? 

Cả Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu Hành Trình Sáng Tạo Của CJ đều đề cập một bản báo cáo “định mệnh” vào ngày 18.5.1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc Lee Sang Hee trình lên tổng thống. Bản báo cáo xác định “chỉ trong một năm, lợi nhuận từ Jurassic Park đã lên tới 850 triệu đô la. Con số này tương đương với lợi nhuận thu được khi xuất khẩu 1,5 triệu chiếc xe hơi Hyundai (gấp hai lần doanh số hàng năm của hãng), Hàn Quốc cũng nên làm phim bom tấn.”

Vì thế, năm 1995, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng hành động. Đạo luật Xúc tiến Thương mại cho Ngành công nghiệp điện ảnh do tổng thống Kim Young Sam ban hành chính thức có hiệu lực. Hàn Quốc đã xem Hallyu là mục tiêu số một của quốc gia. Sự ra đời của hàng loạt phim bom tấn như Quái Vật Sông Hàn, Đại Thuỷ Chiến, Hải Tặc, Veteran… và đặc biệt là bộ phim Oldboy (2003) đoạt giải Grand Prix tại Cannes (2004) đã minh chứng điều đó. Có thể nói, từ đây, Hàn Quốc bắt đầu phát triển quyền lực mềm của riêng mình.

“Quyền lực mềm, cụm từ do nhà khoa học chính trị Joseph Nye thuộc Đại học Harvard nghĩ ra năm 1990, là sức mạnh vô hình thể hiện qua hình ảnh của một quốc gia, thay vì vũ lực. Nếu quyền lực cứng là tiềm lực quân sự hay áp bức kinh tế, quyền lực mềm là lý do thế giới mua thuốc lá Marlboro Reds hay quần jeans Levi's của Mỹ: Bằng cách rao bán một hình ảnh đáng mơ ước. Nói cách khác, rao bán sự sành điệu.”

Nếu ví von đất nước Hàn Quốc như một con người bình thường thì chìa khóa thành công chính là nỗ lực học hỏi. Đặc biệt, họ áp dụng “quy tắc 10.000 giờ”. Quy tắc này cho rằng con người không phải là những thiên tài bẩm sinh. Do vậy, ta cần phải luyện tập có chủ đích trong 10.000 giờ để trở thành một chuyên gia, một người xuất chúng. Từ đây, hầu hết các công ty giải trí ở Hàn đều ngầm đưa ra một luật bất thành văn. Đó là khoảng thời gian đào tạo thực tập sinh để debut với vai trò ca sĩ hay thành viên nhóm nhạc thần tượng trung bình là 7 năm đến 13 năm. Từ đó, hệ luỵ kéo theo là các bản hợp đồng nô lệ ra đời, gây rất nhiều tranh cãi.

“Người Hàn bỏ công sức như nhau cho mọi thứ, dù là thi Đại học hay công việc văn phòng. Hàn Quốc là biểu tượng cho sự chăm chỉ.” 

“Ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc, nếu muốn ra đời, không thể chờ đợi phiên bản Hàn của John, Paul, George và Ringo nhờ phép màu nào đó tự tìm thấy nhau.” 

Trong khoảng 4 năm đắm chìm sâu trong làn sóng Hallyu, mình đã góp nhặt kha khá trải nghiệm về các sản phẩm giải trí cũng như có được cái nhìn tổng quan. Về âm nhạc, mình là một SONE (tên gọi fan của nhóm nhạc SNSD) chính hiệu. Giai đoạn hoàng kim của Kpop từ năm 2009 đến 2012, hầu như nhóm nhạc hay ca sĩ thần tượng nào phát hành MV hay album, tất tần tật mình đều có nghe qua. Đó là IU, 2NE1, BigBang, T-Ara, Kara, Wonder Girls, Secret, SISTAR… Có thời điểm, mình còn làm anh hùng bàn phím tham gia vào các cuộc fanwar trong cộng đồng fandom Kpop. Nghĩ lại khoảng thời gian ấy đi cà khịa người ta, mình thấy bản thân đúng kiểu ngựa non háu đá, buồn cười thật!

Dần dần theo thời gian, các nhóm nhạc tan rã cũng là lúc mình không còn tiếp xúc với âm nhạc Hàn Quốc quá nhiều nữa. Những cái tên đang được yêu mến và có sức ảnh hưởng quốc tế như BTS, BlackPink, mình hầu như mù tịt thông tin về họ. Chắc mình đã già cỗi rồi, không thích hợp để nghe các giai điệu trẻ trung, bắt tai của tuổi teen nữa chăng? Tuy vậy, tình yêu đối với Kpop vẫn chiếm một chỗ trong trái tim mình. Lâu lâu nghe lại một bản nhạc Kpop quen thuộc, trong lòng mình bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian xưa cũ, đầy ắp kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Với phim ảnh Hàn Quốc, mình nhớ mỗi ngày mình và mẹ thường ngóng chờ lúc 13h để được xem bộ phim truyền hình kinh điển Nàng Dae Jang Geum (2003) trên sóng VTV. Kể cả những phim khai thác chủ đề ung thư như Trái Tim Mùa Thu (2000), Nấc Thang Lên Thiên Đường (2003), Hương Mùa Hè (2003), Điệu Valse Mùa Xuân (2006), mình đều có cơ hội xem qua.  Duy nhất Bản Tình Ca Mùa Đông (2002), nổi tiếng nhất trong loạt “phim bốn mùa” của đài truyền hình KBS là mình chưa xem. Tiếp đến là thời kỳ phim thần tượng trẻ trung, hài hước như Hoàng Cung (2006), Chàng Trai Vườn Nho (2006), Boys Over Flowers (2009)… 

