logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân - Khúc nhạc ngân lên từ những kiếp người

Tác giả: Sơn Táp

Dịch giả: Cénacle A

Đất nước Trung Quốc với bề dày hàng nghìn năm lịch sử là nguồn tư liệu tuyệt vời để những người nghệ sĩ đưa vào những tác phẩm nghệ thuật của mình. Từ thơ ca, điện ảnh, hội họa cho đến văn chương, ta bắt gặp không ít những tác phẩm lấy đề tài từ lịch sử. Và nữ nhà văn trẻ người Pháp gốc Hoa - Sơn Táp đã viết nên Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân như một sự hòa quyện giữa đề tài trên kết hợp với cảm hứng đến từ cây đàn cổ cầm – một nhạc cụ mang đậm tính truyền thống dân tộc. 

Sơn Táp sinh năm 1972, xuất thân từ một gia đình tri thức cao cấp ở Bắc Kinh, năm 14 tuổi cô đã giành được giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc. Trước khi định cư tại Pháp, nữ nhà văn trẻ này đã xuất bản được 4 tập thơ. Văn chương của cô là tiếng nói của tình yêu, lãng mạn và sự tồn tại. Với thanh âm ngân lên từ Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân, cô đã làm sống dậy từng nốt nhạc trầm buồn, từng tiếng  gảy của cây đàn cổ cầm ở thời kỳ phân tranh, chia cắt lãnh thổ của dân tộc Trung Hoa, từ những năm 400 đến 580…

Tiếng đàn cổ cầm vang lên mơ hồ trong tâm khảm, đưa người đọc đến với những trang đầu tiên. Năm 400, triều Đông Tấn, với hình ảnh Bà Mẹ Trẻ đang trong cơn thập tử nhất sinh, chuẩn bị lâm bồn giữa làn mưa tên lửa đạn của chiến tranh. Giữa cơn đau và nỗi tuyệt vọng, những dòng suy tư về nửa cuộc đời trước đó hiện lên trước mắt nàng… Bà Mẹ Trẻ vốn là một tiểu thư xinh đẹp của tầng lớp thượng lưu, tuổi thơ nàng là những ấm trà nóng mỗi sáng sớm, là những lò than ấm áp hàng đêm, hay là làn vải lụa mềm mại, thanh khiết và cao quý. Gia tộc của nàng là hình ảnh quen thuộc mà ta có thể thấy trong phim cổ trang Trung Quốc, với người ông uy nghi phép tắc, người cha phóng khoáng tự do, yêu đàn và thích giao du với tầng lớp thấp hơn, và một người mẹ công dung ngôn hạnh, và đương nhiên, là không có tiếng nói trong gia đình. 

Những tưởng cuộc đời nàng sẽ êm đềm trôi đi như cánh hoa nhẹ bay bên bờ Dương Tử, thì chiến tranh ập đến. Nàng bị một tên lính bắt cóc, và bỗng dưng trở thành vợ phục vụ cho tên lính ấy mà không có cơ hội được khoác trên mình bộ hỷ phục lộng lẫy. Nàng theo hắn rời xa gia đình mà không kịp nói lời từ biệt, chỉ kịp mang theo chiếc rương có cây đàn cổ cầm mà nàng yêu thích. Tương truyền rằng đây là cây đàn của nàng Sái Văn Cơ hơn 200 năm về trước vào thời nhà Hán, cây cổ cầm chứng kiến nỗi đau khổ của nàng ấy khi phải rời xa quê hương, lưu lạc vùng đại mạc, muốn về mà không thể về. Bây giờ cây đàn này lại nằm trong tay Bà Mẹ Trẻ, phải chăng điều đó báo hiệu cho số phận truân chuyên, buồn khổ sắp tới của nàng chăng?

