
Danh Gia Cổ Vật: Bí ẩn đằng sau những món đồ cổ và hội danh gia nức tiếng Trung Hoa
Mã Bá Dung sinh năm 1980 tại Xích Phong (Ulankhad) thuộc khu tự trị Nội Mông. Năm 2005, tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản tại Trung Quốc là Tịch Tĩnh Chi Thành (Tòa Thành Yên Lặng) đã đạt được giải thưởng Ngân Hà dành cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc. Năm năm sau, Mã Bá Dung xuất sắc đạt được giải thưởng Văn học Nhân dân, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của văn đàn Trung Quốc khi mới 30 tuổi.
Danh Gia Cổ Vật là bộ tiểu thuyết trinh thám gồm 4 tập của ông, khai thác đề tài cổ vật rất chi tiết và đồ sộ. Với Danh Gia Cổ Vật, Mã Bá Dung đưa người đọc tiếp cận với văn hoá Trung Hoa mà chủ yếu nhất là thông qua các sản phẩm và kỹ thuật cổ nhân từng thực hiện. Từ kỳ án đầu Phật (tập 1), tới bí mật Thanh Minh Thượng Hà Đồ (tập 2), ngược dòng thời gian về với vụ án Hôi của ở Đông Lăng (tập 3) và kết thúc bằng việc vén màn bí ẩn của hội nhóm đồ cổ có danh vọng nhất Trung Quốc - Minh Nhãn Mai Hoa (tập 4), Mã Bá Dung đã mang lại cho mình rất nhiều sự phấn khích và tò mò. Ngoài ra, bốn cuốn sách cũng cung cấp cho người đọc một khối lượng kiến thức đáng kể về các món đồ cổ, cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp này ở Trung Quốc.
Danh Gia Cổ Vật bắt đầu bằng sự kiện Hứa Nguyện - một chủ tiệm đồ cổ ở Lưu Ly xưởng, bất ngờ biết mình là hậu duệ của một trong bốn môn phái lớn của Minh Nhãn Mai Hoa - tổ chức được coi là đứng đầu, cầm cân nảy mực cho giới cổ vật Trung Quốc. Thế là vào sinh nhật năm ba mươi tuổi, cuộc đời tưởng như bằng phẳng của Hứa Nguyện đã hoàn toàn rẽ sang lối khác. Thoáng chốc, anh trở thành cháu của kẻ bị quy là Hán gian, từng ăn cắp đầu Phật ngọc của Võ Tắc Thiên rồi bán văn vật quốc gia ấy cho người Nhật. Đồng thời, anh cũng biết việc bố mẹ mình phải nhảy sông tự vẫn trong Cách Mạng Văn Hoá không phải ngẫu nhiên, mà có một bàn tay nhất quyết muốn đẩy nhà họ Hứa vào chỗ chết.
Nhưng việc ông nội Hứa Nguyện ăn cắp văn vật quốc gia có đúng là sự thật không? Cả đời ông thanh liêm chính trực là thế, nếu như nhất định phải mang đầu Phật ngọc đi, chắc chắn trong chuyện này có uẩn khúc gì đó. Mang niềm tin và quyết tâm minh oan cho ông nội, đòi lại công bằng cho bố mẹ, Hứa Nguyện kiên quyết bước vào vòng xoáy của giới cổ vật, và cũng từ đó, biết được bao góc tối đến rợn người của ngành mà người ta vẫn nghĩ là ai ai cũng chuyên tâm gìn giữ văn hoá này…
Bạn có biết trong giới này, chỉ một chiếc chén sứ thôi cũng khiến người ta tranh nhau đến mức vỡ đầu chảy máu, chỉ một món đồ bé bằng lòng bàn tay cũng khiến bao kẻ cửa nát nhà tan? Thứ khiến người ta mê say khi tiếp xúc với cổ vật không chỉ là ở giá trị bạc tỷ của mỗi món đồ, mà còn là dấu vết thời gian, giá trị văn hoá và những kỹ thuật đã thất truyền của cổ nhân. Có người dành cả đời để đi tìm một món đồ bằng sứ, cũng có người sẵn sàng dốc hết vốn liếng chỉ để có được một chiếc trâm ngọc. Đây là miếng mồi ngon cho những kẻ hám lợi xâu xé, bởi vậy các nhà “giám định cổ vật” mọc lên như nấm, các kỹ thuật làm đồ giả cổ cũng ngày càng tinh vi.
