logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

"Mùi Trần": Có một Hà Nội Mới đang chuyển mình trong trần thế bụi bặm

Mình từng đọc một bài báo rất thú vị về nhà văn Đỗ Phấn. Trong đó có một đoạn nói rằng dù đã viết hơn 30 đầu sách, thì ông vẫn tự nhận mình chỉ viết một cuốn mà thôi. Cuốn sách đó mang tên Hà Nội. 

Đã có bao nhiêu người viết về Hà Nội rồi nhỉ? Hà Nội là một thành phố mà kể cả khi bạn chỉ đến trong một thời gian ngắn cũng rất dễ rơi vào nhớ thương. Hà Nội là thành phố đã khơi lên bao cảm hứng cho những nghệ sĩ sống trong nó hoặc chỉ ở lại trong thoáng chốc. Và theo lẽ dĩ nhiên, tình cảm Đỗ Phấn dành cho Hà Nội còn nhiều hơn cả khoảng “một thời gian ấy”, bởi nhà văn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Đọc Mùi Trần, bạn sẽ cảm nhận được phần nào thứ tình cảm tinh tế ông dành cho thành phố này.

Mùi Trần khai thác khá nhiều khía cạnh của xã hội: Con người và những ước mong trần tục, sự đổi mới đô thị, nếp sống thị dân ngày một hỗn tạp… Nhưng thú thực, đây không phải một tiểu thuyết quá hấp dẫn với mình. Giọng văn của Đỗ Phấn rất từ tốn, thậm chí có thể nói là rất hiền, cốt truyện lại ít cao trào, thành ra cứ có cảm giác mình đang đi lạc trong một khu phố cổ nào đó mà quan sát đời sống xung quanh vậy, và cũng chỉ quan sát như thế thôi. Song, là một người say đắm trong những không gian, mình vẫn đọc Mùi Trần với tâm thế khá thư giãn. Và nếu yêu thích không khí của những thành phố sau đổi mới, chắc hẳn bạn cũng sẽ yêu thích không gian trong tác phẩm này. 

Đó là một Hà Nội Mới với đời sống thị dân đang trên đà phát triển. Nhưng sự phát triển bao giờ cũng kéo theo cảm giác lạc lõng, đặc biệt là những người sống trong sự chuyển giao ấy. Hiến là một người như vậy. Anh là một công chức mang trong mình ước mơ trở thành người bình thường. Thế thì có gì mà lạ? Nhưng chính mong muốn rất bình thường ấy, đặt trong hoàn cảnh mọi thứ đều được kì vọng vào sự phi thường, thì Hiến lại trở thành một cá nhân lạ thường. Anh đã ngoài năm mươi tuổi, không gia đình, không vợ con, chỉ qua lại với vài ba mối quan hệ chóng vánh. Anh sống trong cô đơn không chỉ vì thiếu đi hơi ấm của một người bầu bạn, mà còn vì trong vòng xoáy thời gian, anh cũng như những người Hà Nội khác, là nhân chứng cho sự đổi mới của thành phố này. Đó là sự thay đổi của những ngôi nhà, của tầng lớp thị dân… Đó là sự dung hợp những điều mới mà không thông qua bất kì sự chọn lọc nào. 

Mùi Trần đúng như tên - trần trụi những chuyển động của trần thế. Tiểu thuyết này làm sống lại trong mình cái cảm giác bồi hồi như đang xem phim truyền hình hồi xưa, với những công chức nhà nước, những vụ ngoại tình, làm tình, những đổ vỡ gia đình,… Ở đó có những động chạm tự nhiên, lả lơi mời gọi. Ở đó có những mối quan hệ được hình thành theo một kiểu tự nhiên đến mức mình không thể hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận nổi. Ngoại tình dường như được bình thường hoá trong âm thầm và mùi trần lan ra rộng khắp những cơ thể và chuyển động của họ. 

Vậy nên, dĩ nhiên mình không thích con người trong Mùi Trần. Họ mang một vẻ gì đó phản đạo đức và sai trái. Ngược lại, mình thích đọc nhận thức của Hiến về Hà Nội xưa và nay, về những đổi mới khiến một người vốn thuộc về Hà Nội như anh cảm thấy lạc lõng bơ vơ, thậm chí mệt nhoài. Mà cái sự lạc lõng, khó hiểu ấy được diễn tả rất tinh tế. Không phải những đoạn độc thoại nội tâm nhỏ hẹp, bế tắc, đầy bất mãn, mà là những suy tư từ tốn về ẩm thực - một trong những yếu tố phản ánh rõ ràng nhất sự thay đổi của cuộc sống.

