logo-maybe-vn
Mở app

Truyền thuyết về Amabie, nàng tiên cá xưa nay là “meme” mùa Covid tại xứ Phù Tang

Ở nước Nhật vào thời kỳ Covid hoành hành thì người dân ở đây đã lan rộng trào lưu với hashtag #AMABIEchallenge. Trào lưu này xuất hiện từ hồi đầu tháng 3/2020, với hoạt động chia sẻ hình vẽ Amabie, một sinh vật huyền bí trong thần thoại xứ hoa anh đào trên mạng xã hội.

Người Nhật tin rằng bức vẽ về yokai (yêu quái) này sẽ là "lá bùa" giúp họ tránh được dịch bệnh. Sau đó Amabie trở thành một “meme” mới rất được ưa chuộng và xuất hiện khắp mọi nơi từ khẩu trang, nước rửa tay sát trùng đến bánh quy, sushi,... Dường như mọi hàng hóa đều có hình Amabie.

Theo truyền thuyết dân gian, Amabie là một yokai, thuộc loại Ningyo (người cá). Câu chuyện về sinh vật kỳ bí này lần đầu được ghi nhận vào thời kỳ Edo, khoảng tháng 3 năm Koka thứ 3 (tức là tháng 5 năm 1846 theo lịch hiện đại), ở bờ biển tỉnh Higo (nay là tỉnh Kumamoto).

Chuyện xưa kể lại rằng có một viên quan nọ lúc đi tuần tra thì trông thấy một luồng sáng xanh đột ngột lóe lên trên biển đen. Ông ta thấy lạ nên đi thuyền lại gần và phát hiện ra một sinh vật đang phát sáng với vảy cá màu xanh lục, mái tóc dài, chiếc mỏ khoằm và thân dưới thì có ba chân tựa ba cái đuôi cá trồi lên khỏi mặt biển.

Sinh vật đó cất giọng nói như giọng khỉ và giới thiệu nó là Amabie, đến từ đại dương. Nó đưa ra lời tiên tri rằng nước Nhật sẽ được mùa màng bội thu trong sáu năm kế tiếp nhưng một đại dịch tàn phá tất cả sẽ diễn ra sau đó, để tránh kiếp nạn người dân phải khắc hình nó. Nói xong thì Amabie lặn xuống biển sâu và biến mất.

Câu chuyện này được đưa tin trong Kawaraban. Cũng kể từ đó, hình ảnh của sinh vật huyền bí này được vẽ, điêu khắc, xuất hiện trên các văn bản ghi chép cổ và nhanh chóng lan truyền khắp nước Nhật. Truyện về nó cũng được dân gian lưu truyền, đồn thổi mọi nơi.

Người dân cho rằng nguồn gốc cái tên Amabie là từ được ghép bởi chữ “尼 - Ama” (ni cô)  hoặc “海女 - Ama” (nữ thợ lặn) với “Bie” - một từ địa phương của Higo chỉ loài cá. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng vốn dĩ tên của loài yêu này là Amabiko nhưng bị viết nhầm thành Amabie. 

Amabie được biết đến rộng rãi nhất nhưng có rất nhiều biến thể về truyền thuyết sinh vật này. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Yamato Koichi đã xác định được bảy biến thể của Amabie, còn chuyên gia tâm linh Nagano Eishun thì thông báo tìm được 9 phiên bản. 

Dưới đây là một số biến thể tương tự:

Amabiko

Đây là yokai xuất hiện ở Echigo, nay là tỉnh Nigata, vào năm Tempo 15 (1844). Nó có ba chân mọc ra từ đầu, lông bao phủ toàn bộ cơ thể với khuôn mặt có đôi mắt tròn, miệng nhô ra và tai giống con người. Nó đã tiên tri rằng 70% dân số Nhật Bản sẽ qua đời vì đại dịch nếu không khắc hay vẽ chân dung của nó.

Còn có phiên bản Amabiko khác với ngoại hình giống vượn, xuất hiện trong một bức tranh thuộc quyền sở hữu của Kōichi Yumoto, tỉnh Higo. Yokai này phát ra tiếng vượn hú vào ban đêm và di chuyển bằng bốn chân.

Amahiko no Mikoto

Phiên bản này đến từ Yuwaza ở quận Nigata và từng xuất hiện trên tờ báo Tokyo Nichi-Nichi vào năm Meiji 8 (1875). Sinh vật này được cho là đã xuất hiện trên một cánh đồng lúa với vẻ ngoài giống như búp bê daruma có bốn chân. 

Arie

Năm 1876, tờ báo Yamanishi Nichi-Nichi đã đưa tin về một phiên bản tương tự của câu chuyện của Amabie với sinh vật có tên Arie. Nó được cho là đã xuất hiện và đưa ra lời dự đoán ở Kumamoto. Tuy nhiên vào thời điểm đó, người dân cho rằng đây là một trò lừa bịp của báo chí.

Ngày nay, hình ảnh Amabie xuất hiện như một biểu tượng văn hóa để mọi người cầu nguyện, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong tình hình dịch bệnh. Amabie cũng được cho là gắn kết cũng như thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của mọi người trên mạng xã hội trong thời điểm cách ly khi Covid “xâm chiếm” tại Nhật.

Nguồn tham khảo: hyakumonogatari

  • 2599
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1684

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)