logo-maybe-vn
Mở app
Cẩm Đình
Cẩm Đình2 năm trước
Reading

Lát cắt cuộc đời của những con người gắn bó với miền quê sông nước Cà Mau trong Tạp Văn Nguyễn Ngọc Tư

Đây không phải là lần đầu mình đọc văn của cô Tư, nên dường như nỗi buồn trong từng trang viết mang đậm chất Nguyễn Ngọc Tư đã không còn là điều gì quá xa lạ với bản thân mình. 

Nếu Cánh Đồng Bất Tận với mình là một nỗi buồn, nỗi ám ảnh vì số phận trớ trêu của các nhân vật trong từng câu chuyện, thì quyển tạp văn này lại là những xót xa, những thấu hiểu về vùng đất Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ quốc. 

Tạp Văn Nguyễn Ngọc Tư không phải một cuốn sách đọc vội. Vì sao mình lại nói như thế? 

Bởi lẽ rằng trong suốt quá trình đọc và cảm nhận quyển sách, đã có những lần mình có cảm giác bế tắc trong con chữ, để lật sang trang khác cũng phải nỗ lực rất nhiều. Xét về bản chất, đây chỉ là những ghi chép của cô Tư về mảnh đất quê hương nơi cô lớn lên và gắn bó. Tất cả đều chỉ là những thứ được viết nên từ thực tế, không có sự hư cấu, càng không cố gắng hoa mỹ hóa điều gì. Có lẽ nếu cứ cố đọc nhanh, điều mình nhận lại chỉ là sự choáng ngợp, mắc kẹt trong hàng tá câu chuyện về Cà Mau thân thương của Nguyễn Ngọc Tư. 

Ảnh: Netabooks
Ảnh: Netabooks

Những cuốn sách đầu tiên cho mình biết đến cô Tư đều mang theo trong nó những nỗi buồn đậm màu, đậm vị, khiến mình phải trăn trở mãi và đôi khi không kìm được nước mắt. Trái lại, sự buồn bã của quyển tạp văn này giống như một mùi hương man mác, thoáng qua, thể hiện rõ trong những câu chuyện về rạch Bộ Tời, về những vùng đất nghèo vẫn hoàn nghèo dù người nông dân vất vả, lam lũ sớm hôm.

Những gì được ghi chép lại trong quyển sách này đều bắt nguồn từ thực tế, nó khiến người ta đã đau, nay còn đau gấp trăm lần. Nếu ví cuốn sách như một bức tranh ghép hình, thì có lẽ từng mảnh ghép trong bức tranh ấy chính là những mảnh nhỏ lấy từ đời sống người dân, những con người chịu thương chịu khó, nhưng chẳng hiểu sao vẫn mãi bị cái nghèo đeo bám. 

Dường như thông qua quyển tạp văn, người ta hiểu hơn về Cà Mau, hiểu hơn về Nguyễn Ngọc Tư và những người con vẫn luôn cố gắng bám trụ trên mảnh đất ấy, không nỡ rời bỏ quê hương. Mà có lẽ những con người ấy, nếu phải rời xa thì cõi lòng vẫn luôn trông ngóng về quê hương, như cô Tư vẫn luôn trông đợi một mùa gió mang theo nỗi nhớ quê nhà.

“Ở đó, siêu thị chất đầy những dưa hấu, dưa kiệu dưa hành bánh chưng, bánh tét, liệu ở đó, có ai bán một mùa gió cho tôi?”

Mình đã từng có dịp đặt chân đến Cà Mau, nhưng có lẽ mình chưa từng hiểu về mảnh đất này. Chỉ đến khi có thể đọc những trang viết của chính người con nơi đất Mũi, mình mới chợt hiểu, chợt thương nơi này nhiều đến thế. Bởi cuộc sống của người dân nơi ấy vẫn còn lắm những khó khăn. Họ trồng lúa thì canh cánh nỗi lo mất mùa, hoặc có khi là được mùa nhưng mất giá. Họ nuôi tôm thì biết bao vụ tôm chết hàng loạt, một hi vọng đổi đời dễ dàng bị dập tắt chỉ trong sớm mai.

“Đất phèn mặn, kinh lại cạn, lấy nước ngọn của sông Gành Hào chảy qua chợ Cà Mau, vô trong này đã đầy rác, con người nhìn còn muốn bịnh nói chi tôm vốn đã ốm yếu, bịnh hoạn sẵn từ hồi bằng cây kim may tay.
Nên đầu năm chuyển dịch, người xóm mình hỏi nhau tôm bên đó có chết không, bộ tụi nó chết nữa hả. Năm nay hỏi khác, hết chết chưa.
Cảm giác cũng chai đi, hồi đó, tôm chết còn bàng hoàng, nôn ruột như con trai út của mình bệnh ngặt, bây giờ thì coi như không rồi. Vậy mới sống được.”

Nếu nói thật lòng, bản thân mình có ấn tượng với cuốn sách này hay không? Câu trả lời của mình, rất có thể sẽ là không. Bởi sự choáng ngợp đến từ việc phải đối mặt với quá nhiều những ghi chép chỉ xoay quanh cuộc sống ở Cà Mau. Và có lẽ cũng vì nỗi đau âm ỉ, vì những lời trách móc chất chứa đầy nỗi niềm. Thế nhưng dù chọn lại một lần nữa, thì có lẽ Tạp Văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn sẽ xuất hiện trên kệ sách của mình. Mình vẫn sẽ đọc, đọc để thấy thương người nông dân dù phải sống trong cảnh nghèo túng hơn nửa đời người, nhưng niềm tin và sự lạc quan vẫn luôn hiện diện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ.

Đánh giá: 8/10

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1416
Cẩm Đình
Cẩm Đình2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)