logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie: Bài học không bao giờ cũ về tình yêu và lòng bao dung

“Sức ảnh hưởng của những người thầy kéo dài vĩnh viễn, không giới hạn.”

  • Henry Adams

Gấp lại cuốn sách Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie, lòng mình trào dâng những cảm xúc thật khó tả. Thật kì lạ là mình cảm thấy, dường như bản thân vừa có thêm một người thầy, dù người ấy chưa từng trực tiếp giảng dạy mình và chúng mình chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời: Mình chỉ là một người quan sát câu chuyện của người đàn ông ấy trên bề mặt chữ viết mà thôi.

Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie (tên gốc: Tuesdays with Morrie) là cuốn hồi ký của Mitch Albom, một tác giả, người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng, thành viên của nhiều tổ chức từ thiện, viết về những bài học cuối cùng mà anh học được từ người thầy giáo mắc bệnh hiểm nghèo của mình - thầy Morrie Schwartz. 

Ngay từ khi mới còn là một bản thảo đang trong quá trình hoàn thiện, cuốn sách đã được nhiều nhà xuất bản quan tâm và số tiền nhuận bút ứng trước đã giúp thầy Morrie chi trả khoản viện phí khổng lồ. Sau khi thầy mất, tác phẩm này càng ngày càng khẳng định giá trị và sức sống của nó khi được dịch ra ba mươi mốt thứ tiếng, được chuyển thể thành kịch và phim truyền hình. Với tất cả lòng biết ơn và tình yêu thương, Mitch Albom đã ghi lại những tiết học mang tên Ý Nghĩa Cuộc Đời mà thầy Morrie lên lớp với riêng anh vào những năm cuối đời. Họ cùng nói về tình yêu, gia đình, sự tha thứ, cái chết, niềm tiếc nuối… từ đó rút ra những chân lý, giá trị sống thật nhân văn và tốt đẹp.

“Thầy Morrie nhận án tử vào mùa xuân năm 1994.”
Mitch Albom

Chứng xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) đến với thầy Morrie và ở lại bên thầy như một sự đọa đày của số phận: Căn bệnh này sẽ dần khiến các cơ quan của thầy không thể vận hành như bình thường. Thậm chí vào một lần lên sóng truyền hình, thầy Morrie đã nói một câu như thế này, “Sớm thôi, sẽ có ngày tôi phải nhờ ai đó chùi mông cho mình.”

Từ một vị giáo sư thích khiêu vũ, luôn đứng trên giảng đường với sự tận tâm và lòng bao dung, giờ đây đôi chân thầy Morrie không thể thực hiện chức năng vốn có của nó nữa, thầy phải ngồi xe lăn và bắt đầu phụ thuộc vào người khác trong việc sinh hoạt, như một đứa trẻ vậy. Bạn có tưởng tượng được không? Khi các cơ bắp dần mất kiểm soát và bạn thậm chí còn không thể tự ăn, không thể đi, không thể đưa tay ôm lấy những người mà mình yêu quý. Càng ngày căn bệnh quái ác càng trở nên nghiêm trọng và ăn mòn sức khỏe của người mắc nó… Những người mắc chứng ALS biết rằng cái chết đang đến gần, nhưng họ lại không có cách nào để ngăn chặn cái chết ấy. Đó chính là điều đã xảy ra với thầy Morrie. Tuy nhiên, thầy không nỗi sợ hãi lấn át mình. Dù chỉ còn một ngày để sống, thầy cũng muốn một ngày đó là một ngày thật ý nghĩa. Thầy luôn muốn lan toả tình yêu và năng lượng tích cực đến tất cả mọi người.

Khi còn ở trường học, tác giả Albom là một trong những học sinh rất thân thiết với thầy. Vào ngày tốt nghiệp, anh cũng đã hứa sẽ về thăm thầy, thế nhưng cuộc sống của người trưởng thành gần như biến lời hứa ấy của anh thành hư vô. Anh trao mình cho công việc, danh vọng, tiền bạc, để rồi sau đó cảm thấy trống rỗng và không thật sự hiểu điều mình muốn là gì. Ngay lúc ấy, thầy Morrie xuất hiện trên truyền hình và Albom chợt nhớ ra lời hứa với vị giáo sư già. Anh bèn lái xe về nơi mình đã không trở về kể từ thuở thiếu niên và bầu bạn với thầy Morrie - hay nói đúng hơn, là học cùng thầy những tiết học cuối cùng mang tên Ý Nghĩa Cuộc Đời.