Trong hoàn cảnh ấy, một kẻ bí ẩn tên Lão Triều Phụng đã xuất hiện, phát triển đường dây làm lậu đồ cổ xuyên quốc gia. Có thể nói, lão là kẻ có sức uy hiếp nhất với Minh Nhãn Mai Hoa - tổ chức luôn nêu cao tinh thần “đánh giả, làm thật”. Hơn thế, đây cũng là người biết nguồn cơn vì đâu gia đình Hứa Nguyện hai đời đều gặp bi kịch.
“Giám định cổ vật, thực ra là đo lòng người đấy thôi.
Báu vật càng trân quý càng soi thấu lòng người đáng sợ.”
Mã Bá Dung dẫn dắt người đọc đi từ bí mật này đến bí mật khác. Không chỉ kể về những món đồ cổ, ông còn đào sâu vào cái gọi là “tình người” trong thời buổi xã hội loạn lạc, rối ren vì đồng tiền.
Có những kẻ đang tâm chà đạp lên văn hoá quốc gia, giày xéo mồ mả người chết (hoàng lăng) để làm lợi cho mình, thế nhưng cũng có những người bằng lòng hi sinh mạng sống để bảo vệ và lưu truyền văn hoá qua những món đồ cổ ấy. Có người tưởng như không có gì trong tay - như Hứa Nguyện, nhưng không sợ phải dấn thân vào hiểm nguy để rửa oan cho người thân, đồng thời có thể chống lại Minh Nhãn Mai Hoa nếu cần thiết để lật đổ đường dây buôn lậu đồ giả. Có những người sẵn sàng nhắm mắt nói bừa một món đồ giả là đồ thật, cũng có người chuyên tâm trong từng lần giám định để đưa ra phân tích đúng - sai rõ ràng…
Mình khâm phục Hứa Nguyện. Anh không có gia tộc hùng mạnh làm bệ đỡ vững vàng như những hậu duệ khác trong Minh Nhãn Mai Hoa (vì bị khép tội là Hán gian, gia đình anh đã không còn chỗ đứng chính thức trong tổ chức nữa), nhưng anh luôn ham hỏi học và sẵn lòng dấn thân, theo đuổi lý tưởng mà anh cho là đúng: Đánh giả, làm thật. Có lúc vì sợ quyền lực của kẻ ác mà không một ai, kể cả Minh Nhãn Mai Hoa, dám đứng lên ủng hộ và đồng hành cùng anh, nhưng anh vẫn kiên tâm mà đi tiếp một mình. Trên hành trình lần theo tìm dấu vết của Lão Triều Phụng và những món đồ cổ với mục đích bảo vệ và trả lại cho chủ của chúng, không ít lần anh rơi vào hiểm cảnh, thậm chí suýt mất mạng. Nhưng những khó khăn ấy không làm Hứa Nguyện chùn bước, ngược lại còn trở thành lực đẩy để anh kiên trì hơn với con đường mà mình đã chọn.
Danh Gia Cổ Vật là một trong số ít trinh thám dài tập mà mình kiên trì theo dõi từ đầu đến cuối. Lần đầu tiên đọc tập 1 của bộ này là vào năm 2019, sau đó mình chờ Nhã Nam xuất bản tập 4 đến tận năm 2021. Sau 3 năm mới được cầm tập cuối trên tay, thế nhưng mình cảm thấy sự chờ đợi của bản thân chẳng hề uổng phí chút nào. Ngoài nhân vật chính Hứa Nguyện, các nhân vật khác của Mã Bá Dung cũng được xây dựng khá chắc tay và tỉ mỉ, có sự thay đổi và trưởng thành theo thời gian. Mình đặc biệt thích Dược Bất Nhiên. Tuy đây chỉ là một nhân vật phụ, gã vẫn khiến mình tò mò suốt từ tập 1 đến tận cuối tập 4, để rồi khi đi đến cái kết, mình mới vỡ lẽ bản chất thật của người này không giống như những gì gã thể hiện ra bên ngoài. Tuy nhiên phần này mình sẽ không kể chi tiết mà để các bạn tự khám phá khi đọc truyện, như vậy sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Nếu bạn quan tâm đến chủ đề trinh thám khảo cổ, giám định, trộm mộ thì có thể tham khảo bộ truyện này xem sao.
Đánh giá: 4/5
- 3095
- 0Bình luận