Ở cấp THPT, mình hầu như không xem phim truyền hình Hàn Quốc trên TV mà chuyển qua hình thức online cho nhanh chóng, tiện lợi. Ôi, mình tha hồ xem, nào là Sungkyunkwan Scandal (2010), Secret Garden (2010), City Hunter (2011), Hoàng Tử Gác Mái (2012), Vì Sao Đưa Anh Tới (2013),… hay các phim đề tài xuyên không, hình sự xuất sắc như Nine: Nine Times Time Travel (2013), Signal (2016)… Mình vô cùng thích cách kể chuyện trong phim Hàn Quốc nói chung vì mới lạ, lôi cuốn, khiến khán giả không thể bỏ lỡ một giây phút nào. 

Tuy là thể loại phim truyền hình, nhưng mình cảm nhận những tác phẩm này đều có chất lượng tương đương với phim điện ảnh. Theo mình tìm hiểu, kinh phí, dàn diễn viên, kịch bản… đều được đầu tư khá “khủng”. Còn dòng sitcom, mình khá ấn tượng với hai phần của bộ phim Gia Đình Là Số 1 do đài truyền hình MBC sản xuất. Các tình huống đa số bám sát đời thường cùng lời thoại vui nhộn, gần gũi khiến mình xem đi xem lại nhiều lần không chán. Tiếc rằng, sau khi vào Đại học, mình không còn thời gian nhiều để “cày” các phim nhiều tập nữa mà tập trung xem phim điện ảnh hơn. 

Nguồn ảnh: Nguyen Nguyen/ Maybe You Can't Stop Reading It
Nguồn ảnh: Nguyen Nguyen/ Maybe You Can't Stop Reading It

Chắc hẳn khán giả khắp châu Á đều bị chinh phục bởi series Reply đình đám. Đó Reply 1997 (2012), Reply 1994 (2013), Reply 1988 (2015), do đài truyền hình cáp tvN sản xuất, trực thuộc tập đoàn CJ. Điểm đáng tiếc là mình chưa sắp xếp để thưởng thức được. Nhưng khi đọc những thông tin, phân tích của tác giả Ko Seong Yeon trong Hành Trình Sáng Tạo Của CJ, mình bất ngờ vì sự đột phá trong quy trình sản xuất và phương thức marketing của series này. 

“Mượn lời của đạo diễn Shin Won Ho thì thay vì những khuôn mặt đã quá quen thuộc “lại là cô ta/anh ta sao”, việc sử dụng những người mới “cô ta/anh ta là ai”, để tạo ra sự hiếu kỳ từ khán giả là một phương án khá tốt.”

“tvN đã phán đoán đúng. Các diễn viên được giao vai nam chính trong loạt phim Reply gồm Seo In Guk, Jung Woo, Park Bo Gum, Ryu Jun Yeol chỉ trong một đêm đã bước chân vào giới các ngôi sao. Diễn viên, ca sĩ Jeong Eun Ji, Hyeri vụt trở thành ngôi sao lớn, bất ngờ bước một bước dài so với thời kỳ đầu gia nhập làng giải trí.”

“tvN đã thực hiện phương thức marketing trước nay chưa từng được thực hiện như tiếp thị số, marketing trên các trang mạng xã hội, marketing lan truyền… 

"Chủ đề marketing phải thể hiện được nội dung của chương trình, sau khi chương trình hoàn thành công đoạn làm phim, một đoạn phim sẽ được lan truyền, đôi lúc đoạn phim này sẽ được chính những người tham gia chương trình lan truyền.”

Khi xem phim Hàn, mình nhận thấy tần suất đề tài trả thù được khai thác khá dày đặc. Tính cách nhân vật đa phần cũng khá nóng nảy, cộc cằn, bảo thủ, thậm chí sẵn sàng động tay động chân với đối phương. Sau khi đọc xong Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu, mình mới vỡ lẽ ra nguyên nhân thật sự đằng sau. Thù hận hay căm giận là một đặc trưng văn hoá của chỉ xứ sở kim chi mới có, được gọi là han. Thậm chí, han còn gây ra bệnh, trong tiếng Hàn gọi là hawa-byong, nghĩa đen là “bệnh căm giận”.

