logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

"Một Trăm Cái Bóng" hay những cuộc đời bị lãng quên?

“Nên tôi đã luôn ước rằng

Giá như

Thế gian bớt khắc nghiệt với họ một chút

Thì tốt biết bao

Nhưng thế gian này

Ngay từ thuở ban sơ

Đã luôn như vậy

Chẳng tồn tại thứ gì không bạo tàn, không khắc nghiệt.”

-

Lấy bối cảnh một trung tâm thương mại xập xệ, đứng bên rìa sự phát triển đang không ngừng vươn lên của các đô thị, Một Trăm Cái Bóng cho ta thấy những bế tắc, lo âu của kiếp người vẫn luôn tồn tại dù các toà nhà có ngày một mọc cao đến đâu, dù xã hội có trở nên hiện đại thế nào đi chăng nữa. Trong suốt mười ba năm cầm bút, nhà văn Hwang Jung-eun “chưa bao giờ ngần ngại tiến tới những ngưỡng huyền ảo khó ngờ nhất để khắc hoạ một hiện thực chân thực, tàn khốc nhất của xã hội Hàn Quốc hiện đại”, và Một Trăm Cái Bóng là một tiểu thuyết mà ở đó, ta sẽ thấy một hình ảnh phi thực trở nên siêu thực: Sự sống dậy của cái bóng.

Ngay từ những trang viết đầu tiên, Hwang Jung-eun đã viết về sự sống dậy của cái bóng như một điều hợp tình hợp lí, giống như khi ta nói về sự xuất hiện của một cơn mưa vậy. Cô không cố gắng giải thích hay để độc giả thích nghi trước với hình ảnh này, mà dùng những mẩu chuyện truyền tai về cái bóng để dẫn dắt người đọc vào thế giới trong truyện. 

Một Trăm Cái Bóng có hơi thở vừa huyền bí vừa u buồn. Các đoạn hội thoại gần như được diễn xuôi hoàn toàn, nên càng mang cho mình cảm giác như đang tự thầm thì, như những cuộc trò chuyện không cần cất tiếng, như là cuộc trò chuyện của những cái bóng vậy. Và những cuộc trò chuyện ấy nói về điều gì?

Đó là câu chuyện về một người bố phải nai lưng ra trả nợ cho gia đình. Đến một ngày ông không thể chịu đựng được nữa, cái bóng sống dậy.

Đó là một người vợ vừa mất chồng, sau những ngày tháng buồn đau, cái bóng của bà sống dậy.

Đó là một người bố hết lòng hết dạ vì con cái, nhưng rồi khi sang nước ngoài thăm con, ông chẳng thấy được gì ngoài sự lạc lõng và bị hắt hủi. Cái bóng của ông sống dậy.

Một khi cái bóng sống dậy, tức là chủ thể đã không thể chịu được nữa. Tức là trong một giây vô thức, ta đã đi theo cái bóng, rồi cái bóng lại bám theo ta, tước đi cuộc sống vốn là của ta. Ta trở nên lặng câm, hoán đổi cuộc đời cho cái bóng vẫn luôn đi theo mình. 

Và câu chuyện về cái bóng sống dậy cũng xảy ra với những người trẻ như Eun Gyo và Mu Jae. Cái bóng của Eun Gyo đã sống dậy khi cô đang đi lạc trong rừng. Chỉ cần lơ là đi theo cái bóng một chút thôi, bản thể của ta sẽ dần trở nên mờ nhoà y như nó, và nó thì ngày càng đậm đặc hơn, trở thành một “ta” khác, thế chỗ ta trên thế gian này.

