logo-maybe-vn
Mở app

Truyện Cổ Perrault: Có một Lọ Lem đi giày da sóc, còn Cô Bé Khăn Choàng Đỏ không gặp bác thợ săn

“Văn học dân gian tồn tại, lưu hành theo phương thức truyền miệng. Trong khi văn học viết được lưu giữ bằng chữ viết thì văn học dân gian lại được truyền miệng từ người này sang người khác, qua nhiều thế hệ và các địa phương khác nhau.Tác phẩm văn học dân gian ngay sau khi ra đời đã trở thành tài sản chung của tập thể. Mỗi người đều có thể tiếp nhận, sử dụng, sửa chữa, bổ sung tác phẩm văn học dân gian theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình.”
Trích Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10, tập 1.

Do được truyền miệng nên một tác phẩm văn học dân gian sẽ có nhiều dị bản khác nhau. Truyện cổ tích cũng không ngoại lệ. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp những câu chuyện cổ tích vừa quen vừa lạ.

Charles Perrault (1628 - 1703) được coi là một trong những người khởi xướng dòng văn học viết truyện cổ tích. Ông xuất thân trong một gia đình rất được trọng vọng dưới triều vua Louis XIV tại Pháp. Ông viết nhiều thể loại như thơ, tiểu luận, tiểu sử. Tác phẩm khiến tên tuổi của ông được nhiều người biết đến là tập sách gồm tám truyện thần tiên mang tên Truyện kể của mẹ Ngỗng hay Những câu chuyện thời xưa. Đây là những câu chuyện dân gian truyền miệng được ông ghi chép lại.

Năm 2017, Nhã Nam cho ra mắt Truyện cổ Perrault - Cô bé Khăn Choàng Đỏ, gồm năm truyện kể của Perrault được dịch theo bản truyện cổ Perrault nguyên gốc: Cô bé Khăn Choàng Đỏ, Nàng Lọ Lem hay là chuyện về đôi giày da sóc, Con mèo thầy hay là chuyện Mèo đi ghệt, Da Lừa, Riquet có bờm.

Mình chú ý đến quyển sách này vì hình thức chỉn chu của nó: bìa cứng in nhũ vàng, giấy dày, khổ chữ to, hình minh họa đẹp đẽ và hợp với không khí cổ tích. Tuy nhiên, mình thấy nội dung của nó khá kén người đọc. Ngày nay, người ta gần như mặc định truyện cổ tích chỉ dành cho trẻ con, vậy thì chắc chắn nhiều bậc phụ huynh sẽ từ chối mua quyển sách này vì cái kết không có hậu của Cô bé Khăn Choàng Đỏ hay là ý nghĩ loạn luân của vua cha trong Da Lừa. Người lớn cũng từng đọc truyện cổ tích lúc bé, nên họ sẽ cảm thấy quyển sách với những tựa truyện quen thuộc này không gây được nhiều hứng thú. 

Những sự khác biệt trong phiên bản của Perrault không gây ra sự thay đổi nào về ý nghĩa câu chuyện so với phiên bản của anh em Grimm mà mình đọc lúc bé. Với góc nhìn của một người lớn, mình nhìn thấy khía cạnh khác trong những câu chuyện này. Mình không còn quan tâm đến những cái kết có hậu hay những mối tình đẹp như mơ giữa hoàng tử và công chúa như thời thơ bé nữa.

Chẳng hạn như kết thúc ở cảnh con sói nuốt chửng Khăn Choàng Đỏ, dường như Cô bé Khăn Choàng Đỏ muốn nhắc nhở mình rằng phải cẩn thận với những kẻ có miệng lưỡi lắt léo, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Chẳng có bác thợ săn nào xuất hiện cả. Không phải lúc nào cũng có anh hùng sẵn sàng cứu mình khỏi sự ngây thơ cả tin, nên mình phải tự học cách chống chọi với thói đời gian xảo ngoài kia.

Còn truyện Nàng Lọ Lem hay là chuyện về đôi giày da sóc và truyện Con mèo thầy hay là chuyện Mèo đi ghệt cho mình thấy rằng sống đức hạnh như Lọ Lem hay là thông minh khéo léo như Mèo thì sẽ nhận được kết quả tốt đẹp xứng đáng. Cả hai đã vươn lên được tầng lớp quý tộc nhờ lấy lòng những người thuộc tầng lớp ấy. Nhưng mặt khác, mình cũng thấy được vì sao người ta dễ dàng thu hút kẻ khác nhờ “phông bạt”. Quý tộc thì vốn chỉ thích sự hào nhoáng chứ chẳng phải đức hạnh hay sự thông minh nên họ dễ dàng bị sự hào nhoáng của Lọ Lem và Mèo đánh lừa. Nếu không có sự hào nhoáng ấy, chắc gì hoàng tử đã để mắt đến Lọ Lem, chắc gì đức vua đã chịu kết thân với chủ nhân của Mèo?

Trong lúc đau đớn vì cảnh góa bụa, đức vua trong truyện Da Lừa đâm quẫn trí muốn cưới đứa con gái xinh đẹp của mình. Để thoát khỏi vua cha, nàng công chúa Da Lừa buộc phải bỏ trốn và làm cho ngoại hình của mình trông xấu xí. Nhưng, cũng chính vì vẻ ngoài nhếch nhác mà nàng phải nghe bao lời ác ý thô tục. Vậy mới thấy, người quá xinh đẹp hay quá xấu xí đều phải chịu khổ trước cách hành xử của những người xung quanh.

Riquet Có Bờm là truyện mình thích nhất trong cả năm truyện, chắc là vì mình chưa đọc truyện này bao giờ. Ý nghĩa của nó rất đơn giản: tình yêu có thể lấp đầy những khiếm khuyết của một con người.

Mình nghĩ truyện cổ tích không nhất thiết phải ẩn chứa bài học bên trong nó. Việc cố hiểu câu chuyện đang muốn nói gì chỉ là một thói quen của mình. Bỏ qua màn suy ngẫm sâu xa thì đây là một quyển sách có tính giải trí khá ổn. Mình rất thích cách dịch trong quyển sách này: ngôn từ đẹp, văn phong mượt mà và đậm chất cổ tích. Thật đáng tiếc là quyển sách này chỉ có năm truyện, vì mình rất tò mò muốn biết thêm những truyện còn lại của Perrault.

Triết gia người Pháp Marc Soriano từng cho rằng Charles Perrault là tác giả cổ điển không được đánh giá đúng tầm nhất. Vì những truyện cổ ấy quá nổi tiếng, các nhân vật Cô bé Khăn Choàng Đỏ, Lọ Lem hay Mèo đi ghệt quá quen thuộc trong văn hóa đại chúng của toàn thế giới, nên rất ít người biết đến phiên bản truyện cổ của ông. Mọi người đều nghĩ rằng bác thợ săn sẽ xuất hiện sau khi Khăn Choàng Đỏ bị sói nuốt vào bụng, hay đôi giày của Lọ Lem là giày thủy tinh chứ không phải giày da sóc như trong truyện của Perrault.

Dẫu sao truyện cổ tích cũng thuộc về nhân dân và ai cũng có thể kể lại phiên bản cổ tích của riêng mình, nên việc phiên bản của Perrault không còn phổ biến như trong thời đại của ông cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của vị tác giả này.

Việc thưởng thức truyện cổ tích có lẽ không còn phù hợp với bản thân mình nữa, song trưng bày Truyện cổ Perrault - Cô bé Khăn Choàng Đỏ trên kệ sách sưu tầm của mình là một điều hoàn toàn xứng đáng.

Chấm điểm: 9/10.

  • 3177
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1456

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)