logo-maybe-vn
Mở app

Kính Sợ Và Run Rẩy - Góc nhìn của triết học về vị Tổ phụ đức tin Abraham

Soren Kierkegaard (1813-1855) là triết gia vĩ đại người Đan Mạch, được xem là ông tổ của triết học hiện sinh. Tác phẩm Kính Sợ Và Run Rẩy được xuất bản vào năm 1843, là lời phân tích của tác giả về hành động hiến tế con ruột của Abraham - vị Tổ phụ đức tin của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.

Là một tín đồ Kitô giáo, mình đã quá quen thuộc câu chuyện về Tổ phụ Abraham trong Kinh Thánh, tuy nhiên mình chưa bao giờ suy nghĩ kĩ về hành động hiến tế của Abraham cho đến khi đọc quyển sách này. Thiên Chúa, vì muốn thử lòng Abraham, đã ra lệnh cho ông hiến tế đứa con trai mà ông yêu quý nhất là Isaac, nghĩa là Abraham phải tự tay giết con mình. Hành động giết người là trái với Mười điều răn của Chúa, trái với luân thường đạo lý. Giết con mình là có thể chứng minh đức tin của mình cho Thiên Chúa sao? Thật mâu thuẫn.

Từ câu chuyện của Abraham, dưới góc độ triết học, Kierkegaard đã phân tích và đưa ra những lí lẽ để giải thích vì sao Abraham xứng đáng trở thành Tổ phụ đức tin thông qua hành động ấy. Ông đưa ra ba luận đề: “Liệu có tồn tại một sự đình bỏ có tính mục đích luận đối với luân lý hay không?”, “Liệu có tồn tại một bổn phận tuyệt đối với Thượng Đế hay không?” và “Liệu Abraham có thể biện hộ được về mặt luân lý khi che giấu mục đích của mình không cho Sarah, Eleazar và Isaac biết hay không?”.

Theo Kierkegaard, hành động hiến tế con ruột của Abraham là một hành động kép, gồm hành động từ bỏ vô hạn và hành động của đức tin. 

Hành động từ bỏ vô hạn là hành động từ bỏ tất cả những gì thuộc cõi thế tục (cuộc sống hiện tại) để lấy được tất cả những gì thuộc cõi vĩnh hằng (cuộc sống sau khi chết). Khi hiến tế, Abraham từ bỏ Isaac, người mà ông yêu quý nhất. Ông ý thức được Isaac đã chết trong cõi thế tục, và ông tin rằng ông sẽ có lại được Isaac trong cõi vĩnh hằng.

Hành động của đức tin là hành động từ bỏ tất cả những gì thuộc cõi thế tục nhưng vẫn tin rằng bản thân sẽ giành lại được những điều ấy cũng trong cõi thế tục. Nhưng làm sao Abraham giành lại được Isaac trong cõi thế tục khi Isaac đã chết? Kierkegaard giải thích rằng Abraham tin có thể giành lại Isaac bằng sự phi lý. Sự phi lý ở đây nghĩa là những điều không thể xảy ra trong cõi thế tục, ví dụ như người chết sống lại. Nhờ sự phi lý này, Abraham dung hòa được thế giới hữu hình với thế giới tinh thần. Trong thế giới tinh thần, không có gì là không thể, ngay cả việc sống lại sau khi chết.

Nếu đánh giá Abraham bằng luân lý, rõ ràng Abraham chỉ là một kẻ sát nhân. Vậy do đâu người ta xem Abraham là Tổ phụ đức tin? Kierkegaard nói rằng không thể dùng luân lý để hiểu được Abraham vì Abraham đang ở trong mối liên hệ tuyệt đối với Thượng Đế, mà Thượng Đế thì vượt xa mọi thiết định luật pháp và đạo đức mà con người có thể hiểu được và Ngài không bị chi phối bởi luân lý của con người. Abraham phải chịu nỗi thống khổ rằng ông không thể biện minh cho hành động hiến tế của mình, có biện minh cũng không ai hiểu vì mọi người chỉ dùng luân lý để nhìn nhận. 

Kierkegaard đưa ra nhiều ví dụ về sự hy sinh người thân nhằm làm nổi bật sự khác biệt của Abraham, cho thấy rằng hành động của Abraham đã chứng minh được đức tin vượt trội của ông, mà hành động ấy không phải ai cũng biết cách thực hiện. Nếu một tín hữu bắt chước Abraham với lý do chứng minh đức tin thì đó có thể là sai lầm chết người. Chính vì sự khác biệt của Abraham nên Thiên Chúa mới để ông trở thành Tổ phụ đức tin và hứa hẹn cho ông một dòng dõi “nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển”.

Đây là chủ đề rất hay nhưng cách trình bày của Kierkegaard có một chút rườm rà. Nếu lơ là một chút mình sẽ quên mất là tác giả đang nói về cái gì. Các ví dụ minh họa và các luận điểm được lặp đi lặp lại xuyên suốt quyển sách nhưng càng đọc về cuối lại càng thấy khó hiểu. Mình không rành về triết học nên thấy quyển sách này thật sự rất khó ngấm, khiến mình phải cầm lên đặt xuống nhiều lần. Mình nghĩ nếu có một chút kiến thức về triết học và Kinh Thánh Cựu Ước thì có lẽ sẽ dễ tiếp thu hơn.

Trong Kính Sợ Và Run Rẩy còn có các quan điểm thú vị của tác giả về Giáo hội Kitô giáo, ví dụ như người rao giảng Kinh Thánh không tận tâm diễn giải thấu đáo cho các tín đồ, còn các tín đồ chỉ học Kinh Thánh theo kiểu máy móc chứ không thực sự hiểu. Tác phẩm này đã mở ra nhiều câu hỏi thú vị cho mình nên mình vẫn sẽ đọc lại. Hy vọng rằng trong tương lai mình có đủ kiến thức và trải nghiệm để hiểu hết nội dung của tác phẩm.

Chấm điểm: 8/10.

  • 3260
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1438

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)