“Hàn Quốc đã luôn là một thằng nhóc bị số phận chèn ép trong suốt năm ngàn năm. Bán đảo này đã từng bị xâm lược bốn trăm lần trong lịch sử, nhưng chưa từng xâm chiếm bất kỳ nơi nào khác…” 

“Về lý thuyết, chỉ người Hàn có han. Han bắt nguồn từ việc họ thấy rằng vũ trụ sẽ không bao giờ trả nổi món nợ này cho họ, không bao giờ. (Người Hàn không nổi tiếng dễ tha thứ).”

Tuy nhiên, cả Giải Mã Hàn Quốc Sành ĐiệuHành Trình Sáng Tạo Của CJ đều không đề cập nhiều đến mặt trái tai tiếng của làn sóng văn hoá Hàn Quốc. Đó là các vụ kiện tụng liên quan đến hợp đồng nô lệ kéo dài ròng rã mười mấy năm trời. Scandal quấy rối tình dục thực tập sinh hay chuyện bắt nạt giữa các thành viên trong nhóm nhạc… khi vỡ lở đều gây chấn động một thời gian dài.

Ngành giải trí Hàn rất chú trọng ngoại hình của nghệ sĩ, buộc họ phải theo cái đẹp khuôn mẫu có sẵn, chứ không đề cao sự khác biệt hay phá cách. Nhiều antifan còn cố ý miệt thị nặng nề khuyết điểm ngoại hình hay phong cách cá nhân của ca sĩ, diễn viên, tạo nên sức nặng vô hình trong tâm lý của họ. Do vậy, dẫn đến việc một số nghệ sĩ nghiện phẫu thuật thẩm mỹ để được yêu thích và chiều lòng fan hâm mộ, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn, nếu nghệ sĩ vướng phải scandal như ma tuý, trốn nghĩa vụ quân sự, bê bối tình ái,… khán giả Hàn Quốc sẽ tẩy chay họ kịch liệt. Các nghệ sĩ này dường như không còn cơ hội quay lại làng giải trí. Bởi mang đặc trưng văn hoá han, fan hâm mộ không dễ dàng nguôi ngoai hay nhanh chóng quên đi lỗi lầm của thần tượng. Không ít ngôi sao lớn không chịu nổi các áp lực này đã dẫn đến căn bệnh trầm cảm và tự sát.

Ngoài ra, tâm lý cuồng Kpop làm cho fanwar giữa các nhóm nhạc không chỉ dừng lại ở đời sống ảo trên Internet mà còn dẫn đến những cuộc hỗn chiến ngoài đời. Mê mẩn phim Hàn quá mức cũng gây tác hại không kém đến đời sống của các bạn trẻ khi chúng ta không phân biệt được đâu là cuộc sống thực, đâu là phim ảnh hư cấu. Nguy hại nhất chính là các bạn trẻ từ chối tiếp nhận và quên lãng lịch sử, giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam.

Đối với mình, sau khi đọc xong Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu Hành Trình Sáng Tạo Của CJ, một mặt mình rất ngưỡng mộ hành trình Hàn Quốc đã chinh phục thế giới bằng quyền lực mềm ra sao. Mặt khác, mình tích lũy được cho bản thân nền tảng kiến thức để chọn lọc những điều tích cực mà Hallyu mang đến. Qua đó, mình sẽ trở thành một khán giả tỉnh táo hơn, tránh xa hoặc sẵn sàng từ chối tiếp nhận những mặt trái đen tối kèm theo phía sau.

Đôi nét về hai tác giả

Euny Hong sinh năm 1973 tại New Jersey, Mỹ. Bà thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc, có bằng cử nhân Triết học của đại học Yale và từng nhận học bổng Fulbright. Bà là nhà báo, nhà văn với nhiều kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tin tức trên mạng, báo giấy và truyền hình. Bà từng quản lý một chuyên mục của tờ Financial Times và sản xuất nội dung web cho France24 ở Paris. 

Bà đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên tiếng Anh là Kept: A Comedy of Sex. Ngoài ra, Euny Hong là tác giả của nhiều bài viết được đăng tải trên New York Times, Washington Post, Wall Street Journal Europe, New Republic.

Ko Seong Yeon tốt nghiệp MBA chuyên ngành kinh doanh, Đại học Imperial, Vương quốc Anh. Hiện ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực, với các vai trò như giám đốc chuyên mục tại tạp chí Style Chosun, giám đốc chương trình Art + Culture Edition, cựu tổng biên tập tạp chí kinh tế quốc tế Harvard Business Review phiên bản tiếng Hàn. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng liên quan đến thiết kế, sáng tạo, kinh doanh.

Đánh giá cá nhân

  • Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu: 8.5/10
  • Hành Trình Sáng Tạo Của CJ: 8/10
  • 2476
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
835

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)