logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

KẺ ĐẠI LÃN - Một kẻ mãi chẳng thể bước chân ra khỏi thế giới của chính mình

Ivan Goncharov có lẽ là một cái tên khá lu mờ bên cạnh Turgenev, Dostoyevsky, Tolstoy, Byelinsky và Herzen, nên ít ai biết ông cũng là một trong những thành viên quan trọng của nhóm văn sĩ có sức ảnh hưởng lớn này. Một phần có lẽ vì lối sống thiên về công việc hành chính và một phần vì lối viết của ông (mình sẽ nói thêm ở dưới bài). Trong ba tác phẩm được đánh giá cao của Goncharov là: Kẻ Đại Lãn (Oblomov), Chuyện Cũ Rích (The Same Old Story) và Bờ Vực (The Precipice) thì chính Kẻ Đại Lãn đã đưa ông thành “một trong những tác giả thành danh chỉ bằng một tác phẩm duy nhất”.

Mình bị thu hút ngay từ khi nhìn thấy cái tựa này, nó làm đứa mắc bệnh lười như mình hy vọng sẽ được gặp một nhân vật đồng cảnh ngộ. Nhưng khi đọc đến gần nửa cuốn sách rồi mà nhân vật chính vẫn chưa ra khỏi giường thì thấy hóa ra mình vẫn còn chăm chỉ chán. Hình dung sơ mà tác giả mang đến cho mình về anh chàng lười biếng Ilya Ilyitch Oblomov là như thế này:

“Đó là một chàng trai trạc ngoài ba mươi tuổi, chiều cao trung bình, và có vẻ ngoài dễ coi. Xúi quẩy làm sao, trong đôi mắt sáng sẫm màu của anh chàng lại chẳng có bất kỳ ý định rõ ràng nào cả, còn những đặc điểm khác trên khuôn mặt thì thiếu hoàn toàn sự tập trung.”

Tất cả dấu hiệu đều báo trước cho độc giả về một nhân vật chính chẳng buồn làm gì mà chỉ mải thả hồn theo những mộng tưởng vẩn vơ. Nhưng tất nhiên để trở thành một kẻ có thể không làm gì mà vẫn sống được thì Oblomov phải có một vốn liếng kha khá. Điều này thì không khó lắm vì anh ta vốn là con nhà quý tộc mà. Dù gia tộc ấy nay đã không còn hưng thịnh, và thái độ Oblomov kiểu “tới đâu hay tới đó” thì lợi tức định kỳ vẫn đủ để người thừa kế duy nhất này tiếp tục cuộc sống thả hồn theo gió.

Và tất nhiên nếu câu chuyện cứ kéo dài bằng những tháng ngày nhàm chán của Oblomov thì mình cũng không có kiên nhẫn mà đọc hết. Một vấn đề to bự tìm đến với anh chàng như bao nhiêu gã đàn ông bước sang tuổi 30: LẤY VỢ. Mình đoán mọi người cũng sẽ tò mò như mình, xem tình yêu có thể thay đổi một kẻ mà mỗi chuyện suy nghĩ về việc rời giường buổi sáng cũng đã tốn hết 80 trang giấy hay không. 

Phân đoạn theo đuổi tiểu thư Olga với mình có lẽ là thú vị nhất. Không chỉ hài hước mà nó còn là phần truyện có mạch sôi động nhất, khác hẳn với những tháng ngày nhàm chán còn lại của Oblomov. Anh ta bắt đầu chải chuốt, chưng diện và mong chờ những buổi viếng thăm tại nhà bà cô của nàng. Giọng hát nàng bắt đầu thế chỗ những mộng tưởng vu vơ trước đây. Cứ mỗi khi Oblomov muốn tiếp tục buông xuôi cuộc sống thì Olga sẽ tự tay kéo chàng trở lại. 

“‘Cô ấy nhìn nhận cuộc đời mới rõ ràng làm sao!’ Chàng nghĩ. ‘Cô ấy có thể áp dụng cuốn sách thông thái đó vào con đường mình đi mới chuẩn xác làm sao!’ Đúng, đời chàng và đời cô đã bị ràng buộc phải chảy bên nhau như hai dòng sông, bởi vì cô, và chỉ mình cô mà thôi, mới là người đưa đường dẫn lối và là người hướng dẫn thực sự của chàng.”

