logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Chuyện Ngõ Nghèo: Lợn trong chuồng hay người trong chuồng?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội, là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá cao như: Miền Hoang Tưởng (1990), Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006), Đội Gạo Lên Chùa (2011)... Chuyện Ngõ Nghèo được ông cho ra mắt năm 2016. Đến năm 2018, tiểu thuyết này đoạt giải Sách hay và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà Văn Hà Nội.

Với Chuyện Ngõ Nghèo, Nguyễn Xuân Khánh đã thẳng tay cắt một lát hiện thực để kể câu chuyện quá khứ, cảnh tỉnh cho hiện tại và đưa ra lời cảnh báo với tương lai về “tính người” và “chất lợn” trong con người. Đây không đơn giản chỉ là câu chuyện nuôi lợn, mà còn là câu chuyện làm sao để con người có thể giữ vững đạo đức và phẩm giá của mình trước sự chi phối của hoàn cảnh (sự đói nghèo) mà không bị tha hoá về mặt nhân cách. 

“Cuối những năm 70, đầu những năm 80, đất nước ta có một phong trào rất rầm rộ, đó là phong trào nuôi lợn. Thiếu gạo, thiếu lương thực, nên cả đến trong giấc mơ con người cũng nghĩ đến ăn. Đó là phong trào tự cứu lấy mình.”
Chuyện Ngõ Nghèo - Nguyễn Xuân Khánh

Cuốn sách được kể dưới dạng nhật ký của một nhà báo tên là Nguyễn Hoàng, bắt đầu với sự kiện ông mua được chú Lợn Bò – con lợn mà ông nghĩ sẽ là một yếu tố quan trọng để giúp nhà ông thoát được cảnh bữa no bữa đói. Cũng như nhiều người khác trong ngõ nghèo, ông Hoàng say sưa với việc nuôi lợn và quan sát chúng từng ngày. Thời điểm ấy, lợn không chỉ là vật nuôi, mà còn là hi vọng, là lời hứa hẹn mà người ta tự đặt ra cho bản thân mình rằng chỉ cần nuôi chúng khỏe mạnh và béo mẫm, ngày mai của họ sẽ trở nên tốt hơn. Mà không chỉ riêng ông Hoàng, bạn bè ông cũng say mê nuôi lợn, thi nhau làm kinh tế. Thế rồi không biết từ bao giờ, những con lợn lại có đặc quyền hơn cả con người: Đồ ngon để lợn, để nuôi tương lai, còn phần thứ thì để người ăn, nhẫn nhịn chờ những “tương lai” trưởng thành. Rồi thì người ta cãi nhau cũng vì lợn, đau đớn cũng vì lợn, rồi bị ám ảnh cũng vì lợn… 

Có lẽ chính vì lý do này nên ban đầu tiểu thuyết mới có tên là Trư Cuồng (Cơn Cuồng Lợn). Nhà nghèo, dần cạn tiền và gạo, ông Hoàng phải cầm cố, bán bớt vật dụng trong nhà đi, thậm chí bán cả tri thức – những cuốn sách của các đại văn hào với giá rẻ bèo để lấy tiền nuôi lợn và nuôi mình. Sức mạnh của kinh tế thật khủng khiếp, nó có thể nghiền ép mọi thứ. Nếu ở đầu tác phẩm, mình thấy con Lợn Bò ngộ nghĩnh, hay hay bao nhiêu - “Chú lợn này chỉ nhỉnh hơn cái phích lít rưỡi một chút. [...] Mắt nó như thơ dại, ngơ ngác như mắt bò, đôi mắt có vẻ đần đần, nhưng đẹp”, thì càng về sau mình càng thấy sợ nó bấy nhiêu. Cảnh đàn lợn ăn thức ăn được đổi bằng những cuốn sách quý mới thật là đáng sợ, và lời nói của con ông Hoàng khiến mình rợn người, “Con thấy chú Lợn Bò chỉ thích ăn sách của bố thôi. Có lẽ lũ lợn thích nhất ăn thịt các nhà văn bố ạ.”

