logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Khám phá không khí linh thiêng của làng Việt cổ trong "Thuốc Mê" của Thâm Tâm

Biết đến Thâm Tâm từ Tống Biệt Hành, mình thường nghĩ về Thâm Tâm với những cảm xúc tha thiết, rung động về một buổi chiều hoàng hôn, với “ngây thơ đôi mắt biếc”, với “mây thu đầu núi”, với chiếc khăn tay “gói tròn thương nhớ”, với những quyến luyến nên thơ của thiên nhiên con người khi tiễn biệt nhau. 

Nhưng trong Thuốc Mê, mình đã gặp được một Thâm Tâm khác hẳn. Với cuốn tiểu thuyết này, Thâm Tâm viết về thứ hủ tục kì dị, nhiều kịch tính đan xen với những mâu thuẫn đời thường. Đọc Thuốc Mê, ta thấy một Thâm Tâm đã vơi đi phần nào sự tha thiết nên thơ giữa người với người trong Tống Biệt Hành. Ông dùng ngòi bút của mình mở ra không khí làng xã cổ xưa mà ở đó, có những yêu ghét, đấu tranh đan xen của các bậc quân tử, có sự lả lơi quyến rũ của người thiếu nữ khiến bao kẻ chết mê. 

“Cách chợ Bái già nửa ngày đường, về phương Nam, có một cái làng hẻo lánh kia gọi là Lữ Xá. Đất Lữ Xá ném đá giấu tay, thiên hạ vốn vẫn khiếp cái tiếng ấy.”
Thuốc mê - Thâm Tâm

Thứ hủ tục mà Thâm Tâm viết, ấy là cái tục bỏ thuốc của Lữ Xá. Khi đã đủ tuổi, gái kẻ Lữ sẽ mang theo thuốc mê mà quẩy gánh rời khỏi làng trong hai mươi lăm ngày, tìm và bỏ thuốc một chàng trai nào đó trong thiên hạ, để người ta khổ sở, liều chết vì ái tình. Khi chuyện đã thành, cô gái sẽ quẩy gánh quay về làng như đã hoàn thành một chiến tích, để được công nhận là người Lữ Xá, để được tiếp tục sinh sống và lấy chồng ở làng. Cái tiếng “ném đá giấu tay” của kẻ Lữ ra đời cũng vì thế.

Thuốc Mê thu hút mình bởi không khí làng xã. Cái hơi thở linh thiêng cổ xưa và không gian của làng Việt cổ khiến mình có cảm giác như được quay ngược về quá khứ mà đắm mình trong một giai đoạn lịch sử đã qua, và cũng chính trong không khí ấy, Thuốc Mê lại càng mang vẻ bí ẩn thú vị. Đó là cảnh làng quê Bắc bộ với những đình làng, với chợ, với những cô hàng xén, những gánh hàng thô sơ, những thức quà quê dân dã. Và những bậc quân tử qua ngòi bút của Thâm Tâm không chỉ mang vẻ đạo mạo như ta vẫn hay tưởng tượng, mà họ cũng có những màn đối đáp trịnh trọng, văn vẻ nhưng cũng không kém phần xéo xắt, chủ yếu sinh ra vì một cô gái Lữ Xá - ấy là cô hàng xén tên Tý. 

Tình yêu trong Thuốc Mê là một thứ tình yêu lạ lùng. Nó không sinh ra từ hai người thương nhau tâm đầu ý hợp, mà bởi một liều thuốc mê Tý tiêm vào miếng trầu vàng. Liều thuốc ấy đã khiến chàng thư sinh tên Giáp mê mệt đến mất lý trí, gây ra bao muộn phiền cho người thân bạn bè, thậm chí trở thành một kẻ bội ước hèn nhát. Mà với một kẻ quân tử, bội ước há chẳng phải chuyện nhục nhã hơn cả chết sao? Thế mới biết thứ thuốc của gái kẻ Lữ mạnh đến mức nào. Mà không chỉ thuốc mê, cái quyến rũ lẳng lơ ở Tý cũng khiến các chàng trai mê mệt. Đó không phải sự lẳng lơ thiếu tế nhị, mà là một sự quyến rũ rất ý nhị và đầy toan tính. Đến mình là người đọc còn bị Tý cuốn hút bởi cách nói chuyện ngọt xớt, giỏi đưa đẩy mà mình thường thấy trong những câu ca dao tình yêu về trai gái nữa là. 

Hủ tục bỏ bùa mê thuốc lú này giam cầm khát vọng yêu và quyền tự chủ của tất cả những thiếu nữ sinh ra tại Lữ Xá, biến tình yêu thành một công cụ, thậm chí là một trách nhiệm để được sống, được công nhận. Bởi nếu gái kẻ Lữ thất bại trong việc bỏ bùa mê hay bị thất thân, “Gái kẻ Lữ phải làm cho thiên hạ yêu, nhưng không được mất trinh tiết vì đàn ông thiên hạ”, làng sẽ cử một chàng trai đi tìm cho kì được để giết người con gái ấy. 

Đặc điểm nửa kín nửa hở của làng xã Việt lại càng khiến câu chuyện liên quan đến đất Lữ Xá trở nên nguy hiểm, bí ẩn hơn. Họ có sự móc nối tin tức từ làng này qua làng khác, đồng thời cũng mù mờ về không gian bản thân không thuộc về. Nó mang một phong vị rất khác với cảm quan thường thấy về sự bình yên, chan hòa của làng xã Việt. Mình thực sự bị thu hút bởi không khí truyện. Còn tình yêu của Tý, Giáp cùng vị hôn phu thì mình không thích thú cho lắm, có lẽ là vì khoảng cách của thời gian và sự thay đổi văn hoá.

Nhưng không thể phủ nhận, Thâm Tâm viết về số phận bị giam cầm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến theo cách rất đặc biệt. Ông tròng vào Tý thứ vòng vây của hủ tục lạc hậu, buộc cô phải tuân theo, rồi đồng thời cũng cho Tý cái quyền lựa chọn, định đoạt mạng sống của người khác. Nhưng ấy là thứ quyền lực rất eo hẹp và cũng chỉ do hủ tục ấy trao cho. Chính vì thế, mình nghĩ rằng không chỉ thuốc mê là thứ công cụ bảo vệ quyền lực, mà đồng thời, cả gái kẻ Lữ cũng bị người làng coi là công cụ để duy trì hủ tục này vậy.

Tựu trung, đây là cuốn sách rất mỏng với dung lượng chỉ chừng 100 trang, nhưng mang diện mạo rất khác của một Thâm Tâm mình từng biết. Ngôn ngữ truyện mang đậm dấu ấn của một thời phong kiến đã qua, nhưng cũng không quá xa lạ nên khá dễ tiếp cận. 

Fun fact nho nhỏ: bìa Thuốc Mê do Tao Đàn phát hành là tranh do chính Thâm Tâm vẽ. Nhìn qua thì có vẻ yên bình và hơi tối tăm một chút thôi, nhưng đọc rồi mới biết li kỳ và thú vị thế nào. 

Đánh giá cá nhân: 3.5/5

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
922
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)