Mình sẽ không nói thêm về những diễn biến thú vị sau đó nữa mà quay về với cách viết của Goncharov. Mạch truyện của ông diễn ra với tốc độ đều đều, dù vẫn có lúc được đẩy nhanh hơn nhưng sẽ không chênh lệch quá nhiều. Phải thừa nhận rằng với mình thì nó không quá hấp dẫn. Và có lẽ cũng sẽ không phù hợp với những ai kiếm tìm sự kích thích, những cú twist bất ngờ hoặc những kịch bản táo bạo đầy bi kịch. Mình nghĩ vì thế mà các tác phẩm của ông không quá nổi bật với phần đa độc giả, khiến cho tên ông ít được nhắc tới hơn những người khác. 

Xuyên suốt Kẻ Đại Lãn, thứ mình cảm thấy nhiều nhất là sự uể oải về mặt tinh thần và đi kèm với nó là tính cố hữu được xây dựng cho nhân vật. Cho dù có biến cố gì xảy ra thì cũng không thể làm lung lay sự thờ ơ của Oblomov. Lối sống được sắp đặt sẵn đã duy trì qua nhiều thế hệ nhưng đến thời Oblomov thì nó bị buộc thay đổi, và anh chàng của chúng ta - người lớn lên trong cuộc sống chưa bao giờ trật ra ngoài sự sắp đặt ấy - lựa chọn lờ đi thay vì hòa mình vào lối sống nhộn nhịp mới. 

Với mình, gọi Oblomov là kẻ đại lãn hay người lười biếng thì cũng không hoàn toàn đúng với anh ta. Không phải tự nhiên là Oblomov là một hình tượng nhân vật đặc biệt của văn học Nga. Xã hội Nga đã thay đổi rất nhiều từ sau khi chế độ nông nô bị dỡ bỏ, Goncharov tạo ra Oblomov như một hình ảnh đại diện cho giới cựu quý tộc đang chìm vào sa sút lúc bấy giờ. Những kẻ đứng giữa ranh giới của sự huy hoàng lỗi thời và con đường phát triển mới, những kẻ cứ mãi ôm lấy bóng hình quá khứ mà từ chối nhìn vào thực tại.

“Hôm qua người ta cầu ước, hôm nay người ta giành được điều mà mình đã điên cuồng thèm muốn, thế rồi ngày mai người ta lại xấu hổ khi nghĩ rằng mình đã từng khao khát điều đó. Thế nên người ta nguyền rủa cuộc đời. Và tất cả là do thói kiêu căng và ngang bướng, do câu nói “tôi sẽ” đầy ngoan cố. Không; người ta lần mò con đường của mình, nhắm mắt lại và tránh say sưa vì hạnh phúc hay buồn bực vì hạnh phúc không đến thì hơn.”

Điều đặc biệt mà Oblomov để lại cho mình là tất cả những người xung quanh đều nói rằng anh ta là một con người lương thiện và trong sáng. Vì lẽ gì lại thế? Có lẽ vì chính anh ta không làm gì cả. Mọi dự định hay kế hoạch đều chỉ diễn ra trong tâm trí, anh ta không thực sự làm gì vậy nên sẽ chẳng thực sự có sai lầm gì hay đụng chạm vào lợi ích của ai. Oblomov sống yên bình trong thế giới của chính mình, dù đã hơn một lần anh có mong muốn bước ra khỏi đó.

Kẻ Đại Lãn với mình là một trải nghiệm thú vị, có thể không quá hấp dẫn nhưng cũng rất đáng để đọc. Và lại thêm một cuốn sách mà mình có thể dùng để chứng minh cho suy nghĩ: nếu nói về sầu muộn thì chắc không ai viết sầu bằng giới văn học Nga.

Đánh giá cá nhân: 4/5

Hoàng Linh

  • 2682
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
640
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)