logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Người Chuyển Tàu - Một nhà cựu quý tộc, một Đảng viên gương mẫu, một người bạn đáng mến hay một tay lừa đảo thành thần?

Christopher Isherwood (1904 – 1986) tên đầy đủ là Christopher William Bradshaw-Isherwood, là một nhà văn nhà viết kịch người Anh – Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm viết về Berlin những năm 1930. Ngoài ra, ông cùng với bạn đời Don Bachardy còn được biết đến trong việc tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ quyền của người đồng tính.

Tác giả Christopher Isherwood
Tác giả Christopher Isherwood

Người Chuyển Tàu (1935) và Từ Biệt Berlin (1939) là hai tác phẩm nổi tiếng ông viết về sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã, dựa trên góc nhìn của chính ông trong thời điểm 1929 đến 1933 khi  đang sống ở Berlin. Sau này cả hai đã trở thành nguồn cảm hứng cho vở kịch I Am A Camera (1951) và vở nhạc kịch Cabaret (1966).

Ngay từ những dòng giới thiệu đầu tiên, Người Chuyển Tàu đã gợi lên cho mình sự kì vọng về một câu chuyện thú vị, kịch tính pha chút hài hước, và mình đã không sai khi đặt niềm tin vào ngòi bút của Christopher Isherwood.

“Với NGƯỜI CHUYỂN TÀU, ngòi bút của nhà văn đã hóa thành dao trổ, Christopher Isherwood như một điêu khắc gia thuần thành giới thiệu với công chúng pho ngẫu tượng độc đáo bậc nhất trong bộ sưu tập nhân vật văn chương - ngài Arthur Norris: một Đảng viên cánh tả có nết khổ dâm; lịch lãm phong lưu nhưng lại là một tay lừa đảo thành thần; nợ nần chồng chất nhưng lại rất ưa hưởng thụ xa hoa...”

Tên tiếng Anh của quyển sách này là Mr Norris Changes Trains, so với tên tiếng Việt thì rất dễ để biết đối tượng chính trong câu chuyện này là ai. Người kể chuyện là một nhà giáo trẻ người Anh – William Bradshaw, vô tình gặp Arthur Norris trong chuyến tàu đến Berlin và sau đó trở thành bạn thân (về bề ngoài là thế). Bất chấp lời cảnh báo từ hai người bạn, William vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với Arthur “tội nghiệp” để sau đó rơi vào những tình huống dở khóc dở cười.

Ấn tượng đầu tiên của mình về Arthur Norris là một người đàn ông trung niên nhìn có vẻ giàu có, dễ hoảng sợ và luôn có vẻ bất an với người lạ. Ông mời William đến những nhà hàng đắt đỏ, tổ chức các bữa tiệc hào phóng, giới thiệu cậu làm quen với những người bạn kì lạ của ông ta. Nhưng sự giàu có của ngài Norris có thật không? Khi mà lúc nào ông ta cũng nơm nớp lo lắng về những kẻ đòi nợ xuất hiện bất ngờ và cả thái độ cau có kì lạ của tay thư ký riêng mỗi khi nhắc đến chuyện tiền nong.

“Arthur tội nghiệp! Hiếm khi tôi gặp ai thần kinh yếu ớt dường ấy. Có lúc, tôi bắt đầu tin rằng ông hẳn phải đang chịu chứng phức cảm ngược đãi thể nhẹ. Tôi có thể nhìn ra điều đó ở ông bởi ông thường ngồi đợi tôi ở góc kín đáo nhất trong nhà hàng ưa thích của cả hai, chán nản, vô định, bất an, hai bàn tay chồng lên nhau lãnh đạm trong lòng đầu nghiêng gượng gạo vẻ nghe ngóng, tựa hồ như ông lo sợ sẽ bị giật mình bởi một tiếng nổ lớn bất cứ lúc nào.”

Mình thích cách Isherwood xây dựng thái độ của William và duy trì nó đến hết câu chuyện. Đối với William, cậu luôn coi Arthur là một người bạn nhưng tuyệt nhiên không quá tin vào tình bạn đó. Đặc biệt là từ những buổi hẹn “vô tình trùng hợp” mà ông đã sắp xếp để Nam tước Pregnitz gặp được cậu. Tiết lộ một chút rằng vị Nam tước này cũng có một vài sở thích “đặc biệt” với các chàng trai xinh xắn tươi trẻ (còn có gì thú vị hơn không thì mình xin phép không spoil nhé).

William đóng vai trò như một người quan sát những sự kiện diễn ra xung quanh Arthur. Với đủ thứ chiêu trò ma mãnh của ông ta, đôi lúc cậu vô tình bị kéo vào chúng nhưng luôn kịp thời rút chân ra. Thật may vì Isherwood để cho William còn giữ được một cái đầu lạnh, chứ không thì chắc mình phải nghỉ đọc từ giữa cuốn sách mất.

“Như phép thử cuối cùng, tôi cố gắng nhìn vào mắt Arthur. Nhưng không, quy trình bấy lâu được kiểm chứng này đã không còn hiệu quả. Ở đây không có cửa sổ tâm hồn nào cả. Chúng chỉ đơn thuần là một phần trên gương mặt ông, những viên thạch màu xanh nhạt, giống như những con sứa biển bám trên khe nứt của tảng đá. Chẳng có gì để chú ý; không lấp lánh, không ánh sáng nội tại.”

Nếu phải so ra thì mình thấy Arthur giống một “con lươn” trơn tuột không tài nào bắt được, một cọng cỏ mềm sẵn sàng rạp về bất cứ phía nào theo chiều gió. Ông ta luôn có cách xoay sở để tránh đầu này né đầu khác mỗi khi có chuyện xảy ra. Một người luôn chân lên xuống các chuyến tàu để trốn khỏi rắc rối từ chính những mánh khóe của mình, dẫu luôn trong trạng thái bất an lo sợ nhưng bằng cách nào đó mà phương pháp này của Arthur rất hiệu quả (tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể trốn được). Một nhân vật tất nhiên không thể được gọi là người đàng hoàng nhưng thực sự là một kẻ khá thông minh.

Thêm một điểm cộng mà mình rất thích trong quyển này đó là bầu không khí nóng dần của thành Berlin. Những thay đổi rõ rệt theo từng ngày dưới góc nhìn của William, từ tình thế cân bằng đến lúc ưu thế thiên về phe Quốc trưởng Hitler, từ những ngày văn phòng anh em cộng sản còn tấp nập đến ngày họ lần lượt rơi vào vòng lao lý. Không khí Berlin càng dồn dập thì tiết tấu các câu chuyện liên quan đến Arthur Norris càng nhanh, hay nói cách khác thì với mình càng về sau Người Chuyển Tàu càng kịch tính hơn.

Tay thư ký cau có của Norris cũng là một nhân vật khó hiểu, những hành động của anh ta luôn làm mình thấy bất ngờ. Và còn nhiều điều đáng để ngẫm nghĩ nữa với một tác phẩm đặc sắc như Người Chuyển Tàu, khi mỗi nhân vật là một mảng màu riêng biệt giữa bức tranh Berlin loạn lạc. Với mình đây là một khởi đầu tốt với Christopher Isherwood, có lẽ mình sẽ tiếp tục thử với Từ Biệt Berlin hoặc Một Con Người.

Đánh giá cá nhân: 4.5/5

Hoàng Linh

  • 2929
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
970
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)