“Khi em lớn lên, em học được nhiều hơn. Nếu em cứ mãi ở tuổi hai mươi hai, em sẽ luôn là chàng thanh niên hai mươi hai tuổi ngờ nghệch. Lão hoá không chỉ là sự mục rữa. Nó là sự trưởng thành. Dù mặt trái của nó là khiến em tiến dần đến cái chết, mặt tích cực là em hiểu rằng mình sẽ chết, và em sống cuộc đời tốt đẹp hơn vì lẽ đó.”
Mitch Albom

Có một điều mình thấy rất hay trong những triết lý và cách sống của thầy Morrie là: Dù có xuất phát từ đâu chăng nữa, tất cả đều sẽ quay về với tình yêu thương. Vì sao Albom cảm thấy trống rỗng khi anh đã có những thứ mà biết bao người mơ ước? Vì “Cho đi chính là sống”. Thầy Morrie đã nói với Albom thế này, khi anh đến thăm thầy vào một ngày thứ Ba và cùng nói về tiền bạc: Thứ khiến Albom cảm thấy thỏa mãn không phải vật chất, mà là “trao cho người khác điều cần trao”.

“Thầy không ám chỉ tiền, Mitch ạ. Ý thầy là thời gian. Sự quan tâm của em. Câu chuyện của em, Không khó đâu. Có một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở gần đây. Hàng chục người cao tuổi đến đây mỗi ngày. Các thanh niên trẻ trung và có kĩ năng thường được mời đến dạy học. Ví dụ em giỏi tin học, em sẽ dạy các cụ cách dùng máy vi tính. Em được chào đón nồng hậu, các ông bà già rất biết ơn em. Em nhận được sự tôn trọng bằng cách trao đi thứ em đang có.”

Mình rất cảm phục thầy Morrie. Nếu đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu  vì sao mình lại cảm thấy như vậy. Dù bị căn bệnh quái ác giày vò và giành giật từng giây từng phút với Tử thần, song thầy Morrie vẫn muốn mang đến những gì tốt đẹp nhất cho mọi người. Thầy lắng nghe câu chuyện của người khác, an ủi họ và đưa ra lời khuyên. Có lần Albom đã hỏi, vì sao thầy cứ phải luôn cố gắng vì vấn đề của người khác như vậy, trong khi vấn đề của thầy lại lớn hơn họ rất nhiều (nhiều vị khách đến thăm với mục đích ban đầu là an ủi và chia sẻ với thầy Morrie, nhưng không ít người đã tâm sự với thầy chuyện đời mình và bật khóc, sau đó được thầy an ủi ngược lại), thì thầy Morrie đã trả lời thế này: “Cho đi mới giúp thầy thấy mình đang sống.”

Điều mà thầy Morrie sợ không phải là cái chết, mà là sự lãng quên. Qua những bài học của thầy, mình hiểu thêm được nhiều điều, rằng cái chết sinh học không phải sự kết thúc, sự sống thật sự là niềm thương nỗi nhớ được lưu giữ và lan tỏa qua tâm hồn và con tim của những người ở lại. Như nhà thơ mà thầy Morrie yêu thích từng nói, “Yêu thương nhau đi, hoặc là chết”. Chúng ta tồn tại trên thế giới này không chỉ để sống cho cá nhân, mà còn là sống cho những người xung quanh, và đó cũng là cách để ta cảm thấy sự sống của bản thân có ý nghĩa. 

Những Bài Học Của Thầy Morrie không phải những bài học xa lạ. Thậm chí đó là những điều ta vẫn nghe hàng ngày: Hãy yêu thương nhau, hãy giúp đỡ người khác, hãy sống hết mình và trở thành một người tốt… Nhưng cách bày tỏ và tiếp cận vấn đề của thầy Morrie và chính tác giả Mitch Albom khi viết lại chúng rất có khả năng khơi gợi cảm xúc và tình cảm nơi người đọc. 

Vào những ngày cuối năm 2021, mình nhận được cuốn sách này từ một người chị. Chị nói rằng đây là một câu chuyện có khả năng làm thay đổi suy nghĩ của người đọc nó (theo nghĩa tích cực), vậy nên mình đã đọc Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie rất cẩn thận. Sự quên lãng mà thầy Morrie hằng lo lắng đã không xảy ra, bởi người ta vẫn đón nhận và nhớ đến thầy qua các bài học, giá trị mà thầy đã mang đến thế giới này. Mitch Albom, nhờ những buổi học cuối cùng với thầy đã mở rộng lòng mình hơn, anh tham gia các tổ chức từ thiện và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, anh miệt mài học cách yêu thương mỗi ngày, cho đi và nhận lại. Còn mình, sau khi đọc xong cuốn sách này, lòng mình trào dâng một niềm hân hoan rất đỗi lạ kỳ, bởi điều mà thầy Morrie muốn nói cũng chính là điều mình tin tưởng và theo đuổi lâu nay: Tình yêu là điều đẹp nhất thế gian. Tình yêu kéo chúng ta xích lại gần nhau, khiến ta cảm thấy mỗi ngày thức dậy đều thật giá trị và đáng sống.

Mình tin rằng dù bạn là ai, khi đọc cuốn sách này, bạn cũng có thể góp nhặt được cho bản thân một điều gì đó, dẫu chỉ là rất nhỏ. 

Mong bạn luôn sống vui và hạnh phúc với tình cảm của bản thân và thế gian.

Đánh giá: 4/5

V.H

  • 3095
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
721
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)