Tôi chợt nghĩ rằng, những đau khổ của Bà Mẹ Trẻ ấy một phần do chiến tranh khốc liệt, nhưng lý do chính là từ những quy củ phép tắc thời phong kiến, người phụ nữ không có giá trị, và cũng chẳng có tiếng nói. Bị cưỡng ép như thế nhưng nàng và mẹ nàng không một lời dám phản kháng, chỉ biết nuốt nước mắt chấp nhận số phận, sau một đêm đã thành vợ của người ta, hầu hạ chải tóc cho kẻ cưỡng ép mình, sợ hắn nổi giận nên chỉ biết cúi đầu. Từ đó, nàng đi theo hắn, từ lúc còn là thân phận thấp hèn chịu đói khát khổ cực, cho đến khi trở thành phu nhân cao quý của Tổng Đốc quyền thế, không một lần đấu tranh. Đáng thương, và cũng đáng trân trọng thay, Bà Mẹ Trẻ vẫn cố giữ lại dù chỉ một ít phong thái thượng lưu đài các, cao quý ôn hòa, nàng vẽ tranh, làm hòn non bộ trong sân, chơi đàn cổ cầm. Những điều đó như những cố gắng nhỏ nhoi hằng mong giữ lại cốt cách của con người mình trước thời cuộc.

Để đến khi nàng gom hết dũng khí, đứng lên đấu tranh, dám nói “không” để bảo vệ những đứa con mà nàng hết mực yêu thương, cũng là lúc phu quân nàng đã tiến quá cao trên nấc thang quyền lực, lúc này mọi thứ đã quá muộn màng. Không mang nỗi khổ như Sái Văn Cơ, nỗi khổ mà chủ nhân tiếp theo của cây cổ cầm này phải gánh chịu dường như là sự bất lực muốn giữ lại cuộc đời thanh cao giữa mùi máu tanh nồng của bài toán chính trị, một khao khát được nhìn thấy cảnh sắc thanh khiết bình yên, lắng nghe từng tiếng đàn, cảm nhận độ rung khe khẽ của từng sợi dây đàn khi ngân lên…

Xen giữa những trang truyện đau thương về cuộc đời của Bà Mẹ Trẻ, người đọc lại được du hành thời gian đến tương lai gần 200 năm sau. Ta gặp Thẩm Phong, một nghệ nhân làm đàn cổ cầm đang loay hoay trước sự xoay chuyển của của thời thế. Lúc này, triều đình và cả dân chúng đều ưa chuộng nghe những bản nhạc hợp tấu giữa nhiều nhạc cụ, hơn là thưởng thức những thanh âm trong trẻo nhưng chứa đầy tâm sự từ đàn cổ cầm. 

Giữa lúc phân vân có nên nghe theo lời gian thương, làm giả đàn cổ cầm của nàng Sái Văn Cơ để kiếm bạc, cưới vợ hay không thì chàng đã bị một kẻ lưu manh – cũng là bằng hữu của chàng, rủ rê trộm mộ ở ngôi chùa Đại Bi nổi tiếng. Và dường như số phận đã an bài cho cuộc gặp gỡ đầy tính liêu trai, quỷ dị của chàng thợ đàn tâm huyết với vị hoàng hậu của triều đại từ 200 năm trước. Từ đây, đã không còn sự cách biệt về thời gian, không gian hay thân phận, chỉ còn lại sự gắn bó kỳ lạ giữa hai con người có chung niềm đam mê với cổ cầm. Giữa Thẩm Phong và người con gái ấy có phải tình yêu không? Tôi nghĩ là có, đó là tình yêu đến từ sự đồng điệu kỳ lạ trong tâm hồn, mà không cần bất kỳ ngôn từ nào để thể hiện. Chẳng phải ở Liêu Trai Chí Dị, cũng có rất nhiều mối tình âm dương, giữa ma quỷ và con người đó sao?

