logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Nói về những kẻ cô đơn trong thế giới văn chương: Nếu cô độc là một ngọn núi thì ai là người ở đỉnh núi, ai ở chân núi và ai ở giữa lưng chừng?

“Ừ, hỏi làm gì? Đời là ngộ nhận triền miên. Người làm gì biết được. Mỗi người là một vạn lý trường thành, chắn lại hết giao thông. Người làm gì hiểu được ta.”

Hình tượng những nhân vật cô đơn trong văn chương hẳn là không hiếm thấy. Câu chuyện dài hay ngắn luôn có ít nhất một kẻ lẻ loi, chẳng mấy khi ta thấy tất cả các nhân vật đều có đôi có cặp. Mình rất thích đọc về các nhân vật được khắc họa với hình ảnh luôn đứng một mình, có lẽ vì họ luôn mang lại cho mình ấn tượng sâu sắc hơn những tuýp nhân vật khác.

Trong số những nhân vật từng bước qua tâm trí mình, ba người để lại bóng hình lẻ loi nhất có lẽ là: chàng quân nhân giải ngũ Olivier (Bãi Hoang), chàng trai trẻ Oba Yozo (Nhân Gian Thất Cách) và ông quản gia Stevens (Tàn Ngày Để Lại). Mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng và dưới đây là chia sẻ dưới góc nhìn riêng của mình, không có ý áp đặt lên bất kỳ nhân vật hay tác giả nào. 

Olivier - Một kẻ ích kỉ không biết tự thương mình

“Lòng người luân lưu thay đổi như những cây dương xỉ vàng sẫm, như hoa bát tiên chóng tàn, như những ngày xế bóng thoi đưa, như những con ong khô chết.”

La Côte Sauvage (Bãi Hoang) là tác phẩm duy nhất của Jean-René Huguenin, một nhà văn nhà báo tài năng đã lựa chọn kết thúc cuộc đời ở tuổi hai mươi sáu. Đây không phải là một cuốn sách để nói đến, mà là để đọc, im lặng và cảm nhận cõi mênh mông sầu muộn của Olivier. Vậy nên mình sẽ không nhắc nhiều về nội dung quyển sách mà chỉ nói về anh chàng Olivier cô độc của mình thôi.

Khi nói đến Olivier có lẽ không thể tránh hai từ: kiêu ngạo và ích kỉ. Anh chưa bao giờ đặt những người xung quanh ngang tầm mắt mình, cũng không có cách nào hòa nhập vào cuộc sống bình thường xung quanh. Ai cũng nghĩ Olivier là kẻ ích kỷ khi chỉ muốn mọi người làm theo ý mình, nhưng chính anh đôi khi cũng không rõ điều anh mong muốn là gì.

Đã có lúc Olivier gần như chia cắt được Anne và Pierre, kết thúc cuộc hôn nhân mang hai người anh yêu thương nhất rời xa khỏi cuộc đời anh. Nhưng sau cùng anh vẫn chọn một mình ở lại với nỗi cô đơn, ở lại bãi biển hoang nơi hai anh em từng vui vẻ và gặm nhấm sự lẻ loi từng ngày. Không phải vì lời van nài của mẹ, không phải vì sự đau khổ của Pierre và cũng chẳng phải vì sự dằn vặt của Anne, Olivier lựa chọn đứng một mình vì anh đã chấp nhận rằng đó là cách giải thoát tốt nhất cho tâm hồn anh và cho cả mọi người. 

Olivier dưới bàn tay Huguenin là nhân vật làm mình lạc lối giữa những dòng suy nghĩ muộn phiền của anh, một người bỗng dưng thấy cô đơn giữa cuộc sống bình thường, một kẻ ích kỷ không biết tự thương mình.

Oba Yozo – Tâm hồn lạc lõng không tìm được chốn dừng chân

“Cái trán bình thường, nếp nhăn trán cũng thường tình, lông mày bình thường, mắt cũng chẳng có gì đặc biệt. Mũi miệng cằm cũng vậy. A, gương mặt này hoàn toàn không có một ấn tượng nào cả, không có một nét biểu hiện nào đặc biệt. Một gương mặt hoàn toàn không hề có nét đặc trưng. Giả như tôi nhìn tấm hình này xong rồi nhắm mắt lại. Và rồi tôi nhận thấy đã quên bẵng đi mất. Mặc dù tôi có thể nhớ được bức tường nhà và chiếc lò sưởi nhỏ nhưng ấn tượng về gương mặt chủ nhân của căn phòng đó lại như bị xóa sạch đi, không thể gợi nhớ ra được một chút gì. Đó là một gương mặt không thể nào vẽ lại được.”

Dazai Osamu đã phơi bày cuộc đời mình trong quyển sách bán tự thuật, gần như là tự truyện, bằng cách kể về nhân vật Oba Yozo. Nhân Gian Thất Cách ( hay Thất Lạc Cõi Người) – “mất tư cách làm người”, cái tên nói lên bi kịch của cuộc đời chàng trai trẻ Yozo. Từ ngày có nhận thức, Yozo đã cảm thấy sự lạc lõng giữa tâm hồn mình và chốn nhân gian. Một cậu ấm lúc nào cũng phải giả vờ vui vẻ trước mặt gia đình, còn sau lưng thì lại bị gia nhân bắt nạt. Từ khi trưởng thành thì anh bắt đầu buông thả, rơi vào cuộc sống trụy lạc vì không tìm thấy mục đích của cuộc sống.

“Có nghĩa là cho đến tận bây giờ hình như tôi vẫn chưa hiểu công việc của con người là như thế nào. Và nỗi bất an rằng quan niệm về hạnh phúc của mình hoàn toàn khác với quan niệm về hạnh phúc của tất thảy nhân gian làm tôi trằn trọc, rên rỉ thậm chí phát cuồng lên từng đêm. Vậy thì, mình có thật sự hạnh phúc không nhỉ?”