“Dù sao thì tôi cũng như vài người sống đủ lâu của Hà Nội chưa bao giờ là một tín đồ nhiệt thành của phở. Nó đã từng là một món quà bán dạo lang thang trên phố vào lúc lỡ bữa. Nó lại được rèn luyện và thích nghi với một Hà Nội thời chiến tranh đói khổ với tên gọi “phở không người lái”. Và bát phở đầy tú hụ đầy tinh thần “thảo khấu” như bây giờ khó có thể nói rằng nó là một món quà thanh cảnh lịch lãm Hà Nội.”

Những nhận xét của Hiến về sự thay đổi trong gu ẩm thực cũng đủ cho mình thấy sự lạc lõng, thậm chí khó hiểu của anh về sự phát triển xung quanh. Anh có một cuộc hẹn ở quán lòng lợn tiết canh. Anh bước vào quán, ngờ ngợ nhìn không gian nhớp nháp được trải chiếu theo hàng, tự hỏi từ bao giờ lòng lợn tiết canh lại trở thành đặc sản nơi đây. Anh nhìn một miếng nem ít thịt và nhớ về một thời đã qua, khi chị anh vẫn thường làm những chiếc nem như thế bởi nhà không có quá nhiều thịt. Ấy vậy mà ai ngờ mấy chục năm sau, những chiếc nem thiếu thịt lại trở thành món ăn được ưa thích vì người ta đã quá dư thừa thịt.

Những nhận thức này khiến mình bật cười khi nhớ đến một số bài viết trên mạng xã hội với mấy dòng title thường thấy kiểu như “Ở Hà Nội nhất định phải…”, “Những địa điểm ăn ngon ở Hà Nội đã có trên mấy chục năm…” với những bức ảnh phồn thực, đủ món ăn liên quan hoặc chẳng liên quan đến nhau.  

Những bài viết ấy chưa từng một lần trả lời hay tự đặt một câu hỏi rằng, Thức quà nào là thức quà vốn thuộc về Hà Nội, xứng đáng được gọi là đặc sản? Lòng lợn tiết canh ư? Phở ư? Chẳng có gì thanh cảnh trong những món ăn này cả. Hiến nhận ra điều ấy. Bởi như mình nói, anh là người đứng giữa dòng chuyển động của đô thị mới, anh đã sống ở thời gian Hà Nội hãy còn lặng im, cho đến khi Hà Nội rộng lòng sôi động đón lấy những bước chân tứ xứ đến sinh sống. 

Hiến nói về sự băn khoăn của mình trước một Hà Nội đang đổi mới rất tự nhiên, từ tốn mà cũng không kém phần sâu cay. Ban đầu, mình tập trung vào các mối quan hệ của nhân vật, cố để xem Đỗ Phấn đang muốn nói lên điều gì ở những con người ấy. Nhưng rồi mình nhận ra, hình như bản thân Hiến hay những người bạn của anh, cũng chỉ là một số chi tiết trong bức tranh toàn cảnh Đỗ Phấn đang nỗ lực vẽ một Hà Nội với con mắt trong trẻo biết bao mà cũng tinh tế biết bao.

Đến khi đọc những trang viết cuối cùng, mình mới vỡ lẽ, có khi Đỗ Phấn không có ý định viết một tiểu thuyết mang tiếng vang hoặc mang ý nghĩa gì đó phi thường. Bởi dù có ra sao, Hà Nội vẫn cứ là Hà Nội thôi. Những người trong câu chuyện này dù có ra sao, thì suy cho cùng, cũng chỉ là những người bình thường tạo nên một thành phố mà thôi. Đỗ Phấn không có ý định xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, bởi Hiến hay những người bạn bình thường của anh có thể là bất kì ai trong thành phố này… 

“Hà Nội là thành phố của những người bình thường. Nhưng cũng kì lạ thay, nó có sức cuốn hút thật phi thường. Những người tài giỏi khắp đất nước tụ hội về đây. Những người không tài giải khắp đất nước tụ hội về đây. Để trở thành người bình thường.

Hà Nội vắng Phương Lan. Cũng chỉ một tháng sau vắng thêm Hiến. Hà Nội vẫn là Hà Nội...”

Đánh giá cá nhân: 3/5

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
436
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)