Cuối cùng Thẩm Phong đã gặp được “người con gái” nhiệt thành như lửa khi ở cạnh chàng, yêu thương say đắm chàng. Và nàng ấy, cũng đã gặp được một chàng thanh niên yêu đàn cổ cầm như sinh mệnh. Đàn cổ cầm, sau những tháng ngày chứng kiến bao nỗi đau khổ của kiếp người, thì nay đã được làm chứng nhân hạnh phúc cho một mối tình dù là quỷ dị…

Truyện không quá nhiều tình tiết gay cấn, bất ngờ. Chỉ là qua từng trang, với cuộc phiêu lưu thời gian đan xen qua từng chương, tôi hiểu rõ hơn một chút về những đấu đá chính trị khốc liệt. Để lên được ngôi báu, phải đánh đổi biết bao tình cảm trân quý, giẫm đạp lên bao nhiêu máu thịt của người khác, vậy mà luôn có những kẻ say mê quyền lực, sẵn sàng bất chấp tất cả để có thể ngồi lên vị trí mà bao người mơ ước cũng như sợ hãi ấy. Tôi đau xót với kiếp người phụ nữ, tài hoa xinh đẹp nhưng cả đời chỉ sống như một công cụ để người khác tìm người nối dõi, duy trì quyền lực.

Ngay cả Bà Mẹ Trẻ, đến tận cuối cùng tác giả vẫn không cho người đọc biết tên thật của nàng ấy, dường như đó không còn là một con người cụ thể, mà đó là đại diện cho thân phận của bao nhiêu người con gái thời kỳ phong kiến ấy. Còn cả những con người bất lực trước sự đổi thay của thời cuộc, chênh vênh không biết phải làm gì, dường như với họ, cụm từ “tự do” là một thứ gì đó xa xỉ và không tồn tại. Để rồi phải có những sự việc liêu trai thế này, họ mới thật sự được “sống” đúng với những gì họ từng mơ.

Đọc xong thiên truyện dài này, tôi tự nhủ: Tại sao lại là Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân? Phải chăng đó là sự thanh khiết, trong sáng, không che đậy bất cứ điều gì, không cần phủ lên bất cứ một thứ gì khác để làm nổi bật, chính bản thân cây đàn cổ cầm với bảy dây mà mỗi dây tượng trưng cho một yếu tố của xã hội và đất trời, đã đủ uy nghi, đẹp đẽ và đầy mê hoặc rồi. Thời gian luân chuyển, vạn vật đổi dời, bao kiếp người đến rồi lại đi, chỉ có cây đàn cổ cầm ấy bình thản mà gom góp hết những nỗi đau, những biến động thời cuộc, máu và nước mắt, để rồi càng làm dày thêm cho giá trị của nó. Mỗi dây ngân lên, như những nỗi lòng của kiếp người gửi gắm vào, đau đáu mà trong veo…

Sơn Táp viết Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân cứ như đang chơi đùa cùng những con chữ. Tôi ngỡ rằng, đây không đơn giản chỉ là những ngôn từ, mà chính là một bản nhạc mà cây đàn cổ cầm ấy đang cất lên qua từng trang sách. Những câu văn của cô không quá hoa mỹ màu mè, nhưng lại đẹp như trời thu bên bờ Dương Tử, rất mềm mại, uyển chuyển mà đầy suy tưởng. Có lẽ xuất thân từ một nhà thơ, cùng với niềm đam mê với âm nhạc đã giúp tác giả xây dựng nên một thế giới đầy đau thương nhưng lại đẹp đến nao lòng. Lật giở từng trang truyện, tôi càng lúc càng như lạc vào một không gian huyền ảo, đầy âm sắc của đàn cổ cầm.

Một tác phẩm hòa quyện vô cùng đẹp đẽ giữa thời cuộc, kiếp người và nghệ thuật, cùng một chút ma mị huyền ảo, khiến người đọc phần nào đó cảm thấy đau buồn và xót xa, nhưng nỗi buồn này thật sự rất đẹp. Gấp sách lại, không còn ám ảnh vì những nỗi đau ấy, mà trong tôi vẫn mênh mang mãi hình ảnh cây đàn cổ cầm đen bóng, kiêu sa với những thanh âm xé tan không gian, vượt qua trang sách mà vương vấn mãi về sau…

 Đánh giá cá nhân: 8.5/10

  • 3095
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1293
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)