Gốc cây kì lạ tuy không còn lá và cành nhưng vẫn có thể duy trì sự sống.
Một gốc cây không cành, không lá thường sẽ khó mà sống sót do quá trình trao đổi CO2 và oxy duy trì sự sống đã kết thúc. Tuy nhiên, trong một khu rừng ở New Zealand, người ta đã phát hiện ra một gốc cây tùng bách trơ trọi tưởng chừng như đã chết, nhưng bất ngờ thay, sự sống trong nó vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày.
“Tôi và đồng nghiệp đã tình cờ bắt gặp gốc cây này khi đang đi bộ đường dài ở phía Tây Auckland,” Giáo sư Sebastian Leuzinger của trường đại học công nghệ Auckland nói, “Thật kì lạ bởi vì gốc cây vẫn sống mặc dù không còn chút lá nào.”
Gốc cây có các mô sẹo hình thành trên miệng vết gãy, nhựa tiết ra cũng là minh chứng của sự sống vẫn đang tiếp tục. Hai nhà nghiên cứu đã nhanh chóng nghĩ đến trường hợp mặc dù gốc cây này không thể tự mình sống sót, nhưng nó đã nhận được sự giúp đỡ từ những cây khỏe mạnh khác xung quanh.
Các cây trong rừng thường kết nối với nhau bởi một mạng lưới ngầm dưới mặt đất. Mạng lưới này bao gồm các loại nấm cộng sinh có nhiệm vụ như một đường truyền giúp cây cối trao đổi chất dinh dưỡng và các thông tin cần thiết. Đôi khi, các cây cùng loài gần nhau sẽ trực tiếp ghép rễ với nhau, tạo thành một “siêu tổ chức” thay vì chỉ là những cây riêng lẻ.
Để chắc chắn suy đoán của mình là đúng, hai nhà nghiên cứu đã tiến hành đo chuyển động của nước và tìm ra sự liên hệ giữa gốc cây và các cây khác xung quanh. Điều đó chứng tỏ rằng các cây gần đó đã nhận ra mô rễ của gốc cây tương thích để thiết lập mối quan hệ, từ đó bắt đầu ghép rễ để trao đổi tài nguyên.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao các cây khác lại chịu ghép rễ với một gốc cây trơ trọi trong khi dường như không còn có thể nhận được lợi ích nào từ nó nữa?
Giải thiết đầu tiên đặt ra là có thể sự liên kết đã diễn ra trước khi cây tùng bách này chỉ còn lại gốc. Sau đó vì các cây khác trong hệ thống không nhận ra nó đã chết nên vẫn tiếp tục quá trình trao đổi nước và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên cũng có thể sự liên kết này chỉ mới diễn ra gần đây và ẩn chứa trong đó là những nguyên nhân không thể ngờ tới khác.
Việc ghép rễ mang đến rất nhiều lợi ích cho cây trong rừng. Đầu tiên, đây là cách cây cối mở rộng hệ rễ, tạo thành một liên kết bền chặt, giúp chúng đứng vững hơn khi mọc trên địa hình sườn dốc, đặc biệt là với những loài cây có độ cao lên đến 50m như tùng bách.
Thứ hai, đối với nhưng cây phát triển xa nguồn nước hoặc ở khu vực đất nghèo chất dinh dưỡng, ghép rễ sẽ giúp chúng tăng cơ hội sống sót bằng cách rút nước từ các rễ khác trong hệ thống liên kết. Tuy nhiên điều này cũng mang lại rủi ro khá lớn vì chỉ cần một cây trong hệ thống bị bệnh, những cây khác cũng sẽ nhanh chóng nhiễm bệnh theo.
Leuzinger cho biết thêm rằng mặc dù ghép rễ xảy ra rất phổ biến ở các cây khỏe mạnh nhưng hiếm có trường hợp nào may mắn như gốc cây tùng bách này. Nhóm nghiên cứu của ông vẫn đang cố gắng để tìm ra những bí mật quan trọng hơn đằng sau cơ chế ghép rễ của cây và rất có thể từ đó sẽ đưa đến những giải pháp giúp ngăn chặn rủi ro và phục hồi rừng sau khi bị tàn phá bởi các thảm họa thiên nhiên.
- 2393
- 0Bình luận