logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Lá Thư Hè – Lặng ngắm nhân gian qua ô cửa nhỏ

Lá Thư Hè – Alphonse Daudet

Lặng Ngắm Nhân Gian Qua Ô Cửa Nhỏ

“Đây chính là tác phẩm tôi thích nhất, không phải về phương diện văn chương mà bởi tác phẩm này đã nhắc tôi nhớ những giờ khắc đẹp đẽ của tuổi trẻ, những trận cười điên cuồng, hững phút say mê không hối tiếc, những bộ mặt, những bóng dáng bạn bè mà sau này tôi không còn gặp lại bao giờ.”

(Alphonse Daudet nói về Lá Thư Hè)

Nhà văn Alphonse Daudet với hai truyện ngắn Những Vì SaoBuổi Học Cuối Cùng vốn đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Không chỉ góp mặt trên những trang sách giáo khoa của lứa trẻ, tên tuổi ông còn đi vào lời ăn tiếng nói qua cái tên Phố "Đô-đê" - hay Phố Sách Đinh Lễ hiện tại, vốn là một kỉ niệm khó quên với người Hà Nội yêu sách từ lâu.

Sinh năm 1840 tại Nimes, Pháp, Daudet đã nếm mùi đời từ rất sớm khi phải trải qua tuổi thiếu thời gian khổ với gánh nợ tiền bạc chồng chất cùng sự đổ vỡ trong gia đình. Nhưng chính nhờ trải nghiệm quý báu đó đã đúc thành một nhà văn yêu chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần bác ái, thể hiện qua cuốn tiểu thuyết bán tự truyện Thằng Nhóc (Le Petit Chose). Lá Thư Hè (Lettres de Mon Moulin) ra đời một năm sau đó, sóng đôi cùng cuốn tự truyện đầu tiên, đã tạc nên cho ông một tượng đài văn học bất diệt, mà tiếng vang vẫn còn vọng mãi đến các hậu bối xuất sắc như Emile Zola, Gustave Flaubert, thậm chí là Anatole France (chủ nhân giải Nobel Văn Học 1921).

“Cuộc sống, chính cuộc sống lúc thì có những tính cách anh hùng lúc lại bình thường yên ả nhưng bao giờ cũng là những biểu hiện có nhiều cá tính nhất dâng nhìn chúng ta từ mỗi trang truyện ngắn của Daudet”

(A.P. Chekhov)

Trong tập truyện nhỏ xinh chưa đầy 200 trang này, bạn sẽ gặp những con người kì lạ, trú ngụ tại một góc nhỏ xa lạ và bị quên lãng giữa thế giới, với những tính cách trìu mến và đong đầy tình yêu với quê hương, với thiên nhiên, với cuộc đời tự do tưởng chừng đã bị vùi lấp trong cuộc sống hiện đại này. 

Lá Thư Hè khởi đầu bằng sự kết thúc, sự đoạn tuyệt với một quãng đời nhạt nhòa và vô vị. Đó là cuộc đời của chính Alphonse Daudet, một nhà văn chán chường cuộc sống phồn hoa đô hội ở Paris, quyết tâm bỏ lại sau lưng tất cả đề tìm về miền quê Provence yên bình. 

Người ta nói “Cái chết chỉ là sự bắt đầu” quả không sai, chính tại nơi đây, Daudet tìm thấy một cái tôi mới, một bản thể tách rời đầy thi vị và lãng mạn trong tâm hồn văn chương lai láng của mình. Lắng mình trong một cối xay gió cũ kĩ bỏ hoang, bằng đôi mắt tinh tường, với khung cửa cũ sờn, ông khám phá ra một thế giới đầy màu sắc rất đỗi thân thuộc và nên thơ, một thế giới mơ tưởng mà có lẽ chỉ còn lưu lại những hơi thở hấp hối trong nhịp sống hiện đại.

Chỉ tại nơi đây, bạn mới có thể lắng nghe các chú mục đồng kể chuyện những vì sao, về những lễ nghi và những lời cầu nguyện cổ xưa đong đầy sự an ủi dành cho người đã khuất.

