logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Trắng: Hành trình thoát xác nỗi đau và từ biệt quá khứ

Giờ đây, mỗi lần nghĩ đến Trắng, mình lại nhớ tới lời bộc bạch của Han Kang khi viết Bản Chất Của Người, rằng đó là một cuốn tiểu thuyết mà “tôi không thể trốn tránh, không thể không viết. Nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu.” 

Quả thực, Trắng là một cuốn sách rất khác các sáng tác trước của Han Kang, như một bước tiến nhẹ bẫng mà cũng đầy nội lực. Nếu những nỗi đau ở hai tiểu thuyết Người Ăn ChayBản Chất Của Người là nỗi đau xuất phát từ thân phận người đặt trong vòng cộng đồng và xã hội, mà trong đó có mâu thuẫn giữa đạo đức và niềm tin, đấu tranh và quy phục, bạo lực và tan vỡ, thì ở Trắng, mình đã thấy những ám ảnh khác hẳn. Đây là một hành trình thoát xác nỗi đau và từ biệt một phần quá khứ đẹp và lạnh lẽo vô cùng. Đó là hành trình của một cá nhân nhìn ra thế giới và nhìn vào sâu trong bản thể của mình, hầu như không hoặc không có sự ràng buộc rõ ràng với chuyển động của xã hội.  

Không chỉ vậy, bản thân những mẩu chuyện trong cuốn sách cũng không có bất kì ràng buộc gì với nhau. Có thể hiểu đơn giản, Trắng là một tập hợp những mảnh vỡ chỉ được kết nối với nhau rất mỏng manh bằng sự ám ảnh về màu trắng.

“Vào mùa xuân, quyết tâm viết về những thứ màu trắng, việc đầu tiên tôi làm là lên một danh sách.

Mỗi khi viết thêm một từ lòng tôi lại xao động. Tôi cảm thấy rất muốn hoàn thành cuốn sách này, cảm thấy quá trình viết nó có lẽ sẽ thay đổi được điều gì đó . Tôi cần một thứ gì, như thuốc mỡ màu trắng bôi lên, như miếng gạc trắng đắp vào vết thương.”

Nhã Nam dùng hai từ miêu tả Trắng mà mình thấy rất chuẩn xác: Tinh tuyệt. Han Kang đã nhìn nhận mọi thứ xung quanh, dọc suốt những hành trình của mình để tìm kiếm những sắc thái khác nhau của màu trắng. Màu trắng của tuyết, muối, áo liệm, chó trắng, tã quấn trẻ sơ sinh,... hay thậm chí là một thứ chừng như chẳng thể định rằng là màu gì như một nụ cười - “nụ cười bàng bạc”. Cô gom những sắc trắng ấy thành các mảnh ghép rời rạc, những đoạn văn hoặc câu chuyện rất ngắn, nhưng miên man nào là những suy nghĩ và câu hỏi tự vấn chồng chéo lấy nhau. Sau những sắc trắng là suy tư, sau những suy tư là liên tưởng rất thú vị. 

Bắt đầu từ màu trắng của tuyết, của sữa mẹ, của tã lót trẻ sơ sinh, Han Kang mang theo câu chuyện về người chị vừa sinh ra chỉ sống hai tiếng trên đời mà đi đến mọi ngóc ngách trong kí ức và hiện tại. Những ngõ ngách ấy đều tồn tại màu trắng với cảm giác và trạng thái rất khác nhau. Nhưng dường như, mặc cho những màu trắng quanh cô có thay đổi ra sao, thì khuôn mặt trắng như bánh trăng tròn của người chị quá cố vẫn cứ hiện lên rõ mồn một trong tâm tưởng Han Kang, với một trạng thái giống nhau. Có lẽ vì chị đã vĩnh viễn dừng lại ở khoảnh khắc ấy, không lớn lên cũng chẳng già đi. Có lẽ vì câu chuyện của mẹ đã sử dụng một phép so sánh về màu trắng quá ấn tượng và đẹp đến không thực, nên cô cứ nhớ mãi cái màu trắng như bánh trăng tròn ấy chăng?

“Mẹ tôi kể, đứa trẻ đầu tiên mẹ sinh ra mới sống được hai giờ đồng hồ đã chết.

Mẹ tả đó là một bé gái mặt trắng như bánh trăng tròn (...) Mẹ bảo mẹ không thể nào quên nổi khoảnh khắc đứa trẻ mở đôi mắt đen láy nhìn mình.”

Ngôn từ trong Trắng mang cho mình cảm giác rất nhẹ, đôi khi còn nhẹ bẫng như khói trắng từ hơi thở thoát ra tan vào thinh không. Từ sự ám ảnh của quá khứ, Han Kang bước vào sự tỉnh thức trong cơ man nào là những màu trắng hiện diện trên thế gian. 

Vì sao lại là màu trắng? Mình cứ tự hỏi mãi như vậy. Có phải vì đó là sắc màu tinh khiết nhất, sáng rõ nhất, dễ bị vấy bẩn nhất mà cũng dễ bao phủ mọi thứ nhất không? Và tại sao Han Kang cứ mãi nghĩ về màu trắng xung quanh người chị đã mất thế? Rồi đến lần đọc thứ hai, mình mới nhận ra, câu chuyện về người chị đã mang cho Han Kang một ám ảnh rằng sự hiện diện của cô là sự “tái sinh” sau cái chết của chị. Nếu chị còn sống, hẳn người đang đứng trên thành phố này là chị, chứ không phải cô. Màu trắng hiện diện xung quanh chị trong 2 tiếng cuối đời ấy, chính là màu trắng khởi sự của tái sinh. 

Mình đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về thành phố đã trải qua chiến tranh, chưa từng tồn tại thứ gì quá bảy mươi năm tuổi. Một thành phố trắng. Khi nhìn từ trên cao, thành phố trông như tuyết phủ. Nhưng hoá ra không phải tuyết, cũng không phải màu trắng. Đó là màu xám tro của những tàn tích, màu đen của bồ hóng. Cả thành phố đang nát vụn. Màu trắng không chỉ là màu của sự sống. Không phải cái đẹp. Đó là sự đổ nát tang thương. Nhưng sau sự đổ nát ấy, thành phố sẽ lại hồi sinh.

Trắng là cuốn sách mà như mình đã nói, nhẹ như một hơi thở. Không kịch tính, không cao trào. Các mảnh ghép trong Trắng mang sự im lặng của suy tư và thức tỉnh. Đặc biệt có một câu nói của Han Kang khiến mình vỡ oà thấm thía, ấy là: “Tôi (bình thản) vỡ lẽ. Rằng, rốt cuộc, ẩn mình trốn tránh là điều bất khả.” Một điều thật dễ hiểu. Mà cũng chính vì dễ hiểu như thế nên thật là đau đớn khi ta buộc phải vỡ lẽ chấp nhận rằng ta không thể trốn tránh bất kì điều gì, kể cả thế giới hay chính bản thân ta.

Và cũng chính khi ấy, mình nhận ra bản thân Trắng không phải một cuộc tìm kiếm bất cứ điều gì ở thế giới ngoài kia. Han Kang bước đi để cảm nhận sức mạnh nội tại từ chính mình, để tiễn biệt quá khứ, hướng tới sự tái tạo của ngày mai. Điều gì đáng sợ hơn đêm đen? Hẳn là màu trắng. Màu trắng có thể bao phủ mọi thứ, mà cũng có thể làm nền để soi tỏ mọi thứ.

Đánh giá cá nhân: 5/5. 

  • 2929
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1729
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)