Rung Động - Những mảng màu nảy nở từ cảm xúc
Tuần vừa rồi mình lại đi coi triển lãm. Lần này là triển lãm ở VICAS, của một hoạ sỹ trẻ chưa có bất kì một tác phẩm nào trước đó. Khi đọc được thông tin ấy, mình thật sự rất tò mò. Thế giới nội tâm của hoạ sỹ phải nhiều xung động đến nhường nào mới có thể sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ trong một thời gian ngắn như vậy?
Vậy là cuối tuần, mặc gió mặc mưa, mình và người bạn thân suốt đời của mình lại đưa nhau đi tìm VICAS (chúng mình chưa tới VICAS bao giờ). Khi tới Rung Động và ngắm tranh của Nguyễn Mỹ Linh, mình thấy phần giới thiệu mà TS. Bùi Quang Thắng viết có phần “hơi quá” (Bạn có thể tìm đọc thông tin và lời giới thiệu trên facebook VICAS, phần event Rung Động), nhưng tựu trung đây là một triển lãm cũng đáng để trải nghiệm.
Rung Động là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Mỹ Linh, trưng bày 52 bức tranh mà cô vẽ chỉ trong vòng 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2021). Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ, trước tháng 5/2021, cô chưa từng cầm cọ lên vẽ, cũng không phải một người được đào tạo bài bản về mỹ thuật. Tự nhận mình là một đứa trẻ kì lạ, khó giao tiếp và kết nối với người khác, việc đưa những cảm xúc của mình lên toan là một cách Mỹ Linh chọn để bộc lộ và phô bày thế giới nội tâm của mình. Những mảng màu tuôn ra từ cọ vẽ cũng chính là những mảng màu nảy nở từ cảm xúc của cô.
Tất nhiên, vì thế nên Mỹ Linh không vẽ những sự việc, sự vật cụ thể, không có một cái khuôn chuẩn (shape) nào để vẽ theo. Như khi nói đến “Bay” có lẽ bạn sẽ liên tưởng đến một bức tranh có bầu trời, máy bay… còn Mỹ Linh thì chỉ diễn tả “Bay” bằng những mảng màu và nét bút nguệch ngoạc.
Cách Mỹ Linh vẽ khiến mình liên tưởng đến cách trẻ con vẽ, tức là không có hoặc khó nắm bắt được bố cục và dụng ý phía sau, thậm chí có lúc ta sẽ nghĩ đó chỉ là những lần quệt màu không chủ ý. Thú thực dù có nhiều tác phẩm mình thấy hay hay, là lạ, nhưng cũng có những bức tranh mà mình không hiểu chúng muốn diễn tả điều gì.
Nếu tới Rung Động, bạn sẽ nhận thấy khu vực bên phải cửa ra vào chủ yếu trưng bày những bức tranh có sắc độ màu đậm, còn khu vực bên trái chủ yếu trưng bày những bức có tone màu dễ chịu hơn. Dù Mỹ Linh tự bạch rằng cô mới bắt đầu cầm cọ không lâu, nhưng các tác phẩm có một sự thống nhất cao độ về phong cách vẽ (nhưng có thể chính vì thế nên đôi khi mình thấy hơi hoang mang vì có những bức thật là giống nhau!).
Mình chụp lại dưới đây một số bức trong tổng 52 tác phẩm của Mỹ Linh mà mình ấn tượng.
Mình tới triển lãm vào đầu giờ chiều. Lúc ấy Hà Nội đang mưa, có lẽ do vậy nên triển lãm khá vắng. Dù đã biết trước số lượng tranh được trưng bày ở Rung Động nhưng mình vẫn không khỏi bất ngờ khi thấy chúng có thể lấp đầy không gian rộng như sảnh VICAS.
Bên phải: Rung động
Có lẽ tên của triển lãm được đặt theo bức tranh này. Lấy các màu nóng và tối làm chủ đạo (đặc biệt là đỏ sẫm), mình đoán tác giả muốn mô tả sợi dây cảm xúc gắn liền với máu thịt và nhịp đập con tim. Khi ta được chứng kiến một điều gì khiến bản thân rung động, những sợi dây cảm xúc sẽ xoắn vặn vào nhau khiến nhịp tim đập nhanh hơn.
Giống như các tác phẩm khác trong triển lãm, Rung động cũng là một tác phẩm khá khó định hình nếu không có tiêu đề kèm theo. Mình cố gắng quy giản hình ảnh và cảm xúc được gợi ra khi trông thấy bức này và sắp xếp được một giải thích như trên.
Bên trái: Hố sâu
Khi mới nhìn qua, mình đã lầm tưởng bức tranh vẽ những con quạ đang bay lên từ một vũng lầy.
Mà biết đâu là đúng vậy thật nhỉ?
Mình thích màu chủ đạo của bức này. So với phần lớn các bức tranh khác trong triển lãm, Không đơn độc có vẻ đơn giản hơn, nhưng cũng vì thế mà mình dễ dàng tìm được kiến giải của cá nhân với bức tranh này.
Những vạch màu trắng là vết sẹo, của người vẽ (có lẽ thế), và những người xung quanh, của bạn và của mình.
Đứng trong một thế giới mà có khi, ta cảm thấy nó tăm tối và lạnh lùng quá đỗi, ta vẫn chẳng hề đơn độc vì vẫn có nhiều những người ôm nỗi đau giống ta ở đó, và chúng ta kết nối với nhau thông qua nỗi đau.
Đây là hai trong số những bức tranh có màu mà mình thích nhất. Tiêu đề và chủ ý cũng ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu.
Lúc nhìn bức Trắng, mình liên tưởng tới một tác phẩm của nhà văn Hang Kang cũng có tên như vậy. Trắng là màu của cái chết, của hư vô, nhưng cũng có thể là màu của sự khởi sinh.
Tên tiếng Anh của tác phẩm là Butterfly. Nhóm nhạc mà mình yêu thích cũng có một bài hát tên như vậy.
Trong Rung Động, rất dễ tìm được những tác phẩm có chủ đề trái ngược được treo song song nhau như thế này.
Theo mình, đây là hai bức vẽ “cẩu thả”, nhưng ý tưởng khá tốt.
Với Nhìn, nếu ngắm kỹ bạn sẽ thấy dưới con mắt màu đỏ là các bộ phận của con người, tức là chúng ta luôn sống trong cái nhìn và sự đánh giá của kẻ khác. Dù không quan tâm hay chấp nhận nó đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể thoát khỏi cái Nhìn này.
Với Rẽ, theo mình đây là một hành trình tìm hướng đi táo bạo.
Giữa muôn vàn ngã rẽ, không tìm đường được vẽ sẵn mà tự mình kiến tạo một con đường riêng. Mình nghĩ dụng ý của bức này là như vậy.
Mình thích hiệu ứng thị giác của nền tường phía sau và màu sắc của hai bức này.
Triển lãm vẫn tiếp tục diễn ra đến ngày 19/3 này và nếu may mắn, có lẽ bạn sẽ có cơ hội gặp tác giả. Hôm mình đến thấy một bạn nữ ngồi trong phòng nhìn ra khu trưng bày nhưng ngại không tới bắt chuyện, về tìm thêm thông tin tác giả và triển lãm mới ngờ ngợ hình như đó chính là Nguyễn Mỹ Linh.
Thông tin thêm:
Triển lãm diễn ra từ ngày 28/2 - 19/3, tại VICAS Art Studio, Sảnh nhà A, VICAS, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
Vào cửa tự do.
- 3260
- 0Bình luận