Với cách kể diễn xuôi như mô tả một đêm đen lặng gió, cái sự bất lực của thân phận người mà Hwang Jung-eun viết, đôi khi cũng khiến mình cảm thấy bức bối. Cuốn sách này chứa đựng rất nhiều nỗi buồn, từ nỗi buồn bị lãng quên, đẩy ra rìa sự phát triển của các đô thị; đến nỗi buồn không thể giữ mãi những cảnh quan trong quá khứ, đến cả nỗi buồn lạc lõng của tuổi trẻ… 

Cái bóng mà Hwang Jung-eun viết ấy, chính là kết quả cuối cùng của sự tuyệt vọng. Vậy làm sao để con người không rơi vào hố đen sâu thẳm mãi mãi chẳng thể thoát ra? Có lẽ câu trả lời duy nhất là hãy luôn hi vọng. Bởi trong đêm đen, chỉ cần ánh sáng từ một que diêm thôi cũng đủ khiến ta tỉnh táo hơn. Đôi lúc mình tự hỏi, nếu cái bóng không bị coi là một mối đe doạ, mà là một sự giải thoát thì sao? Nếu những con người ấy không khát khao sống mà chỉ muốn buông xuôi, để cái bóng thay thế mình, trở thành một con người vô hồn không còn quan tâm đến sự sống và gánh nặng cơm áo gạo tiền thì sao? Nếu họ coi sự sống dậy của cái bóng là một đặc ân để giải thoát mình khỏi thân phận bị lưu đày trên thế gian thì sao?

Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận đánh mất niềm tin, và sau đó là từ bỏ bản thân thì sao?

Nhưng sao mình lại quên mất những câu nói cảnh báo của người lớn với Eun Gyo rằng “Đừng đi theo cái bóng” nhỉ? Dù họ vẫn sống trong vùng “lãng quên” của sự phát triển đô thị, nhưng đối với họ thì cuộc sống vẫn đáng sống. Và những người thân của họ bị cái bóng nuốt chửng cũng vì cố gắng để sống, để tìm sự yên bình. Thật là tàn khốc, mà cũng thật bi tráng làm sao.

Rồi Eun Gyo và Mu Jae, với những nhẹ nhàng lặng im dành cho nhau, đã thắp lên một niềm hi vọng lấp lánh trong những trang sách lặng im u ám. Chẳng điều gì kì diệu hơn một sự kết nối giữa người với người. Sao mình lại quên mất điều ấy nhỉ? Eun Gyo đã lỡ đi theo cái bóng ngay từ đầu sách, ấy vậy mà cô vẫn không bị nó nuốt chửng. Chẳng phải vì Mu Jae đã ở bên cô và nhắc nhở cô về chuyện cái bóng hay sao? Và kể những câu chuyện xua tan sự im lặng tĩnh mịch của rừng cây mà họ đang đi lạc nữa.Và họ còn hát nữa. Mu Jae rất thích hát. Mình thấy điều này thật dễ thương, khi mà đôi lúc Eun Gyo bị hoảng loạn, hoặc quá buồn chán, anh lại hỏi cô: “Hát một bài nhé?”

Nếu cái bóng lợi dụng khi người ta kiệt sức để chiếm đoạt sự sống, thì Mu Jae đã dùng giọng nói của mình, như một sợi dây, giữ Eun Gyo lại thế gian này. Thế gian mà có thể đôi khi chỉ toàn những âu lo và bóng tối, nhưng chỉ cần ta vẫn đứng vững, hoặc dựa vào ai đó, ta vẫn sẽ đi được đến ngày mai.  

Một Trăm Cái Bóng không chỉ là một bản trần thuật về sự khắc nghiệt của hiện thực Hàn Quốc đương đại, mà nhiều hơn, là một phương thức để Hwang Jung-eun gửi gắm niềm tin và tình yêu thương đến tất cả mọi người trên thế gian, như cô đã viết ở cuối sách:

“Chỉ là tôi

Muốn thắp một ngọn nến nguyện cầu

Mong họ tìm thấy niềm an ủi từ những thứ bên mình

Chỉ là tôi

Muốn khơi thêm chút ấm áp mà thôi

Mong sao

Bước đi trên con đường đêm ấy

Hai người họ sẽ gặp được ai đó

Cầu chúc mọi người luôn khoẻ mạnh

Và mạnh khoẻ.”  

Một Trăm Cái Bóng có dung lượng ngắn và dễ đọc bởi ngôn từ giản dị gần gũi, với hình ảnh bóng xuyên suốt rất sáng tạo. Một cuốn sách u tối, nhưng vẫn loé lên những niềm tin và hi vọng lấp lánh như sao trời về con người.

Đánh giá cá nhân: 3.5/5.

  • 2393
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
484
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)