“Nếu đã từng qua đêm ở ngoài trời, bạn hẳn biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, cả một thế giới bí mật hiện ra trong yên lặng và cô tịch. Lúc đó suối hát nghe thanh hơn, hồ ao lóng lánh lửa nhỏ. Các thần núi đi lại tự do; trong không khí có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất nhỏ, tưởng chừng như người ta nhìn thấy cành cây dài ra, cỏ mọc cao lên. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, nhưng ban đêm là của tĩnh vật…”

“Tôi nhìn cô ngủ, lòng xao xuyến, nhưng may được các vì thánh che chở trong buổi tối an lành này, với toàn ý nghĩ thật đẹp đẽ. Chúng quanh chúng tôi, các vì sao tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ, ngoan ngoãn như một đàn cừu khổng lồ. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như một vì sao trong số đó, vì sao xinh đẹp nhất, rực rỡ nhất, đã lạc đường, sa xuống vai tôi mà ngủ yên lành”

(Những vì sao)

Chỉ tại nơi đây, bạn sẽ được diện kiến một gương mặt nước Pháp của thời xa vắng. Đó là đất nước của những người Gaulois cố chấp, hoài cổ với truyền thống dân tộc, mặc cho thời thế xoay vần, họ vẫn bám trụ trên mảnh đất quê hương, với chiếc cối xay gió cũ kĩ, dạy cho hậu thế những bài học cuộc sống sâu sắc. Là tiếng lòng của những người nông dân hàng ngày bám đất bám nghề truyền thống như Cornille (Bí mật của lão Cornille), là cuộc đấu tranh sinh tồn muôn thuở với mẹ thiên nhiên (Con dê của ông Seguin),...

“Mọi vật trên đời đều có lúc cáo chung, thời cối xay gió đã qua rồi, cũng như thời của những xà lan ngựa kéo trên sông Rhône, thời của các hội nghị chư hầu và của những chiếc áo dài đuôi có thêu hoa lớn…”

(Bí mật của lão Cornille)

Họ đã sống, đã trưởng thành và già đi, đã tắm mình mỗi ngày trong những giọt nắng ngọt vùng Provence, trong những cơn gió mát rượi từ các cối xay, trong hương đồng cỏ nội thân thương hữu tình. Qua lời kể tâm tình của Daudet, họ trở thành những nghệ nhân, những lớp người tinh hoa chỉ thuộc về một và chỉ một mình cõi đồng nội hoang vu. Đó là xứ Provence, một góc nhỏ xinh giữa lòng thế giới, một góc nhỏ khoáng đạt và tràn đầy tình nhân loại, và có chăng cũng là biểu tượng của khát khao một bến bờ hạnh phúc thường trực trong lòng chúng ta, trong lòng tôi và bạn, trong cuộc đời hối hả và toan tính này. 

Cuộc đời đôi khi có nhiều ngã rẽ kì lạ lắm thay! Ở Paris, Daudet còn là cây bút lãng mạn của giới thị dân, vậy mà đến Provence, ông dứt bỏ mọi thứ để trở thành kẻ lãng du phiêu bạt, rong ruổi khắp chốn tìm kiếm vẻ đẹp muôn màu của thế giới như chú ngựa hoang được thả tự do về đồng hoang. Và tôi đã nghĩ, liệu rằng, Daudet viết Lá Thư Hè còn để ngầm nhắc nhở chúng ta luôn cần có những khoảng lặng trong cuộc đời này. Hãy bước chậm lại giữa thế gian vội vã, hãy tìm về một chốn quạnh hiu, dù chỉ trong tưởng tượng, để thấy lòng mình khuây khỏa hơn giữa cuộc đời bận rộn. Bởi chỉ khi như vậy, bạn mới nhận ra, mình đã bỏ lỡ biết bao nhiêu khóm hoa nở rộ trên bước đường đời.

Nhà phê bình Lanson từng nói, Daudet có biệt tài trong việc miêu tả những gì lưu luyến đến thiện cảm của mình. Thật vậy, khi đọc Lá Thư Hè, tôi cảm nhận rất rõ tấm lòng hướng thiện đối với những con người nghèo khổ, sự lưu luyến mê say với cây cỏ, với muôn thú và với bầu không khí mát lành của một làng quê thanh bình miền nam nước Pháp. Càng đọc, càng đắm say. Càng đọc, càng cuốn hút. Mị lực của Daudet đến từ những điều bình dị, những điều xưa cũ của tuổi thơ, của quê hương, và dĩ nhiên, của sự nâng niu kính trong từng con chữ, từng cảnh vật, từng bóng hình đi qua cuộc đời của chính tác giả.

ĐÁNH GIÁ: 3/5*

15/2/2022

  • 2558
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1248
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)