Có nhiều hơn một người phụ nữ sẵn sàng hi sinh tất cả để mang lại hạnh phúc cho Yozo, nhưng anh ta không tài nào an lòng chấp nhận được. Anh luôn cho rằng mình là kẻ tội đồ, là một gánh nặng, anh luôn cảm thấy có lỗi với những người phụ nữ ấy. Vậy nên sau cùng anh chọn cách tránh xa khỏi hạnh phúc, tránh xa khỏi những người đàn bà và cam chịu sự lẻ loi đau khổ.

“Tôi bây giờ không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh.

Tất cả rồi sẽ trôi qua.

Cho đến bây giờ, trong cái địa ngục A tỳ gọi là thế giới "con người" mà tôi đã sống, thì đây là một điều duy nhất mà tôi nghĩ có vẻ là chân lý.

Đó chỉ là ‘tất cả đều sẽ trôi qua’.”

Mỗi khi nghĩ đến Yozo mình sẽ nghĩ về một cậu bé vừa đáng thương vừa đáng trách, cho dù đã trở thành người lớn thì bên trong vẫn là tâm hồn của một cậu bé nhạy cảm đầy tự ti. Yozo cũng từng cố gắng níu kéo hạnh phúc, hay đúng hơn là cố gắng thay đổi bản thân để học cách sống như một con người bình thường. Nhưng không có cách nào duy trì vỏ bọc ấy dài lâu vì sự dằn vặt trong tâm hồn Yozo chưa bao giờ ngừng lại. 

Một nhân vật mà dẫu đã cố làm cho cái lớp vỏ bên ngoài trở nên mục ruỗng thì mình cũng không tài nào ghét được, bởi bên trong lớp vỏ ấy là một tâm hồn cô độc đến đáng thương.

Stevens – Người đánh rơi hạnh phúc dọc đường

Có lẽ Stevens là nhân vật khác biệt nhất trong cả ba, vì ông chọn cách lờ đi sự cô độc của bản thân trong gần hết cuộc đời mình. Đến tận tuổi xế chiều, trong chuyến đi đầu tiên ông tự dành cho bản thân thì ông mới bắt đầu nhận ra bản thân lẻ loi như thế nào. Ông là hình mẫu quản gia chuẩn kiểu Anh nhất mà mình từng đọc – nghiêm chỉnh tuyệt đối trong công việc và hết lòng phục vụ vì lợi ích của chủ nhân. Vì theo đuổi sự nghiệp quản gia với mục đích đạt được “phẩm cách xứng hợp với chức vị tôi” mà Stevens đã dùng hết sự tận tụy của mình để phục vụ cho Huân tước Darlington. Nhưng khi Stevens hồi tưởng về sự nghiệp của mình, độc giả mới nhận ra ông đã đánh rơi bao nhiêu thứ trong cuộc đời vì lý tưởng nghe hào nhoáng ấy.

“Và ở đó bên kia sảnh, chính ngay sau cánh cửa mà mắt tôi đang đặt vào đây, chính ngay trong căn phòng tôi vừa thực thi bổn phận của mình, những vị quyền lực nhất Âu châu đang bàn thảo về số phận của cả lục địa. Vào thời điểm ấy ai còn có thể nghi ngờ rằng tôi quả thực đã tới sát cái trục lớn của vạn sự như bất kỳ quản gia nào có thể mơ ước?”

Giọng văn của Kazuo Ishiguro trong Tàn Ngày Để Lại mang một nét buồn chậm rãi, thậm chí có thể hơi dài dòng với nhiều người, gợi về quá khứ Stevens rất mực tự hào nhưng khi nhìn lại thì không kém phần chua xót. Tình thân và cả tình yêu, cả hai thứ quan trọng đều bị ông gạt sang một bên vì lòng kính nghiệp sâu sắc. Đôi khi mình thấy Stevens giống như một đứa trẻ ngây thơ đang theo đuổi ước vọng hão huyền, luôn tự tìm lý do để che đậy những nỗi đau của bản thân. 

Có một điều mình rất thích là thái độ của Stevens khi nhìn lại quá khứ, ông không nuối tiếc những điều đã qua. Vì đây là con đường ông đã chọn, nên dẫu đã đánh mất nhiều thứ trên con đường ấy thì ông cũng không hề hối hận.

“Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn?...Có ích gì khi người ta trăn trở quá nhiều rằng mình đã có thể hay chẳng thể làm gì để nắm giữ tiến trình của cuộc đời mình?"

Nếu phải so sánh cho dễ hình dung thì với mình Olivier là kẻ cô độc trên đỉnh núi, Yozo là kẻ lẻ loi dưới đáy vực, còn Stevens là người đơn độc ở lưng chừng dãy núi. Ba người với ba nỗi cô đơn riêng biệt, điểm chung duy nhất mình nhìn thấy giữa họ có lẽ là không ai trong số họ hối hận vì đã chọn làm một kẻ cô đơn. Có người xem cô độc là một món quà, có người xem nó là sự tự trừng phạt và có người chỉ đơn giản là chấp nhận nó mà thôi. 

Đôi khi đọc về những kẻ cô đơn giúp mình có góc nhìn mới về cuộc sống hiện tại của bản thân, vì họ luôn mang lại một khoảng trầm mà các nhân vật khác không có. Đọc về họ cũng giống như đang nghe một người thu mình với thế giới giãi bày tâm sự với bạn vậy, không cần bạn đồng cảm hay khuyên răn, chỉ đơn thuần lắng nghe là được.

Hoàng Linh

  • 2063
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
279
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)