logo-maybe-vn
Mở app

Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ: Liệu cha mẹ có thể làm bạn với con cái được không?

Ngột ngạt, căng thẳng và đầy sự tổn thương… Đó là những cảm giác mình trải qua sau khi kết thúc chặng đường Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ. Đây là tác phẩm thứ tư mình đọc của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Khác hẳn với các đầu sách trước, Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ sở hữu những câu chuyện chất chứa nhiều tầng ẩn ức giữa ông bà, cha mẹ và con cháu. Từ đó, một trăn trở bao phủ tâm trí mình là: Liệu cha mẹ có thể làm bạn với con cái được không?

Trong phim điện ảnh Em Chưa 18 (2017), mình rất thích ông Hùng - cha của nữ chính Linh Đan. Ông chính là hình mẫu người cha trong mơ dành cho mình. Khi thấy Linh Đan đau khổ vì chuyện tình cảm, ông tự xưng “tui”, gọi con gái là “chế” rồi nói: “Mình cứ xem như bạn bè đi, như vậy gần gũi, dễ tâm sự hơn”. Tiếp đó, ông còn đặt câu hỏi với Hoàng - bạn trai Linh Đan: “Tại sao mày có thể tâm sự, nói chuyện được với nó? Mày chỉ tao đi, mày có bí quyết gì?”.

Xem Em Chưa 18 xong, ưng bụng quá, mình hào hứng cùng ba đi xem tiếp lần nữa. Nhưng đâu rồi lại đó, ba vẫn là ba, không có bất cứ sự thay đổi nào. Tính ra, lúc ấy, mình có suy nghĩ thật đơn giản, làm sao ba mình có thể “làm bạn” với mình nhờ vào một bộ phim? Có lẽ phim ảnh và đời thực vẫn có một khoảng cách rất xa nhỉ?

Trong chuyến đi trải nghiệm Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ, mình dần dần nhận ra nguyên nhân phụ huynh Việt Nam không dễ dàng làm bạn với con. Lý do đầu tiên là khoảng cách thế hệ (20-30 tuổi). Mỗi thế hệ có một quan niệm, lối sống khác nhau, dẫn đến tư duy khác biệt. Có chăng, giữa các thế hệ chỉ dung hòa được nếu sở hữu tình yêu thương đủ lớn và thấu hiểu lẫn nhau. Lý do thứ hai xuất phát từ vị thế, quyền lực. Con cái khó có thể phản ứng lại cha mẹ mà không cần cân nhắc, đắn đo hay thậm chí lo sợ về hậu quả của việc đó. Lý do thứ ba và cũng là quan trọng nhất, chính cha mẹ không muốn làm bạn với con. Họ xem con cái là vật sở hữu, tài sản hoặc một khoản đầu tư, tuyệt đối không thể đặt ngang hàng cùng mình.

Theo những dòng tự sự của các bạn trẻ trong cuốn sách, cha mẹ hay ông bà là những người muốn nắm quyền sinh sát, quyết định tương lai của con cháu. Họ theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, chứ không phải đóng vai trò chia sẻ buồn vui, hỗ trợ, động viên trong chuyện học tập, công việc và tình cảm. Nói đúng hơn, họ thương là thương thật đấy. Nhưng đây là tình thương ngục tù. Họ cứ mặc định là dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái, không cần quan tâm chúng có thật sự mong muốn và yêu thích. Thay vào đó, trong vô thức, họ dùng bạo lực ngôn từ và thao túng tâm lý để tạo sức ép, bắt buộc con cháu phải làm theo ý mình. Nếu không nghe lời, chúng sẽ cảm thấy bản thân có lỗi và sai trái khi làm cho ông bà, cha mẹ đau lòng.

“Con kiệt sức rồi, tôi nói với mẹ, “cho con nghỉ đàn một ngày.” Mẹ không cho, “Tất cả là bố mẹ muốn tốt cho con thôi.”

“Mày là thất bại của gia đình.”

“Mày chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi à? Đồ bất hiếu…” 

“Mày là cháu tao, tao còn đẻ ra tiến sĩ, bây giờ mày không nghe tao thì mày nghe ai?”

Nguồn ảnh: nguvan
Nguồn ảnh: nguvan

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng từng được cha mẹ so sánh với “con nhà người ta”. Riêng mình thì hay nghe câu nói “Bằng tuổi con ngày xưa…”, tương tự như nhân vật người bố trong Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ: “Một tí khó khăn như thế thì có gì không vượt qua được, hồi xưa bố đi phụ hồ từ mười lăm, mười sáu tuổi…” Mỗi người có xuất phát điểm, khả năng và tính cách khác nhau. Vậy thì làm sao bắt chước và cố gắng cho giống người khác được? Đối với mình, sự tiến bộ từng ngày của bản thân mới là điều cần được chú trọng và để tâm tới. Mình luôn tự nhủ, hôm nay mình phải tốt hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng không quên đào sâu góc khuất, tìm hiểu vì sao các bậc phụ huynh lại có lối hành xử như vậy. Đặt trong bối cảnh chiến tranh, kinh tế khó khăn và cuộc sống khắc nghiệt khiến ông bà, cha mẹ bị tổn thương sâu sắc. Họ cũng có quá khứ, tuổi thơ bất hạnh và những nỗi niềm không thể giãi bày. Thậm chí, họ từng là nạn nhân của định kiến, kỳ thị xã hội.

“Ừ, mày thì cũng chỉ giống mẹ mày mà thôi. Chỉ có mẹ mày học trường làng nhàng nên bây giờ không đâu ra đâu.”