Và rồi càng đi sâu vào cuốn tiểu thuyết, mình càng thấy mọi thứ như quay cuồng, mất kiểm soát. Con Lợn Bò tưởng như nhút nhát, thơ ngây hoá ra cũng là một kẻ ranh ma, biết nhẫn nhịn chờ thời. Ông Nguyễn Hoàng tưởng như chính trực mà cuối cùng lại vì cái nghèo mà nuôi thứ bèo “vứt đi” để bán lấy tiền. Con vật huyền thoại trong tác phẩm chẳng phải người, mà chính là lợn. Theo sự di chuyển của ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh, những dấu hiệu của một xã hội “không ổn” manh nha ở đầu tác phẩm rốt cuộc cũng lộ diện.

“Ta hãy sống như con lợn ỉ… Hãy chỉ biết ăn – Ăn toàn bèo cũng được. Cứ ăn cho đến lúc bụng ta to bằng cái thúng, và thế là cảm giác no nê, thỏa mãn, hạnh phúc sẽ đến. Tuyệt đối chớ nên suy nghĩ, vì suy nghĩ là mầm tai ương… Đấy, lý thuyết sống bây giờ là thế.”

Mượn xã hội lợn để trỏ tới xã hội người, Nguyễn Xuân Khánh chỉ ra một sự thật, mà có lẽ thật kinh hoàng, rằng trong con người luôn tồn tại “chất lợn”, và xã hội của những con vật đó xem ra cũng có nhiều điểm tương đồng với xã hội người chúng ta lắm. Kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu (ngày ông Hoàng mới mua con Lợn Bò về, nó bị bắt nạt và không được ăn no), kẻ bị đàn áp quá rồi cuối cùng cũng sẽ vùng dậy giành quyền kiểm soát (về sau con Lợn Bò đã hạ đo ván những con lợn còn lại và thành vương tướng của chuồng lợn). Nhưng hơn cả, dưới ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh, những con lợn ấy trở thành một ẩn dụ ma quái và đầy đắng cay. Lợn trở thành trung tâm của cơn cuồng – Poócxinômani (trư cuồng). Nó vừa hiện thân cho kinh tế mà con người phải nai lưng ra phục dịch, vừa đại diện cho viễn cảnh u tối với giả thiết nếu không suy nghĩ, mà chỉ biết ăn, tiếp nhận những cái mà kẻ khác đưa cho ta thì sẽ ra sao?

Từ phần 1 (Nhật ký lợn) đến phần 2 (Hành trình về Hỗn Mang), Nguyễn Xuân Khánh kín đáo bày tỏ quan điểm về những khía cạnh bất toàn của một nền kinh tế - chính trị “trong mơ”, khi mà kẻ nắm quyền có thể điều hướng và kiểm soát cuộc sống của người dân, ngay cả cảm xúc, thì con người sẽ sống không khác gì những chú lợn trong chuồng. Và cái viễn cảnh mà rồi một ngày kia, con người chỉ cảm nhận được niềm vui thì có thật sự tốt không? Nếu như thiếu đi nước mắt và nỗi đau, liệu cuộc sống có trở nên vẹn toàn? Làm thế nào để các giá trị đạo đức không bị mất đi giữa thời buổi rối ren? 

“Mọi triết lý đều từ chuồng lợn mà ra”. Đã có lúc mình chợt nghĩ vậy khi đọc Chuyện Ngõ Nghèo. Với lối viết hài hước mà cay đắng, Nguyễn Xuân Khánh viết câu chuyện này rất giản dị, nhưng trong sự giản dị ấy lại chứa nhiều điều khiến người đọc phải suy ngẫm. Với mình, Chuyện Ngõ Nghèo là một tác phẩm hay, và đây là một trong những cuốn sách văn học Việt Nam mà mình luôn sẵn sàng đề xuất bạn đọc.

Đánh giá: 5/5

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
844
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)