“Bố cũng cô đơn vì bố mặc cảm, không dám giao du với những người bạn cũ nay đã thành đạt. Thực ra bố là người tư duy tốt, bố học chuyên văn nhưng chẳng may trượt đại học, rồi bố sang Đông Âu xuất khẩu lao động và gặp mẹ bên đó. Bố luôn nói là số phận nó vậy rồi, an bài rồi, nhưng tôi biết bố cảm thấy tiếc nuối cho cuộc đời mình.”

Mẹ và mấy dì của mình thỉnh thoảng kể chuyện ngày xưa về ông ngoại. Ông thường xuyên đánh đập con cháu vô cớ. Đến giờ, mình đã hiểu được phần nào. Bởi hoàn cảnh mưu sinh vất vả, ông ngoại phải lo cho nhiều miệng ăn trong gia đình. Khi con người ta nghèo khó, túng quẫn và bế tắc cùng cực thì làm thế nào có thể thốt ra những lời yêu thương, dễ nghe và cử chỉ nhẹ nhàng? May mắn là, các nhân vật trong Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ cũng kịp thời nhận ra điều đó. Họ đồng cảm với cha mẹ mình mà không nảy sinh oán trách hay thù ghét quá nặng nề.

“Tôi không giận bố mẹ, tôi nghĩ họ là những người đáng thương. Họ đã dành cả tuổi trẻ và tuổi trung niên của mình ra để mạt sát nhau.”

“Nhiều lúc tôi căm ghét bố mẹ đã đặt lên vai tôi những áp lực, nhưng những lúc khác tôi không thể ghét họ được. Tôi thương bố mẹ tôi, một tình thương đầy sợ hãi, tuyệt vọng và bế tắc. Tôi biết bố mẹ thương tôi, một tình thương đầy kỳ vọng, một tình thương làm đau nhau hơn là nuôi dưỡng nhau.”

Đi qua hết những ám ảnh trong từng trang sách, mình mừng thầm phấn khởi khi nhận thấy có bạn đã tìm được lối thoát cho mình: “Con cái không có trách nhiệm phải sống theo sự kỳ vọng của bố mẹ. Tôi thấy may mắn là giờ đây tôi có sự độc lập để tự quyết mọi thứ. Bố mẹ không thể ra lệnh cho tôi phải làm gì, phải sống như thế nào được nữa.” Sau tất cả, bạn hiểu bản thân, biết mình muốn gì và can đảm bước ra khỏi mối quan hệ độc hại với người lớn trong gia đình. Từ đó, bạn tự tin theo đuổi sự tự do, độc lập mà bạn vốn sở hữu từ lâu. Đây dường như là tuyên ngôn chung cho những nhân vật trong tác phẩm. Kỳ vọng của bố mẹ là sống tiếp ước mơ của họ và sống cho gia đình, họ hàng được nở mày nở mặt. Tuy nhiên, đứa con là cá thể độc lập, có cái tôi riêng, làm sao có thể là tuổi trẻ của cha mẹ được? 

“Hạnh phúc của con có phải là hạnh phúc của cha mẹ không?”. Câu trả lời thật khó khăn, mình đã thử hỏi và nhận được câu trả không như mong đợi. Mình biết, để hoà hợp được với gia đình là một vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian và kiên trì. Nhưng mình tin tưởng rằng, nếu như có sự nỗ lực từ hai phía để tìm ra cách giải quyết thì mọi chuyện sẽ được cải thiện.

Khép lại hành trình Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ, mình không còn đòi hỏi và mong mỏi ba mẹ phải làm bạn cùng mình nữa. Vì mình biết điều đó là bất khả thi trong thời điểm này. Mình không thể ép buộc, ngoại trừ chính ba mẹ tự thay đổi. Quan trọng hơn, mình muốn trân trọng tình yêu thương mà ba mẹ dành cho mình bấy lâu nay.

Tuổi thơ của mình ít khi phải trải qua nhiều biến động và mối quan hệ giữa mình và ba mẹ vẫn còn tốt đẹp hơn nhiều người khác. Mình không rơi vào tình cảnh bị đặt quá nhiều kỳ vọng rằng phải học giỏi, cố gắng thi tuyển vào trường chuyên, lớp chọn. Hầu như từ nhỏ đến giờ, mình đều được thoải mái trong việc học tập, lựa chọn nghề nghiệp mà không bị giám sát hay thúc ép. Mình may mắn khi là con gái, gia đình nội ngoại mình vẫn hết mực yêu thương, không bị áp lực về chuyện cháu đích tôn hay nối dõi tông đường. Và mình cũng không cần trở thành trụ cột, chỗ dựa tinh thần hay vật chất cho phụ huynh trong lúc tuổi đời còn nhỏ. So với những nhân vật trong tác phẩm, mình đã quá đỗi hạnh phúc và được ba mẹ tôn trọng và tạo điều kiện sống thật với bản thân.

Mình hy vọng sau khi đọc Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ, bạn thấu hiểu hơn về chính mình và ông bà, cha mẹ. Biết đâu chừng, trong tương lai gần, bạn sẽ thành công xóa bỏ khoảng cách thế hệ, cùng làm bạn với họ đấy! 

Nếu bạn chuẩn bị sinh con hoặc mong muốn làm bạn với con, cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo hữu ích để chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho hành trình này.

“Sau này có con thì tôi sẽ rất hiền với nó, không bao giờ quát mắng, chửi bới, đánh đập. Tôi sẽ lắng nghe nó, hỏi tại sao nó lại cư xử vậy. Tôi sẽ không làm nó phải khóc, tôi muốn thành bạn của nó.”

Đôi nét về tác giả

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách của anh có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.

Các tác phẩm đã phát hành: Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can (2015), Thiện, Ác và Smartphone (2017), Điểm Đến Của Cuộc Đời (2018), Đại Dương Đen (2021).

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 3053
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1491

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)